Pháp: Cuộc chiến đầy khó khăn của Tổng thống Hollande

Thứ Hai, 04/04/2016, 15:45
Những nỗ lực của Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm tăng cường sức mạnh cho nhà nước trong cuộc chiến chống khủng bố đang gặp nhiều khó khăn do vấp phải trở ngại không chỉ từ phía các đảng phái đối lập mà ngay trong đảng Xã hội của ông.

Ngày 30-3, Tổng thống Francois Hollande đã phải chấp nhận một thất bại trong nỗ lực chống khủng bố của mình, từ bỏ việc thông qua một dự luật mà ông đề xuất từ ngay sau vụ khủng bố Paris ngày 13-11-2015. Theo dự luật, ông Hollande đề xuất tước quốc tịch Pháp đối với những kẻ phạm tội khủng bố và những kẻ đe dọa đến an ninh quốc gia Pháp nếu mang hai quốc tịch, không áp dụng đối với công dân chỉ mang quốc tịch Pháp. Đồng thời, dự luật cũng đề xuất đưa vào Hiến pháp Cộng hòa Pháp một điều khoản mới đặt ra thêm các điều kiện đặc biệt để tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống khủng bố.

Khi dự luật lần đầu tiên được giới thiệu trước hai viện quốc hội, một cuộc tranh cãi gay gắt đã bùng nổ. Các đảng phái cực hữu, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ủng hộ dự luật, vì theo họ đây có vẻ là biện pháp tốt nhất để tống khứ những người nhập cư mang hai quốc tịch ra khỏi nước Pháp. Nhưng những đảng phái chính trị trung và tả thì không đồng tình.

Lập luận của những người phản đối dự luật cho rằng quy định như vậy sẽ tạo ra một hệ thống xã hội tiêu chuẩn kép, kỳ thị chủng tộc và tạo ra cái gọi là “công dân chính thống và công dân hạng hai”, người này được hưởng quyền lợi công dân cao hơn người bị xem là công dân hạng hai. Do bị phản đối gay gắt, ông Hollande đã cho thay đổi câu chữ trong dự luật, sửa lại là tất cả mọi đối tượng đều bị tước quốc tịch, không loại trừ người chỉ mang quốc tịch Pháp. Nhờ thế, dự luật đã được Quốc hội Pháp thông qua.

Tuy nhiên, ngay cả khi dự luật tước quốc tịch được Quốc hội thông qua, chia rẽ vẫn phát sinh trong nội bộ đảng Xã hội. Tháng 1-2016, Bộ trưởng Tư pháp Christine Taubira đã từ chức để phản đối việc Tổng thống Hollande thông qua đạo luật này. Chưa hết, giờ đây Thượng viện Pháp lại yêu cầu sửa đổi từ ngữ trở lại như dự thảo ban đầu, có nghĩa là luật chỉ áp dụng với đối tượng mang hai quốc tịch.

Lý do được đưa ra là nếu áp dụng các biện pháp mới - tước quyền công dân ngay cả với người chỉ mang quốc tịch Pháp - sẽ vi phạm quy định của luật pháp về quyền con người châu Âu, đó là không được tạo ra những con người không có quốc tịch, không có nhà nước. Tranh cãi với lực lượng cánh tả lại xuất hiện. Lần này, cả hai viện Quốc hội đều không đồng tình với dự luật. Vì thế nó lại không được thông qua.

Thủ tướng Mauel Valls thừa nhận rằng, các biện pháp mà Tổng thống Hollande đề xuất trong luật thực chất chỉ mang tính hình thực mà thiếu đi tính thực tiễn. Bởi vì, theo ông Valls giải thích, những kẻ đe dọa khủng bố nước Pháp dường như không mấy bận tâm việc chúng có thể bị tước quốc tịch, bị mất hộ chiếu. Rốt cuộc, lợi ích mà dự luật hứa hẹn mang lại theo dự tính ban đầu của Chính phủ Pháp lại hóa ra “lợi bất cập hại”.

Phát biểu ngay sau cuộc họp nội các sáng 30-3, Tổng thống Hollande thừa nhận rằng những bất cập của dự luật đã vượt ngoài tầm kiểm soát, và vì thế ông chấp nhận khép lại cuộc tranh luận quanh dự luật.

Trong khi đó, giới chức an ninh Pháp vẫn ngày đêm cảnh giác, canh chừng bọn khủng bố hết sức cẩn thận. Nguy cơ khủng bố đe dọa nước Pháp chưa bao giờ chấm dứt, mà vẫn lởn vởn thường xuyên. Và sự đề phòng đó đã không thừa. Ngày hạ tuần tháng 3, cơ quan chức năng Pháp đã bắt giữ một nghi can tên Reda Kriket vì nghi tên này đang trong giai đoạn chuẩn bị âm mưu khủng bố.

Nữ Bộ trưởng Tư pháp Christine Taubira từ chức để phản đối dự luật của Tổng thống Hollande.

Trong quá trình điều tra, cơ quan an ninh đã tịch thu được tại căn hộ của Kriket một lượng lớn chất nổ và vũ khí. Kriket bị thẩm vấn và chuẩn bị hầu tòa. Kriket chính là một đồng phạm trong vụ tấn công Paris tháng 11-2015, bị tòa tuyên án vắng mặt.

Ngày 30-3, cơ quan chức năng Bỉ cũng thông báo bắt giữ 2 người Algeria có liên quan đến âm mưu của Kriket. Hai kẻ tình nghi này được xác định là Abderrahmane A. và Rabah M. Ngày 7-4 tới, tòa án Bỉ sẽ mở phiên xét hỏi hai tên này. Một kẻ thứ ba liên quan đến vụ việc Kriket cũng vừa bị bắt tại thành phố Rotterdam của Hà Lan.

Rõ ràng, tình hình thực tế đã chứng minh Tổng thống Hollande hoàn toàn đúng khi đề xuất các biện pháp mới nhằm hạn chế nguy cơ gây nguy hiểm của các phần tử cực đoan, khủng bố. Nhưng chính các biện pháp mà ông đưa ra lại không chứng minh được tính hiệu quả cũng như tính hợp pháp của chúng. Và thất bại trong việc thông qua dự luật mới sẽ tác động không nhỏ đến uy tín chính trị của ông Hollande, nhất là trong giai đoạn gần đến kỳ bầu cử Tổng thống Pháp 2017.

Thái độ và những động thái cứng rắn của ông sau vụ khủng bố Paris tháng 11-2015 đã giúp nâng uy tín của ông lên được đôi chút. Tuy nhiên, chính sự chia rẽ trong nội bộ đảng Xã hội hiện nay lại trở thành mối đe dọa lớn đối với ông. Cộng với sự kình chống của các đảng đối lập trung hữu và tình trạng cử tri bất mãn đối với hệ thống chính trị, tất cả sẽ tạo nên một nguy cơ thất bại mà ông Hollande khó có thể tránh khỏi trong kỳ bầu cử tới.

V.Trương
.
.