Pháp: Nicolas Sarkozy trở lại chính trường

Thứ Ba, 30/09/2014, 23:30

Với tỉ lệ người dân ủng hộ đảng Xã hội cầm quyền đang xuống thấp, mới đây cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố ông không thể đứng ngoài cuộc để chứng kiến đất nước đang chìm vào khó khăn. Sự quay trở lại chính trường của Sarkozy được coi là thách thức mới cho đương kim Tổng thống Francois Hollande và đảng Xã hội đang chia rẽ. Các chuyên gia phân tích nhận định sự trở lại của Sarkozy là dấu hiệu cho thấy ông có thể sẽ tham gia cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2017.

Hôm 19/9, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy công khai tuyên bố những gì mà người dân Pháp dự đoán từ nhiều tháng qua - đó là ông sẽ trở lại chính trường để đánh bại đảng Xã hội và thách thức Francois Hollande - Tổng thống hiện đang không được lòng dân - vào năm 2017.

Trong một bức thư gửi đến "những người bạn yêu quý của tôi" đưa lên trang Facebook của mình, Sarkozy nói rõ: ông không muốn đất nước phải chọn giữa bối cảnh tuyệt vọng hôm nay và viễn cảnh bị cô lập trong vô vọng - ám chỉ đến sự ủng hộ đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) đang tăng vọt.

Theo như báo chí đưa tin, FN đã gây choáng váng mọi người khi qua mặt đối thủ là đảng Liên minh vì phong trào Nhân dân (UMP) với 20,3% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra vào tháng 5/2014, trong khi đảng Xã hội (PS) cầm quyền thất bại nặng nề với chưa đến 15% số phiếu! Theo các chuyên gia phân tích, tỉ lệ ủng hộ FN cao gấp 4 lần so với năm 2009.

Jean-Francois Copé, Chủ tịch UMP, nhận định: Kết quả bầu cử chứng minh người dân Pháp không còn mặn mà với đường lối lãnh đạo của đương kim Tổng thống Francois Hollande và đảng PS của ông.

Sarkozy tuyên bố: Người dân Pháp phải quyết định vận mệnh đất nước, trong khi ông là người yêu nước nên không thể khoanh tay đứng nhìn và buộc phải giải cứu nước Pháp khỏi thảm họa! “Thực tế hiện nay cho thấy sau 2 năm rưỡi cầm quyền, Hollande đã thất bại trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị rối loạn nghiêm trọng, với tỷ lệ thất nghiệp (gần 11%) cao nhất trong ít nhất 15 năm qua và thâm hụt trong khu vực công (4,3%) vượt quá tiêu chuẩn 3% của Liên minh châu Âu (EU).

Một cuộc điều tra thăm dò thực hiện vào đầu tháng 9 tiết lộ tỉ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống chỉ có 13% - mức thấp nhất của bất kỳ lãnh đạo Pháp nào từ sau Thế chiến II. Ngày 18/9 vừa qua, trong cuộc họp báo Hollande thừa nhận: đang cố gắng lãnh đạo đất nước mặc dù "điều đó không dễ dàng gì". Hollande cũng nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục ở lại Điện Elysée cho đến hết nhiệm kỳ, bác bỏ lời kêu gọi từ khoảng 65% cử tri Pháp trong một cuộc thăm dò mới đây nêu ý kiến ông nên nhanh chóng rời khỏi chiếc ghế tổng thống.

Thông điệp của Sarkozy trên Facebook.

Mặc dù không ủng hộ Hollande, song vẫn chưa biết được liệu cử tri Pháp có ngả theo cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trong tương lai hay không. Trong bức thư hôm 19/9, Sarkozy cũng cho biết, ông sẽ giành chiếc ghế lãnh đạo đảng UMP và đây có thể coi là "bước dạo đầu" cho cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Cộng hòa Pháp vào năm 2017. Tuy nhiên, thách thức to lớn cho Sarkozy là ông phải thuyết phục UMP để họ tin chắc nước Pháp cần đến sự nắm quyền trở lại của ông.

Thực ra, Sarkozy đã không được lòng dân - thậm chí bị ghét bỏ - trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của ông. Và sự quay trở lại chính trường của Sarkozy có thể khơi dậy sự thù ghét này. Thậm chí, trên trang bìa tạp chí Pháp Marianne mới đây còn mô tả hình ảnh Sarkozy như nhân vật phản diện hung ác Freddy - với móng vuốt bằng sắt, chiếc mũ đen cùng với tiêu đề tai hại: "SARKO 2: tái xuất lại" - trong bộ phim kinh dị Hollywood! Điều đó cho thấy Sarkozy sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi quyết định trở lại chính trường Pháp.

Trước mắt, Sarkozy phải cố sức cạnh tranh với một số đối thủ để nhận được sự đề cử của đảng UMP, trong đó bao gồm cựu Ngoại trưởng Alain Juppé - nhân vật mới đây giành được sự quan tâm đặc biệt từ thành phố Bordeaux, nơi ông đang làm thị trưởng.

Đối với Sarkozy, cuộc chạy đua khởi đầu lần này giành sự đề cử của đảng UMP có thể gay go hơn cuộc tranh cử tổng thống năm 2007 chống lại đối thủ Ségolène Royal của đảng PC - người vợ không hôn phối trước Trierweiler của Hollande. Sarkozy giành chiến thắng với hứa hẹn những thay đổi về kinh tế và xã hội, bao gồm cải tổ bộ máy quan liêu quá cồng kềnh của chính quyền và ban hành luật kiềm chế đầu tư trong khu vực tư nhân trong nhiều năm.

Tuy nhiên, những kế hoạch của Sarkozy đã vấp phải bức tường chống đối từ phía các nhóm vận động hành lang và nghiệp đoàn. Cử tri Pháp phê phán Sarkozy là người nóng tính, không kiên định và hách dịch. Trong thời gian làm tổng thống, Sarkozy còn mang tai tiếng khi cưới người mẫu kiêm diễn viên Carla Bruni.

Ngoài ra, Sarkozy còn phải đối phó với lãnh đạo đảng FN Marine Le Pen, nhân vật mà theo cuộc thăm dò mới đây cho biết có nhiều triển vọng chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2017.

Hiện nay, Sarkozy đang cố gắng chứng tỏ bản thân là một người hoàn toàn mới, tinh tế và hòa nhã sau những năm rời xa chính trường Pháp. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu chỉ mới bắt đầu

Duy Ân (tổng hợp)
.
.