Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon nỗ lực củng cố quyền lực
Dự luật sẽ hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống đối với “nhà lãnh đạo quốc gia” - danh xưng dành cho Tổng thống Rakhmon. Ông hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ 4 và đang nỗ lực sử dụng những thay đổi trong hiến pháp trước đó để xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chức vụ Tổng thống Tajikistan.
Nhiệm kỳ hiện nay của Emomali Rakhmon (được cho là kéo dài nhất) sẽ kết thúc vào năm 2020. Nhưng nếu những sửa đổi bổ sung hiến pháp được thông qua, Tổng thống 63 tuổi Rakhmon có thể phục vụ nhiều nhiệm kỳ liên tục theo ý muốn.
Muhiddin Kabiri. |
Theo các nhà quan sát quốc tế, Rakhmon bình thường đã không gặp khó khăn gì để được tái đắc cử vào chiếc ghế Tổng thống Tajikistan bởi phần lớn những cuộc bầu cử ở quốc gia Trung Á này không tuân theo những tiêu chuẩn dân chủ. Emomali Rakhmon nắm giữ quyền lực “nhà lãnh đạo quốc gia” từ năm 1992 và ông luôn cố gắng củng cố quyền lực của mình bằng những cuộc đàn áp thẳng tay đối thủ chính trị cũng như xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Mặc dù vậy, Rakhmon vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân và gương mặt nghiêm khắc của ông thể hiện rõ trên rất nhiều poster nhan nhản khắp cả nước Tajikistan. Những cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở Tajikistan để ủng hộ Rakhmon. Thậm chí, người dân còn viết nhiều ca khúc và làm thơ xưng tụng Rakhmon.
Cuộc nội chiến trong thập niên 1990 ở Tajikistan đã qua nhưng cuộc sống vẫn còn quá khó khăn cho phần đông người dân nước này. Tajikistan là quốc gia nghèo nhất trong số những quốc gia cũ thuộc Liên bang Xôviết với hơn một phần ba dân số sống dưới mức nghèo khổ. Nhiều người Tajik buộc phải lánh sang các quốc gia khác như Nga để tìm việc làm và số tiền họ gửi về chiếm đến một nửa GDP quốc gia.
Nhiều người Tajik sang Nga làm việc. |
Phần lớn người dân sống dưới mức nghèo khổ ở Tajikistan. |
Trái lại, các thành viên trong gia đình cũng như người thân, họ hàng của Rakhmon lại là những người giàu có nhất Tajikistan - họ làm chủ nhiều doanh nghiệp lớn, đồng thời nắm giữ cương vị lãnh đạo trong chính quyền. Ví dụ như mới đây, vào ngày 27-1-2016, con gái Ozoda, 38 tuổi, của Rakhmon được bổ nhiệm vào vị trí Chánh văn phòng Chính phủ, trong khi con trai Rustam Emomali là Giám đốc Cơ quan chống tham nhũng của Tajikistan.
Trước đó, Ozoda Rakhmon là Thứ trưởng Ngoại giao Tajikistan. Chồng của Ozoda cũng là Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương Tajikistan. Con trai nhỏ nhất của Rakhmon hiện đang còn đi học và 6 người con gái khác ít được mọi người biết đến. Rakhmon có đến 9 người con và 7 người trong số đó là con gái.
Cái cách Rakhmon bổ nhiệm người nhà vào các vị trí lãnh đạo cao nhất khiến người ta liên tưởng chuyện vào năm 2015, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev chỉ định con gái Dariga, nay 52 tuổi, vào chức vụ Phó Thủ tướng. Gulnara Karimova, con gái Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, cũng từng đảm nhận vai trò đại sứ nước này ở Liên Hiệp Quốc.
Nhiều người tin rằng, Rustam Emomali chuẩn bị trở thành người kế vị Rakhmon và điều này có lẽ sẽ được ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Một trong những sửa đổi đề xuất - dĩ nhiên được chính quyền và tòa án ủng hộ - là hạ thấp độ tuổi giới hạn cho các ứng cử viên tổng thống từ 35 xuống 30. Như thế có nghĩa là Rustam Emomali (hiện 29 tuổi) sẽ có đủ tư cách ra ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020. Thứ trưởng Kinh tế Tajikistan Umed Davlatzod nhận định những sửa đổi hiến pháp “bảo vệ nhân quyền và tự do cũng như thu hút giới trẻ đến với môi trường chính trị”.
Trong khi đó, Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng, những sửa đổi hiến pháp “sẽ củng cố chế độ hiến pháp” và “phản ánh sự phát triển dân chủ” của xã hội Tajikistan. Tuy nhiên, giới phê bình chỉ trích những sửa đổi này thật ra chỉ làm cho chế độ Tổng thống Rakhmon thêm vững chắc hơn.
Muhiddin Kabiri, lãnh đạo lưu vong tổ chức đảng Phục hưng Hồi giáo đối lập (IRP), lập luận rằng, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Tajikistan sắp tới chống lại những nguyên tắc của nền dân chủ do nó bảo đảm quyền lực duy trì trong tay người duy nhất.
Những cuộc mít tinh khổng lồ ủng hộ Emomali Rakhmon. |
Những sửa đổi hiến pháp sẽ cấm hoạt động đối với những đảng phái chính trị tôn giáo và do đó IRP bị coi là bất hợp pháp. Điều đó sẽ kết thúc thỏa thuận hòa bình ký kết từ năm 1997. Sau khi Liên Xô tan rã, nội chiến đẫm máu bùng nổ dữ dội ở Tajikistan do nhiều nhóm chính trị khác nhau tranh giành quyền lực cai trị đất nước. Nhằm kết thúc cuộc chiến tranh tương tàn, đảng Liên minh đối lập Tajik (UTO) - một liên minh các đảng phái chính trị và giới lãnh đạo địa phương mà trong đó IRP nắm giữ vai trò chủ chốt - đã ký kết thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Emomali Rakhmon.
Theo thỏa thuận này, IRP cùng các nhóm chính trị đối lập được công nhận hợp pháp và Rakhmon phải chia sẻ quyền lực với họ. Lúc đó, phe đối lập chiếm giữ một phần ba tổng số ghế trong nội các Rakhmon. Nhưng khi thời gian trôi qua, các thành viên UTO bị đẩy ra khỏi chính quyền Rakhmon. Các nhân vật đối lập chủ chốt phải bay ra sống lưu vong ở nước ngoài do sợ bị bức hại.
Mặc dù vậy, họ vẫn đối mặt với những sự đe dọa ở nước ngoài. Ví dụ như chính khách Mahmadruzi Iskandarov (hiện đang sống ở Nga) bị cưỡng chế đưa về Tajikistan năm 2005 và ngồi tù vì tội khủng bố. Một nhà hoạt động khác, Umarali Quvatov, bị một tay súng bí ẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ giết chết năm 2015. Còn những người dám thách thức Rakhmon từ bên trong Tajikistan cũng gặp nhiều hiểm nguy rình rập.
Zayd Saidov, cựu Bộ trưởng Công nghiệp và là một trong những người giàu có nhất Tajikistan, bị bắt giữ năm 2013, không lâu sau khi ông thông báo kế hoạch thành lập một đảng phái chính trị đối lập mới. Trong khi nhà hoạt động nhân quyền Oynikhol Bobonazarova cho biết, bà bị chính quyền Tổng thống Rakhmon ép buộc rời khỏi cuộc tranh cử Tổng thống Tajikistan năm 2013 sau khi được phe đối lập đề cử.
Bobonazarova thất bại trong nỗ lực tìm kiếm đủ số chữ ký để trở thành ứng cử viên tổng thống do cảnh sát đã quấy rối những người ủng hộ bà cũng như những nhà hoạt động chiến dịch tranh cử.