Sẽ thế nào nếu bà Hillary Clinton đắc cử?

Thứ Năm, 27/10/2016, 15:44
Hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 8/11), ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton dường như đang giành thế thượng phong khi tương quan lực lượng nghiêng hẳn về bà. Sự chênh lệnh tỷ lệ cư tri ủng hộ cựu đệ nhất phu nhân và đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa, đang ngày càng rõ rệt, đặc biệt tại các bang "chiến địa".

Tuy nhiên, càng đến gần thắng lợi, dư luận càng tỏ ra lo ngại cách mà tân tổng thống sẽ điều hành cường quốc số một thế giới bởi đằng sau chiến thắng hào quang, những cạm bẫy và khó khăn đang được quăng ra để kéo ngã bà.

Giới phân tích cho rằng chỉ chiến thắng trong cuộc bầu cử thôi là chưa đủ, quan trọng là sự thể hiện của tân tổng thống, bởi đó chính là nền tảng của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, và cách mà tân thổng thống điều hành cường quốc số 1 thế giới cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ chiến thắng cũng như những người hỗ trợ.

Tỷ phú Donald Trump tuyên bố ông sẽ không thừa nhận thất bại, kể cả khi các lãnh đạo đảng Cộng hòa có thừa nhận thất bại thay cho ông. Ông Trump đã lên tiếng tố cáo cuộc bầu cử bị gian lận ngay cả trước khi nó bắt đầu. Nếu ông bị thua với tỷ lệ sít sao, chắc hẳn ông sẽ tuyên bố cuộc bầu cử đã bị mua chuộc.

Trước câu hỏi vào đêm tranh luận cuối cùng hôm 19/10 về việc liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử nếu ông thua cuộc hay không, ông Trump đã có câu trả lời bất ngờ: “Tôi sẽ trả lời câu hỏi này vào lúc thích hợp. Hãy chờ xem!”.

Tuy nhiên, không nên kỳ vọng rằng ông Trump đang trở nên điềm đạm hơn. Có thông tin cho rằng tỷ phú “lắm tài nhiều tật này” đang lên kế hoạch mở kênh truyền hình Trump nhằm tạo cho mình một bệ đỡ để từ đó quấy rầy "tân" Tổng thống Hillary. Ông có thể sẽ trở thành nhân vật gây rất nhiều phiền hà cho chính trường nước Mỹ nay mai nếu không đạt được sở ước của mình.

Cuộc bầu cử có kết quả sít sao có thể sẽ được hiểu là bà Clinton thắng chỉ bởi bà ấy không phải là ông Trump. Những người ủng hộ ông Trump sẽ vẫn đứng sau ông và phản đối chiến thắng của bà cho đến khi bà nhậm chức vào tháng 1/2017, và thậm chí cả sau đó nữa. Họ sẽ cáo buộc bà là một tổng thống bất hợp pháp. Họ sẽ gây áp lực lên các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội để cản trở bất cứ chính sách nào mà bà đưa ra.

Bà Clinton chỉ trích ông Trump là "mối đe dọa" cho nền dân chủ Mỹ.

Nếu chiến thắng của bà Clinton không kéo theo được thế đa số của đảng Dân chủ trong Quốc hội, thì đảng Cộng hòa sẽ càng có động lực để công kích bà. Một thắng lợi chật vật đồng nghĩa với những bế tắc không có hồi kết với bà Clinton.

Hiện có rất nhiều sự bất mãn ở Mỹ và nó không chỉ giới hạn ở những người ủng hộ ông Trump. Trong suốt năm qua, các cuộc thăm dò của Viện Gallup cho thấy có tới 70% người Mỹ không hài lòng với cách mọi thứ đang diễn ra ở trong nước. Nếu đảng Cộng hòa chọn ra được một ứng cử viên được chấp thuận một cách rộng rãi hơn, chẳng hạn như Thống đốc bang Ohio John Kasich hay Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, thì có lẽ cơ hội để họ đánh bại bà Clinton đã lớn hơn.

Trong bài phát biểu cuối buổi tranh luận, ông Trump đã nỗ lực thuyết phục mọi người nên chọn ông để có sự thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống. Ông nói: “Chúng ta không thể chịu thêm 4 năm nữa dưới chính quyền như Obama, và nếu bà ấy chiến thắng thì điều đó sẽ xảy ra”. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần tự đánh mất uy tín của mình, nhất là bởi những phát ngôn miệt thị phụ nữ.

Các nhà vận động tranh cử cho bà Clinton nhận thức được rằng hiện các cử tri đang rất trông đợi những sự thay đổi ở trong nước. Đó là lý do vì sao cựu Tổng thống Bill Clinton đã phát biểu trong Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ rằng “bà ấy sẽ là người đem đến những thay đổi tốt hơn tất cả những ai mà tôi biết. Bà ấy luôn luôn muốn thúc đẩy những điều tốt đẹp hơn”.

Với bà Clinton, “thay đổi” chính là “thúc đẩy” tình hình tiến về phía trước, trong khi đối phó với sự rạn nứt từ gốc rễ. Nếu bà lên làm tổng thống, sẽ không có các cuộc vây bắt người nhập cư trái phép, không xây tường rào trên biên giới Mexico, không hàng rào thuế quan cao, không từ bỏ các đồng minh quân sự, không bãi bỏ chính sách y tế Obamacare, không tống giam các đồng minh chính trị, không thao túng truyền thông...

Bà Clinton ủng hộ cho sự thay đổi ngày càng sâu rộng: tìm ra những biện pháp để giảm bất công, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, giải quyết các cuộc xung đột giữa các cộng đồng thiểu số và cảnh sát, tạo thêm việc làm, đẩy lùi IS mà không phải điều thêm binh sỹ Mỹ ra trận.

Chiến thắng mang tính quyết định của bà Clinton hứa hẹn một nước Mỹ mới, một hợp chúng quốc của các cử tri lao động nữ, người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latinh, Mỹ gốc Á, các bà mẹ đơn thân, người Do Thái, người Hồi giáo... những người đã từng đưa ông Obama bước vào Nhà Trắng.

Điều đó cũng có nghĩa là những nỗ lực phản kháng của ông Trump đã thất bại. Đó cũng sẽ là một thông điệp gửi tới đảng Cộng hòa, như lời Thống đốc Ohio John Kasich nói: “Nếu đảng Cộng hòa không phát triển thì đảng Cộng hòa sẽ chết yểu”.

Một điểm đáng chú ý trong chiến dịch bầu cử tổng thống lần này là sự chênh lệch trong trình độ học vấn của các cử tri. Theo cuộc thăm dò dư luận do ABC News và Washington Post tiến hành, thành phần cử tri da trắng không bằng cấp ủng hộ ông Trump đã giảm xuống một nửa, từ 62% xuống còn 31%. Lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua, các cử tri da trắng có bằng đại học bỏ phiếu nhiều cho đảng Dân chủ.

Trước đó, nhiều người Mỹ thường không hài lòng khi các chính trị gia có bằng cấp và chuyên nghiệp như bà Clinton và ông Obama điều hành đất nước, và tình trạng bất mãn về giới có học vẫn luôn là vấn đề căng thẳng trong chủ nghĩa dân túy Mỹ. Tầng lớp có học thức của Mỹ sẽ coi chiến thắng của bà Clinton là một sự chứng thực cho những giá trị của việc thay đổi về những thành kiến ấy. Với những người da trắng học vấn thấp hơn, chiến thắng này là lời khẳng định cho sự cô lập và bất mãn của họ.

Rõ ràng, cả Clinton và Trump, hai trong số những nhân vật gây bất đồng nhiều nhất trên chính trường Mỹ, cũng đều khó có thể hàn gắn sự chia rẽ này. Hai người Mỹ, hai cách thể hiện... và chẳng ai có được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Bảo Trân
.
.