Sri Lanka: Bất ổn sau lệnh sa thải thủ tướng
Đã có bạo loạn xảy ra khi đảng của thủ tướng bị phế truất vận động cử tri xuống đường phản đối hành động của Tổng thống Sirisena. Giới bình luận cho rằng phía sau cuộc đấu đá này là một cuộc đấu khác giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á.
Cuộc xung đột chính trị tại Sri Lanka bắt đầu bùng phát từ ngày 16-10, khi Tổng thống Sirisena bất ngờ tuyên bố “sa thải” Thủ tướng Wickremesinghe và toàn bộ nội các của ông, đồng thời bổ nhiệm ông Rajapaksa làm Thủ tướng thay thế. Truyền hình quốc gia Sri Lanka ngay sau đó truyền trực tiếp lễ tuyên thệ nhậm chức chớp nhoáng của ông Rajapaksa.
Tổng thống Sirisena đã yêu cầu Thủ tướng Wickremesinghe bàn giao công việc cho ông Rajapaksa nhưng ông Wickremesinghe từ chối, kiên quyết không chịu rời khỏi dinh Thủ tướng. Ông khẳng định mình mới chính là người lãnh đạo chính phủ hợp pháp còn ông Rajapaksa là không hợp pháp. Nhiều người, nhất là thành phần ủng hộ ông Wickremesinghe và chống Tổng thống Sirisena cũng cho rằng việc đưa ông Rajapaksa lên thay thế ông Wickremesinghe là vi hiến.
Hiến pháp Sri Lanka quy định, Thủ tướng phải là người được đa số đại biểu Quốc hội tín nhiệm bầu lên. Ông Wickremesinghe kêu gọi Quốc hội mở cuộc họp toàn thể để bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định giữa ông và ông Rajapaksa ai là thủ tướng hợp pháp. Nếu thực hiện theo yêu cầu này, gần như chắc chắn ông Wickremesinghe sẽ giành chiến thắng, bởi đảng Dân tộc Thống nhất (UNP) của ông hiện đang nắm đa số trong Quốc hội.
Thủ tướng bị phế truất Ranil Wickremesinghe (người đứng giữa). |
Tuy nhiên, Tổng thống Sirisena đã lường trước tình huống này nên đã ra lệnh “treo” Quốc hội trong 3 tuần lễ, đến ngày 16-11. Theo giới phân tích, Tổng thống Sirisena không có quyền giải tán Quốc hội nhưng lại có quyền “treo” Quốc hội, cho nên động thái này tạm thời phát huy hiệu quả là ngăn chặn việc bỏ phiếu tín nhiệm cho ông Wickremesinghe. Xung đột giữa hai phái làm cho đất nước Sri Lanka lâm vào tình trạng chưa từng có trong lịch sử: cùng lúc có 2 thủ tướng và tính pháp lý của cả hai chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát Sri Lanka cũng được lệnh phong tỏa các tòa nhà trụ sở làm việc của thành viên nội các vừa bị sa thải nhằm giành chỗ cho nội các mới vào làm việc. Như Thủ tướng Wickremesinghe, các thành viên nội các cũ cũng từ chối bàn giao vị trí. Một số bộ trưởng cũ đã kiên quyết quay trở lại trụ sở làm việc, trong đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Arjuna Ranatunga đã cố đi vào trụ sở làm việc vào sáng 28-10 dẫn đến đụng độ xảy ra giữa lực lượng cận vệ của ông này với cảnh sát và những người ủng hộ ông Rajapaksa khiến 1 người chết, 1 cận vệ bị bắt giam do nổ súng gây chết người.
Hôm 29-10, người dân ủng hộ Thủ tướng bị phế truất Wickremesinghe đã hưởng ứng lời kêu gọi của đảng Dân tộc Thống nhất (UNP) xuống đường biểu tình phản đối hành động sa thải Thủ tướng Wickremesinghe. Các cuộc biểu tình diễn ra trên các đường phố chính của thủ đô Colombo và nhiều thành phố khác trên cả nước Sri Lanka.
Giới quan sát lo ngại tình hình có thể vượt tầm kiểm soát, bạo lực đàn áp có thể sẽ tái diễn như giai đoạn trước năm 2015. Ở phía ngược lại, cũng có một bộ phận không nhỏ người ủng hộ ông Rajapaksa, bao gồm các nghiệp đoàn, xuống đường đối kháng với lực lượng ủng hộ ông Wickremesinghe.
Theo giới quan sát, cuộc xung đột chính trị hiện tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là những bất đồng sâu sắc từ khi ông Sirisena lên làm Tổng thống và ông Wickremesinghe làm Thủ tướng. Chỉ trong 3 năm làm việc chung, từ năm 2015 đến nay, hai ông thường xuyên bất hòa trong các chính sách điều hành đất nước, đặc biệt là về kinh tế.
Xa hơn những bất đồng cá nhân là sự mâu thuẫn trong việc lựa chọn “theo ai” giữa hai cường quốc châu Á: Ấn Độ và Trung Quốc. Nói cách khác, cuộc xung đột chính trị hiện tại ở Sri Lanka là một biểu hiện của cuộc đấu địa chính trị giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á. Ấn Độ là láng giềng chỉ cách đảo quốc Sri Lanka hơn 50km, đồng thời là một nước lớn, đã có lịch sử lâu đời tạo ảnh hưởng đối với Sri Lanka, cả về kinh tế lẫn chính trị, an ninh quốc phòng.
Ngày 27-10, New Delhi đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan ở Sri Lanka “tôn trọng các giá trị dân chủ”, ám chỉ việc Tổng thống Sirisena phế truất Thủ tướng Wickremesinghe và đưa ông Rajapaksa lên thay. Giới phân tích, đặc biệt là thành phần không thuận với Trung Quốc cho rằng hành động của Tổng thống Sirisena là vi hiến và việc đưa một người thân Trung Quốc như ông Rajapaksa lên nắm quyền là động thái chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Ngay sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Trịnh Tiết Viên đã tuyên bố không can dự vào công việc nội bộ của nước sở tại, không đứng về phía nào trong cuộc xung đột chính trị, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc gây ảnh hưởng đối với Sri Lanka. Bộ Ngoại giao Mỹ và cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng kêu gọi các bên ở Sri Lanka “tôn trọng các giá trị dân chủ”.
Giới quan sát cũng như nhiều người dân từng ủng hộ ông Sirisena khi ông tranh cử tổng thống năm 2015 đã bày tỏ thất vọng và chỉ trích ông không giữ đúng lời hứa. Cụ thể là, khi tranh cử năm 2015, ông Sirisena đã giương ngọn cờ chống tham nhũng, tuyên bố sẽ tiến hành điều tra đến nơi đến chốn những cáo buộc vi phạm nhân quyền, đàn áp, bắt bớ, thủ tiêu người thuộc tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil Eelam (LTTE) của người tiền nhiệm là ông Rajapaksa, đồng thời hủy bỏ các dự án vay vốn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, ông Sirisena không làm đúng lời hứa của mình, bởi một thực tế không thể chối cãi là Sri Lanka hiện tại đang lún sâu trong khối nợ Trung Quốc do những khoản vay từ thời ông Rajapaksa làm tổng thống.