Tân Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi: Kỳ vọng và thử thách
Gương mặt thân quen
Chỉ vài giờ sau khi được Quốc hội bầu chọn, tân Tổng thống người Kurd Barham Salih đã chỉ định Adel Abdul Mahdi - chính khách Hồi giáo 76 tuổi - làm Thủ tướng và chịu trách nhiệm thành lập chính phủ mới.
Đây được coi là một động thái không mấy bất ngờ với giới quan sát bởi danh tiếng của Adel Abdul Mahdi trên chính trường. Là một người Hồi giáo dòng Shiite, sinh ra và lớn lên tại thủ đô Baghdad, ông Adel Abdul Mahdi gia nhập đảng Cộng sản Iraq vào những năm 1970, từng trải qua nhiều vị trí quan trọng trong nội các, đặc biệt phải nhắc tới thời điểm ông giữ chức Bộ trưởng Dầu mỏ, Bộ trưởng Tài chính và gần đây nhất là Phó Tổng thống.
Xuất thân là một chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, Adel Abdul Mahdi được cho là có hệ tưởng phù hợp với thực tiễn của Iraq, tạo nên hi vọng quốc gia Trung Đông có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế. Là gương mặt thân quen của tầng lớp chính trị Iraq trong suốt gần hai thập niên qua, ông Mahdi nổi lên như một ứng cử viên sáng giá nhất cho cương vị Thủ tướng sau khi hai người lãnh đạo Shiite dẫn đầu cuộc bỏ phiếu tháng 5 nhưng không đảm bảo được đa số để thành lập chính phủ mới.
Ông Mahdi nhậm chức trong bối cảnh đất nước hỗn loạn, phải đối mặt với nhiệm vụ tái thiết phần lớn đất nước sau cuộc chiến tàn khốc chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông cũng cần giải quyết vấn đề tranh giành quyền lực giữa các phe phái tôn giáo, chính trị hết sức gay gắt, đặc biệt giữa người Shiite và Sunni, hay giữa người Kurd và người Arab. Chưa hết, tham nhũng trở thành “cơn ác mộng” khi Iraq được xếp vào hàng chót 169/180 về độ minh bạch tài chính.
Theo công bố, số tiền tham nhũng chạy vào túi các cá nhân và các phe phái tôn giáo, chính trị tại Iraq lên tới 320 tỷ USD trong vòng 15 năm qua. Ngay cả cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất thấp (khoảng 32%) và được cho là có nhiều gian lận đã phản ánh rõ nét sự thất vọng và thiếu tin tưởng vào tiến trình chính trị hiện nay của người dân Iraq.
Adel Abdul Mahdi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giáo sĩ Shiite Muqtada al-Sadr, một cá nhân theo chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt và cực kỳ có thế lực ở Iraq. Một số phe phái khác, mặc dù ban đầu bị chi phối bởi các chính trị gia tẩy chay Mahdi nhưng sau đó đồng ý ủng hộ ông khi các đảng Sunni và Kurd tập hợp về phía tân Thủ tướng. Đại giáo chủ Grand Ayatollah Ali al-Sistani đã đứng lên kêu gọi sự đồng thuận ủng hộ Adel Abdul Mahdi, khẳng định vị tân Thủ tướng sẽ “làm nên chuyện” trong thời điểm hỗn loạn hiện nay.
Là chính khách được kỳ vọng có thể giải quyết được các thách thức mà Iraq đang đối mặt, tân Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đã công bố chương trình chính phủ tập trung vào một số vấn đề cấp bách nhất của Iraq ngay sau khi nhậm chức. Theo đó, chương trình gồm 5 giai đoạn, hướng đến hoàn thiện bộ máy nhà nước và chống tham nhũng, tăng cường bộ máy an ninh, đầu tư vào năng lượng và tài nguyên nước, từ đó thúc đẩy kinh tế và phát triển xã hội.
Một trong những điểm mới mẻ trong chiến lược của tân Thủ tướng là ý tưởng xóa bỏ chức vụ Phó Thủ tướng, đồng thời bổ nhiệm nhiều Bộ trưởng để gánh vác từng phần trách nhiệm của Phó Thủ tướng. Thủ tướng Mahdi tin rằng Iraq đang bắt đầu một kỷ nguyên mới, với một nội các mạnh và tràn đầy nhiệt huyết, đủ khả năng đảm bảo phúc lợi và cung cấp các dịch vụ cho người dân, cũng như tạo lập an ninh và sự giàu có về kinh tế cho đất nước.
Là gương mặt dày dạn kinh nghiệm trên chính trường Iraq, tân Thủ tướng Adel Abdul Mahdi được kì vọng sẽ thay đổi cục diện hiện tại của Iraq. |
Căng thẳng và bất đồng
Mặc dù vậy, giới quan sát dự đoán ông sẽ phải rất vất vả đối diện với những sóng gió trước mắt. Ngay trong lễ nhậm chức, ông Adel Abdul Mahdi đã gặp rắc rối với đề xuất nội các của chính mình khi Quốc hội không đạt được sự đồng thuận đối với một số vị trí quan trọng. Đề xuất nội các gồm 22 thành viên hoàn toàn mới thất bại khi chỉ có chưa đến 60% nghị sĩ Quốc hội biểu quyết tán thành với số lượng 14 thành viên.
Một số vị trí then chốt như Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ vẫn chưa được phê chuẩn khi các nghị sĩ từ khối của cựu Giáo chủ Moqtada al-Sadr, Liên minh của cựu Thủ tướng Haider Al-Abadi và phe của Phó Tổng thống Iyad Allawi, cùng các khối Hồi giáo Sunni đã không bỏ phiếu do không hài lòng với các ứng cử viên nội các còn lại.
Hiện nay, “cái gai” trong mắt tân Thủ tướng chính là sự cạnh tranh từ hai khối nổi lên mạnh mẽ từ cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5, đó là liên minh do Iran hậu thuẫn và một khối dân túy do cựu Giáo chủ Moqtada al-Sadr đứng đầu. Theo ông Mahdi, chính những sự khác biệt trong quan điểm chính trị khiến ông buộc phải chỉ định các bộ trưởng thuộc các đảng phái khác nhau nhằm “cân bằng lợi ích các bên”.
Thế nhưng, điều này lại khiến ông chịu nhiều áp lực hơn từ lãnh đạo các phe phái khi mà họ đều không muốn nhượng bộ và ngày càng gia tăng sức ép lên chính phủ mới để buộc ông Mahdi phải nghiêng theo họ. Có thể nhận định, những căng thẳng phe phái phần nào đã làm suy yếu lời hứa của ông Adel Abdul Mahdi trong việc xây dựng một chính phủ gồm các nhà kỹ trị độc lập.
Bất đồng trong Quốc hội về việc thông qua danh sách chính phủ mới hé lộ trọng trách nặng nề của tân Thủ tướng trong việc xây dựng một nội các có sự đồng thuận cao, khiến chính phủ đứng trước nguy cơ bế tắc về nhân sự, chứ chưa cần phải tính toán xem liệu ông có đưa ra được đường lối đổi mới cứu nguy cho Iraq đang vỡ vụn vì bất ổn hay không.