Saudi Arabia: Cuộc thanh trừng và tham vọng cải cách của Thái tử

Chủ Nhật, 15/03/2020, 18:16
Chính quyền Saudi Arabia vừa bắt giữ 3 thành viên cấp cao của gia đình Hoàng gia, trong đó có Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz al-Saud - em trai Quốc vương Salman và là chú của Thái tử Mohammed bin Salman (MbS).

Mặc dù chính phủ chưa đưa ra thông báo chính thức nào, song động thái trên làm dấy lên đồn đoán rằng Thái tử Salman, người nắm thực quyền tại Riyadh, đang có những động thái siết chặt quyền lực trong bối cảnh tiếp tục hiện thực hóa cam kết cải cách kinh tế, đặc biệt thời điểm tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực chính thức từ cha mình.

Còn nhớ, MbS được vua cha phong làm Thái tử vào tháng 6-2017 khi mới 31 tuổi, đưa ông trở thành nhân vật quan trọng thứ 2 tại Saudi Arabia. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Thái tử Mohammed bin Salman đã được giao phó nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có việc quản lý tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco, đứng đầu Hội đồng Kinh tế và Phát triển, quản lý ngân sách đầu tư công của cả vương quốc.

MbS nổi tiếng với chính sách đối ngoại cứng rắn tại khu vực Trung Đông. Ngay khi nắm giữ cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã “nổ phát súng” đầu tiên, phát động chiến dịch quân sự cùng với nhiều quốc gia Arab khác chống lại phiến quân Houthi tại Yemen. MbS cũng được cho là người đứng sau hàng loạt chiến dịch táo bạo khác như cô lập ngoại giao Qatar, gây sức ép buộc Thủ tướng Lebanon Saad Hariri từ chức, thanh trừng tham nhũng trong hoàng tộc Saudi Arabia.

Về mặt kinh tế, ông luôn mong muốn xây dựng một Vương quốc Saudi Arabia giàu mạnh không phụ thuộc vào dầu mỏ. MbS đã công bố kế hoạch đầy tham vọng, cách mạng hóa hầu hết các khía cạnh của cuộc sống người dân ở quốc gia Arab này, về cả kinh tế lẫn xã hội. Kế hoạch này có tên gọi là “Tầm nhìn 2030”, dự kiến gia tăng doanh thu từ các nguồn phi dầu mỏ lên đến 160 tỷ USD vào năm 2020.

Thái tử Mohammed bin Salman và Mohammed bin Nayef - cựu Thái tử.

Hơn 2 năm trước, khi Quốc vương Salman tuyên bố thành lập Ủy ban Chống tham nhũng, Thái tử  MbS đã trở thành người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính về hoạt động của Ủy ban, vốn được trao quyền điều tra các vụ việc tình nghi, ra lệnh bắt hoặc cấm đi lại với các cá nhân cũng như thu hồi tài sản. Chính phủ Saudi Arabia cho hay, các vụ bắt giữ là một phần nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng tính minh bạch, trách nhiệm và năng lực quản lý của giới chức, những cải cách quan trọng cần thiết để thu hút đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ hơn và trấn an xã hội Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ qua liên tục bất bình vì tình trạng tham nhũng trong chính quyền và sử dụng sai nguồn ngân sách công.

Theo giới phân tích, các vụ bắt giữ diễn ra tại thời điểm nhạy cảm khi quốc gia giàu dầu mỏ này đang chật vật đối phó với tình trạng giá dầu sụt giảm và việc người dân bị hạn chế tới các khu vực linh thiêng của đạo Hồi do lo ngại dịch COVID-19. Trong số các thành viên hoàng gia, người có chức vị cao nhất trong 3 người bị bắt là Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz, em trai của MbS.

Nhân vật thứ hai từng là thái tử kế vị ngai vàng, Mohammed bin Nayef, cựu Bộ trưởng Nội vụ và có quan hệ chặt chẽ với tình báo Mỹ. Ông đã bị mất chức Thái tử và Bộ trưởng Nội vụ năm 2017, kể từ đó đã bị Thái tử Salman giam tại nhà. Em trai của ông, Hoàng tử Nawaf bin Nayef cũng bị bắt giữ.

Ngoài 3 người này, một loạt quan chức quân đội và Bộ Nội vụ có liên quan tới cáo buộc kể trên cũng đã bị giam giữ. Mặc dù vụ bắt giữ làm dấy lên những nghi vấn về sức khỏe của Quốc vương Salman, hiện đã 84 tuổi, và liệu việc kế vị có đang trong giai đoạn chuẩn bị được tiến hành.

Thậm chí nhiều người cho rằng với quyền lực thật sự, nắm trong tay mọi cơ quan chính quyền, từ quốc phòng cho tới kinh tế, Thái tử MbS đang tìm cách truy quét mọi phần tử chống đối trong nội bộ trước thời điểm tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực chính thức từ cha mình.

Tuy nhiên, giới chức Saudi Arabia bác bỏ những đồn đoán này, cho rằng “Quốc vương vẫn rất khỏe mạnh và bình an” và rằng vụ bắt giữ là nhằm thiết lập “kỷ cương” trong gia đình Hoàng gia. Nguồn tin này còn cho biết Thái tử đang “nắm quyền kiểm soát” và vụ thanh trừng diễn ra “sau một loạt hành vi tiêu cực của hai hoàng tử”.

Theo giới phân tích dù là lãnh đạo trẻ, được sự tin tưởng của Quốc vương và nhiều thành viên trong Hoàng tộc nhưng con đường tiến tới ngai vàng của Mohammed bin Salman vẫn bị coi là không hề bằng phẳng, một phần là do những mâu thuẫn nội bộ, xuất phát từ quá trình chuyển giao quyền lực này.

Một phần nữa là do những chính sách cải cách táo bạo của ông đã làm dấy lên nhiều phản ứng tiêu cực trong nước. Tầng lớp giáo sĩ bảo thủ là những người đầu tiên phản đối cải cách của Thái tử. Chưa hết, MbS cũng hứng chịu nhiều “búa rìu dư luận” khi mạnh tay trấn áp tệ nạn tham nhũng, khi những vụ bắt giữ nhiều thành viên đối lập trong hoàng tộc hồi năm 2017 vẫn chưa hết nóng.

Các chuyên gia cho rằng, chiến dịch này được thực hiện nhằm giúp Thái tử loại bỏ những đối thủ. Các cáo buộc tham nhũng có thể được tạo ra nhằm vào bất cứ ai trong chính phủ hoặc trong các tổ chức kinh doanh. Đây giống như bước đi cuối cùng để củng cố vai trò cầm quyền của MbS qua việc loại bỏ những đối thủ tiềm năng.

Một điểm không bỏ qua là Thái tử Mohammed bin Salman nổi tiếng với chính sách đối ngoại răn đe và gây sức ép. Tuy nhiên, chính sách này không những không mang lại hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Saudi Arabia trên trường quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Saudi Arabia vẫn sa lầy vào cuộc chiến chống phiến quân Houthi tại Yemen và số tiền mà nước này phải bỏ ra cho các chiến dịch không kích đã lên đến hơn 100 tỷ USD.

Biện pháp cô lập và phong tỏa Qatar cũng không có tác dụng ngoài việc đẩy quốc gia láng giềng trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) này tiến gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đó là chưa kể Thái tử MbS từng đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế về nghi vấn liên quan đến việc đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán tại Istanbul hồi tháng 10-2018.

Giới quan sát cho rằng cho dù tham vọng vì bất kỳ mục đích có lợi nào, kế hoạch “thanh trừng” các thành viên hoàng gia và quan điểm cứng rắn của MbS trong bối cảnh hiện nay vẫn vẫn là những động thái mất điểm cho nhà lãnh đạo quốc gia Trung Đông này.

Quang Nguyễn
.
.