Thủ tướng Hy Lạp, người thách thức quyền lực châu Âu

Thứ Sáu, 10/07/2015, 18:25
“Cuộc chiến” đang diễn ra gay gắt giữa Hy Lạp và các cường quốc trong Liên minh châu Âu xung quanh gói cứu trợ của khối để giúp nước này vượt qua khó khăn trong cuộc khủng hoảng nợ công. Trong cuộc chiến này, Thủ tướng Alexis Tsipras được ví như chàng tí hon David đang thách thức quyền lực của gã khổng lồ EU. Ông Tsipras đã có một loạt động thái cứng rắn đi ngược lại ý muốn, đòi hỏi của các nước trụ cột trong EU, mới đây nhất là thái độ lạnh lùng trước khả năng Hy Lạp bị phá sản, mất khả năng trả nợ và buộc phải rời khỏi nhóm đồng tiền chung euro.

Quyết phá bỏ các bất công tồn tại hàng chục năm qua

Vừa lên nắm quyền, cuối tháng 1/2015, Tsipras đã thực hiện ngay lời hứa trước cử tri khi tranh cử là thủ tiêu chương trình thắt lưng buộc bụng đã được chính phủ cũ của ông Antonis Samaras áp dụng theo yêu cầu bắt buộc của các chủ nợ.

Theo Thủ tướng Tsipras, việc dừng thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng không chỉ là thực hiện lời hứa trước cử tri, mà còn để giải quyết một cuộc khủng hoảng khác do cuộc khủng hoảng nợ đẻ ra: Đó là khủng hoảng nhân đạo phát sinh từ việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng "tàn bạo" mà các chủ nợ bắt buộc Hy Lạp phải chịu để đổi lấy gói cứu nợ trị giá 240 tỉ euro.

Bộ trưởng Lao động Panos Skourletis cho biết, chương trình thắt lưng buộc bụng của EU và IMF nhằm mục đích giảm chi tiêu, thu hẹp thâm hụt ngân sách đã đẩy Hy Lạp vào cảnh nghèo khó và tuyệt vọng. Một trong những yếu tố cơ bản gây bất ổn xã hội của chính sách đó là việc cắt giảm lương tối thiểu từ 751 euro/tháng xuống còn dưới 500 euro. Dưới thời Thủ tướng Samaras, các thỏa thuận tập thể của người lao động bị hủy bỏ, và mức lương tối thiểu thấp đã châm ngòi cho làn sóng công nhân biểu tình, bãi công liên tục để phản đối giới chủ.

Khi vừa lên nắm quyền, thay thế ông Samaras, Tsipras đã cho triển khai một kế hoạch theo hướng ngược lại, đưa mức lương tối thiểu trở về như cũ, đồng thời khôi phục lại các quyền của người lao động, trong đó có các thỏa thuận lao động tập thể.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thách thức quyền lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Song song với việc dỡ bỏ chương trình thắt lưng buộc bụng, Chính phủ của Thủ tướng Tsipras còn "chọc" EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thêm một nhát nữa, với việc Bộ trưởng Panagiotis Lafazanis ra lệnh dừng chương trình tư nhân hóa - một đòi hỏi của EU và IMF để đổi lấy gói cứu nợ 240 tỉ euro.

Theo đó, kế hoạch bán công ty điện lực hàng đầu của Hy Lạp là PPC đã bị đình chỉ. Tiếp theo đó, kế hoạch tư nhân hóa Cảng Pireaus - cảng lớn nhất Hy Lạp - cũng bị treo.

Thủ tướng Tsipras tuyên bố, đất nước Hy Lạp của ông đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự phá bỏ các bất công trong cuộc sống đã kéo dài hàng chục năm qua. Tsipras tuyên bố, tệ tham nhũng và các đặc quyền đặc lợi dùng để "bôi trơn" cho các guồng máy tài chính và chính trị ưu tú sẽ bị truy đuổi đến cùng, không khoan nhượng.

Bị "nướng" tại Brussels bởi thái độ và quan điểm thiên tả cứng rắn

Tháng 4/2015, Thủ tướng Tsipras thực hiện một động thái táo bạo gây chú ý mạnh không chỉ ở châu Âu mà còn ở Mỹ. Chuyến thăm Nga 2 ngày của ông Tsipras đánh dấu mở đầu cho mối liên kết mới giữa Hy Lạp và Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu đang rất căng thẳng. Tsipras đã không ngần ngại biểu thị quan điểm ủng hộ Nga ngay trong chuyến thăm đầu tiên.

Lần thứ hai trở lại Nga vào tháng 5/2015 để dự lễ mừng chiến thắng của Nga, Tsipras thẳng thắn tuyên bố các biện pháp trừng phạt của EU dành cho Nga "chẳng đi đến đâu", và kêu gọi EU nên xem xét chấm dứt các biện pháp trừng phạt đó. Chưa hết, Bộ trưởng Ngoại giao Nikos Kotzias cũng "phụ họa" bằng tuyên bố "những biện pháp trừng phạt mới sẽ không nằm trong sự quan tâm của Athens".

Lời kêu gọi của Tsipras và tuyên bố của Ngoại trưởng Kotzias đã khiến cho Brussels bối rối và âu lo vì việc Athens đang đi theo hướng tách riêng có thể phá hỏng sự đoàn kết, thống nhất của khối EU trong hành động đối với Nga.

Trong những ngày cuối tháng 6/2015, khi các vòng đàm phán về gói thỏa thuận cứu trợ của EU bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, Tsipras tiếp tục khiến cho các lãnh đạo châu Âu "ăn không ngon, ngủ không yên". Hy Lạp đã trở thành tâm điểm của mọi cuộc họp lãnh đạo cấp cao EU và cả trong các cuộc họp nội các chính phủ từng nước thành viên. Và Tsipras cũng chính là đích ngắm ưa thích cho những đòn tấn công được các lãnh đạo EU, tiêu biểu là bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhắm đến.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras được Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón trong chuyến thăm nga hồi tháng 4/2015.

Sát ngày 30/6, hạn chót để Hy Lạp chấp nhận gói giải pháp thắt lưng buộc bụng mới do EU đưa ra, Tsipras liên tục bị "nướng" tại Brussels bởi thái độ và quan điểm thiên tả cứng rắn, và ông cũng không chùn bước trước các đòn tấn công đó. Tsipras đáp trả bằng quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 để người dân Hy Lạp quyết định đồng ý với các giải pháp thắt lưng buộc bụng nghiệt ngã của EU hay không.

Sự thách thức mạnh mẽ đó từ Tsipras đã đặt các lãnh đạo EU vào tình trạng "báo động" cao độ. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đã thẳng thắn xem Tsipras là "mối đe dọa" lớn đối với EU. Bên cạnh đó, đã có ý kiến lo ngại việc để cho Hy Lạp "tự bơi" trong khó khăn là một hành động nguy hiểm, có thể tạo điều kiện để Hy Lạp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực với Nga.

Điều lo lắng đó có vẻ đang trở thành hiện thực, bởi vào ngày 19/6, Thủ tướng Tsipras lần thứ ba đến Nga để dự Diễn đàn Kinh tế thế giới hàng năm tại St. Petersburg. Và tại diễn đàn này, Tsipras và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý cùng ký một bản ghi nhớ kế hoạch hợp tác kinh tế song phương trước tháng 11 năm nay. Trước mắt, Hy Lạp đã ký kết với Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga một bản ghi nhớ hiểu biết để triển khai dự án xây dựng tuyến ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Điều giới chức EU mong muốn nhất hiện nay là Nga không cam kết chính thức tài trợ cho Hy Lạp, vì nếu việc đó xảy ra, có nghĩa là Hy Lạp đã được cứu bởi một đồng minh mới, và các biện pháp gây áp lực của EU đối với Athens trở nên vô nghĩa.

Ngày 2/7, IMF ra tuyên bố đánh giá rằng Hy Lạp cần thêm khoảng 50 tỉ euro trong 3 năm tới để duy trì nền kinh tế ổn định. Tuyên bố của IMF nói rằng, các chủ nợ nên tạo cho Hy Lạp một "khoảng không gian để thở" bằng cách giải phóng một khối lượng lớn nợ hiện tại cho Hy Lạp, vì cơ cấu nợ hiện tại của Hy Lạp là không bền vững, khiến cho mọi giải pháp đều không mang lại hiệu quả. IMF cho rằng, Hy Lạp cần tới 20 năm nữa để thực hiện đợt chi trả nợ đầu tiên, và việc trả nợ có thể phải kéo dài đến năm 2055. IMF kết luận, EU cần đưa ra một số nhượng bộ nữa để có thể khôi phục khả năng chi trả nợ cho Hy Lạp, đồng thời giúp nước này triển khai các cải cách kinh tế cần thiết.

Tuyên bố trên đã đặt IMF ở thế "chia rẽ" với EU trong việc xử trí với vấn đề nợ của Hy Lạp, đồng thời làm cho cán cân trong "cuộc chiến" đang có phần nghiêng về phía Hy Lạp, chứng minh rằng lý lẽ của ông Tsipras đúng đắn và hợp tình hợp lý hơn các lãnh đạo EU.

Mặc dù vậy, bà Thủ tướng Đức Merkel vẫn kiên quyết không nhượng bộ, kiên quyết đòi hỏi ông Tsipras phải nhượng bộ, nhưng câu trả lời sẽ không đến từ Tsipras mà sẽ đến từ người dân Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bị “ném đá” tại Brussels vì quan điểm thiên tả cứng rắn.

Cuộc trưng cầu dân ý có lợi cho ai?

Với hy vọng đạt được một thỏa thuận tốt nhất với châu Âu, Thủ tướng Alexis Tsipras đã kêu gọi toàn dân trả lời "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý. "Không, có nghĩa là tạo áp lực". Thủ tướng hứa rằng nhờ áp lực đó, "các trương mục ngân hàng sẽ không bị mất, lương hưu sẽ không bị mất". "Một số người cho rằng tôi có ý định rút Hy Lạp khỏi Liên minh châu Âu, nhưng đó là những lời nói dối. "Không" có nghĩa là trở về với một "châu Âu của những giá trị", và mục tiêu của chúng ta là tiếp tục đàm phán" - Thủ tướng tuyên bố. Nhưng những diễn từ của ông như thường lệ luôn là "quá cứng rắn" đối với các chủ nợ và cả với châu Âu.

"Người ta tống tiền các bạn bằng cách ép các bạn bỏ phiếu "Có" đối với mọi biện pháp của các định chế mà chẳng có giải pháp nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Châu Âu vốn xem cuộc trưng cầu dân ý như là sự cắt đứt đàm phán, phải ngưng hành xử một cách phản dân chủ. Chúng ta cần cho người dân có tiếng nói".

Giờ đây cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 là ván cược chung cho những ai ủng hộ Tsipras và ai muốn ông ra đi. Tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý có thể bị xem xét lại vì Hội đồng châu Âu vừa nhắc nhở rằng, cần có một chiến dịch kéo dài trong 2 tuần lễ để cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân trong khi mọi người chỉ được thông báo từ ngày 27/6. Do vậy cuộc trưng cầu này không đáp ứng "tiêu chuẩn châu Âu".

Cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy người trả lời "Không" chiếm 51%, nhưng số người trả lời "Có" vẫn đang tăng thêm.

Thủ tướng Angela Merkel biết rằng thời gian đang có lợi cho bà: "Chúng ta có thể chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý một cách bình tĩnh vì châu Âu rất mạnh mẽ. Một người dân châu Âu tốt không phải là người tìm kiếm sự dung hòa bằng bất cứ giá nào. Tương lai của châu Âu không bị ảnh hưởng". Trong những tháng vừa qua Thủ tướng Merkel đã nỗ lực rất nhiều để giúp cuộc đàm phán tiến triển và tránh điều tệ hại nhưng giờ đây lại đào hố dưới chân Thủ tướng Tsipras.

Thật vậy, trong trường hợp những lá phiếu "Có" chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý, Chính phủ của Thủ tướng Tsipras sẽ mất hết tính hợp pháp và có thể bị thay thế bằng một liên minh sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu của chủ nợ. Còn nếu số lá phiếu "Không" chiến thắng? Đã nhiều lần Thủ tướng Merkel giảm thiểu các hậu quả kinh tế và chính trị của Grexit (Hy Lạp rút khỏi EU). Tức là Hy Lạp sẽ chọn con đường đơn thân độc mã chiến đấu và không thể trách cứ gì Đức cả.

Với những tuyên bố mới đây, bà Merkel đã tỏ rõ lập trường cứng rắn của Chính phủ Đức. Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp là "bắt cóc con tin", còn Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble nghĩ rằng đề nghị của Hy Lạp "không phải là nền tảng để thảo luận các biện pháp nghiêm túc". Về vấn đề Grexit, lập trường của ông rất rõ ràng: sự kiện này không đe dọa đồng euro.

Quyết định của Thủ tướng Tsipras cho tổ chức trưng cầu dân ý bất chấp mọi trở ngại dường như có lợi cho Đức khi gỡ bỏ mọi trách nhiệm cho nước này. Dư luận nước này không hề lo sợ Grexit. Ngày 12/6, có 70% số người được hỏi đã phản bác mọi sự nhượng bộ mới. Tờ Der Spiegel nhắc lại rằng một thất bại đàm phán, tiếp theo là Grexit, sẽ được xem như là một "thất bại về chiến lược châu Âu" của bà  Merkel.

An Châu - Mê Linh (tổng hợp)
.
.