Sự ra đi của Ngoại trưởng Mỹ và kỷ lục sa thải nhân sự của Tổng thống D.Trump
- Ngoại trưởng Mỹ thăm chiến lược nhiều nước châu Phi
- Một năm “vất vả“ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Trung thành là trên hết
Cuộc thay người diễn ra một cách không thể bất ngờ hơn, mặc dù sự ra đi của ông Tillerson đã được dự báo từ nhiều tháng trước khi xuất hiện những sự cố “lạc nhịp” giữa Bộ trưởng Ngoại giao với Tổng thống Mỹ. Điều đáng nói nữa là thông tin về việc sa thải Ngoại trưởng Tillerson lại được thông báo qua mạng xã hội Twitter do đích thân Tổng thống Trump thông báo. Bản thân Ngoại trưởng Tillerson cũng không hay biết mình bị sa thải.
Trả lời báo chí, ông Tillerson cho biết ông không hề hay biết mình bị sa thải, chỉ nhận được thông tin qua mạng xã hội Twitter. Quyết định sa thải được Tổng thống Trump đưa ra rất nhanh, chỉ 4 giờ sau khi ông Tillerson hoàn tất chuyến công du một số quốc gia châu Phi và đã phải rút ngắn chuyến đi sau khi nhận được điện thoại của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
Khi trả lời báo chí hôm sau khi nhận được tin bị sa thải, ông Tillerson đã nói lời cảm ơn các thuộc cấp tại Bộ Ngoại giao thời gian qua, cảm ơn những người khác từng hợp tác trong công việc, hoàn toàn không nhắc gì đến Tổng thống Trump - thể hiện một sự bất đồng không thể dung hòa.
Ông Rex Tillerson. |
Việc sa thải Ngoại trưởng Tillerson được báo chí nhìn nhận với nhiều góc độ khác nhau, trong đó nổi bật nhất là thông điệp về lòng trung thành tuyệt đối của quan chức đối với Tổng thống Trump. Khi chọn Tillerson vào vị trí Bộ trưởng Ngoại giao cách đây hơn một năm, Tổng thống Trump đã phát đi một thông điệp là ông muốn lựa chọn những người giỏi nhất đưa vào phục vụ trong chính quyền.
Tillerson khi đó là Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Ezzon Mobil, một ông lớn trong ngành dầu khí thế giới. Và khi sa thải Tillerson, Tổng thống Trump cũng đưa ra một thông điệp: Điều quan trọng nhất - và duy nhất - đối với ông là các quan chức cao cấp thể hiện sự trung thành, tận tụy như thế nào đối với ông. Quan chức càng tận tụy, trung thành càng tốt, anh ta càng dễ lên cao và được trọng dụng lâu dài.
Mike Pompeo, Gina Haspel là hai điển hình mới nhất của lòng trung thành, tận tụy này. Tillerson thì không có được lòng trung thành đó. Ông không thuộc nhóm người chịu phục tùng phong cách lãnh đạo “rối rắm” của ông Trump.
Mike Pompeo thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Tổng thống Trump ngay từ khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc CIA. Trên cương vị Giám đốc CIA, Pompeo đã nhiều lần thể hiện đồng quan điểm với tổng thống trong một số vấn đề nổi cộm nhất như thỏa thuận hạt nhân với Iran, vấn đề CHDCND Triều Tiên, chương trình tra tấn của CIA, chuyện nhập cư, kỳ thị chủng tộc,...
“Chúng tôi có cùng tần số với nhau” - Tổng thống Trump phát biểu khi để cử Pompeo. Đúng vậy, Pompeo luôn biết lắng nghe những điều tổng thống nói và nói những điều tổng thống muốn nghe. Ông phục tùng sự lãnh đạo của Trump, sẵn sàng nằm trong sự kiểm soát của tổng thống, khiến tổng thống an tâm.
Ở CIA, trong khi cơ quan này thể hiện sự bất đồng với Tổng thống Trump về các vấn đề thông tin tình báo, về tra tấn, vụ Nga can thiệp bầu cử, thì Pompeo chính là người đã đứng về phe tổng thống bất chấp sự bất bình của thuộc cấp, cơ quan. Lòng trung thành, sự phục tùng của Pompeo đã từng được báo chí bàn luận khi ông lên tiếng về vấn đề Thỏa thuận Hạt nhân Iran vào cuối năm 2017.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson luôn tỏ ra là một con người độc lập, vượt ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Trump khiến ông ấy luôn cảm thấy bất an. Không phải Tổng thống Trump không tạo cơ hội cho Ngoại trưởng Tillerson sửa sai trước khi đưa ra quyết định sa thải ông. Tổng thống Trump từng viết trên Twitter vào tháng 12-2017 rằng, “những tin đồn trên truyền thông rằng tôi sắp sa thải Rex Tillerson hoặc ông ấy sắp rời khỏi chức vụ là tin giả. Ông ấy sẽ không ra đi và mặc dù bất đồng trong một số vấn đề, chúng tôi vẫn làm việc tốt với nhau”.
Tổng thống Donald Trump trả lời báo chí sau khi thông báo sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson. |
Tuy nhiên, có vẻ Tổng thống Trump đã hết kiên nhẫn với Tillerson. Trả lời báo chí hôm 13-3, ông Trump chỉ giải thích ngắn gọn lý do của việc sa thải Ngoại trưởng Tillerson là vì giữa hai ông không cùng quan điểm, không cùng suy nghĩ.
Điểm lại thời gian hơn một năm làm ngoại trưởng của ông Tillerson, người ta thấy việc sa thải ông là điều không bất ngờ, thậm chí đã từng được dự báo từ nhiều tháng trước. Khách quan mà nói, không thể có chuyện một quan chức thuộc cấp lại thường xuyên bất đồng quan điểm với người lãnh đạo cao nhất của mình, nhất là trong các chính sách đối ngoại.
Từng là một “ông lớn” trong ngành công nghiệp dầu khí, Tillerson không phục tùng tuyệt đối sự chỉ đạo của Trump, dù ông biết rõ đó là điều tổng thống mong muốn nhất. Ông đã không ủng hộ đường lối nước đôi của Tổng thống Trump trong vụ việc kỳ thị chủng tộc ở Charlottesville, bang Virginia. “Tổng thống chỉ nói quan điểm cá nhân ông ấy” - Tillerson phát biểu với báo chí.
Tillerson thường thể hiện quan điểm “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” với Tổng thống Trump trong một số vấn đề. Ông đã cố khích lệ Tổng thống Trump để nước Mỹ tiếp tục ở lại với Thỏa thuận Khí hậu Paris, trong khi ông Trump chủ trương theo đuổi chính sách “rút lui” toàn diện trong mọi vấn đề, kể cả vấn đề biến đổi khí hậu. Kế tiếp, ông lại cố sức giải quyết cuộc xung đột giữa Saudi Arabia với Qatar - 2 nước đồng minh của Mỹ trong khu vực Trung Đông - trong khi Tổng thống Trump lại đứng hẳn về phía Saudi Arabia.
Trong vấn đề Thỏa thuận Hạt nhân Iran, Tillerson đã cố thể hiện quan điểm rằng nước Mỹ nên tiếp tục tuân thủ Thỏa thuận Hạt nhân đã ký với Iran trong khi Tổng thống Trump luôn miệng chỉ trích và tuyên bố Thỏa thuận phải được điều chỉnh lại, nếu không ông sẽ rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận.
Ông Mike Pompeo được đề cử thay ông Tillerson. |
Trong vấn đề Triều Tiên cách đây vài tháng, ngay sau khi có phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov rằng “Triều Tiên đã sẵn sàng đàm phán”, Ngoại trưởng Tillerson đã lên tiếng “Mỹ sẵn sàng nói chuyện với Bắc Triều Tiên về bất cứ điều gì, không cần điều kiện tiên quyết” nào hết. Ngay lập tức, Nhà Trắng phát đi thông báo bác lại phát ngôn của ông Tillerson, trong đó nhắc lại quan điểm của Tổng thống Trump là “không phí thời gian đàm phán” với CHDCND Triều Tiên. Bỗng thấy mình “lỗi nhịp” với tổng thống, Tillerson đành phải lên báo chí tự đính chính lại ý kiến phát ngôn của mình.
Mới đây nhất, sau khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh, ngay cả khi Tổng thống Trump tuyên bố “ủng hộ phản ứng của Anh”, ông cũng không cáo buộc nước Nga. Thế nhưng, Ngoại trưởng Tillerson đã tự tách mình ra khỏi hàng ngũ, tuyên bố rằng ông “tin nước Nga đứng sau vụ tấn công”. Rõ ràng, đây là một lỗi lớn về ngoại giao mà bất cứ nhà ngoại giao nào cũng không được phép mắc phải.
Lỗi nặng nề nhất có lẽ là quan điểm, phát ngôn của Tillerson về Tổng thống Trump, thể hiện sự không phục tùng cấp trên. Tillerson không ít lần công khai thể hiện sự bực tức và cho rằng Tổng thống Trump đã “phá bĩnh” mình trong một số vấn đề đối ngoại mà không hề nghĩ rằng đáng lẽ ra ông mới là người phải giúp tổng thống triển khai các chính sách của ông ấy. Chính vì suy nghĩ như thế cho nên Tillerson có lần đã buột miệng phát ngôn trên báo chí gọi Tổng thống Trump là “gã đần” cho hả giận.
Có lẽ đây chính là điểm trừ lớn nhất, nó không chỉ làm cho Tổng thống Trump tức giận và cơn giận này đã không thể nguôi cho đến nay, mà còn khiến ông mất đi sự ủng hộ của một số quan chức cấp cao, quan trọng trong Nhà Trắng, như Chánh văn phòng John Kelly. Ông Kelly từng là người bảo vệ Tillerson quyết liệt nhất trong nhiều vấn đề nhưng kể từ sau vụ phát ngôn “gã đần”, ông đã rút lại sự ủng hộ đó.
Chính sách đối ngoại rối tung
Với việc sa thải Ngoại trưởng Tillerson và đề cử ông Pompeo thay thế, báo chí Mỹ cho rằng, Tổng thống Trump đang làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ rối tung hơn. Trước Tillerson vài ngày đã có một số quan chức trong Nhà Trắng bị sa thải hoặc thôi việc, nhưng những sự thay người này không gây ảnh hưởng nhiều như việc thay Ngoại trưởng Tillerson, đặc biệt là ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế.
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện, nhận xét: “Bất kể người thay thế ông Tillerson là ai, khi ông ta đi gặp các lãnh đạo nước ngoài, độ tin cậy của ông ta sẽ bị giảm sút, vì không ai tin tưởng hoàn toàn một người ngay cả vị trí của mình cũng không bảo đảm chắc chắn”.
Mặt khác, việc sa thải Ngoại trưởng Tillerson lại diễn ra vào thời điểm rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Nước Mỹ đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một cuộc gặp (nếu có) giữa Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào tháng 5 tới. Nhưng ngay từ bây giờ, nước Mỹ chưa thấy có một Bộ trưởng Ngoại giao đủ chuẩn để tiến hành những công việc đối ngoại liên quan đến cuộc gặp trên.
Pompeo, người được đề cử thay thế ông Tillerson, sẽ phải trải qua một quy trình phê chuẩn tại Quốc hội, với sự chất vấn gay gắt, thậm chí phản đối từ phía các nghị sĩ của đảng Dân chủ. Khi tiếp nhận chức Ngoại trưởng, ông Pompeo sẽ phải tiếp tục những công việc dang dở của ông Tillerson, hoặc là phải bắt tay làm lại từ đầu, ông cần có thời gian để bắt nhịp với nhiệm vụ mới.
Trong khi đó, nước Mỹ đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong chính sách đối ngoại, như cuộc gặp với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, vấn đề Thỏa thuận Hạt nhân Iran, chiến tranh thương mại,...
Ông John McEntee. |
Ở Bộ Ngoại giao, chương trình cải tổ cơ quan này của Tillerson vẫn đang dang dở. Do bị cắt giảm kinh phí hoạt động, Tillerson buộc phải sắp xếp, bố trí lại một số bộ phận, vị trí công việc. Tuy nhiên, cho đến ngày ông bị sa thải, 44 vị trí Đại sứ Mỹ ở nước ngoài không có người đảm nhiệm và cũng chưa có đề cử ai, đồng thời 8 trong 9 vị trí cao cấp ở Bộ Ngoại giao cũng chưa bổ nhiệm cho ai.
Dưới thời Tillerson, nhân viên Bộ Ngoại giao cảm thấy mình bị gạt ra ngoài công việc, trong khi Bộ này cũng ngày càng trở nên tách biệt, không hòa chung nhịp đập với phần còn lại của Washington. Những nhiệm vụ mà Tillerson cam kết thực hiện khi nhậm chức vẫn còn đang tiến hành, vì ông chỉ mới nhận nhiệm vụ hơn một năm.
Pompeo có thể hợp với yêu cầu của Tổng thống Trump, nhưng ông sẽ bắt tay vào việc như thế nào, bắt đầu từ đâu trong “mớ bòng bong” ở Bộ Ngoại giao thì còn phải chờ xem.
Kỷ lục về sa thải nhân sự
Nếu tính luôn vụ sa thải ông Tillerson, Tổng thống Trump đã lập một kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay ở Mỹ: Sa thải nhiều nhân sự chủ chốt nhất ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cùng bị sa thải một đợt với Tillerson còn có Thứ trưởng Ngoại giao Steve Goldstein và Trợ lý riêng của Tổng thống John McEntee.
Goldstein bị sa thải vì nhiều lý do giống như Tillerson, nhưng lý do gần nhất là phát ngôn thiếu thận trọng của ông về việc tổng thống sa thải Ngoại trưởng Tillerson - công khai phát ngôn về quan hệ không tốt đẹp giữa tổng thống và Ngoại trưởng Tillerson khi chưa được phép và nói trái với những điều tổng thống đã nói.
Còn McEntee thì không xác định được lý do bị sa thải, một số quan chức Nhà Trắng đoán rằng có lẽ liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, trong đó lý lịch cá nhân của anh ta là một yếu tố quan trọng.
Người đầu tiên ra đi vào ngày 31-1-2017 là bà Sally Yates, người được giao làm Quyền Bộ trưởng Tư pháp trong khi ông Jeff Sessions chờ Quốc hội phê chuẩn. Ngay sau đó là sự ra đi của Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn liên quan đến vấn đề quan hệ với nước Nga. Tiếp sau nữa là một loạt cái tên từng sát cánh cùng ông Trump trong chiến dịch tranh cử như Sean Spicer, Reince Priebus, Anthony Scaramucci, Steve Bannon,... cho đến gần đây nhất là Rob Porter, Hope Hicks,...
Chỉ những cái tên quen thuộc, nổi bật nhất trong hàng ngũ phụ tá cho Tổng thống Trump bị sa thải trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã lên đến 14 người, trong đó sự ra đi của 2 ông Bannon và Tillerson được cho là gây chấn động nhất.