Tổng thống Ai Cập và chính sách đối ngoại cân bằng

Thứ Năm, 30/08/2012, 16:20

Chuyến thăm Trung Quốc (dự kiến) và Iran vào tuần tới và chuyến thăm Mỹ vào tháng sau của Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi tuy chưa diễn ra nhưng đã gây chú ý mạnh bởi nó đánh dấu định hướng chính sách đối ngoại của ông Morsi. Đặc biệt, người Mỹ đang theo dõi chặt chẽ xem vị Tổng thống Hồi giáo này sẽ đi theo hướng nào giữa Đông và Tây để có đối sách phù hợp.

Các tờ báo ở châu Á xoáy mạnh vào thái độ và định hướng quan hệ đối ngoại của Tổng thống Morsi trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và những động thái của Mỹ đối với Ai Cập trong thời gian gần đây, nhất là kể từ khi ông Morsi lên làm Tổng thống. Theo kế hoạch dự kiến, ông Morsi sẽ đến Bắc Kinh thăm Trung Quốc 3 ngày, bắt đầu vào ngày 27/8, theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Sau đó, trên đường trở về, ông sẽ ghé qua thăm Iran tiện thể dự Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) tại Tehran vào ngày 31/8.

Tờ Al-Ahram của Ai Cập đề cập cụ thể những vấn đề Tổng thống Morsi sẽ bàn bạc trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, như cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề Palestine,…

Tờ Al-Ahram kết luận: Hai chuyến đi có thể đánh dấu những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ai Cập trong bối cảnh 2 nước Trung Quốc và Iran đều đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ - một đối tác mà trước đây Ai Cập từng là đồng minh khá thân thiết, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak.

Trong khi đó, Hãng tin AP ngày 23/8 dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập nói rằng, ông Morsi cũng sẽ đi thăm Mỹ, nhưng khoảng 1 tháng sau chuyến thăm Trung Quốc và Iran. Chuyến thăm dự kiến bắt đầu từ ngày 23/9, nhân dịp ông Morsi đến New York dự hội nghị thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tờ Asia Times cho rằng, việc ông Morsi không chọn nước Mỹ làm nơi đầu tiên cho chuyến công du của mình là một động thái cho thấy ông Morsi đang "coi thường" nước Mỹ. Asia Times phân tích: Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những vị nguyên thủ đầu tiên trên thế giới chúc mừng ông Morsi khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập hồi tháng 5/2012.

Rồi sau đó, cũng chính ông Obama đã viết một bức thư, cử Thứ trưởng Ngoại giao William Burns trực tiếp mang thư đến Cairo trao tận tay cho ông Morsi. Nội dung bức thư chứa đựng lời mời Tổng thống Morsi sang thăm nước Mỹ. Sau ông Burns là 2 chuyến thăm đầy ý nghĩa của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta ngay trong tuần lễ đầu tiên ông Morsi nhậm chức (đầu tháng 7/2012). Ông Panetta trở về Washington mang theo niềm lạc quan vô bờ bến về sự "hợp tác vui vẻ" giữa ông Morsi với các tướng quân đội - những "người cũ" của thời ông Mubarak, đảm bảo sự tiếp tục trung thành với quan hệ đồng minh Mỹ-Ai Cập bấy lâu nay.

Thế nhưng, niềm lạc quan của ông Panetta chưa kéo dài được lâu thì ông Morsi bất ngờ thay một loạt tướng tá quân đội và an ninh,  trong đó có các nhân vật cộm cán của thời Mubarak và được Mỹ ủng hộ, hy vọng sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Đáng nói hơn, mặc dù "đặt vé" trước nhưng Washington không được ông Morsi ưu tiên. Thay vì thế, ông chọn Trung Quốc và Iran - 2 "kình địch" của Mỹ ở phương Đông.

Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi tại Hội nghị cấp cao OIC trung tuần tháng 8.

Giới phân tích đánh giá quyết định chọn đi thăm Trung Quốc và Iran trước Mỹ là một sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Ai Cập thời kỳ "hậu Mubarak", tiếp sau những thay đổi trong cơ cấu quyền lực trong nước. Sự thay đổi này dẫn đến việc hình thành một chính sách đối ngoại mới: độc lập, không thiên về bên nào, không phụ thuộc vào ai. Và chính sách đối ngoại đó mang đậm dấu ấn Muslim Brotherhood. Khi chọn lựa chính sách đối ngoại này, Muslim Brotherhood tính toán rằng nó sẽ phù hợp với tâm nguyện chung của công chúng Ai Cập là muốn có một chính sách đối ngoại mới, theo chiều hướng "chống Mỹ, bài Israel", thoát khỏi chính sách "sai lầm" của thời ông Mubarak. Hơn nữa, Muslim Brotherhood cũng không muốn lệ thuộc quá nhiều vào các khoản viện trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc nguồn dầu hỏa giàu có của các nước Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

IMF mới đây đã đặt ra điều kiện khó khăn cho khoản viện trợ 3,2 tỉ USD cho Ai Cập. Trong khi đó, các nguồn tài chính khác, như Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) ở Jeddah (Arập Xêút) đã hứa cho Ai Cập vay 2,5 tỉ USD, còn Qatar thì đã ký gửi vào Ngân hàng Trung ương Ai Cập 2 tỉ USD để giúp ổn định ngoại hối cho Ai Cập. Những khoản trợ giúp này đều ít nhiều "thòng" theo một hay nhiều điều kiện mà Ai Cập không muốn.

Trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria, Ai Cập đã thể hiện rõ quan điểm độc lập của mình thông qua các hoạt động của Tổng thống Morsi tại Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) mới đây. Morsi thể hiện lập trường rõ ràng rằng Ai Cập sẽ không tiếp tục phụ thuộc hay chịu lép vế trước phương Tây và các đồng minh trong khối Arập; Ai Cập sẽ không chấp nhận vai trò "đầu tàu" của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Trung Đông sau làn sóng "Mùa xuân Arập"; và việc Morsi lôi kéo Iran vào Nhóm Tiếp xúc như một đối tác giải quyết khủng hoảng Syria là một cách gián tiếp bác bỏ các giải pháp của phương Tây và Ankara

Văn Trương (tổng hợp)
.
.