Thủ tướng Anh tới Trung Quốc và câu chuyện 9 tỷ EURO

Thứ Hai, 05/02/2018, 18:44
50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp - là phái đoàn tùy tùng thương mại lớn nhất được Thủ tướng Anh Theresa May đưa tới Trung Quốc trong chuyến thăm 3 ngày từ 31-1 đến 2-2.

Với các thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá lên tới 9 tỷ euro, chuyến công du nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của nhà lãnh đạo Anh không chỉ đơn thuần nhằm thúc quan hệ song phương mà quan trọng hơn là việc London tìm kiếm cơ hội hợp tác mới nhằm đảm bảo tương lai cho “xứ sở sương mù” sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Theo giới phân tích, với tiềm năng  550 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, chiếm tới hơn 75% số người tiêu dùng thành thị tính đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,6% trong năm nay, và 6,4% vào năm 2019, gấp 4 lần so với dự báo GDP của nước Anh và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng toàn cầu là 3,9%, Trung Quốc,  được xem là điểm đến hoàn toàn có chủ ý của bà May trong thời điểm quan hệ hai nước đang được xem ở “giai đoạn vàng son”.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh Anh hoàn tất tiến trình rời khỏi  EU vào tháng 3/2019, đặc biệt rời khỏi thị trường đơn lẻ và liên minh thuế quan EU, việc tìm kiếm  những “người bạn mới” trong hệ thống thương mại toàn cầu càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Một sự tính toán nữa có thể thấy Thủ tướng Anh Theresa May đã tiếp nối các cựu thủ tướng nước này khi quay sang tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại với Trung Quốc, trong khi vẫn xem Anh là một nền tảng đáng tin cậy và cạnh tranh ở châu Âu.

Với điểm đến đầu tiên là trung tâm công nghiệp Vũ Hán và tiếp theo là trung tâm tài chính Thượng Hải, là minh chứng rõ nhất cho thấy bà Theresa May muốn khẳng định tầm quan trọng hơn của việc hợp tác kinh tế và đầu tư tại Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt ngay sau thời kỳ hậu Brexit. Không chỉ muốn trở thành một trong những đối tác thương mại chiến lược của Trung Quốc, Anh còn muốn tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh.

Tuyên bố: "Quan hệ Trung Quốc với Anh sẽ không thay đổi sau Brexit" của Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng phần nào cho thấy thiện chí của Trung Quốc đối với một trong những trung tâm tài chính toàn cầu này. Bắc Kinh khẳng định quan hệ hai nước sẽ không thay đổi trước những xáo trộn của quan hệ Anh - EU mặc dù thừa nhận cần phải điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới nhằm tạo thuận lợi cho cả hai phía trong các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư song phương trong tương lai cũng như tiếp tục thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Anh.

Bà May cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Anh sau Brexit, trong đó tính tới mọi cơ hội cho các mối quan hệ thương mại tương lai. Theo bà May, Anh quyết tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và kỳ vọng vào mối quan hệ này. Với các thỏa thuận thương mại trị giá 9 tỷ euro trong chuyến thăm này và Trung Quốc nhất trí bãi bỏ lệnh cấm thịt bò xuất khẩu của Anh trong vòng 6 tháng tới, chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của bà Theresa May kể từ khi đảm nhận vai trò người đứng đầu chính phủ năm 2016, thời điểm Anh quyết định rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân, được xem là thành công.

Bởi lẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc luôn được xem là ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ bà May nhằm thúc đẩy kế hoạch "vì một nước Anh toàn cầu", tiến tới thiết lập những thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác ngoại giao mới trên khắp thế giới.

Thủ tướng Anh Theresa May cùng phu quân Philip May xuống máy bay trong chuyến thăm Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thủ tướng May cũng đưa ra những thông điệp thận trọng hơn về những triển vọng hợp tác với Bắc Kinh so với những người tiền nhiệm như David Cameron, Gordon Brown và Tony Blair. Nếu như cựu Thủ tướng Cameron chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc khi không chú trọng nhiều đến các vấn đề gây tranh cãi như dân chủ và nhân quyền thì bà May lại có cách tiếp cận lạnh lùng hơn khi trì hoãn một vài tháng để đưa ra quyết định về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với nguồn đầu tư của Trung Quốc.

Giới phân tích theo dõi những hậu quả của Brexit đối với mối quan hệ của Anh với các nước, cho rằng những lĩnh vực mà Trung Quốc quan tâm đầu tư ở Anh như cơ sở hạ tầng, công nghệ và các dịch vụ tài chính có thể sẽ không chịu tác động nghiêm trọng bởi sự kiện Brexit. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực khác, mức độ sẵn sàng đầu tư của các công ty Trung Quốc lại phụ thuộc lớn vào các điều khoản về mối quan hệ mới của Anh đối với EU.

Về mặt lý thuyết, sau khi rời EU, Anh “có thể thiết lập một mối quan hệ với Trung Quốc khác xa so với mô hình mối quan hệ đang được thúc đẩy giữa EU và Trung Quốc”. Nhưng trên thực tế, EU có thể yêu cầu Anh né tránh các chính sách gây hủy hoại vị thế thương mại của EU.

Đây không phải là lần đầu tiên bà May gặp giới chức Trung Quốc. Bà đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hàng Châu hồi năm 2016. Tuy nhiên, lần này bà May phải đối mặt với tình huống khó xử với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, vốn được xem là gây bất an cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu với lo ngại có thể là một công cụ để Bắc Kinh tăng cường tầm ảnh hưởng và lợi ích của riêng mình.

London đã tỏ ra thận trọng với sáng kiến này và bà May nói rằng Anh sẽ hợp tác với Trung Quốc để quyết định cách thức hợp tác về sáng kiến này, đồng thời đảm bảo rằng sáng kiến này “đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”. Một số chuyên gia nhận định bà May đã đúng khi tỏ ra thận trọng với “Vành đai và Con đường”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh, năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt mức 79 tỷ USD, tăng gần 6,2% so với năm 2016, giới phân tích nhận định chủ trương tăng cường kết nối và liên kết chặt chẽ hơn giai đoạn hậu Brexit giữa London và Bắc Kinh có thể mở ra cơ hội mới để quan hệ song phương trở nên vững chắc, hiệu quả và thiết thực hơn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.