Quan hệ đối tác Đức - Trung Quốc: Phức tạp hơn

Thứ Năm, 12/09/2019, 14:33
Tuần qua, “bà đầm thép” Angela Merkel đã có chuyến công du lần thứ 12 (từ ngày 5 đến 7-9) trên cương vị Thủ tướng tới Trung Quốc. Bất chấp ký kết thành công một số hiệp định thể hiện quan hệ thương mại khăng khít, mối quan hệ Đức - Trung Quốc thực chất vẫn chưa rõ ràng, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn và phức tạp hơn bao giờ hết.

Bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và căng thẳng gia tăng tại Hong Kong khiến chính quyền Merkel rơi vào trạng thái khó xử khi vừa phải duy trì lợi ích song phương với “đối tác kinh tế toàn cầu”, đồng thời tìm cách hạn chế “đối thủ lắm trò” Bắc Kinh.

Đối thủ hay đối tác?

Đức và Trung Quốc nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2014. Đức coi Trung Quốc là đối tác hàng đầu với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt trên 200 tỷ USD. Quan hệ với Trung Quốc được đánh giá là có vai trò quan trọng đối với Đức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu có nguy cơ được dự báo rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý III/2019.

Trong khi đó, phía Bắc Kinh nhấn mạnh hai nước cần cùng bảo vệ thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương. Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường, dần mở rộng từ lĩnh vực sản xuất đến các dịch vụ và tài chính, mang lại thêm nhiều cơ hội cho Đức.

Hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ hy vọng xung đột thương mại Trung - Mỹ sẽ sớm kết thúc thông qua hiệp thương đối thoại. Chính chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ đã khiến kinh tế Đức suy giảm trong quý II/2019 do xuất khẩu tụt dốc. Vì vậy, để tránh “vạ lây” từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, Thủ tướng Đức muốn khởi động một chương mới trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Trong bối cảnh Berlin sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong năm 2020, bà Merkel dự định tổ chức hội nghị EU - Trung Quốc để đưa ra lập trường chung của châu Âu với Bắc Kinh.

Điều khó hiểu nằm ở chỗ, dù mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc nhưng Đức vẫn là đồng minh của Mỹ và chia sẻ quan điểm “không nhượng bộ” Trung Quốc. Bên cạnh đó, bản thân Thủ tướng Merkel từng cho rằng Trung Quốc không đơn giản là đối tác chiến lược mà còn là đối thủ cạnh tranh.

Dù có quan hệ thương mại khăng khít nhưng Đức sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư vào một số khu vực chiến lược cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng khi vẫn còn nhiều bất đồng giữa Trung Quốc và Đức chưa được giải quyết thỏa đáng theo cách nhìn của Đức.

Báo chí Đức bình luận mối quan hệ giữa “đầu tàu châu Âu” Đức với Trung Quốc hiện nay phức tạp hơn trước.

Đầu năm 2019, Hiệp hội Công nghiệp Đức đã cảnh báo về sự cạnh tranh có hệ thống với mô hình kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa tìm ra giải pháp khiến nước Đức dấy lên làn sóng phản đối về mức chênh lệch đầu tư song phương quá lớn và dường như có lợi hơn cho Trung Quốc.

Dù cuộc hội đàm giữa bà Merkel và ông Tập không đề cập đến những mâu thuẫn hiện có trong quan hệ thương mại Đức - Trung nhưng giới quan sát nhận định Berlin phải dè chừng trước những mưu đồ chính trị của Bắc Kinh. Đó có thể là những tranh cãi xung quanh các thiết bị pin mặt trời mà Đức cho rằng Trung Quốc đang bán phá giá vào châu Âu, hay sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế - chính trị của Bắc Kinh, khiến một số thành viên EU như Hy Lạp đã ngay lập tức đồng ý hợp tác.

Quan ngại và chỉ trích

Báo chí Đức bình luận, mối quan hệ giữa “đầu tàu châu Âu” với Trung Quốc hiện nay phức tạp hơn trước. Thông qua phát ngôn viên của Chính phủ Đức, bà Merkel đã chỉ trích hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc sử dụng dữ liệu trực tuyến cá nhân để theo dõi người dân toàn diện. Đây được coi như hình thức kiểm soát tối đa và tạo ra sự phân biệt, kỳ thị nghiêm trọng, vi phạm quyền riêng tư cá nhân.

Chưa hết, chính quyền bà Merkel cũng bày tỏ quan ngại liên quan đến bảo mật sau những bê bối của Huawei, cân nhắc “cấm cửa” thiết bị 5G của “gã khổng lồ” Trung Quốc và yêu cầu không giao nộp các dữ liệu thu thập cho Bắc Kinh nếu Huawei muốn xây dựng mạng lưới 5G ở Đức.

Áp lực đối đầu Trung Quốc gia tăng khi Thủ tướng Merkel phát đi tín hiệu ủng hộ những người biểu tình ở Hong Kong. “Bà đầm thép” đã dũng cảm kêu gọi Trung Quốc đảm bảo các quyền tự do cho người dân Hong Kong ngay tại Bắc Kinh trong lúc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường, muốn người biểu tình có thể tham gia vào cuộc đối thoại ôn hòa trong khuôn khổ tự do dân sự. Qua đó, bà nhấn mạnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Hong Kong ảnh hưởng không ít đến quan hệ giữa Trung Quốc và quốc tế.

Động thái kêu gọi rất hiếm hoi này thể hiện sự can đảm của “bà đầm thép”, khi mà nó diễn ra trong bối cảnh thăm đối tác Trung Quốc và được đánh giá... không hề mang tính ngoại giao.

Angela Merkel và Chính phủ Đức nổi tiếng vì hành xử ngoại giao khéo léo trong quá khứ. “Bà đầm thép”, khác với các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia thường tìm đến Bắc Kinh vì mục đích kinh tế, lại chú ý đến tiếng nói người dân. Thế nên, một số chuyên gia cho rằng, Thủ tướng Đức sẽ có những cách nhất định để can thiệp vào vấn đề Hong Kong. Chưa có đủ khả năng về kinh tế và quân sự như Mỹ, Đức nhiều khả năng sẽ ra đòn tâm lý khiến tiếng nói ngoại giao của Berlin nặng ký hơn, buộc Bắc Kinh phải cẩn trọng nhưng không thể... nổi giận.

Giới quan sát nhận định, trong khi Mỹ hoàn toàn im lặng thì nỗ lực của Đức - trụ cột khối EU - lại rất quan trọng. Mặc dù bà Merkel ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong nhưng bà vẫn sẽ đối mặt với những khó khăn tương tự trước đây khi bà lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền, đồng thời phải tìm cách duy trì mối quan hệ kinh tế bền chặt với Bắc Kinh. Điều này đã được cảnh báo bởi một số bức thư gửi đến Thủ tướng Đức, trong đó “nhắc” Berlin thận trọng trước một Bắc Kinh đã nhiều lần thất hứa và làm ngơ trước luật pháp quốc tế. 

Hà My
.
.