Pháp: Cuộc đọ sức giữa tổng thống và quân đội

Thứ Tư, 26/07/2017, 20:44
Cuộc khủng hoảng niềm tin giữa tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và quân đội đã khiến mức uy tín của ông lần đầu tiên sụt giảm kể từ khi bước vào Điện Élysée. Báo chí Pháp đa phần không ủng hộ quyết định của vị tân tổng thống trẻ tuổi và cho rằng làm như thế sẽ khiến nước Pháp thêm yếu đi.

Quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Pháp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Pierre de Villiers liên quan đến quyết định cắt giảm ngân sách quân đội. Ngày 11-7, Bộ trưởng Phụ trách ngân sách Pháp thông báo vào cuối năm 2017, quân đội phải tiết kiệm 850 triệu Euro mua sắm thiết bị, cho dù Tổng thống Macron cam kết là vào năm 2025, ngân sách quốc phòng sẽ tương đương 2% tổng sản phẩm nội địa Pháp.

Một ngày sau đó, phát biểu tại Ủy ban Quốc phòng Quốc hội, tướng Pierre de Villiers, đến tuổi nghỉ hưu nhưng vừa được Tổng thống chấp thuận ở lại vị trí này thêm một năm nữa, đã chỉ trích việc cắt giảm ngân sách trong bối cảnh quân đội triển khai lực lượng chống khủng bố ở nhiều địa bàn bên ngoài. “Tôi có thể ngu dốt, nhưng tôi biết khi nào mình bị lừa” - ông de Villiers nói.

Ngay lập tức, ngày 13-7, phát biểu tại Bộ Quốc phòng, Tổng thống Macron đã công khai nhắc nhở tướng de Villiers với những lời lẽ rất cứng rắn và thể hiện quyền lực: “Tôi cho rằng việc phơi bày trước công chúng một số cuộc thảo luận là không đúng đắn, không nghiêm túc. Tôi là tổng thống của các vị... Tôi không hề cần đến các áp lực và bình luận”.

Ông Macron kêu gọi có sự trung thành cũng như chấp nhận mệnh lệnh của ông. Tướng de Villiers, trên Facebook, nói rằng “không ai xứng đáng đến nỗi mọi người khác phải đi theo một cách mù quáng”.

Trong tuyên bố từ chức ngày 19-7, tướng Pierre de Villiers cho biết trong hoàn cảnh hiện nay ông không thể nào chu toàn nhiệm vụ được giao phó là “bảo đảm tính vĩnh cửu của mô hình quân đội Pháp hiện nay” để phục vụ cùng lúc nhiều sứ mệnh từ “bảo vệ đất nước và người dân chống lại các mối đe dọa đang đè nặng lên nước Pháp và châu Âu cũng như để phát huy ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Tham mưu trưởng Pierre de Villiers trong lễ duyệt binh nhân Quốc khánh 14-7-2017.

Ngay sau đó, phát ngôn viên chính phủ, Christophe Castaner, khẳng định việc bổ nhiệm tướng ba sao Francois Lecointre, nguyên phụ trách văn phòng quân sự của Phủ Thủ tướng, làm Tổng tham mưu trưởng liên quân, thay thế tướng năm sao Pierre de Villiers. Tướng Lecointre nhập chức chính thức vào ngày 20-7.

Sự kiện một tổng tham mưu trưởng liên quân từ chức là chuyện chưa bao giờ xảy ra trong Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp. Từ năm 1958 đến nay có bốn tướng tham mưu trưởng từ chức nhưng tất cả chỉ là tham mưu binh chủng: một vị hải quân và ba vị lục quân.

Báo chí Pháp những ngày qua đã có nhiều bình luận khác nhau. Báo Le Journal du Dimanche, cho rằng nếu có điều gì đó làm cho tổng tham mưu trưởng đối lập với tổng thống thì tổng tham mưu trưởng phải thay đổi.

Nhật báo lớn nhất của Pháp Le Monde trích dẫn cựu tổng tham mưu trưởng Henri Gentégeat, cho rằng: “Về cơ bản, quân đội phải phục tùng tổng thống và tổng thống có trách nhiệm khẳng định lại quyền lực của mình. Nhưng phương pháp của Macron gây tổn thương. Không thể công khai bày tỏ bất đồng như vậy đối với một vị tổng tham mưu trưởng trước mắt các thuộc cấp của ông”.

Vẫn theo tướng Gentégeat, thực ra, Tổng tham mưu trưởng de Villiers chỉ làm đúng bổn phận của ông khi bảo vệ ngân sách của quân đội. Tổng thống Macron sẽ hiểu ra điều này khi ông vào sân Điện Invalides để làm lễ tưởng niệm chiến binh Pháp đầu tiên thiệt mạng do thiếu thốn thiết bị quân sự và đến lúc đó, thì những lời chỉ trích sẽ nhắm vào tổng thống.

Le Monde tiếp tục dẫn lời tướng Francois Chauvancy nhận định rằng “Tổng thống Macron đã phá vỡ tín ước với quân đội”. Theo vị tướng này, lòng tin cậy bị mất khi ông Macron cho rằng sự bất bình của tướng de Villiers dường như là do vận động hành lang, gây sức ép của giới công nghiệp quân sự. Ông Chauvancy cho rằng nghĩ như vậy là không hiểu rõ Tổng tham mưu trưởng de Villiers.

Mặt khác, khi bày tỏ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, tướng de Villiers thực hiện đúng vai trò của mình. Có vị chỉ huy nào lại có thể chấp nhận việc giảm khả năng chiến đấu của quân đội với hậu quả nghiêm trọng là đe dọa sinh mệnh các binh sĩ.

Theo tướng Chauvancy, Tổng thống Macron đã thất bại trong đợt trắc nghiệm đầu tiên về ngân sách. Việc một vị tổng thống, tổng tư lệnh quân đội làm nhục một thuộc cấp, một tổng tham mưu trưởng, sẽ tạo ngờ vực và làm mất trọng tín trong giới quân sự.

Với tờ kinh tế Les Echos, từ khi bước vào Điện Elysée ngày 14-5-2017 đây là "khủng hoảng đầu tiên" Emmanuel Macron phải giải quyết. Sự đối đầu giữa quyền lực chính trị và quân đội là đề tài lý tưởng cho phe đối lập tấn công ông Macron.

Tờ Le Figaro trong bài xã luận mang tựa đề "Lỗi kép" cho rằng, Tổng thống Pháp tự bắn vào chân mình. Theo tờ báo thiên hữu này "lỗi kép đó" liên quan đến cả về mặt hình thức lẫn nội dung. Cốt lõi của vấn đề xoay quanh việc Bộ Tài chính dự trù cắt giảm ngân sách quốc phòng. Hiềm nỗi, từ nhiều năm qua, bên quân đội cũng như nhiều bộ phận khác đã phải thắt lưng buộc bụng trong lúc nhu cầu an ninh ngày càng lớn. Paris không thể bắt quân đội hy sinh mãi được.

Theo Le Figaro, về mặt hình thức, Tổng thống Macron phạm sai lầm là một cách công khai đã chỉ trích tướng de Villiers trong lúc công luận Pháp đang đứng về phía quân đội, trước thách thức khủng bố.

Les Echos khoan nhượng hơn với một vị tổng thống còn trẻ tuổi khi cho rằng chủ nhân Điện Elysée đang phải trả giá cho việc người tiền nhiệm đã mở ra quá nhiều mặt trận mới, thế nhưng "lực bất tòng tâm". Dù vậy tờ báo này cũng nhìn nhận là trong cách xử sự ông Macron đã vụng về, làm tổn thương bên quân đội.

Xã luận của tờ Libération thiên tả gay gắt cho rằng, cuộc đọ sức vừa qua, có thể là dấu hiệu cho thấy "Emmanuel Macron không sẵn sàng nghe bất kỳ một tiếng nói bất đồng nào". Dẫu sao, sự đối đầu giữa Điện Elysée với bên quân đội là cơ hội để các bên tả hữu tấn công Tổng thống Macron. Như ghi nhận của Le Figaro, chỉ trích mạnh mẽ nhất đến từ phía các cựu Bộ trưởng Quốc Phòng dưới nhiều đời tổng thống, tả cũng như hữu.

Cùng với việc chỉ trích Tổng thống Macron đã sợ công luận quên mất rằng ông mới là "xếp lớn", các tờ báo Pháp không quên nhắc lại lời của các chính trị gia đã ít nhiều giao tiếp hoặc làm việc trực tiếp với tướng Pierre de Villiers. Tất cả đều cho rằng, ông là một vị tướng tài, một người cương trực, và đáng tin cậy.

Thậm chí theo đánh giá của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gérard Longuet (2011-2012) trong suốt hơn 40 năm binh nghiệp, tướng de Villiers luôn đặt quyền lợi của quân đội lên trên sự thăng tiến của bản thân mình. Với nhật báo Công giáo La Croix, vị tướng 5 sao này thi hành phận sự khi ông lên tiếng bảo vệ ngân sách quốc phòng.

Tờ báo này nhắc lại nước Pháp đang huy động 30.000 lính trên nhiều mặt trận khác nhau ở trong và ngoài nước, trong khi đó, ngân sách quốc phòng lại liên tục bị giảm đi, đang tương đương với hơn 2% GDP hồi năm 2000, nay chưa bằng còn có 1,77%.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, cứ mỗi lần nhà nước phải cắt giảm ngân sách, thì Bộ Quốc phòng phải gánh chịu đến 40% khoản tiết kiệm đó. Le Figaro bồi thêm: đừng quên rằng nước Pháp đang phải đối mặt với chiến tranh - từ châu Phi sang Trung Đông, thế nhưng, các phương tiện tài chính lại không xứng tầm.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất được Viện Thăm dò dư luận Pháp (IFOP) thực hiện công bố ngày 23-7, chỉ số tín nhiệm đối với Tổng thống Pháp trong tháng 7 đã giảm mạnh so với tháng 6. Cụ thể, 54% người số người được hỏi tuyên bố hài lòng với ông Macron, giảm đến 10% so với tháng 6.

Le Figaro cảnh báo: Điện Elysée không nên đánh mất uy tín bằng những thái độ chứng tỏ uy quyền không đúng lúc. Ông Macron sắp cần đến uy quyền này trong nay mai vì phe cực tả và các nghiệp đoàn đang chờ cơ hội tuần trăng mật kết thúc để vùng dậy đối đầu trên đường phố. Tổng thống đừng hoang phí uy tín.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.