Quân Mỹ bí mật đàm phán với lực lượng vũ trang chống Mỹ tại Iraq

Thứ Tư, 17/08/2005, 07:21
Tờ Timeout của Anh ngày 26/6/2005 tiết lộ rằng, trong hai ngày 3 và 13/6, một nhóm sĩ quan quân đội, tình báo Mỹ và đại diện các lực lượng vũ trang chống Mỹ tại Iraq đã có 2 cuộc gặp bí mật với mục đích muốn tìm kiếm biện pháp làm giảm bớt các vụ bạo lực trong lãnh thổ Iraq. Đối với người Mỹ và người Iraq, thì đây đúng là một tin giật gân.

Người trung gian sắp xếp cho các cuộc đàm phán bí mật này là một quan chức trong chính phủ quá độ của Iraq hiện nay, thành viên phái Sunni từng lưu vong ở Mỹ 20 năm. Sau khi thuyết phục rằng, cuộc gặp này không phải là dịp để tiêu diệt đối phương mà là cuộc đàm phán thực sự, cả hai bên đã cam kết trong thời gian diễn ra đàm phán sẽ không tiến hành bất cứ hành động nào chống lại nhau.

Bài báo cho biết thêm, thành phần của tổ chức đàm phán phía Mỹ gồm một số sĩ quan chỉ huy cao cấp và quan chức tình báo, một quan chức của Quốc hội và một đại diện của Sứ quán Mỹ tại Iraq. Các thành viên này đã đi trên 4 chiếc xe quân sự do các xe bọc thép hộ tống đến địa điểm đàm phán. Các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ với đầy đủ các loại vũ khí trang bị cũng triển khai bảo vệ xung quanh khu vực diễn ra đàm phán. Còn đại diện của các lực lượng vũ trang chống Mỹ tại Iraq gồm đại diện của tổ chức “Lữ đoàn Hồi giáo”, “Tổ chức giải phóng Iraq”... và đại diện các lực lượng vũ trang khác có quy mô nhỏ hơn.

Vào ngày 3 và 13/6/2005, tại một ngôi biệt thự cách Baghdad khoảng 80km về phía bắc, lần đầu tiên các quan chức quân đội và tình báo của Mỹ đã cùng đại diện các lực lượng vũ trang chống Mỹ tại Iraq bí mật ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận các vấn đề về tình hình an ninh tại Iraq hiện nay.

Trong hai cuộc đàm phán này, người Mỹ đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, khai thác các tin tình báo nhạy cảm về cơ cấu tổ chức của các lực lượng vũ trang chống Mỹ tại Iraq, bằng cách liên tục đặt ra các câu  hỏi cho đối phương như cơ cấu của các tổ chức chống Mỹ ở Iraq ra sao? Vận hành, phân công công việc, hành động như thế nào? Nhưng họ không ngờ, các câu hỏi đưa ra đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của phía đại diện các lực lượng vũ trang của Iraq.

Phía Mỹ còn yêu cầu phía Iraq đưa ra các nội dung về chính trị và hy vọng các tổ chức vũ trang của Iraq sẽ cắt đứt mọi hoạt động liên hệ với Al-Qaeda. Trong cuộc đàm phán, có một đại diện của phía Mỹ nói rằng, ông ta là đại diện của Lầu Năm Góc và đang muốn tìm ra phương pháp để chấm dứt sự đổ máu giữa hai bên. Ông ta sẽ tập trung nghe những yêu cầu của phía Iraq và sẽ báo cáo nội dung cuộc đàm phán này với cấp trên ở Washington.

Nhưng trong cuộc đàm phán diễn ra ngày 13/6, đại diện phía Mỹ bất ngờ thay đổi thái độ bằng cách thể hiện sự kiêu ngạo và thách thức. Phía Mỹ nhấn mạnh yêu cầu người Iraq phải dừng ngay các hoạt động ủng hộ Zaqawi và yêu cầu các lực lượng vũ trang chống Mỹ ở Iraq phải cắt đứt mọi quan hệ với Al-Qaeda, nếu không, người Mỹ sẽ không thảo luận bất cứ vấn đề gì với họ.

Còn, các lực lượng vũ trang chống Mỹ trước khi diễn ra các cuộc đàm phán đã quyết tâm tập trung tinh lực để quyết định vấn đề của họ, đó là ép người Mỹ đưa ra thời gian biểu rút quân khỏi Iraq như thế nào. Nhưng, các cuộc đàm phán đã làm họ thất vọng vì đại diện phía Mỹ không đưa ra ý kiến tích cực đối với việc này. Đại diện phía Iraq còn yêu cầu phía Mỹ bồi thường thiệt hại cho người Iraq trong thời gian quân Mỹ chiếm giữ Iraq. Có người thậm chí còn yêu cầu Saddam Hussein được quay lại cầm quyền đất nước. Có thể thấy, sự quan tâm của hai bên trong các cuộc đàm phán này căn bản không giống nhau và không thống nhất được với nhau nên cuối cùng đại diện Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt cuộc đàm phán với lý do cần phải xin ý kiến Washington.

Cả hai cuộc đàm phán đều không đạt được bất cứ sự thỏa thuận chung nào, nhưng hai bên vẫn tiếp tục đồng ý tiến hành đàm phán. Đại diện phía Iraq cho biết họ sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử đại diện đến tham gia cuộc đàm phán lần thứ 3.

Cho đến nay, rất khó để nói rằng các cuộc đàm phán bí mật có thành công hay không, nhưng chí ít cũng cho thấy người Mỹ ngoài việc sử dụng vũ lực để uy hiếp, hiện nay họ cũng đang phải cân nhắc lại các hành động của mình và đang tìm cách sử dụng thử các biện pháp khác để liên hệ với các lực lượng vũ trang chống Mỹ nhằm làm giảm bớt các vụ tập kích tấn công vào quân Mỹ của người Iraq

Thanh Trung (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.