Thủ tướng Israel Netanyahu thăm Mỹ: Cái bắt tay gượng gạo

Thứ Hai, 16/11/2015, 11:20
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa hoàn tất chuyến công du nước Mỹ 3 ngày không mấy thành công. Mục đích của chuyến đi là để gia hạn, mở rộng gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Israel.

Ngoài mục đích chính này, báo chí Mỹ và thế giới đều nhận định, ông Netanyahu đến Mỹ, gặp Tổng thống Barack Obama và các thành viên chủ chốt, các tổ chức của đảng Dân chủ, còn nhằm mục đích "làm lành" trong bối cảnh mối quan hệ giữa Israel và Mỹ, cũng như mối quan hệ cá nhân giữa ông với Tổng thống Obama đang căng thẳng do bất đồng trong các vấn đề ở khu vực Trung Đông, nhất là vấn đề hòa bình với người Palestine.

Ngay ngày đầu tiên đến Mỹ, ông Netanyahu đã có cuộc hội đàm đáng chú ý với Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục - Nhà Trắng. Nội dung trọng tâm của cuộc nói chuyện là gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Israel sắp hết hạn và ông Netanyahu muốn Mỹ mở rộng quy mô viện trợ lớn hơn so với hiện nay.

Trong phát biểu đầu tiên của cuộc hội đàm, Tổng thống Obama đã thể hiện sự "đoàn kết" với Israel trong vấn đề an ninh, nhất là trong tình hình bạo lực gia tăng ở Bờ Tây sông Jordan gần đây. Lên án những hành động bạo lực nhằm vào dân thường Israel, ông Obama cũng nhấn mạnh Israel không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh cho mình.

Điều này có nghĩa là Israel không thể trông cậy vào ai khác giúp đỡ mà chính bản thân mình phải có trách nhiệm bảo đảm vấn đề an ninh. Kết quả cuộc nói chuyện là Tổng thống Obama đồng ý với Thủ tướng Netanyahu sẽ "làm mới" gói thỏa thuận quân sự.

Xin nói thêm, gói viện trợ quân sự hiện nay đã được ký cách nay 10 năm dưới thời Tổng thống George W. Bush, trị giá 30 tỉ USD, tương đương 3 tỉ USD/năm, và sẽ hết hạn vào năm 2017. Ông Netanyahu mong muốn đạt được thỏa thuận mới trước khi ông Obama mãn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sự gấp rút về thời gian của ông Netanyahu đã không được chấp nhận.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, việc thương thảo để đi đến ký kết thỏa thuận mới cần phải trải qua một tiến trình từ nay cho đến ngày gói viện trợ hiện hành hết hạn. Từ khi thành lập nước đến nay, Israel đã luôn nhận được sự trợ giúp về mặt quân sự từ Mỹ, tổng cộng đến nay trị giá khoảng 124 tỉ USD. Lần này, Netanyahu muốn ông Obama nâng quy mô viện trợ từ 3 tỉ lên 4,5 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không nhận được sự đồng tình của ông Obama.

Ngoài ra, mục đích "làm lành" của ông Netanyahu cũng xem ra khó đạt được. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Obama, ông Netanyahu đã đến nói chuyện tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) - một trong những tổ chức quan trọng của đảng Dân chủ. Trong cuộc nói chuyện này, ông Netanyahu đã cố gắng làm dịu quan điểm của mình nhằm tranh thủ sự ủng hộ của những người theo đảng Dân chủ, đồng thời tuyên truyền về lập trường của Israel trong vấn đề xung đột với người Palestine.

Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Obama gặp tại Nhà Trắng hôm 9/11.

Tuy nhiên, chỉ có CAP đồng ý nói chuyện với ông Netanyahu một cách bình thường, lịch sự, và ngay sau đó, CAP đã nhận lãnh nhiều chỉ trích của những người theo đường lối tự do trong đảng Dân chủ vì đã đối đãi "tử tế" với Netanyahu.

Ngay cả khi đến Đồi Capitol để du thuyết "sự đồng thuận lưỡng đảng" trong việc ủng hộ Israel, ông Netanyahu cũng chỉ được tiếp đón nồng hậu bởi đảng Cộng hòa và một số thành viên diều hâu của đảng Dân chủ, ông đã không thể thuyết phục số thành viên còn lại của đảng Dân chủ trong Nghị viện.

Hai ông Obama và Netanyahu gặp nhau lần đầu tại Washington vào năm 2007, khi đó Netanyahu chưa làm Thủ tướng, còn ông Obama thì cũng chuẩn bị tranh cử tổng thống. Ngay lần gặp đầu tiên ấy, Netanyahu đã có ấn tượng với ông Obama và ngay sau đó đã nhận xét với các phụ tá của mình rằng: "Ông ấy có thể đánh bại bà Hillary Clinton". Kết quả đúng như thế.

Hai người gặp nhau lần thứ hai vào tháng 7/2008, khi ông Obama đã thắng bà Clinton, giành suất chính thức tranh cử tổng thống Mỹ, và có chuyến thăm Jerusalem. Trước đó một ngày, đã xảy ra vụ một người Palestine lái xe ủi tấn công người Do Thái. Netanyahu đề nghị ông Obama cùng đi xem hiện trường vụ tấn công, nhưng Obama từ chối.

Sau chuyến đó, Obama quyết định "phải làm cái gì đó" ở Trung Đông. Và ngay sau khi thắng cử trở thành Tổng thống Mỹ, Obama cử ông George J. Mitchell làm đặc phái viên cho vấn đề Israel-Palestine. Và yêu cầu đầu tiên của ông là Israel phải dừng việc xây dựng nhà ở tại các khu đất chiếm đóng của người Palestine - vấn đề đã trở thành gút mắc lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Israel.

Tờ New York Times ngày 8/11 nhận định, mối quan hệ giữa chính phủ hai nước Mỹ và Israel hiện tại mang tính chất "cạnh tranh". Sự hục hặc giữa hai nước không phải là chuyện hiếm trong lịch sử quan hệ, nhưng tình trạng hiện nay được xem là tồi tệ nhất.

Ông Netanyahu cảm thấy mình không được tôn trọng, cảm thấy lợi ích của Israel không được nước Mỹ quan tâm tới nơi tới chốn, chỉ trích Tổng thống Mỹ là "chống Do Thái", trong khi trên thực tế nước Mỹ vẫn dành cho Israel sự ưu ái không thay đổi, vẫn viện trợ quân sự rộng rãi, vẫn quyết liệt bênh vực Israel trong tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ.

Một cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Obama nhận định, tình trạng quan hệ không êm ấm hiện nay giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel phản ánh suy nghĩ trong thâm sâu của mỗi người rằng "mình phải hơn thằng cha đó".

Và vấn đề này được Yaakov Amidror, cựu Cố vấn An ninh quốc gia cho ông Netanyahu, giải thích là do sự khác biệt quá lớn giữa một Tổng thống theo đường lối tự do của đảng Dân chủ với một Thủ tướng bảo thủ của đảng Likud, vốn đã là hữu khuynh.

Với sự khác biệt như thế, bảo rằng ông Netanyahu thành công chỉ trong một chuyến du thuyết là sai. Từ sự khác biệt đó, những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo, giữa hai chính phủ đã có thời gian tích tụ gần 8 năm - tức hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama - không thể giải quyết một cách chóng vánh. Việc đó đòi hỏi phải có thời gian và điều kiện đủ là hai nhà lãnh đạo "ăn ý" với nhau.

Tờ New York Times cho rằng chỉ có tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa mới có thể đáp ứng điều kiện này.

An Châu (tổng hợp)
.
.