Thủ tướng Anh Theresa May: Đặt cược vào cuộc bầu cử sớm

Thứ Năm, 27/04/2017, 17:05
Việc Thủ tướng Anh Theresa May bất ngờ kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm đã khiến dư luận nước Anh có nhiều ý kiến trái chiều. Sau khi chính thức khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, quốc gia này giờ đây có 7 tuần để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 8-6 tới.

Bước đi có chủ ý

Brexit, tức việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), là lý do chính được nữ Thủ tướng đưa ra để lý giải cho cuộc bầu cử sớm. Bà May tuyên bố cuộc bầu cử sớm này nhằm ngăn các đảng đối lập tại Quốc hội Anh chia rẽ đất nước khi chính phủ bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit. Bà nhấn mạnh: "Tôi sẽ không để họ phá hoại nỗ lực của hàng triệu người lao động và làm suy yếu lập trường đàm phán của chính phủ".

Thủ tướng Anh cũng khẳng định bầu cử sớm là cách duy nhất để đảm bảo ổn định chính trị trong nhiều năm tới khi London đang xúc tiến quá trình đàm phán rời EU. Với việc đảng Bảo thủ hiện chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại Hạ viện, bà May cho rằng sự chia rẽ trong quốc hội đang đe dọa tiến trình Brexit.

Bất cứ quyết định chính trị nào cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng và Thủ tướng Anh chắc chắn có đủ lý do để tin tưởng vào chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, cho dù có thể là mạo hiểm khi bà mới lên nắm quyền được chưa đầy 10 tháng.

Trong nhiều tháng qua, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà May đang nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May được dự báo sẽ chiến thắng tuyệt đối nếu cuộc bầu cử được tiến hành vào thời gian này. Theo hai cuộc thăm dò dư luận cuối tuần qua, đảng Bảo thủ đang dẫn trước Công đảng đối lập với khoảng cách 21%.

Tương tự, cách đây một tuần, một cuộc thăm dò dư luận khác cũng cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ bà May cũng cao hơn thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn tới 37%. Khoảng cách chênh lệch như vậy là lý do chính giúp bà May tự tin đưa ra quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Một lý do nữa khiến bà May càng thôi thúc tiến hành bầu cử sớm chính là việc bà chưa phải là một thủ tướng Anh được bầu chính thức. Sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6-2016 với việc 51,9% cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đã phải từ chức để nhường ghế cho bà May, lúc ấy đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.

Thủ tướng Anh Theresa May.

Dù nắm giữ cương vị người đứng đầu chính phủ nhưng Thủ tướng May luôn bị các đối thủ chính trị nói rằng bà không thể đại diện cho Vương quốc Anh vì cử tri chưa bao giờ bỏ phiếu bầu cho bà. Một cuộc bầu cử sớm khiến bà May có thể đạt được mục tiêu này, đồng thời qua đó sẽ củng cố quyền lực và đoàn kết đất nước trong vấn đề Brexit.

Việc tiến hành bầu cử sớm vào tháng 6 tới đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử sau đó vào năm 2022. Đến thời điểm đó, chắc chắc Anh đã hoàn tất đàm phán Brexit và một chương mới đã mở ra đối với nước Anh sau hơn 4 thập kỷ nằm trong "mái nhà chung" châu Âu.

Đặt cược cho tổng tuyển cử sớm

Tuy nhiên, tiến hành tổng tuyển cử sớm cũng mang lại một số rủi ro cho bà May. Việc tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian chuẩn bị chưa đầy 2 tháng sẽ lấy đi rất nhiều thời gian và sức lực của Chính phủ, trong khi Chính phủ chỉ có khoảng 2 năm để đàm phán các điều khoản cho tiến trình Brexit.

Có thể thấy chương trình nghị sự của Chính phủ hiện giờ xem ra rất vội vã. Bà May có lẽ tính toán rằng sẽ chẳng có điều gì lớn xảy ra cho đến khi nước Đức bầu cử xong vào tháng 9, bởi vậy Anh tiến hành tổng tuyển cử cũng chẳng có gì đáng lo cả.

Tình hình bất ổn tại Scotland và Bắc Ireland cũng là một yếu tố phức tạp. Gần đây, bà May đã bác lại đề nghị của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon về trưng cầu dân ý độc lập tại Scotland, bởi bà cho rằng sẽ là thiếu trách nhiệm khi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tại thời điểm mà các điều khoản của Brexit còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, tại Bắc Ireland, việc thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực hiện vẫn chưa được thống nhất và có thể sẽ lại có một cuộc bầu cử mới nữa ở đây.

Có lẽ vấn đề phức tạp nhất chính là sự chia rẽ trong nội bộ nước Anh đối với vấn đề Brexit sẽ dẫn đến việc không thể đoán định được kết quả của lá phiếu mà người dân Anh sẽ bỏ. Đảng dân túy Độc lập UKIP đã rất vui mừng sau khi đạt được tham vọng của mình tại cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý Brexit hồi mùa hè năm ngoái và trở thành đối thủ tương lai của Công đảng tại một số vùng thuộc Liên hiệp Anh. Tuy nhiên, UKIP sau đó đã bị thất bại tại một số cuộc bầu cử bổ sung địa phương.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do cánh tả đã xác định mình là phe chống lại Brexit. Đây là một chiến lược đã giúp đảng này giành được thêm một số ghế tại hội đồng và Quốc hội kể từ khi diễn ra trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016. Một số nhân vật cấp cao trong đảng Bảo thủ lo ngại đảng Dân chủ Tự do có thể sẽ giành được chiến thắng trước họ tại một số vùng thuộc London và ở khu vực Tây Nam nước Anh.

Những yếu tố này cho thấy quyết định đồng hành cùng đất nước khó khăn hơn việc tìm kiếm một thủ tướng với số phiếu ủng hộ cao. Năm ngoái, bà May đã từng bác bỏ đề xuất Anh sẽ tiến hành tổng tuyển cử trước năm 2020. Sự thay đổi đột ngột này cho thấy bà May đã coi việc đặt cược cho tổng tuyển cử sớm là điều đáng phải làm.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.