Thủ tướng Shinzo Abe đang mạo hiểm?
Ngày 25-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi giải tán quốc hội để tiến hành bầu cử sớm. Ngày 28-9, Chủ tịch Hạ viện Nhật thông báo quyết định giải tán Quốc hội dựa trên Điều 7 của Hiến pháp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới vào ngày 22-10-2017.
Đương nhiên ông Abe không nói rằng, ông làm vậy là để giành được nhiều sự ủng hộ hơn của dân chúng qua cuộc bầu cử này, từ đó dễ dàng tiến hành các cuộc cải cách khó khăn về kinh tế, cũng như có thể đưa ra một chính sách cứng rắn hơn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang ngày càng thêm căng thẳng, với việc Bình Nhưỡng đe dọa thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.
Giới phân tích theo hướng ủng hộ quyết định trên thì cho rằng, đây là một sự tính toán rất kỹ lưỡng của Thủ tướng Abe. Cần biết, phải đến ngày 13-12-2018, ông Abe mới hết nhiệm kỳ hiện nay. Việc ông hy sinh hơn một năm nhiệm kỳ của mình để đầu tư cho nhiệm kỳ tiếp theo là điều đã từng có trong lịch sử chính trị Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 25-9. |
Theo giới phân tích, rõ ràng Thủ tướng Abe đã nhận thấy cơ hội chiến thắng thì ông mới đánh cược lớn như vậy. Cơ hội đó là kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng ổn định. Chính phủ Nhật Bản ngày 28-8 công bố báo cáo cho biết kinh tế nước này trong quý II/2017 đạt tốc độ tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong hai năm, nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp mạnh cũng như đầu tư công tăng. Cơ hội nữa là uy tín cá nhân của ông Abe đối với cử tri đã được cải thiện đáng kể sau thời kỳ sa sút, thậm chí tăng đến mức khá cao.
Trước đó, vào tháng 7-2017, tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Abe đã giảm xuống dưới 30%, do vụ bê bối liên quan đến cáo buộc ông hỗ trợ một người bạn thành lập khoa mới trong trường đại học. Điều này đã khiến cho ứng cử viên đảng LDP của Thủ tướng Abe thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo. Nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Abe đã nhích lên sau cuộc cải tổ nội các hồi tháng 8 và những phản ứng trước các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Cách Thủ tướng Abe xử lý tác động của vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên thời gian qua được người dân tán thưởng và tin tưởng. Kết quả khảo sát do nhật báo Nikkei công bố cuối tuần trước cho thấy 44% số cử tri sẽ ủng hộ LDP, hai đảng đối lập là Dân chủ và Hy vọng (đảng mới do Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike thành lập) chỉ nhận được 8% sự ủng hộ.
Một số ít nhà phân tích nhận định rằng, phe đối lập của đảng LDP vẫn đắm chìm trong cuộc huynh đệ tương tàn và chưa trở thành lựa chọn thay thế sáng giá về phương diện chính sách. Tuy nhiên, trong một diễn biến mới, nhật báo Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 27-9 đưa tin: đảng Hy vọng của bà Koike đang tiến hành đàm phán với đảng Dân chủ đối lập chính về vấn đề hợp nhất.
Theo báo trên, bà Koike ngày 26-9 đã thảo luận với Chủ tịch đảng Dân chủ Seiji Maehara về khả năng hợp nhất, trong đó có thể có sự tham gia của một đảng đối lập nhỏ khác. Tuy nhiên, báo Nikkei cho rằng, triển vọng hợp nhất là vẫn chưa chắc chắn do bà Koike tuyên bố chưa "mặn mà" lắm với vấn đề này và động thái trên có thể gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ.
Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ hiện vẫn ở mức một con số và một vài thành viên trong đảng đã sang "đầu quân" cho đảng Hy vọng. Có thể sẽ chưa có hợp nhất giữa hai đảng trên trong cuộc bầu cử tới nhưng động thái không đưa người ra tranh cử của đảng Dân chủ để rảnh đường cho đảng Hy vọng là sự thể hiện ủng hộ hoàn toàn của đảng Dân chủ.
Thủ tướng Shinzo Abe và đối thủ nặng ký nhất của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới là bà Yuriko Koike. |
Báo chí Pháp có vẻ đi ngược với truyền thông các nước khác khi phân tích về quyết định của Thủ tướng Abe. Hãng tin AFP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, viễn cảnh bầu cử ở Nhật lần này đầy bất trắc, liên đảng của ông Shinzo Abe khó giành được hai phần ba số ghế, như trong Quốc hội cũ, để toàn quyền quyết định mọi thứ.
AFP dẫn một số thăm dò mới nhất cho biết phe của Thủ tướng Nhật có nhiều khả năng sẽ chỉ có được một đa số quá bán. Theo một thăm dò dư luận của Kyodo, hiện tại 27% cho biết sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Tự do đối lập và 6% cho đảng của bà Koike, trong khi vẫn còn đến hơn 42% cử tri còn lưỡng lự.
Tờ Libération thì cho biết: ba phần tư dân Nhật chán ngán các cuộc bầu cử trước thời hạn liên tiếp và họ tố cáo ông Shizo Abe lợi dụng cuộc khủng hoảng tên lửa do Triều Tiên gây ra để tái vũ trang Nhật Bản hoặc cho phép Nhật Bản được tham chiến. Theo tờ báo, Nhật Bản mới phát hiện ra là họ dễ bị tổn thương kể từ khi tên lửa Triều Tiên bay qua không phận nước này.
Họ nghi ngờ quyết tâm của Mỹ bảo vệ Nhật Bản nếu như Triều Tiên quyết định dìm Nhật Bản trong biển lửa như Bình Nhưỡng đã từng đe dọa. Nhưng tờ báo Pháp nhận định, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không thể thực hiện được dự án sửa đổi hiến pháp do ông bị suy yếu bởi một loạt bê bối trong đó có vụ ông bị cáo buộc tạo thuận lợi cho một người bạn mở trường đào tạo thú y.
Nhật báo Le Monde trong một bài đăng trên mạng ngày 26-9 nhận định liên minh của Thủ tướng Abe vẫn sẽ chiếm quá bán tại quốc hội nhưng có lẽ sẽ mất quyền đa số tuyệt đối.
Theo tờ báo, ngay cả khi người dân Nhật Bản không đánh giá cao, họ vẫn muốn ông Shinzo Abe tiếp tục cầm quyền, bởi vì ông là biểu tượng cho sự ổn định, tái thúc đẩy nền kinh tế cho dù ông có sao nhãng trong các cải cách cơ cấu. Nếu LDP mất đa số 2/3 tại Hạ viện, kế hoạch tham vọng nhất của ông Abe về cải cách Hiến pháp Nhật sẽ bị chệch hướng.