Thủ tướng Anh David Cameron với giới tình báo Nga “có duyên nhưng không có nợ”?

Thứ Sáu, 01/07/2016, 18:00
Ngậm ngùi với kết quả kiểm phiếu cuộc trưng cầu dân ý lịch sử cho thấy phần lớn người dân Anh muốn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố xin rút ngay lập tức khỏi vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ nhưng vẫn sẽ đảm trách cương vị thủ tướng Anh tới khi một lãnh đạo mới được chọn.

Tuyên bố này được hiểu là một cuộc "thoái vị" hoàn toàn không mong đợi của ông Cameron trong tương lai gần. Liên hệ kết quả cuộc trưng cầu dân ý với nội dung một bài phát biểu hồi đầu tháng 6, trong đó ông Cameron nói: "Tổng thống Nga chắc hẳn sẽ rất hạnh phúc nếu chung tay biến sự kiện Anh rời EU trở thành hiện thực". Các nhà quan sát cho rằng Thủ tướng Anh có lẽ đã dự cảm được hệ quả ngày hôm nay chứ không đơn giản là phát ngôn theo kiểu "giận cá chém thớt".

Thủ tướng Anh D.Cameron trong chuyến thăm Nga năm 2011.

Phát biểu tại thành phố Tashkent, Uzbekistan, trước khi thực hiện chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin phản bác lại ý kiến của Thủ tướng Cameron cho rằng ông muốn EU suy yếu nhằm dễ đối phó với nhiều nước châu Âu đang tìm cách "siết vòng kim cô" lên nước Nga.

Ông Putin nhận định luận điểm mà ông Cameron đưa ra trước sự kiện trưng cầu dân ý ở Anh là "không có căn cứ và thiếu cơ sở"; và không ngoại trừ đây chỉ là luận điểm cố tình nhằm vào Nga để gây ảnh hưởng lên dân chúng trước cuộc bỏ phiếu lịch sử. Ông Putin khẳng định: lãnh đạo Nga không can thiệp vào sự kiện Brexit, thay vào đó, họ chỉ theo dõi tiến trình. Kết quả đi hay ở lại EU phản ánh ý nguyện của số đông người dân Anh và chính họ quyết định tương lai đất nước mình.

Điệp viên Nga Vasily Mitrokhin.

Dù gì đi nữa thì Thủ tướng David Cameron với những thái độ thể hiện sự tương đồng với lãnh đạo các nước phương Tây không ngừng quy cho Nga chịu trách nhiệm chính trong khủng hoảng Ukraine cho thấy với nước Nga, Thủ tướng Anh "có duyên mà không có nợ".

Còn nhớ vào năm 2011, trong chuyến thăm Nga đầu tiên trên cương vị thủ tướng, ông Cameron đã có những biểu cảm đầy thân thiện và nồng ấm trong nỗ lực khôi phục quan hệ giữa hai nước khi tình hình ngày càng xấu đi, thậm chí là bị "đóng băng"   kể từ năm 2006 khi cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko bị ám sát ở London và Nga đã từ chối dẫn độ người mà Anh cáo buộc là nghi phạm chính.

Trong chuyến thăm ấy, trước sự chứng kiến của báo giới hai nước, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev cùng Thủ tướng Anh đã gọi nhau một cách thân mật là David và Dmitry khiến không khí cuộc gặp thượng đỉnh mang bầu không khí rất thoải mái, phóng khoáng. Thủ tướng Anh nói rằng, chuyến thăm của ông là cần thiết để làm sống lại quan hệ kinh tế với Nga. Trong thời gian ở Nga, ông đã chứng kiến doanh nghiệp hai nước ký kết các hiệp định, hợp đồng kinh tế trị giá tổng cộng 340 triệu USD.

Ông Cameron nói, cả London và Moscow đều muốn thấy có sự tiến bộ và ổn định ở Trung Đông, cùng nhau giải quyết những vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân… Tháp tùng ông Cameron sang thăm Nga là một đoàn doanh nhân Anh gồm 24 chủ tịch và tổng giám đốc các tập đoàn lớn như Rolls-Royce, Simon Robertson, Kingfisher...

Vào hôm gặp gỡ các sinh viên Trường Đại học tổng hợp quốc gia Moscow, Thủ tướng Anh bắt đầu gây chú ý bằng giọng hóm hỉnh: Thời còn là sinh viên, Cơ quan tình báo Liên Xô KGB từng "tuyển mộ" ông nhưng ông đã "không qua được cuộc sát hạch" ấy.

Ông kể tiếp: "Tôi tới Nga du lịch lần đầu tiên năm 1985 cùng người bạn Anthony Griffith sau khi tốt nghiệp trung học. Tôi bắt chuyến tàu xuyên Siberia từ Nakhodka tới Moscow và đến khu nghỉ dưỡng Yalta nằm bên bờ Biển Đen. Ở đó, trên một bãi biển có đông người nước ngoài, xuất hiện 2 người Nga nói tiếng Anh lưu loát. Họ mời tôi đi ăn trưa, cả ăn tối và hỏi tôi về cuộc sống tại Anh, về những điều tôi nghĩ về nước Anh". Chàng thanh niên Cameron khi đó không biết chuyện gì đã xảy ra tại khu nghỉ dưỡng Yalta cho tới khi trở về Anh.

"Khi về nước, tôi đã kể lại cho thầy tôi, ông ấy hỏi tôi rằng đó có phải là một cuộc phỏng vấn hay không. Ông ấy còn nói rằng nếu đúng thì tôi đã trượt cuộc sát hạch của KGB", ông Cameron nhớ lại. Khi được tường thuật lại về việc này, Tổng thống Nga Medvedev và các quan chức cấp cao khác của Nga đã cười vui. "Ông Cameron có thể trở thành một điệp viên giỏi của KGB, nhưng nếu thế thì ông ấy làm gì có cơ hội trở thành thủ tướng Anh", ông Medvedev hóm hỉnh nói như thế trong một cuộc họp báo ở điện Kremlin.

Từ lâu đã xuất hiện các tin đồn cho rằng các chính trị gia cánh tả của Anh, trong đó có cựu Thủ tướng Harold Wilson từng làm việc cho KGB. Tuy nhiên, chuyện một chính trị gia cánh hữu thừa nhận có liên hệ với Liên Xô là hiếm thấy. Ông Cameron cho biết, ông đã phải tiết lộ "cuộc phỏng vấn" trên với Cơ quan tình báo Anh (MI-5) vào năm 1990 khi thi tuyển vào vị trí cố vấn đặc biệt cho cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Norman Lamont. Còn giới điệp viên Nga thì tỏ ra nghi ngờ về câu chuyện của ông Cameron.

Như Mikhail Bogdanov, 58 tuổi, cựu điệp viên KGB từng hoạt động tại London, nói: "Tôi nghĩ ông Cameron kể câu chuyện đó là tìm cách tâng bốc mình lên thôi. Ông ấy nói cứ như thể các điệp viên hiện diện ở khắp nơi và KGB muốn chiêu mộ tất cả mọi người". Igor Prelin, 74 tuổi, một đại tá KGB về hưu, bình luận: "Tôi không gọi cuộc gặp đó là tuyển mộ. Nó đơn giản chỉ là một cuộc gặp gỡ mang tính hữu nghị với các câu hỏi mà bất kỳ người Nga nào cũng có thể đặt ra với một người phương Tây khi họ có điều kiện chuyện trò".

Thực tế, việc tuyển mộ, mua chuộc hoặc tìm cách cài cắm điệp viên nằm vùng là vấn đề luôn gây tranh cãi giữa các nước, đặc biệt là giữa các nước Nga, Mỹ và Anh. Như trường hợp của điệp viên Vasily Mitrokhin. Khởi nghiệp là một kiểm sát viên quân sự tại Kharkov (Ukraine), thời gian sau Mitrokhin được đặc cách theo học tại Học viện Ngoại giao ở Moscow.

Năm 1948, Vasily Mitrokhin chính thức bước vào thế giới của những điệp viên khi đầu quân cho KGB và được đánh giá là điệp viên tràn đầy nhiệt huyết. Nhờ những năng lực vượt trội, Mitrokhin nhanh chóng trở thành một điệp viên được tin cậy và có cơ hội tiếp cận những nguồn tài liệu tuyệt mật của tình báo Liên Xô.

Năm 1956, Mitrokhin được chuyển tới làm việc tại kho lưu trữ của KGB. Giai đoạn này Mitrokhin bắt đầu bộc lộ sự bất mãn. Năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ và 8 năm sau khi rời KGB, Mitrokhin đã phản bội và chạy sang phương Tây. Cựu điệp viên này nhanh chóng liên lạc với các quan chức CIA tại Latvia với số tài liệu thu thập được và đề nghị được giúp đỡ tị nạn chính trị.

Bị người Mỹ từ chối, Mitrokhin quay sang liên hệ các mật vụ thuộc Cơ quan tình báo hải ngoại Anh MI-6. Ông ta đã chuyển giao cho MI-6 một tập tài liệu dày 25.000 trang liên quan đến hoạt động của tình báo Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mà theo lời mô tả của một điệp viên Anh, số tài liệu trên nhiều đến mức được chất đầy trong sáu chiếc vali để vận chuyển tới London.

Với một điệp viên mang giá trị tiềm năng như vậy, không có lý do gì để những cặp mắt tinh tường của KGB bỏ sót, còn với cậu học sinh vừa tốt nghiệp trung học David Cameron thì KGB đã nhìn thấy tố chất tiềm ẩn nào đó cho dù sau này ông được trao bằng sinh viên ưu tú hạng nhất của liên khoa Triết học, Chính trị và Kinh tế học ở Đại học danh tiếng Oxford?

Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.