Sharon – Netanyahu: Cuộc đối đầu mới trên chính trường Israel

Thứ Bảy, 10/09/2005, 08:11
Benjamin Netanyahu (Bibi) - được coi là đối thủ chính của Thủ tướng Ariel Sharon - mới đây đã tuyên bố về tham vọng tranh giành chiếc ghế thủ lĩnh đảng Likud của ông Sharon. Dự định này (đồng nghĩa với việc nhắm đến chiếc ghế thủ tướng Israel) được Netanyahu đưa ra chỉ 3 tuần sau khi kế hoạch di dời các khu định cư Do Thái tại dải Gaza của ông Sharon được thực thi.

Theo các kết quả thăm dò mới nhất, ông Netanyahu hoàn toàn có khả năng hy vọng vào một thắng lợi trong kỳ bầu cử sắp tới.

 

Vào ngày 7/8/2005, Netanyahu tuyên bố từ chức khỏi cương vị Bộ trưởng Tài chính ngay trong một phiên họp của chính phủ nhằm thông qua quyết định di dời các cư dân Do Thái ra khỏi dải Gaza. Netanyahu, dù trước đây đều ủng hộ cho kế hoạch của Sharon, cuối cùng lại tuyên bố “không thể là kẻ đồng tình với một quyết định mang tính thảm kịch như vậy” trước khi nộp đơn từ chức. Hành vi trên cho thấy, đó là một bước đi chiến lược có tính toán nhằm quay trở lại với chiếc ghế thủ tướng của Netanyahu.

Trước đây chính phủ của Netanyahu (1996-1999) đã từng nhanh chóng sụp đổ sau khi ký một thỏa ước với chính quyền Palestine, dẫn tới một bước liên kết giữa phe cánh hữu và cánh tả đối lập. Netanyahu đã buộc phải rời khỏi chiếc ghế thủ tướng, sau khi đối thủ Ehud Barak từ Công đảng đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử trước thời hạn tháng 5/1999. Thực chất, đây là hậu quả một bước đi sai lầm của Netanyahu.


Ông ta cho rằng, thủ tướng mới sẽ không thể có cơ hội hợp tác được với Quốc hội có thành phần phức tạp như vậy. Chỉ cần chờ chính phủ của Barak sụp đổ, Bibi có thể có đủ cơ hội thành lập một chính phủ ổn định hơn. Nhưng đến kỳ bầu cử, ứng cử viên từ Likud lại là... Sharon. Ông này đã áp đảo Barak với hơn 27% số phiếu bầu và thành lập được một chính phủ thống nhất. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Sharon, Netanyahu nắm giữ chiếc ghế bộ trưởng Ngoại giao.

Cuộc bầu cử vào tháng 1/2003 một lần nữa lại giúp Sharon yên vị trên chiếc ghế thủ tướng. Netanyahu được nắm giữ một cương vị chủ chốt trong chính phủ liên minh là Bộ trưởng Tài chính với những quyền hạn rộng rãi nhất để tiến hành cải cách kinh tế. Ông ta lặng lẽ góp nhặt uy tín của mình trong lĩnh vực kinh tế để chờ thời, trong khi không công khai chống lại các chính sách liên quan đến Palestine như nhiều vị bộ trưởng khác.

 

Thời điểm thuận lợi có vẻ như đã đến vào tháng 3-2005, khi liên minh cầm quyền đang trên bờ vực sụp đổ. Nhưng Sharon với khả năng ứng đối bậc thầy, đã biết cách thành lập một liên minh mới, thực thi những giải pháp thích hợp qua Quốc hội và Chính phủ để một lần nữa giữ vững quyền lực của mình. Netanyahu - phải lựa chọn giữa một cuộc đấu tranh chính trị công khai với Thủ tướng với ít cơ hội thắng lợi với việc bảo lưu “chính phủ cải cách kinh tế” của mình - đã quyết định chọn phương án thứ hai để tiếp tục chờ thời.

Cũng phải kể đến những thành công của Netanyahu trong lĩnh vực kinh tế. Trong điều kiện tình hình chính trị - xã hội có nhiều bất ổn, ông ta đã biết cách chặn đứng được đà suy giảm kinh tế, sự rối loạn trong điều hành ngân sách quốc gia, đảm bảo mức tăng trưởng GDP ổn định (4-4,5%) trong các điều kiện lạm phát tối thiểu (0,7-1%), đảm bảo việc thực thi một loạt các biện pháp tự do hóa thị trường vốn, giảm thuế và thu hút đáng kể đầu tư, tư hữu hóa một loạt các công ty lớn, giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong xã hội. Những biện pháp cải cách trên tuy nhiên cũng có những mặt trái như ngân sách quốc gia bị sụt giảm, phúc lợi và trợ cấp xã hội bị cắt giảm, mức độ chênh lệch về thu nhập của người dân ngày càng tăng v.v...

Chiến dịch di dân Do Thái khỏi dải Gaza đã làm gia tăng đáng kể những rạn nứt trong nội bộ liên minh cầm quyền, cũng như trong xã hội Israel. Việc tiếp tục có mặt trong chính phủ của Sharon có lẽ sẽ trở thành yếu tố phản tác dụng đối với sự nghiệp chính trị của Netanyahu. Đó là lý do khiến ông ta quyết định "ly khai" để chuyển sang đối đầu công khai với Sharon. Netanyahu được đánh giá sẽ có cơ hội chiến thắng không nhỏ.

Theo tờ Jerusalem Post, đương kim Thủ tướng Sharon mới đây đã công khai buộc tội các đối thủ của mình trong đảng Likud về một “âm mưu đảo chính quốc gia”. “Hãy giúp tôi ngăn cản âm mưu lật đổ của họ. Đó không phải là một cuộc bầu cử, mà là một âm mưu đảo chính” - Sharon đã tuyên bố như vậy trong cuộc gặp gỡ với các thành viên Ủy ban Trung ương đảng Likud.

Được biết là phe chống đối Sharon do Netanyahu đứng đầu đã đạt được một thỏa thuận về việc triệu tập phiên họp bất thường của Ủy ban Trung ương đảng Likud, trong đó sẽ đưa ra bàn bạc việc bầu một thủ lĩnh mới cho đảng. Phiên họp này đã được ấn định vào ngày 26/9 tới, sau khi các đại diện của Netanyahu đã thỏa thuận hợp tác được với đại diện của Uzi Landau, thủ lĩnh phe chống đối Sharon tại Quốc hội. “Chúng ta cần phải hợp tác để chiến thắng” - Netanyahu đã nói như vậy, sau khi chính thức cho biết về dự định tham dự cuộc bầu cử chủ tịch đảng Likud, đồng nghĩa với cuộc chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng.

Kết quả cuộc họp vào ngày 26/9 tới sẽ thông qua quyết định bầu cử thủ lĩnh đảng Likud trong vòng 60 ngày vào khoảng cuối tháng 11). Các cuộc thăm dò cho thấy, Sharon sẽ thua Netanyahu trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng, nếu như nó được tổ chức.

Theo số liệu của Trung tâm xã hội học Shvakim Panorama, trong cuộc tổng tuyển cử tương lai, phe Likud do Sharon đứng đầu sẽ có được nhiều hơn 12 ghế so với Công đảng. Ưu thế của phe Likud do Netanyahu đứng đầu so với Công đảng là 3 ghế. Nhưng nếu như Netanyahu trở thành chủ tịch của Likud và Sharon thành lập một đảng mới, tỉ lệ tương quan lại là: Likud được 22 ghế tại Quốc hội, Công đảng được 21 ghế, còn đảng của Sharon là 18 ghế. Cuộc chiến nội bộ Sharon - Netanyahu trước mắt được đánh giá là sẽ rất quyết liệt với kết quả khó lường. Mọi việc sẽ chỉ trở nên rõ ràng sau ngày 26/9/2005

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.