Tổng thống Pháp đối mặt thách thức từ làn sóng “Xanh”

Thứ Tư, 01/07/2020, 15:30
Vòng 2 cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Pháp vừa kết thúc hôm 28-6 cho ra kết quả khiến Tổng thống Pháp không vui và buộc phải cấp tốc triển khai các giải pháp nhằm lấy lại lòng tin của dân chúng trước làn sóng “Xanh” đang đe dọa nhấn chìm đảng cầm quyền La République En Marche (Nền Cộng hòa tiến lên - LREM) và chính bản thân ông trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới.

Ngày 29-6, vài giờ sau khi các kết quả bầu cử chính quyền địa phương được chính thức công bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra tuyên bố sẽ chi bổ sung 15 tỉ euro (16,8 tỉ USD) cho các giải pháp chống khủng hoảng khí hậu trong 2 năm tới, đồng thời sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên đưa tội phạm “hủy hoại hệ sinh thái” vào Bộ luật Hình sự hay không.

Tổng thống Macron đưa ra các giải pháp nêu trên sau khi chứng kiến các ứng cử viên bảo vệ môi trường, các nhà sinh thái học - thuộc đảng Europe Écologie Les Verts (Châu Âu sinh thái xanh - EELV) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Tổng thống Emmanuel Macron tuy mất thế đa số tuyệt đối nhưng vẫn kiểm soát được Hạ viện.

Tại một hội nghị với Ủy ban Công dân vì khí hậu, Tổng thống Macron đã chấp nhận 146/149 lời đề nghị của ủy ban này như một động thái nhằm thể hiện tinh thần tích cực vì môi trường. Cũng tại hội nghị này, Tổng thống Macron tuyên bố ông mong muốn triển khai ngay các giải pháp bảo vệ môi trường vừa nêu và tuyên bố một đạo luật bảo vệ môi trường mới sẽ được giới thiệu trước cuối mùa hè này.

Cuộc bầu cử chính quyền địa phương ở Pháp diễn ra vòng 1 vào ngày 15-3, ngay trước khi nước Pháp bước vào thời kỳ cách ly xã hội do COVID-19 kéo dài 2 tháng. Vòng 2 đáng lẽ diễn ra sau đó 1 tuần nhưng đã bị hoãn. Cuộc bỏ phiếu vào ngày 28-6 cũng diễn ra trong bối cảnh COVID-19 chưa thật sự bị đẩy lùi tại Pháp nhưng nước Pháp cũng như nhiều nước Tây Âu khác đã buộc phải mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh tế - xã hội để giảm thiểu tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra cho nền kinh tế.

Trạng thái “bình thường mới” đã tác động phần nào vào lá phiếu của cử tri Pháp trong kỳ bầu cử này. Tư tưởng bảo vệ môi trường sau một thời gian dài khó khăn do đại dịch dễ bị tác động bởi quan điểm của một số nhà khoa học cho rằng COVID-19 có phần ảnh hưởng bởi lối sống hủy hoại môi trường của con người tạo nên.

Khó khăn cho Tổng thống Macron chính là việc ứng cử viên của đảng Xanh và các đảng phái thiên tả giành quyền kiểm soát các thành phố lớn, đánh bại các ứng cử viên của LREM. Chẳng hạn, tại thủ đô Paris, đương kim Thị trưởng Anne Hidalgo của đảng Xã hội (PS) sở dĩ tiếp tục tái đắc cử là nhờ kịp thời điều chỉnh chủ trương, lấy việc ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường làm điểm nhấn trong chương trình vận động tranh cử và nhận được sự ủng hộ của đảng EELV cũng như đảng Cộng sản Pháp.

Đáng chú ý nhất là việc ứng cử viên cựu Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb của LREM phải chịu thất thủ trước ứng cử viên của đảng Xanh trong cuộc đua vào chức Thị trưởng Lyon, thành phố lớn thứ ba của Pháp.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo giành chiến thắng nhờ điều chỉnh chính sách tranh cử theo hướng “Xanh”.

Le Havre là một trong số ít thành phố mang về niềm vui cho Tổng thống Macron, khi Thủ tướng Edouard Philippe giành chiến thắng, duy trì được ghế thị trưởng với 59% phiếu bầu. Philippe sẽ tiếp tục làm thủ tướng hay quay trở về Le Havre làm thị trưởng sẽ được quyết định khi Tổng thống Macron cải tổ nội các sau bầu cử khoảng 1 hoặc 2 tuần.

Trong khi đó, ở thành phố Perpignan thuộc cực Nam nước Pháp, chiến thắng đã thuộc về ứng cử viên cực hữu Louis Aliot của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng rất khó để diễn giải kết quả bầu cử chính quyền địa phương vừa qua có phản ánh sự “đi xuống” của đảng LREM hay không. Bởi lẽ, tuy LREM là đảng lớn, được thành lập cách đây chưa lâu, với mục đích đưa ông Macron lên nắm quyền vào năm 2017 và hiện là đảng bao trùm chính trường quốc gia Pháp nhưng trên thực tế đảng này nắm quyền kiểm soát rất ít chính quyền địa phương. Hầu hết các ứng cử viên của LREM thất bại trong cuộc bầu cử là những người ra ứng cử để giành lấy ghế thị trưởng, quận trưởng, hội đồng từ tay người của các đảng khác, rất ít người trong số họ là đương kim giữ ghế.

“Ở bình diện quốc gia thì RN của bà Marine Le Pen và ông Macron là bao trùm, còn ở bình diện địa phương thì phần lớn là của đảng Les Republicains và đảng Xã hội” - nhận xét của chuyên gia Jerome Fourquet của hãng thăm dò dư luận Ifop.

Trong một diễn biến khác, hơn 1 tháng trước cuộc bầu cử, Tổng thống Macron cũng gặp bất lợi khi 3 nghị sĩ đã rời bỏ đảng LREM để chuyển sang đầu quân cho một nhóm chính trị mới, khiến ông bị mất thế đa số tuyệt đối. Nhóm chính trị mới này có tên là “Sinh thái, Dân chủ và Đoàn kết” (Ecology, Democracy, Solidarity), chủ trương vận động vì “công lý cho xã hội và môi trường”. Đây sẽ là phái chính trị thứ chín trong Hạ viện Pháp.

Một điều gỡ gạc cho ông Macron là nhóm chính trị này không ủng hộ phe nào, kể cả đa số cầm quyền hay đối lập. Nhưng, nhóm sẽ bỏ phiếu ủng hộ cho phái chính trị nào đưa ra chính sách phù hợp với quan điểm chủ trương của nhóm. Đây sẽ là tình huống khá khó chịu cho LREM nếu muốn tranh thủ thông qua các chính sách điều hành quốc gia tại Quốc hội.

Việc mất thêm 3 nghị sĩ là một dấu hiệu cho thấy LREM đang mất dần sức hút chính trị vì các chính sách gần đây thường bị người dân phản ứng. Theo quy định, một phái chính trị trong Hạ viện Pháp cần 289 đại biểu để đạt đa số tuyệt đối. LREM sau khi mất 3 nghị sĩ chỉ còn 288 đại biểu, giảm 26 đại biểu so với đầu nhiệm kỳ nhưng vẫn còn nắm thế đa số tương đối tốt.

An Châu (Tổng hợp)
.
.