Thống đốc vùng Odessa từ chức do bất lực với nạn tham nhũng
Trước đó trong cuộc họp báo thường kỳ hằng tháng, diễn ra vào buổi sáng 7-11 tại trụ sở Dinh Thống đốc ở thành phố Odessa, thủ phủ vùng cùng tên, Thống đốc M. Saakashvili đã bất ngờ tuyên bố từ nhiệm. “Tôi quyết định từ chức để khởi sự một giai đoạn tranh đấu mới - ông M. Saakashvili cho báo giới biết - thời gian qua tôi quá sức mệt mỏi, bởi đội ngũ thuộc quyền ngày càng dối trá thủ đoạn khi thực thi nhiệm vụ, không thể đương đầu với vấn nạn tham nhũng có hệ thống từ cấp trung ương trở xuống...
Tổng thống P. Poroshenko công bố quyết định bổ nhiệm tân Thống đốc Odessa M. Saakashvili (phải) hơn 1 năm trước. |
Muốn cho Odessa có thể phát triển, điều kiện tiên quyết là phải diệt trừ tận gốc mọi trở ngại trên đường đi, trong đó có tệ nhũng lạm tinh vi bằng trăm phương nghìn kế. Đó chính là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu tôi đã đặt ra khi nhậm chức, nhưng đành bất lực chỉ biết... “khoanh tay đứng nhìn”.
Ngoài ra, vị Thống đốc người Gruzia cũng chỉ đích danh những thế lực cản trở công cuộc chống tham nhũng của mình, đó là đương kim Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine (MVS) Arsen Avakov và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quan (SFS) Roman Nasirov.
“Họ chính là những nhân vật trụ cột “có công” duy trì mạng lưới tham nhũng tràn lan, qua sự tồn tại của vô số nhóm lợi ích khác nhau rắp tâm đục khoét ngân sách nhà nước. Ngay bản thân Tổng thống P. Poroshenko thừa khả năng biết chuyện này, nhưng dường như ông ấy cố tình làm ngơ”, ông M. Saakashvili nhấn mạnh ở phần cuối buổi họp báo.
Về phần mình, Tổng thống P. Poroshenko đã bác bỏ các cáo buộc từ cựu Thống đốc M. Saakashvili, đồng thời lên tiếng nhận định: “Khi ông M. Saakashvili quyết định từ nhiệm có gọi điện thông báo cho tôi, lúc ấy tôi đang ở thăm Cộng hòa Slovenia nên chưa trả lời mà còn phải tham vấn ý kiến từ ban lãnh đạo đất nước. Theo thiển ý của cá nhân tôi, sở dĩ ông M. Saakashvili rời bỏ chính quyền hiện tại để thực hiện một mục đích chính trị lớn lao hơn ở Ukraine, là đứng vào hàng ngũ các chính đảng đối lập sửa soạn cho cuộc tổng tuyển cử trong năm 2019 tới đây.
Thực tế cho thấy ông M. Saakashvili không thể trở về quê nhà Gruzia được nữa, do Tổng thống Giorgi Margvelashvili đã tước quốc tịch Gruzia của ông M. Saakashvili từ lâu”.
Ông M. Saakashvili được bầu làm tổng thống thứ 3 của Gruzia vào đầu năm 2004, rồi đắc cử qua 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Đến giữa tháng 11-2013, chỉ vài ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vị nguyên thủ quốc gia đã rời Gruzia ra nước ngoài sinh sống.
Thống đốc M. Saakashvili tuyên bố chống tham nhũng là mục tiêu hàng đầu khi mới nhậm chức. |
Tới cuối tháng 7-2014, Viện Công tố thủ đô Tbilisi của Gruzia ra quyết định truy tố cựu Tổng thống M. Saakashvili, với các tội danh gian lận và lạm quyền khi còn đương chức; đồng thời Tòa án Tbilisi cũng gửi công văn yêu cầu chính quyền Ukraine cho dẫn độ bị can M. Saakashvili về Gruzia xét xử, nhưng phía Kiev đã nhiều lần cự tuyệt đòi hỏi này.
Tới ngày 13-2-2015, cựu Tổng thống Gruzia M. Saakashvili được Tổng thống Ukraine P. Poroshenko bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Tư vấn Quốc tế về cải cách, một cơ quan quy tụ các chuyên gia nước ngoài có nhiệm vụ tư vấn, cũng như đưa ra các đề xuất và kiến nghị để thực hiện công cuộc cải cách kinh tế - chính trị ở Ukraine.
Đến cuối tháng 5-2015, đột nhiên ông M. Saakashvili được Tổng thống P. Poroshenko bổ nhiệm giữ chức Thống đốc vùng Odessa, là vị quan chức cao cấp thay mặt chính quyền trung ương tại khu vực Odessa trọng yếu, trở thành người nước ngoài đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Thống đốc vùng ở Cộng hòa Ukraine.
Nhưng trớ trêu thay, Thống đốc M. Saakashvili chỉ duy trì cương vị của mình chưa hết 1/3 nhiệm kỳ, đã tự ý rời vị trí “béo bở” là người đứng đầu vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất Ukraine, khiến Tổng thống P. Poroshenko lâm vào thế khó xử.
Được biết chỉ 4 ngày sau khi tuyên bố từ chức, trong một cuộc tiếp xúc báo giới với tư cách cá nhân, cựu Thống đốc Odessa M. Saakashvili cho biết chuẩn bị thành lập một đảng mới lấy tên là “Khvylya” (Làn sóng), là một chính đảng độc lập không liên kết với bất cứ phe nhóm kinh tế hay chính trị nào.