Syria trước các lựa chọn chiến lược

Thứ Ba, 02/06/2020, 15:47
Các sự kiện toàn cầu như đại dịch COVID-19, cuộc chiến giá dầu và sự suy thoái kinh tế thế giới đã tạm thời làm lu mờ tình hình Syria khỏi tâm điểm chú ý của thế giới. Các thỏa thuận mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về lệnh ngừng bắn ở Idlib cũng chưa thể làm dư luận yên tâm.

Đây chỉ là giai đoạn hòa hoãn chiến lược cần thiết để suy nghĩ nghiêm túc hơn về tương lai của Syria trong bối cảnh thế giới ngày càng khó dự đoán.

Theo phân tích của Phó Chủ tịch Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) Aleksandr Aksenenok, điều này trước hết liên quan đến giới lãnh đạo Syria. Hiện Damacus được cho là không thực sự quan tâm đến cách tiếp cận linh hoạt, thể hiện tư duy nhìn xa trông rộng. Thay vào đó, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp quân sự với sự hỗ trợ của các đồng minh, cũng như trông chờ vào các khoản viện trợ tài chính - kinh tế vô điều kiện.

Gần 10 năm nội chiến đã khiến hơn 5 triệu người Syria phải tị nạn xa xứ và hơn 6 triệu người mất nhà cửa.

Cuộc chiến Syria đã kéo dài hơn 9 năm và Syria vẫn là một đấu trường cho những hành động thù địch, một thảm họa nhân đạo và xung đột sắc tộc - tôn giáo. Thật khó rành rọt để phân biệt giữa cuộc chiến chống khủng bố và hành động vũ lực từ phía chính phủ nhằm vào phe đối lập ở quốc gia này. Căng thẳng lại một lần nữa leo thang ở các khu vực phía Tây Nam Syria (các tỉnh Deraa và Quneitra), nơi đã được giải phóng theo thỏa thuận với một bộ phận của phe đối lập vũ trang mà thực chất là thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại chỗ theo hình thức bán tự trị. Theo đó, những vụ giết người bí ẩn, những hành vi đe dọa và những vụ bắt cóc đã xảy ra thường xuyên hơn trong bối cảnh có sự lạm quyền của các cơ quan đặc biệt ở nước này.

Trên thực tế, Syria đã bị chia thành nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của nước ngoài, bao gồm Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Chẳng hạn, vùng Afrin và các khu vực khác ở Bắc Syria bị lệ thuộc vào chính quyền tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ). Ở các khu vực này, người ta dường như hoạt động theo luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, quyền công dân... và chính sách “Hồi giáo hóa” đời sống xã hội.

Trong khi đó, các vùng lãnh thổ rộng lớn phía Đông sông Euphrates (gồm các tỉnh Raqqa và Deir ez-Zor) lại được đặt dưới sự điều hành của các hội đồng địa phương đại diện cho một liên minh người Kurd gồm các lưc lượng dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn và một số bộ lạc Arab. Lính Mỹ ở đây được duy trì chỉ giới hạn ở mức 1.500 đến 2.000 song thường xuyên được luân chuyển và bổ sung thiết bị, vũ khí theo định kỳ.

Và mặc dù thành công về mặt chiến thuật, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Lực lượng không quân vũ trụ Nga (VKS), song chiến dịch quân sự của Syria ở Idlib cũng đã cho thấy một số giới hạn. Quân đội Syria phải chịu tổn thất lớn về người và trang thiết bị kỹ thuật, sức mạnh chiến đấu suy giảm bởi chiến sự liên miên. Mong muốn hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu của chính quyền ông al-Assad là nhanh chóng thiết lập chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ đất nước (hiện chính quyền này mới kiểm soát khoảng 65-70% diện tích).

Quân chính phủ ăn mừng chiến thắng đường M5, ngoại vi Aleppo, Syria.

Tuy nhiên, mong muốn này lại chưa hoàn toàn phù hợp với các nguồn lực quân sự và kinh tế của Damascus và các đồng minh, cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế trên thực địa. Rõ ràng, việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, cũng như hệ thống pháp lý - nhà nước là điều kiện cần thiết và tiên quyết để đưa hoạt động kinh tế, thương mại, giao thông vận tải trong nước trở lại bình thường. Khó có thể đạt được một giải pháp bền vững nếu không loại bỏ được các nguyên nhân gốc rễ về kinh tế - xã hội cũng như lối suy nghĩ đã gây ra cuộc xung đột hiện nay.

Trong bối cảnh này, việc lựa chọn các ưu tiên là rất quan trọng: hoặc là dựa vào những nỗ lực quân sự đang suy yếu ở khu vực Tây Bắc và phía Đông - đều có thể gây ra nguy cơ đụng độ trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Mỹ, hoặc là tạm thời giữ nguyên hiện trạng để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách là phát triển kinh tế sau chiến tranh, vốn rất quan trọng đối với đa số người dân.

Syria đã chịu những tổn thất lớn nhất trong tất cả các cuộc xung đột ở Trung Đông. Trong giai đoạn 2011-2018, GDP nước này đã giảm gần 2/3, từ 55 tỷ xuống còn 22 tỷ. Điều này có nghĩa là tổng số vốn cần thiết để tái thiết đất nước ít nhất phải là 250 tỷ USD, tương đương 12 lần GDP hiện tại của Syria. Theo một số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 45% nhà ở đã bị phá hủy, 1/4 số đó đã bị san phẳng. Hơn một nửa các cơ sở y tế và khoảng 40% các trường phổ thông và đại học không hoạt động.

Ngoài việc cơ sở hạ tầng bị phá hủy, những hậu quả khác không kém phần nghiêm trọng là các mối quan hệ kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng (do mất mát sinh mạng và hoạt động di dân), tỷ lệ tử vong tăng gấp 3 lần. Kể từ sau chiến tranh, mức sống của 80% người Syria đã giảm xuống dưới mức nghèo khổ và tuổi thọ trung bình đã giảm 20 năm. Tình trạng thiếu bác sĩ, y tá, giáo viên, kỹ thuật viên và đội ngũ công chức nhà nước có trình độ chuyên môn đang diễn ra tại Syria. Những thách thức kinh tế mà Syria phải đối mặt thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với giai đoạn chiến sự ác liệt.

Mặc dù tình hình phức tạp hiện nay ở Syria có liên quan đến những thách thức phi quân sự, song Chính phủ Syria cần phải đánh giá đúng các rủi ro hiện tại và đưa ra một chiến lược dài hạn có xét đến thực tế là các yếu tố then chốt để giải quyết xung đột có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Một thực trạng quân sự mới ở Syria sẽ không thể bền vững nếu nước này không tái thiết kinh tế và xây dựng một hệ thống chính trị trên cơ sở quy hoạch tổng thể và có sự nhất trí của cộng đồng quốc tế.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.