Thất bại vòng 2 của ông Netanyahu
Kết quả bất lợi
Thủ tướng Netanyahu đã không giành được thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội lần 2 kết thúc vào tối 17-9. Điều này làm gia tăng khả năng ông Netanyahu phải liên kết với đối thủ chính Benny Gantz để bước vào một cuộc đàm phán đầy khó khăn nhằm thành lập một chính phủ liên minh.
Ông Netanyahu, nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm nhất trong lịch sử Israel, đang tìm cách đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và cũng là nhiệm kỳ thủ tướng thứ 5 của ông. Tuy nhiên, ông đang đối mặt với một thách thức rất lớn đến từ một vị tướng quân đội đã nghỉ hưu, ông Benny Gantz, người của đảng trung dung Xanh - Trắng.
Cuộc đàm phán nếu không thành công sẽ đồng nghĩa với dấu chấm hết cho quyền lực của Thủ tướng Netanyahu. Hơn 95% số phiếu được kiểm cho thấy đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng Netanyahu giành được 32 ghế trong tổng số 120 ghế quốc hội, tức chưa đủ thế đa số tối thiểu là 61 ghế để thành lập chính phủ liên minh.
Trong khi đó, đảng Xanh - Trắng của ông Benny Gantz giành được 33 ghế. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã trở thành quân “át chủ bài” của cuộc đua này khi dẫn dắt đảng Israel Beitenu giành được dự kiến 9 ghế.
Cuộc bầu cử vừa qua mang tính quyết định số phận của Thủ tướng Israel. |
Theo nguồn tin được AFP tiết lộ, Thủ tướng Netanyahu đã hủy tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra vào tuần tới tại New York, viện dẫn “tình hình chính trị” trong nước. Thất bại trong cuộc bầu cử lần 2 này cho thấy ông Netanyahu đang phải gánh chịu một trong những thất bại thảm hại nhất trong sự nghiệp của mình kể từ sau cuộc bầu cử lần 1 hồi tháng 4.
Thời điểm đó, ông Netanyahu cùng các liên minh cánh hữu và tôn giáo giành được thế đa số song không thành lập được chính phủ liên minh và đã chọn giải pháp tiến hành bầu cử lần 2 chứ không muốn Tổng thống Israel Reuven Rivlin chỉ định một nhân vật nào đó thành lập chính phủ. Đây là cuộc bầu cử lần thứ 2 chỉ trong vòng 5 tháng qua ở Israel. Tổng thống Reuven Rivlin tuyên bố sẽ phải ngặn chặn tiến hành một cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 3.
Ông Netanyahu đã nỗ lực thể hiện mình là nhà lãnh đạo duy nhất có đủ khả năng dẫn dắt đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Còn đối thủ của ông, ông Gantz lại tìm cách "tô vẽ" Thủ tướng Netanyahu là một nhân vật gây chia rẽ, chuyên gieo rắc bê bối và ông Gantz là người có ảnh hưởng, là một sự thay thế hợp lý.
Sự chú ý giờ đây sẽ tập trung vào Tổng thống Israel Reuven Rivlin, người sẽ lựa chọn ứng cử viên mà ông tin là có khả năng lớn nhất để thành lập một liên minh ổn định. Ông Rivlin sẽ tham vấn với tất cả các đảng trong những ngày sắp tới trước khi đưa ra quyết định. Sau đó, thủ tướng được chỉ định sẽ có 6 tuần để thành lập một liên minh.
Khó “thoát hiểm”
Có nhiều lý giải cho sự thất bại của Thủ tướng Netanyahu mặc dù ông đã rất nỗ lực và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử lần này. Chính ông cũng nhận thức được rất rõ tính quyết định sống còn của sự kiện ngày 17-9.
Trọng tâm của chương trình nghị sự vào phút chót của ông Netanyahu là cam kết mở rộng lãnh thổ Israel ở một phần khu Bờ Tây và sáp nhập tất cả các khu định cư của người Do Thái ở khu vực này - điều mà ông Netanyahu đã không làm trong suốt hơn 10 năm cầm quyền vì lo ngại sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng về mặt ngoại giao. Đề xuất này của ông đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ, bao gồm cả châu Âu và Arab Saudi - quốc gia Arab có tầm ảnh hưởng và có quan hệ không chính thức với Israel.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Netanyahu cũng "khoe" về mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Mỹ Donald Trump và triển vọng sẽ có một thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Israel ngay sau cuộc bầu cử. Đây được coi là một phần trong nỗ lực không ngừng nghỉ của ông nhằm thu hút phiếu bầu và là tuyên bố về chương trình nghị sự tiếp theo của ông nếu ông thắng cử lần này.
Thủ tướng Netanyahu dự định về một Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Israel. |
Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử cho thấy người dân Israel đã không còn mấy “mặn mà” với những cam kết đó. Hiệp ước quốc phòng với Mỹ tưởng chừng có thể giúp ông Netanyahu giành chiến thắng trong bầu cử và cải thiện vị thế quốc gia hóa ra lại có tác dụng ngược. Những lần tranh cử trước, sách lược khôn khéo, đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân đã phát huy tác dụng nhưng giờ đây thì không.
Với người dân Israel lúc này, chủ động tấn công phủ đầu, sáp nhập lãnh thổ không còn cần thiết để đảm bảo an ninh và các biện pháp chính trị, ngoại giao mới là thứ cần được triển khai nhằm đạt được hòa bình về lâu dài.
Liệu rằng tình hình hiện tại sẽ là dấu chấm hết cho “thời đại Netanyahu”? Cho tới nay, ông Netanyahu luôn chứng tỏ là nghệ sĩ thoát hiểm chính trị tài ba. Tình thế hiện tại có muôn vàn khó khăn nhưng chắc chắn không làm thủ tướng đương nhiệm nản lòng và chấp nhận thua cuộc. Chính trường Israel sẽ vẫn còn có nhiều yếu tố khó đoán định.
Rõ ràng, ông Netanyahu thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội này nhưng đối thủ Gantz cũng không chiến thắng khi cũng không giành được đa số trong quốc hội mới. Khi hai “anh cả” cạnh tranh nhau thì các đảng nhỏ khác đều được lợi, trong đó đặc biệt có đảng Yisrael Beitenu - có nghĩa là "Israel - Ngôi nhà của chúng ta", theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa của ông Aigdor Lieberman.
Đảng này và người này hiện giờ có thể đảm trách vai trò “lập vua” ở Israel. Thế khó của ông Netanyahu là cả ông Gantz và ông Lieberman đều không sẵn sàng liên minh cầm quyền với ông Netanyahu.