Quyền Bộ trưởng Tư pháp và cuộc điều tra của Mueller
- Chính trường Mỹ lại rối bời trước sự ra đi của Bộ trưởng Tư pháp
- Tổng thống Mỹ sa thải Bộ trưởng Tư pháp
Điều quan trọng hơn, Whitaker là một người thân cận của ông Trump, sẽ thay ông “dòm ngó” cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Matthew Whitaker năm nay 49 tuổi, ông được xem là người trẻ tuổi nhất nắm giữ quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ trước đến nay. Là một người không có nhiều thành tích, con đường từ giảng đường đại học đến chính trị cũng chẳng có gì nổi bật. Whitaker tốt nghiệp cử nhân luật, thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Iowa.
Whitaker bắt đầu tham gia làm chính trị từ năm 2002. Ông chạy đua vào chức Bộ trưởng Ngân khố bang Iowa nhưng thất bại. 2 năm sau, Whitaker đi đúng ngành chuyên môn được đào tạo và được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm làm Chưởng lý khu vực Nam Iowa.
Ông Jeff Sessions - Bộ trưởng Tư pháp vừa từ chức. |
Tuy nhiên, do không có nhiều kinh nghiệm trong ngành pháp luật vốn được xem là nhiều cạm bẫy ở Mỹ, Whitaker vướng phải thất bại trong vụ truy tố ông Matt McCoy - Thượng nghị sĩ bang Iowa - vì tội vòi vĩnh hối lộ 2.000 USD. Hai năm sau thất bại đó, Whitaker không thể “đoái công chuộc tội”, không cứu vãn được uy tín giảm sút trầm trọng nên đành phải từ chức vào tháng 11-2009.
Sau giai đoạn đầu thất bại, Whitaker chuyển sang làm Giám đốc điều hành Công ty luật Whitaker Hagenow & Gustoff LLP trong 8 năm. Trong giai đoạn này, ông tham gia nhiều hoạt động chính trị trong đảng Cộng hòa. Năm 2012, Whitaker làm giám đốc chi nhánh Iowa cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Thống đốc Minnesota Tim Pawlenty, sau đó chuyển sang làm việc cho chiến dịch tranh cử của Thống đốc bang Texas Rick Perry. Cả hai ứng cử viên này sau đó đều thất bại.
Năm 2014, đích thân Whitaker thử vận may khi chạy đua giành vé đề cử ra tranh cử ghế Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Iowa. Và rồi chính ông cũng không hơn gì những ứng cử viên mình từng phục vụ. Nhưng, không vì thế mà Whitaker bỏ cuộc. Cùng năm đó, ông tiếp tục nhận lời làm chủ tịch chiến dịch tranh cử chức Bộ trưởng Ngân khố bang Iowa cho Sam Clovis.
Đến lượt Clovis cũng không may mắn gì hơn. Có điều cần lưu ý, Clovis không xa lạ gì với giới chính trị ở Washington vì ông này từng tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, là sếp trực tiếp của George Papadopoulos (một cựu phụ tá khác của ông Trump, đã bị truy tố trong cuộc điều tra của Mueller) và từng bị công tố viên đặc biệt Mueller thẩm vấn với tư cách nhân chứng.
Ông Matthew Whitaker - Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. |
Sau chiến dịch tranh cử bất thành, Whitaker và Clovis phát triển mối quan hệ bạn bè thân thiết. Và cũng kể từ đó, Whitaker bắt đầu quan tâm xây dựng các mối quan hệ chính trị, thường xuyên gặp gỡ các nghị sĩ giàu ảnh hưởng và các lãnh đạo tổ chức nghiên cứu giàu uy tín ở Washington để tạo thanh thế. Mục tiêu ông đặt ra là chức vụ lãnh đạo ngành tư pháp.
Điều đáng chú ý ở Whitaker là, trong giai đoạn tạo dựng các mối quan hệ chính trị và chuẩn bị để bước vào làm việc trong Bộ Tư pháp, ông đã có được một thế đứng khá tốt trong hàng ngũ những thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa, được bầu làm Giám đốc điều hành Tổ chức Ủy thác trách nhiệm công dân (FACT), một tổ chức chuyên hoạt động chống lại các thành viên đảng Dân chủ ở Washington.
Tháng 3-2017, Bộ trưởng Tư pháp Sessions vướng rắc rối vì không khai báo trước Thượng viện về những cuộc nói chuyện giữa ông với Đại sứ Nga trước đó. Với tư cách là thủ lĩnh FACT, Whitaker lên tiếng bênh vực ông Sessions. Hành động đó đã giúp Whitaker tiến gần hơn đến mục tiêu: ông đã được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Bộ Tư pháp.
Trở thành cánh tay phải của Bộ trưởng Sessions nhưng Whitaker lại là “cái gai bên hông” luôn gây khó chịu cho ông Sessions. Hai ông thường xuyên bất đồng ý kiến trong nhiều vấn đề, đặc biệt là đối với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller. Whitaker ngày càng tham gia vào hầu hết các cuộc họp cấp cao, thường xuyên lui tới Nhà Trắng và đã có được sự đồng cảm thân thiết với Tổng thống Trump. Đây cũng là một trong những vấn đề gây bất đồng giữa Whitaker với ông Sessions và khiến Sessions phải sớm rời khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp.
Với việc được Tổng thống Trump đề cử nắm giữ quyền Bộ trưởng Tư pháp, Whitaker đang nắm trong tay quyền “sinh sát” đối với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller về các mối quan hệ của bộ sậu tranh cử của ông Trump với người Nga. Whitaker từng nhiều lần thể hiện quan điểm không đồng tình với cuộc điều tra hiện tại của công tố viên Mueller, chỉ trích cuộc điều tra đi sai hướng, đi quá xa trọng tâm điều tra, xâm phạm vào những vấn đề tài chính cá nhân Tổng thống Trump cùng gia đình ông và gọi cuộc điều tra là một sự lãng phí, gây “chảy máu nguồn lực”.
Tháng 7-2017, Whitaker từng lên tiếng cảnh báo việc Quốc hội thông qua nghị quyết bảo vệ ông Mueller trước sự tấn công của Nhà Trắng là một “sai lầm”, cho rằng ông Mueller vốn đã được bảo vệ đầy đủ rồi.
Liệu Whitaker sẽ cho dừng cuộc điều tra không? Có thể, nhưng khả năng này rất nhỏ, bởi hành động đó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng. Tuy chỉ trích cuộc điều tra nhưng Whitaker chưa bao giờ đòi hỏi phải dừng nó lại. Hơn nữa, bản thân Tổng thống Trump cũng từng tuyên bố: “Tôi không muốn dừng nó bởi vì về mặt chính trị tôi không muốn dừng nó”.
Khả năng thứ hai được nhiều người quan tâm là Whitaker có thể sẽ đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế, gây khó khăn cho cuộc điều tra, chẳng hạn như cắt giảm ngân sách đến mức khiến cho cuộc điều tra gần như đứng yên tại chỗ. Còn một khả năng nữa là Whitaker cũng có thể sẽ chẳng làm gì cả, cứ để mặc ông Mueller.
Cho đến nay, cuộc điều tra đã đi đến giai đoạn cuối và gần như kết thúc. Và đội ngũ điều tra của ông đang viết báo cáo cuối cùng. Có can thiệp cũng chẳng ích gì.