Quốc hội Mỹ chia rẽ và thế khó của ông Trump

Thứ Năm, 14/02/2019, 16:13
Thời điểm hiện tại, một Quốc hội Mỹ rơi vào trạng thái chia rẽ được dự báo sẽ tạo nên những sóng gió trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. 


Thế đối đầu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa luôn làm thay đổi quyền lực trong Quốc hội Mỹ, từ đó tác động lớn tới việc hoàn thành những mục tiêu của Tổng thống, trong đó phải kể tới những chính sách kinh tế, thương mại của “ông chủ Nhà Trắng”.

Mâu thuẫn vì... bức tường

Sự trở lại của “làn sóng xanh” Dân chủ tại Hạ viện càng khiến sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ trở nên quyết liệt và rõ ràng hơn. Theo giới quan sát, “trận chiến lớn” giữa hai đảng liên quan đến “bài toán” ngân sách chi tiêu, chủ yếu là vấn đề cấp ngân sách cho “bức tường an ninh” trên biên giới Mỹ - Mexico theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump. Về bản chất, chủ đề bức tường biên giới là minh chứng đầu tiên cho sự chia rẽ và phân cực tại Quốc hội, trong đó lợi ích đảng phái sẽ được đặt lên bàn cân khi phe Dân chủ và Cộng hòa đưa ra quyết định.

Một mặt, phe Dân chủ từ chối yêu cầu của Tổng thống Trump cấp ngân sách trị giá 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới ngăn người di cư, “chặn đường” một cam kết ông Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Trong khi đó, với ông Trump, bức tường biên giới Mỹ - Mexico đã và đang là biểu tượng của chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, là lời khẳng định cam kết cứng rắn và mạnh mẽ để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng liên tục gia tăng sức ép để Quốc hội thông qua kế hoạch trên khi ông và phe Cộng hòa bắt đầu chiến dịch hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, bất chấp tuyên bố không bao giờ thỏa hiệp của phe Dân chủ.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện gọi đề xuất này là giải pháp táo bạo để bảo đảm an ninh biên giới và giải quyết vấn đề nhập cư hiện nay. Tuy nhiên, phe Dân chủ không hài lòng khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng giải pháp mà ông Trump đưa ra không thể hiện thiện chí khôi phục sự ổn định cho cuộc sống của người dân và nhiều khả năng không giành được số phiếu cần thiết để được thông qua.

Chủ đề bức tường biên giới Mỹ - Mexico là minh chứng cho sự chia rẽ và phân cực Dân chủ - Cộng hòa tại Quốc hội.

Theo hãng tin Reuters, để “chọc tức” Tổng thống Donald Trump, phe Dân chủ dự kiến thông qua dự thảo ngân sách không bao gồm ngân sách 5 tỷ USD dành cho việc xây bức tường.

Mâu thuẫn giữa chính quyền ông Trump và phe Dân chủ về ngân sách xây bức tường biên giới Mỹ - Mexico là nguyên nhân chính khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa kéo dài. Giới quan sát nhận định, tình trạng đóng cửa chính phủ có thể tiếp diễn tới tháng 3, trở thành vụ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ, tạo nên nguy cơ khủng hoảng toàn diện khiến Washington rơi vào bế tắc, trong khi để lại “vết sẹo” cho hệ thống cơ quan công quyền liên bang cũng như nền kinh tế Mỹ.

Sóng gió chính trường

Sau khi nắm Hạ viện, phe Dân chủ có thể sẽ có thêm động thái làm khó các quyết sách quan trọng của Tổng thống Trump, thậm chí có thể khởi động tiến trình luận tội ông liên quan đến cáo buộc thông đồng với Nga. Việc kiểm soát Hạ viện cũng đồng nghĩa tất cả ủy ban thuộc Hạ viện sẽ do người của phe Dân chủ lãnh đạo. Mới đây, những nhân vật sắp lên lãnh đạo các ủy ban thuộc Hạ viện đều cho thấy dấu hiệu Tổng thống Trump sẽ đối diện hàng loạt cuộc điều tra về các cáo buộc liên quan đến ông và các thành viên nội các.

Giới quan sát cho rằng chính trường Mỹ sẽ càng thêm rối ren và chia rẽ, khiến các mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump đặt ra càng khó thực hiện. Lịch trình kinh tế của Tổng thống sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ sau khi đảng Dân chủ lật ngược thế cờ, giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Điều này đồng nghĩa với việc các dự luật về kinh tế sẽ khó có thể được thông qua và vấn đề thương mại sẽ trở thành “điểm nóng” tại Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, chủ trương cải cách thuế cũng như chính sách bị cho là “tự cô lập” của ông Trump trong lĩnh vực thương mại cũng có nguy cơ bị xét lại.

Giới quan sát đánh giá ông Donald Trump và bà Nancy Pelosi chưa ai chịu ai.

Chắc chắn đảng Dân chủ sẽ tiếp tục chống lại mọi ý định cắt giảm thêm thuế của đảng Cộng hòa, cụ thể như dự luật thuế mở rộng hay nới lỏng quy chế giám sát tài chính. Chưa hết, những chính sách mang tính đảo ngược trong lịch sử của Tổng thống Trump, là áp thuế quan và dừng các thỏa thuận đa phương, cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Đối với các hiệp định thương mại mới, chính quyền ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong đàm phán khi phải chứng minh các hiệp định mới thực sự hiệu quả hơn hiệp định cũ.

Đây không phải lần đầu tiên Quốc hội Mỹ rơi vào thế đối đầu giữa phe Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ cả hai phe đều tỏ ra không mấy quan tâm tới việc hàn gắn bất đồng. Tổng thống Donald Trump, người đại diện Cộng hòa cho sự hỗn loạn và kiểu chính trị phi truyền thống, hiện đang đối đầu với Hạ viện được dẫn dắt bởi Chủ tịch Nancy Pelosi có hàng chục năm kinh nghiệm chính trường, nổi tiếng với sự thông thái và hiểu biết luật pháp.

Giới quan sát tỏ ra thất vọng với cái cách lãnh đạo hai đảng xử lý tình trạng chính phủ đóng cửa, như thể “hai kẻ lớn đầu hành xử kiểu con nít”, chưa ai chịu ai. Với sự phân bổ quyền lực tại hai viện, chính trường Mỹ trong 2 năm tới được dự báo đầy sóng gió và thế đối đầu giữa hai đảng sẽ còn kéo dài dai dẳng...

Hồng Hạnh
.
.