Qua hai đời tổng thống, Sở Mật vụ Mỹ ngày càng “đuối”

Thứ Năm, 15/01/2015, 14:10
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống George W. Bush bắt đầu thêm nhiệm vụ mới cho Sở Mật vụ (USSS), đẩy cơ quan hành pháp tinh nhuệ này vào giai đoạn cực khó khăn và có dấu hiệu suy yếu.

Theo hồ sơ chính quyền cùng với những cuộc phỏng vấn đối với hàng chục quan chức đương nhiệm và đã về hưu, một loạt sai sót về an ninh tại Nhà Trắng trong thời gian gần đây phát sinh do khả năng tài chính hạn hẹp, tình trạng quan liêu và nhu cầu sử dụng nhân viên USSS ngày càng tăng trong suốt 13 năm sau ngày 11/9. Thêm vào đó, USSS phải vất vả đối phó với làn sóng về hưu sớm của những nhân viên dạn dày kinh nghiệm dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự trầm trọng trong khi phải cáng đáng thêm nhiều sứ mạng mới.

Những khó khăn dồn dập sau ngày 11/9/2001

Sau ngày 11/9/2001, một số nhiệm vụ mới được giao cho USSS như giám sát các đám đông tại nhiều sự kiện thể thao lớn và thu thập thông tin về các mục tiêu khủng bố tiềm ẩn. Theo Luật Chống khủng bố mới, USSS - trực thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS) nhưng trước năm 2003 là một bộ phận của Bộ Tài chính - giữ vai trò hàng đầu trong việc theo dõi những mối đe dọa an ninh mạng chống lại các hệ thống tài chính Mỹ.

Thêm vào đó, chính quyền Bush - và sau này chính quyền Barack Obama - còn tăng thêm số lượng người cần được USSS bảo vệ suốt ngày đêm - bao gồm gia đình của tổng thống và phó tổng thống cùng với một số trợ lý trong Nhà Trắng. Những thay đổi lớn sau ngày 11/9/2001 đã dẫn đến sự suy yếu về chất lượng hoạt động, khiến cho USSS rơi vào tình trạng "vượt quá khả năng". Dan Emmett, cựu chuyên gia  giám sát của USSS nói rằng USSS hiện nay không còn sức mạnh như trước kia.

Trước năm 2001, USSS được đánh giá là tổ chức kiểu mẫu, có nhiều chiến công hiển hách đồng thời gần như không phạm sai lầm sau các bài học nhớ đời từ vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963 và vụ nổ súng vào Tổng thống Ronald Reagan năm 1981. Nhân viên USSS lạnh lùng, mang tai nghe và kính đen được bất tử hóa trong nhiều bộ phim Hollywood, ngoài nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo, USSS còn phụ trách điều tra chống tiền giả.

Tổng thống George W. Bush được nhân viên USSS bảo vệ chặt chẽ, năm 2008.

USSS chỉ bảo vệ tổng thống, phó tổng thống và gia đình của họ; cựu phó tổng thống và phu nhân. Tuy nhiên, tổng thống có quyền mở rộng số người được USSS bảo vệ, như điều Tổng thống Bill Clinton đã làm vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước do lo ngại tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Sau ngày 11/9, nhân lực USSS được huy động để bảo vệ “gia đình mở rộng” của Tổng thống W. Bush và danh sách "khách hàng" của USSS ngày càng dài thêm ra. Hiện nay, USSS bảo vệ tổng cộng 27 người - trong đó có 5 đứa cháu của Phó tổng thống Joe Biden và Cố vấn Nhà Trắng Valerie Jarrett. Theo quy định, từ 2 - 6 nhân viên bảo vệ một người và một ngày thay ca từ 2 đến 3 lần.

Công tác bảo vệ tổng thống ngày càng khó khăn hơn bởi họ phải chuẩn bị phòng tránh các âm mưu đánh bom bất ngờ và các  cuộc tấn công bằng vũ khí sinh - hóa học. Nhân viên USSS cũng phải làm việc nhiều giờ hơn và căng thẳng hơn trên đường phố. Andrew Card, Tham mưu trưởng Nhà Trắng thời Tổng thống Bush cho biết, ông đã từng vài lần can thiệp với chính quyền để USSS không bị cắt giảm ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách dành cho USSS không hề tương xứng với trách nhiệm ngày càng tăng.

Nhân viên USSS bảo vệ Tổng thống Obama trong chuyến công du đến Colombia năm 2012.

Sau khi Tổng thống Barack Obama bước vào Nhà Trắng năm 2009, USSS nhận ra sự gia tăng các mối đe dọa chống lại vị tổng thống da đen người Mỹ gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ. Do đó, Giám đốc USSS lúc đó là Mark J. Sullivan (nhiệm kỳ 2006 - 2013) đã cho thành lập một đội có trách nhiệm đánh giá lại toàn bộ mạng lưới an ninh xung quanh Nhà Trắng.

Trước đó, Sullivan than phiền với lãnh đạo DHS về việc phần lớn những đề xuất nâng cấp công nghệ và các biện pháp bảo vệ đã không được chấp thuận. Đội đánh giá an ninh của Sullivan soạn thảo khoảng 130 đề xuất trong một báo cáo mật.

Một đề mục của báo cáo trên đã đề nghị DHS cung cấp khoảng 80 triệu USD để cải thiện công nghệ chống lại mối đe dọa tấn công sinh - hóa học, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc tại khu phức hợp Nhà Trắng.

Nhưng, vì một số yếu điểm được nêu ra trong báo cáo - liên quan đến an ninh Nhà Trắng cũng như sự bảo đảm an toàn cho những chuyến du hành của Tổng thống - đã không được chú ý đúng mức. Trong một đề mục khác, bản báo cáo cho thấy sự cần thiết xây dựng một vành đai an ninh mới cho Nhà Trắng để bù đắp sự thiếu tường rào ngăn chặn những kẻ xâm nhập trái phép.

Suy yếu và tai tiếng

Những cuộc chiến ngân sách bắt đầu nổ ra ở Washington khi phong trào đảng Trà (Tea Party) hoạt động mạnh vào năm 2010 và các nhà lập pháp cũng như chính quyền Tổng thống Barack Obama tìm cách giảm bớt sự thâm hụt ngân sách.

Ngày 19/2/2009, nhà báo Rick Santelli xuất hiện trên Đài CNBC kêu gọi thành lập đảng Trà ở Chicago nhằm chống lại việc chi tiêu quá mức của Chính phủ Mỹ và chỉ vài ngày sau, tổ chức này chính thức ra đời.

Cùng với các cơ quan liên bang khác, USSS cũng bị cắt giảm ngân sách từ 1,6 tỉ USD năm 2012 xuống còn 1,5 tỉ USD năm 2013. Từ đó, nhân lực của USSS giảm xuống còn 6.480 người sau khi giảm biên chế gần 300 nhân viên.

Tác động của việc cắt giảm nhân lực này thấy rất rõ tại Đơn vị Sắc phục (UD) - một bộ phận của USSS chịu trách nhiệm bảo vệ khu phức hợp Nhà Trắng. Các sĩ quan UD thường xuyên phải làm việc vào những ngày mà lẽ ra họ được nghỉ.

UD cần đến 1.420 sĩ quan thực hiện nhiệm vụ nhưng trên thực tế đơn vị thiếu đến 100 người! Trong hai năm 2012 - 2013, một phần do thiếu ngân sách, USSS đã hủy mọi lớp huấn luyện sĩ quan và chỉ giữ lại 3 lớp huấn luyện tân binh.

Trong thời gian này, do quá mệt mỏi cho nên nhiều nhân viên USSS đã xin rời nhiệm sở và từ đó càng khiến cho cơ quan thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là những người dạn dày kinh nghiệm bảo vệ yếu nhân. Ngân sách bị cắt giảm cũng gây khó khăn gấp bội cho USSS trong việc chi trả các phí tổn cho nhân viên - như phí đi lại, nơi ở, thực phẩm...

Giám đốc thứ 23 của USSS, Julia Pierson.

Tháng 12/2014, UD đưa vấn đề lên Ban lãnh đạo DHS đề nghị tăng thêm 200 sĩ quan. UD cũng chỉ trích lãnh đạo USSS không đánh giá đúng chi phí cần thiết để bảo vệ tổng thống. Bất chấp sự thiếu thốn ngân sách, Giám đốc USSS, bà Julia Pierson (nhiệm kỳ 2013 - 2014) vẫn tranh thủ được khoảng 1 triệu USD cho dự án thành lập "Trung tâm Tư vấn Giám đốc".

Trung tâm mới này nhỏ hơn nhưng có tổ chức gần giống Trung tâm Phối hợp tác chiến (JOC) của quân đội Mỹ. Julia Pierson giải thích về dự án của mình trước Hạ viện Mỹ ngày 30/9/2014, tức một ngày trước khi bà từ chức, rằng các giám đốc "cần có được thông tin một cách nhanh nhất để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn".

Một cuộc điều tra vào năm 2012 của Văn phòng Tổng thanh tra DHS đối với nhân viên USSS cho thấy họ thiếu sự tin tưởng vào ban lãnh đạo. Một số cho rằng, lãnh đạo ít chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái của chính mình, trong khi số khác chỉ trích sự quản lý dung túng cho hành vi sai trái. Ngoài ra, nhân viên USSS còn liệt kê 318 vụ việc sai trái của đồng nghiệp gây phương hại đến an ninh - như là uống rượu say hay quan hệ với gái mại dâm.

Các thành viên Quốc hội Mỹ cũng quan ngại về ác cảm của nhân viên đối với lãnh đạo USSS. Nghị sĩ Elijah E. Cummings làm việc tại Ủy ban Giám sát Hạ viện và Cải cách chính quyền, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng chính sự "tự mãn và vô hiệu quả" của giới lãnh đạo USSS đã khiến cho nhân viên bất mãn.

Năm 2014, người dân Mỹ đặc biệt chú ý đến USSS do một loạt các sai sót bị phơi bày ra ánh sáng. Tháng 11/2009, mặc dù không nằm trong số khách mời nhưng hai vợ chồng ngôi sao trong chương trình truyền hình thực tế Tareq và Michaele Salahi vẫn qua mặt được nhân viên USSS để tham dự bữa tiệc quốc gia trong Nhà Trắng, khi Tổng thống Mỹ chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ. Đêm 11/11/2011, USSS đã không ngăn chặn kịp thời một phần tử từ bên ngoài chĩa súng bắn vào Nhà Trắng, may mắn lúc đó Tổng thống Obama và phu nhân đang có mặt trên tàu sân bay Carl Vinson ở San Diego để xem trận bóng rổ giữa hai đội sinh viên!

Omar Gonzalez - đối tượng đột nhập Nhà Trắng, hôm 19/9/2014 và Oscar Ortega-Hernandez -  đối tượng chĩa súng bắn vào Nhà Trắng đêm 11/11/2011.

Cuộc điều tra sau đó cho biết hung thủ tên là Oscar Ramiro Ortega-Hernandez, 21 tuổi, và vũ khí là khẩu súng trường bán tự động. Tháng 4/2012, 3 sĩ quan USSS dính vào vụ bê bối quan hệ với gái mại dâm khi nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Obama công du đến Columbia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ.

Vụ bê bối xảy ra tại khách sạn Caribe ở Colombia liên quan đến gần chục gái mại dâm. Vụ việc vỡ lở sau khi xảy ra tranh cãi giữa nhân viên USSS với gái mại dâm về giá cả "dịch vụ" khiến cảnh sát và quản lý khách sạn phải vào cuộc.

Tháng 3/2014, trong chuyến công du đến Hà Lan của Tổng thống Obama, 3 nhân viên USSS đã uống rượu đến say mèm. Ngày 16/9/2014, trong chuyến đi thăm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở Atlanta, nhân viên USSS không phát hiện sớm được một người đi chung thang máy với Tổng thống Obama có mang theo súng!

Và, vào ngày 19/9/2014, một cựu binh từ chiến trường Iraq tên là Omar Gonzalez, 42 tuổi, cầm dao trèo qua hàng rào vào khuôn viên Nhà Trắng. Sau khi đột nhập vào phòng Đông, Gonzalez mới bị một nhân viên USSS khống chế. Vụ việc dẫn đến việc Giám đốc USSS Julia Pierson phải đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Obama ngay ngày hôm sau!

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.