Tân Tổng Thư ký NATO: Nhà quản lý kinh tế giải bài toán… quân sự

Thứ Năm, 16/10/2014, 23:25

Ngày 1/10, cựu Thủ tướng Nauy Jens Stoltenberg đã chính thức đảm nhận chức vụ Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay người tiền nhiệm Anders Fogh Rasmussen, trong bối cảnh vai trò của NATO đang bị thách thức nghiêm trọng do châu Âu và thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh, có chiều hướng diễn biến đan xen phức tạp.

Hai lần giữ chức thủ tướng

Sinh ngày 16/3/1959 tại Oslo, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, như bao bạn bè cùng trang lứa, Jens Stoltenberg thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Trung tâm Đào tạo tân binh Evjem ở Aust-Agder. Giải ngũ, Jens theo học ngành kinh tế và tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Oslo. Trong thời gian còn là sinh viên, Jens đã gia nhập hàng ngũ đảng Lao động Nauy (A/AP) theo xu hướng trung tả.

Từ năm 1985-1989, ông trở thành nhà lãnh đạo của Đoàn Thanh niên A/AP. Tới đầu năm 1989, Jens được nhận vào làm việc ở Tổng cục Thống kê Nauy (SSB), rồi chỉ hơn một năm sau, được cất nhắc lên chức Thư ký Nhà nước (tương đương Thứ trưởng) tại Bộ Môi trường.

Đầu tháng 10/1993, Thủ tướng Gro Harlem Brundtland bổ nhiệm Jens Stoltenberg làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ông đảm nhiệm chức vụ trọng yếu này cho tới năm 1996. Cũng trong năm 1993, Jens đã trúng cử vào Quốc hội Nauy.

Sau khi ông Brundtland từ chức năm 1996, ông Thorbjorn Jagland được bầu làm lãnh đạo của A/AP và trở thành Thủ tướng Chính phủ. Tân Thủ tướng bổ nhiệm Jens làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, vị trí đứng hàng thứ 3 trong cơ cấu thành viên chính phủ, vào cuối tháng 10 năm đó. Jens Stoltenberg giữ chức này cho tới ngày 17/10/1997 khi Thủ tướng Jagland cùng toàn bộ chính phủ của ông từ chức.

 Sau khi Quốc hội Nauy bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của Thủ tướng Kjell Magne Bondevik vào tháng 2/2000, Jens Stoltenberg người đứng đầu đảng A/AP, chiếm đa số trong Nghị viện được giao trọng trách đứng ra thành lập chính phủ mới. Ngày 3/3/2000, tân Thủ tướng Jens Stoltenberg chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ở tuổi 41 và trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nauy. Nhưng chỉ một năm sau, đảng A/AP thất bại trong cuộc tổng tuyển cử dẫn đến việc Chính phủ đương nhiệm phải từ chức.

Bằng cách thành lập một chính phủ liên hiệp với đảng Trung tâm (SP) và đảng Xã hội cánh tả (SV), trong cuộc bầu cử năm 2005, A/AP đã lấy lại vị thế đứng đầu, mở đường để Jens tái đắc cử chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2. Sau cuộc bầu cử năm 2009, A/AP vẫn giữ thế áp đảo nên Jens tiếp tục là người đứng đầu Chính phủ Nauy thêm 4 năm nữa.

Từ cuối năm 2013, Jens Stoltenberg trở thành Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về biến đổi khí hậu, đứng đầu nhóm tư vấn quốc tế cao cấp nghiên cứu thực trạng khí hậu đang thay đổi trên hành tinh.

Những khó khăn trước mắt

Mặc dù là một chính trị gia được đánh giá cao trên cương vị là Thủ tướng giai đoạn 2000 - 2001 và từ 2005 - 2013 vì đã dẫn dắt Nauy vượt qua thời kỳ gian khó nhất nhưng vị tân Tổng Thư ký của NATO lại được coi là không phù hợp lắm với chức vụ này. Xuất thân là một nhà kinh tế nên Jens Stoltenberg -Tổng Thư ký thứ 13 của NATO được đánh giá là có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực quốc phòng. Điều này sẽ trở thành bất lợi lớn khi ông tiếp nhận vai trò lãnh đạo một tổ chức về quân sự, an ninh quốc tế.

Trước mắt, tân Tổng thư ký NATO sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách khi phải tìm được thế đứng hợp lý trong vấn đề Ukraina. NATO không có không gian pháp lý để có thể can thiệp trực tiếp vào Ukraina và trên thực tế, họ cũng không hề có ý định can thiệp quân sự vào Ukraina. Trong bài phát biểu đầu tiên trước báo giới sau lễ nhậm chức, ông Jens Stoltenberg cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Ukraina là thách thức lớn đối với an ninh của châu Âu và Đại Tây Dương.

Ông nói: "Tính nghiêm trọng của tình hình Ukraina cho thấy thực tế vũ lực được sử dụng để thay đổi đường biên giới quốc gia. Ukraina là đối tác của NATO và hơn nữa cũng có chung đường biên giới với các nước thành viên trong liên minh".

Theo Jens Stoltenberg, những kinh nghiệm ông có được trong hơn 8 năm, trong đó có giai đoạn ông từng giữ cương vị nguyên thủ của quốc gia có chung đường biên giới và hợp tác chặt chẽ với Nga sẽ giúp ích cho ông trên cương vị mới. Thật vậy, về lâu dài, lợi ích của NATO vẫn là hợp tác với Nga để đảm bảo môi trường an ninh ổn định ở châu Âu hơn là tìm kiếm sự đối đầu.

Bên cạnh đó, ông Jens Stoltenberg cũng phải điều chỉnh các tư duy chiến thuật của tổ chức để mở rộng không gian hoạt động ra ngoài khu vực truyền thống như vươn tới Trung Đông, Tây Á... Thực ra, chiến lược này đã được NATO thông qua năm 2010 khi đưa ra quan điểm "bảo vệ các công dân NATO ở cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ" tại một hội nghị ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Nói cách khác, ở đâu có công dân các nước NATO, ở đó tổ chức này có quyền can thiệp. Đây là một bước đi tham vọng có tính toàn cầu của NATO nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa do thiếu căn cứ pháp lý, bộ khung hoạt động và nguồn lực.

Thêm một chướng ngại vật khác mà ông Stoltenberg phải đối mặt là vấn đề ngân sách. Sau khủng hoảng nợ công toàn cầu, ngân sách quốc phòng của các nước thành viên NATO, kể cả  Mỹ - thành viên chủ chốt của khối - đều bị cắt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khoản đóng góp cho khối.

Từng là cảm tình viên của Cơ quan Tình báo Liên Xô

Hãng tin AP dẫn lời quan chức tình báo Nauy cho biết, trong giai đoạn cuối của Chiến tranh lạnh, là một nhân vật chính trị có triển vọng lớn trên chính trường Nauy, ông Jens Stoltenberg, từng là đối tượng muốn tuyển mộ của Ủy ban An ninh Nhà nước Xôviết (KGB) và đã trở thành cảm tình viên của KGB với bí danh "Steklov".

Cho tới đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Jens vẫn thường xuyên liên lạc với một đặc vụ của KGB dưới lớp vỏ nhân viên ngoại giao Liên Xô nhưng việc này đã bị Cơ quan An ninh Quốc gia Nauy (NSM) phát giác, nên Jens phải chấm dứt mối quan hệ từ đó.

Hiện tại, rất nhiều quốc gia không chi trả đủ chi phí 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Không những thế, Liên minh châu Âu (EU) hầu như giao phó toàn bộ sứ mệnh an ninh của mình cho NATO khi đóng góp rất ít quân số và nguồn lực khiến tổ chức này nhiều lúc phải bất lực đứng ngoài các vấn đề quốc tế nóng bỏng như tại Syria, Ukraina, Tây Phi...

Để giải bài toán kinh tế này, NATO cần một cái đầu biết cân đong đo đếm. Có lẽ, đây là một trong những lý do Jens Stoltenberg được lựa chọn bởi ông đã từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của Nauy.

Không chỉ kinh tế, thách thức đối với tân Tổng Thư ký NATO còn là hồ sơ Afghanistan. NATO đang chuẩn bị khép lại các chiến dịch dài nhất trong lịch sử của liên minh, nhưng vai trò của họ ở chiến trường này trong tương lai vẫn còn chưa được xác định rõ. Theo kế hoạch sứ mệnh của Phái bộ quân sự của NATO tại Afghanistan (ISAF) sẽ kết thúc ngày 31/12 năm nay. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể triển khai lực lượng ISAF sau năm 2014 vẫn chưa được hoàn tất. Nếu không có khung pháp lý này, các binh sĩ của NATO sẽ khó có thể hiện diện tại Afghanistan để triển khai hoạt động huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh cho nước sở tại.

Tuy nhiên, trái với sự thất vọng của nhiều người, giới quan sát cho rằng, những bất lợi của ông Jens Stoltenberg sẽ trở thành lợi thế để giải quyết các thách thức. Với sự lão luyện của một nhà quản lý kinh tế, các nhà phân tích tin ông Stoltenberg sẽ tìm ra được giải pháp hữu hiệu để gỡ bài toán ngân sách

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.