Pháp và những ưu tiên ở ASEAN

Thứ Năm, 15/10/2020, 19:15
Việc ASEAN chấp thuận mong muốn của Pháp để trở thành đối tác phát triển đã được các bên nhìn nhận và đánh giá cao.

Bộ Ngoại giao Pháp đánh giá đây là một bước đi quan trọng trong việc tăng cường quan hệ của nước này với ASEAN và cùng chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên sự bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế. Sự "trở lại" của người Pháp lần này, được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững, hòa bình và an ninh và ổn định khu vực.

Pháp đã ngay lập tức đưa ra đề xuất với ASEAN về hợp tác trong 10 chủ đề ưu tiên thực hiện ở cấp độ khu vực, nhóm các quốc gia thành viên hoặc với một quốc gia thành viên cụ thể trong khối. Về nội dung trợ giúp nhân đạo và ứng phó với thảm họa, Pháp có nhiều hợp tác song phương với các quốc gia thành viên ASEAN với khoảng 10 chương trình hợp tác đào tạo hàng năm trong nhiều lĩnh vực như phòng chống cháy rừng, cứu hộ, phòng tránh rủi ro hóa học, kỹ thuật tìm kiếm cứu hộ trong thảm họa động đất, đào tạo quản lý rủi ro công nghiệp...

Tại Đông Nam Á, Pháp hiện có một mạng lưới các chủ thể nhà nước và tư nhân về vấn đề bền vững của các hệ thống sản xuất lương thực đối với đề xuất mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Từ 2015 đến 2019, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã thực hiện dự án Đồng hành cùng quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái tại khu vực sông Mekong với khoản đầu tư 2,5 triệu euro.

Về vấn đề đa dạng sinh học, Pháp xác định đây là vấn đề trọng tâm và được ưu tiên giống như lĩnh vực biến đổi khí hậu mà họ đang đi đầu và dẫn dắt cộng đồng quốc tế. Kể từ năm 2010, AFD đã cung cấp tài chính cho 7 dự án tại Đông Nam Á với tổng trị giá gần 80 triệu euro nhằm bảo tồn, quản lý và phát huy tính bền vững của hệ thống đa dạng sinh học, bao gồm cả rừng.

Dự án điện mặt trời Lopburi 73 megawatt ở Thái Lan.

Trong chương trình đa dạng sinh học của AFD có trị giá 10 triệu euro, Việt Nam được Pháp lựa chọn tham gia cùng với 15 quốc gia thụ hưởng khác nhằm thúc đẩy quá trình tích hợp đa dạng sinh học trong các lĩnh vực hoạt động và hỗ trợ cập nhật chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học.

Kinh tế biển cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm được Pháp đề xuất với ASEAN. Họ quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là lĩnh vực được đánh giá là đóng vai trò chủ chốt trong quá trình hợp tác về "Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", nhấn mạnh đến quả lý các nguồn lợi biển, kết nối, tăng cường năng lực của các cộng đồng, địa phương ven bờ và hỗ trợ các ngư dân truyền thống.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo biển (điện gió biển, hệ thống pin năng lựng mặt trời trên biển, năng lượng nhiệt biển...) có tiềm năng phát triển ở khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp Pháp đã hiện diện tại một số quốc gia thành viên, đưa ra các giải pháp và công nghệ mới với các đối tác địa phương. Để tháo gỡ thách thức của quá trình bảo vệ và phát triển nền kinh tế biển, đặc biệt đối với lĩnh vực đánh bắt cá và du lịch biển, AFD đã ủng hộ các chính sách công và tài chính khẩn cấp cho cơ sở hạ tầng cần thiết tại các nước Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP21), Pháp và Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến xây dựng Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế với mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời quy mô lớn. Kể từ năm 2010, AFD đã cung cấp tài chính cho 14 dự án tại Đông Nam Á với trị giá 470 triệu euro để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là tại các vùng nông thôn và cải thiện hệ thống điện hiện có. Đồng thời, các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã hiện diện tại các nước ASEAN.

Ngoài ra, Pháp muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế với các hoạt động trao đổi song phương. AFD cũng hỗ trợ khu vực ASEAN thông qua khoản viện trợ 4 triệu euro cho dự án ECOMORE về giám sát bệnh dịch của các bệnh truyền nhiễm đang phổ biến có liên quan đến biến đổi khí hậu tại 5 nước Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Viện Pasteur của Pháp đại diện tại 3 quốc gia thành viên đã tiến hành nhiều dự án nghiên cứu về y tế cộng đồng.

Hợp tác về an ninh và quốc phòng được Pháp triển khai với các nước ASEAN chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến an ninh hàng hải và môi trường, góp phần hỗ trợ các chiến dịch gìn giữ hòa bình và đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức. Về an ninh hàng hải, Hải quân Pháp triển khai đều đặn tàu đến khu vực nhằm khẳng định ủng hộ của Pháp với tự do hàng hải và hàng không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải còn được thực hiện một cách cụ thể thông qua việc trao đổi chuyên môn.

Về an ninh môi trường, Pháp phát triển chính sách an ninh môi trường trên cơ sở dự báo và phòng ngừa rủi ro do quá trình biến đổi khí hậu gây ra. Pháp đã gửi các chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ gìn giữ hòa bình đến các trung tâm đào tạo tại khu vực. Về phòng chống tội phạm có tổ chức và an ninh nội địa, Pháp thực hiện chương trình hợp tác kỹ thuật với cảnh sát các nước nhằm đối phó, chia sẻ thông tin về thách thức của tội phạm thông qua đại diện của Bộ Nội vụ Pháp tại các nước ASEAN.

Hợp tác của Pháp với các nước ASEAN trong phòng, chống tội phạm có tổ chức hiện rất đa dạng như chống khủng bố, buôn người, rửa tiền, thuốc giả, buôn bán ma túy, tội phạm môi trường, tội phạm mạng...

Bên cạnh đó là các mục tiêu hợp tác về lĩnh vực nghiên cứu đào tạo, hợp tác bảo tồn di sản, du lịch bền vững cũng như phát triển đô thị bền vững. Đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, Pháp là một phần của lịch sử. Bây giờ, cả người quay lại và người đón nhận, đều trong một tâm thế mới hoàn toàn, đều mong muốn đem lại sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.