Thách thức nội bộ chao đảo NATO
Mối đe dọa đó là nguy cơ mâu thuẫn nội bộ vượt quá tầm kiểm soát giữa các nước thành viên NATO mà cụ thể là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh đó, Mỹ cần đánh giá lại tương lai của NATO và vai trò của mình trong tổ chức này.
Trong bối cảnh mới, NATO đứng trước đòi hỏi phải thay đổi. |
Khi lợi ích riêng đặt trên lợi ích chung
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp từ lâu đã mâu thuẫn với nhau. Kể từ khi trở thành thành viên của NATO năm 1952, hai nước này đã 2 lần đứng bên "miệng hố chiến tranh" chống lại nhau. Lần đầu tiên là vào năm 1974, khi Hy Lạp đe dọa sẽ sáp nhập toàn bộ đảo Cyprus vào lãnh thổ Hy Lạp và sau đó các lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm chiếm phía Bắc hòn đảo này. Tình thế đối đầu căng thẳng xảy ra và kể từ đó hòn đảo này bị chia cắt làm hai.
Lần thứ hai là vào năm 1996, do xảy ra tranh chấp trên biển Aegean. Tranh chấp có vẻ như vụn vặt này, vốn bắt đầu từ một chiến dịch giải cứu một con tàu của Hy Lạp bị mắt kẹt ở bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ, suýt leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước do cả hai đều đưa ra những tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn với nhau.
Chiến tranh được ngăn chặn nhưng căng thẳng và tâm lý đối đầu nhau chưa bao giờ nguôi ngoai. Tuy nhiên, với việc phát hiện ra trữ lượng khí đốt tự nhiên rất lớn ở vùng Địa Trung Hải, "phần thưởng" mà mỗi nước sẽ giành được khi khẳng định được chủ quyền của mình đối với những bãi đá trong vùng biển tranh chấp đã tăng lên đáng kể. Thổ Nhĩ Kỳ đang có quan điểm ngày càng cứng rắn, đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích chung của NATO.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cảnh báo rằng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang "ngày càng tiến gần hơn tới vực thẳm" và ông nói nếu hai bên không giải quyết được tranh chấp của mình thì tới một lúc nào đó "một tia lửa, dù rất nhỏ, cũng có thể dẫn tới một thảm họa".
Tuy nhiên, Ankara hiện không chỉ xung đột với mỗi Athens. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp tiếp tục trở nên căng thẳng do Paris không hài lòng với việc Ankara can thiệp sâu vào Libya đi ngược lại các lợi ích của Pháp. Trong khi đó, như nhà báo Nick Squires từng viết trên tờ Christian Science Monitor: "Pháp và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã điều máy bay và tàu chiến tới hỗ trợ Hy Lạp, trong khi Cyprus, Israel và Ai Cập cũng đã đặt cược vào việc khai thác thử hydrocarbon ở phía Đông Địa Trung Hải".
Có thể thấy, đây không phải là hành động của các đồng minh thân thiết, nó giống như bằng chứng ngày càng rõ ràng cho thấy một liên minh đã không thể tự điều chỉnh để thích ứng với thời cuộc.
Cần “thoát” khỏi quá khứ
Điều mà NATO lúc này có thể làm chẳng thể là lên giọng đưa mọi thứ trở về quy củ. NATO, lúc này đây, điều duy nhất có thể làm là trung gian hòa giải. Ngày 10-9, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã gặp nhau tại trụ sở của NATO ở thủ đô Brussels (Bỉ) để thảo luận nhằm ngăn chặn leo thang quân sự tại Đông Địa Trung Hải.
Thông báo về cuộc họp, một nguồn tin an ninh cho biết: "Phía Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này thông qua đối thoại và không có điều kiện tiên quyết nào". Được biết, cuộc thảo luận tại NATO không đề cập tới tranh chấp lãnh thổ giữa Ankara và Athens nhưng thảo luận về việc thiết lập đường dây nóng giữa quân đội hai nước.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hai thành viên này đã nhất trí đàm phán nhằm tránh các sự cố xảy ra trong tranh cãi liên quan đến thềm lục địa mở rộng cũng như các yêu sách của hai bên về các giếng dầu khí tiềm năng tại Địa Trung Hải.
Thế giới ở giai đoạn năm 1952, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp gia nhập NATO, là thế giới mà trong đó một nhóm các quốc gia tự do gạt bỏ những khác biệt của họ sang một bên để cùng hành động nhằm cân bằng sức mạnh với Liên bang Xôviết. Thế giới đó đã kết thúc với sự tan rã của Liên Xô.
Thay vì thừa nhận tình hình thế giới đã thay đổi và điều chỉnh NATO cho phù hợp với bối cảnh mới thì phương Tây lại tìm cách bám víu lấy quá khứ. Nếu không hành động nhanh chóng thì việc chối bỏ thực tế có thể khiến mất mát nhiều hơn là chỉ một cấu trúc liên minh.
Tất cả các Tổng thống Mỹ, từ thời Tổng thống Truman tới Tổng thống Trump, đều phàn nàn rằng các thành viên NATO ở châu Âu chưa chi trả đủ cho việc đảm bảo an ninh của chính họ và đặt gánh nặng chính lên vai Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ còn là việc buộc châu Âu phải "trả nhiều hơn" mà trong bối cảnh có nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa hai thành viên Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, cần có sự thay đổi và cải tổ lớn.
Bước đi đầu tiên trong tiến trình này là Mỹ cần chuyển từ vị trí phòng thủ tuyến đầu cho các nước NATO sang đảm nhận vai trò hỗ trợ. Các nền dân chủ châu Âu trong những năm 1950 đều khó khăn và thiếu thốn. Nhưng, hiện nay không còn như vậy nữa. Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới. Nước này thừa khả năng tài chính để chi trả cho hàng loạt chi phí nhằm bảo đảm an ninh cho chính mình. Trong khi đó, binh lính Mỹ nên được rút về các căn cứ ở trong nước, nơi họ có thể tập trung vào việc bảo vệ các đường biên giới và lợi ích toàn cầu của Mỹ.
NATO không thể giống như "đường một chiều", trong đó Mỹ mang lại phần lớn lợi ích cho các nước khác và gánh chịu phần lớn rủi ro nếu xảy ra một cuộc chiến tranh mới. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong nhiều thập niên qua đều không muốn cân nhắc việc điều chỉnh cấu trúc của NATO.
Tuy nhiên, nếu Mỹ không hành động hợp lý để thực hiện điều đó ngay bây giờ thì liên minh này sẽ tự bị hủy hoại khi các nước thành viên bắt đầu nổ súng vào nhau, buộc phần còn lại phải chọn bên. Đó sẽ là thời điểm tồi tệ nhất để đưa vấn đề này ra xem xét và rất không có lợi cho các lợi ích của Mỹ. Mặc dù vẫn còn thời gian để tránh một thảm họa nhưng hiện là thời điểm cần phải hành động.