Tân Tổng thống Đức Steinmeier có lu mờ được bà Angela Merkel?

Thứ Hai, 20/02/2017, 15:30
Hơn 1.000 đại cử tri tại Đức ngày 12-2 đã bỏ phiếu bầu cựu Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier làm tổng thống. Kết quả này không có gì là bất ngờ vì cựu Ngoại trưởng Steinmeier, năm nay 61 tuổi, nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông và đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel cũng đã đồng ý bầu cho ông do CDU không có được ứng viên được xem là sáng giá để có thể đại diện cho họ.

Theo Hiến pháp Đức, dù vị trí tổng thống chỉ mang tính chất biểu trưng trong khi thực quyền nằm trong tay thủ tướng và quốc hội, tuy nhiên, tổng thống vẫn được xem là biểu tượng cho thẩm quyền đạo đức của đất nước.

Kết quả này làm người ta nhớ lại thời điểm cuối tháng 10-2016, trên tờ Spiegel của Đức, chính trị gia Severin Weiland từng có bài bình luận với câu hỏi: “Liệu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ thay ông Joachim Gauck làm Tổng thống Đức? Điều đó có thể trở thành hiện thực nhưng nếu xảy ra thì dường như đó không phải là mong muốn của Thủ tướng Angela Merkel”.

Ông Steinmeier nhận hoa chúc mừng khi đắc cử.

Kể từ sau tuyên bố của Tổng thống Joachim Gauck vào ngày 6-6-2016 về việc không tiếp tục làm tổng thống sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 3-2017 (trước thềm bầu cử Liên bang Đức) thì cái tên Frank-Walter Steinmeier được người ta nhắc đến nhiều như là sự thay thế cho vị trí này.

Và vị Ngoại trưởng khi đó cũng từng trả lời rằng: “Thậm chí tôi chưa hề nghĩ về điều đó”. Cũng trong tuần cuối tháng 10-2016, Ngoại trưởng Đức đã có buổi nói chuyện với 400 học sinh tại Bộ Ngoại giao về các vấn đề của châu Âu. Vào cuối buổi, một học sinh trường trung học của Đức tại Athens, Hy Lạp đã hỏi ông: “Liệu ngài sẽ sớm trở thành Tổng thống Hy Lạp chứ?”.

Trước câu hỏi khó như vậy, Ngoại trưởng Steinmeier đã miễn cưỡng trả lời: “Tôi sẽ trở thành tổng thống của bất kỳ nước nào mà bạn hoan nghênh”. Qua câu trả của ông, người ta thấy nhiều điều được gợi mở.

Là nhân vật chính trị nổi tiếng nhất tại Đức, nhiều khi tỏa sáng hơn cả Thủ tướng Angela Merkel, Frank-Walter Steinmeier là ngoại trưởng trong liên minh cầm quyền nổi tiếng vì lối ăn nói thẳng thắn. Còn trong các cuộc thăm dò từ nhiều tháng nay, ông Steinmeier luôn dẫn đầu trong danh sách tín nhiệm của người dân Đức đối với các chính trị gia với gần 70% người Đức hài lòng với công việc của ông trong vai trò ngoại trưởng.

Theo đánh giá của giới quan sát, nhân vật này là ứng cử viên lý tưởng trong giai đoạn chính trị khó khăn của nước Đức hiện nay bởi kinh nghiệm và sự nhạy cảm chính trị của ông được tích lũy trên mặt trận ngoại giao. Thành phần cánh hữu chủ nghĩa dân túy ở Đức xem việc ứng cử của Ngoại trưởng Đức như một dấu hiệu đem đến “nhân tố của châu Âu” trong việc giải quyết mối quan hệ hợp tác với Mỹ, thúc đẩy hòa giải với Nga và những vấn đề khó khăn liên quan đến cuộc chiến ở Syria và phía đông Ukraine.

Việc ông Steinmeier trở thành Tổng thống Liên bang cũng mang lại sự gắn kết các tầng lớp xã hội, gắn kết giữa con người với con người và trên hết, bản thân ông cũng là một người khao khát muốn tạo sự khác biệt.

Tờ “Libération” của Pháp cho rằng, Frank-Walter Steinmeier “có khả năng làm lu mờ” bà Angela Merkel. Lý do là vì sự nổi tiếng của ông cộng với kinh nghiệm là người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, lúc ông tự cho là “luật sư của một cam kết năng nổ hơn cho nước Đức để giải quyết các xung đột quốc tế”.

Tiến sĩ luật, Frank-Walter Steinmeier ít được công chúng biết đến trước khi trở thành ngoại trưởng lần đầu tiên vào cuối năm 2005 sau cuộc bầu cử liên bang sớm. Ông là ngoại trưởng trong chính phủ liên minh đầu tiên (giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Xã hội) của bà Angela Merkel. Ông nắm giữ các bậc cấp quan trọng bởi sự tín nhiệm của người đỡ đầu, cựu Thủ tướng  Gerhard Schroder, là Chánh văn phòng nội các từ năm 1999-2005. Với tư cách đó, ông tham gia vào việc soạn thảo  các chương trình cải cách kinh tế, từng bị phe cánh tả cực đoan chỉ trích là “chính sách tạo ra nghèo đói” nhưng lại được nhiều người khác xem như là “trái tim của thể trạng nền kinh tế Đức”.

Frank-Walter Steinmeier từng nếm mùi thất bại sau cuộc bầu cử liên bang năm 2009. Đứng đầu danh sách ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), ông nổi tiếng với khẩu hiệu tranh cử “Đất nước chúng ta có thể làm tốt hơn”.

Với sự suy sụp đột ngột của đảng SPD, bà Angla Merkel không còn cần đến họ để lãnh đạo và thành lập một liên minh với những người tự do của đảng FDP. Kết quả là Frank-Walter Steinmeier trở thành người đối lập mà ông là một trong các nhân vật chủ chốt của số nghị sĩ của SPD.

Nhưng đến tháng 8-2010, ông gây bất ngờ với thông báo “tạm thời rút lui khỏi chính trường”. Không phải ông đi nghỉ mát mà tạm thời từ quan để làm một hành động ý nghĩa cho người vợ Elke Budenbender. Nữ luật gia 48 tuổi này mắc bệnh thận trong nhiều năm và bà cần một quả thận mới.

Ông Frank-Walter Steinmeier và vợ.

Để bà khỏi phải chờ đợi, Frank-Walter Steinmeier đề nghị làm người hiến tặng. Bạn bè và người thân của đôi vợ chồng đã cùng họ chờ đợi và cầu nguyện trong suốt thời gian diễn ra ca ghép thận. Các bác sĩ sau đó phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ để xem cơ thể bà có tiếp nhận quả thận từ “một nửa” của mình không. Mọi việc diễn ra tốt đẹp và 2 tháng sau, ông đã trở lại vũ đài chính trị của mình.

Cuộc bầu cử liên bang năm 2013 với thất bại của phe tự do đã tạo cho SPD cơ hội trở lại chính phủ trong khuôn khổ một liên minh mới do đảng CDU chiếm đa số. Frank-Walter Steinmeier vốn không muốn lại là thủ lĩnh SPD nên nhận chức vụ ngoại trưởng.

Với Frank-Walter Steinmeier, nước Đức đã có một tổng thống từ lâu có tiếng là thiện cảm với nước Nga. Nhà ngoại giao này từng năng nổ trong việc giảm nhiệt cho cuộc khủng hoảng Ukraine, với những đề nghị - dưới mắt Nga - dù sao cũng mềm dẻo hơn bà Angela Merkel.

Hồi tháng 5-2016, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho rằng, với sự tiến bộ trong việc thực hiện Hiệp định Minsk nên xem xét việc dỡ bỏ từng bước các biện pháp trừng phạt Nga. Ông Steinmeier cũng tuyên bố, không hề có ai muốn ép Moscow “phải quỳ gối”. Bình luận này của ông Steinmeier được đưa ra tại diễn đàn Nga-Đức ở Berlin ngày 30-5-2016. Nước Đức, theo ông Steinmeier, cần hết sức nỗ lực xoa dịu những căng thẳng trong quan hệ với Nga và xây dựng cuộc đối thoại.

Ngoại trưởng Đức khi ấy cho rằng, không nên quan tâm đến việc làm suy yếu nước Nga về kinh tế. “Biện pháp trừng phạt không phải là mục tiêu chính, không phải là phương tiện để thúc ép đối tác phải quỳ gối”. Ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính sách quá hung hãn của NATO đối với Nga: “Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ đây chỉ giống như cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, bởi bối cảnh hiện nay khác biệt và còn nguy hiểm hơn thế".

Frank-Walter Steinmeier cảnh báo trong bài viết đăng trên báo Bild của Đức số ra ngày 8-10-2016. “Gia cố” cho quan điểm của mình, ông liệt kê những bất đồng hoặc căng thẳng trong xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chiến tranh mạng, việc chấm dứt hợp tác liên quan tới vật liệu hạt nhân và cả trong vấn đề Syria là những tác nhân cho sự xung đột ngày càng gia tăng giữa Nga và Mỹ.

Niềm tin giữa hai bên dường như đã hết và nếu tiếp tục như vậy có thể quay trở lại thời đối đầu giữa hai cường quốc này. Ông cho rằng thế giới trước đây chia làm hai phe và cả Moscow và Washington đều biết và tôn trọng ranh giới. Nhưng trong một thế giới với biết bao xung đột khu vực và ảnh hưởng của các cường quốc suy giảm thì tình hình là không thể lường trước.

Trong diễn văn đầu tiên với tư cách là tổng thống, ông tránh không nói trực tiếp đến tình hình của nước Mỹ, nhưng ông kêu gọi “bảo vệ nền dân chủ và tự do” giữa lúc 2 giá trị này đang bị đe dọa. “Khi các nền tảng của nền dân chủ lung lay, hơn bao giờ hết chúng ta cần gia cố chúng” - ông nói và nhấn mạnh rằng “sự liên kết của xã hội là rất quan trọng trong thời kỳ hỗn loạn mà thế giới dường như không còn vận hành tốt nữa”.

Frank-Walter Steinmeier cũng không ngần ngại tuyên bố rõ ràng về mọi ý nghĩ không tốt đẹp trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump, cho rằng ông này là “người rao giảng nỗi hận thù”, và sau khi Trump đắc cử, ông cho biết bản thân mình sẵn sàng đón đợi một “thời kỳ khó khăn hơn” trên bình diện quốc tế và từ chối chúc mừng Tổng thống Mỹ. Tờ “Berliner Morgenpost” vì thế mô tả ông như là “một tổng thống chống Trump”.

Thắng lợi của Frank-Walter Steinmeier là dấu hiệu mới cho thấy sự suy yếu chính trị của bà Angela Merkel. Cuối năm trước, nữ thủ tướng kỳ cựu đành phải chấp nhận ủng hộ đối thủ vì không thể tìm được một ứng cử viên đủ mạnh và được ưu ái trong đảng của mình. Bên cánh hữu, bà phải tính đến sự cạnh tranh của đảng AFD và sự chê trách ngay trong đảng của mình vì họ vẫn không chấp nhận việc mở cửa cho hàng trăm ngàn người di dân.

Bên cánh tả, phe Dân chủ Xã hội đang chiếm được nhiều ưu ái trong lòng cử tri từ khi phe này đề cử ứng viên là cựu Chủ tịch Quốc hội châu Âu Martin Schulz. Đảng SPD hy vọng việc ông Steinmeier được bầu làm tổng thống sẽ tăng cơ hội để ứng viên của họ là ông Martin Schulz sẽ ra tranh chức Thủ tướng với bà Merkel tại cuộc tổng tuyển cử toàn Liên bang Đức sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.

Mê Linh – Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.