Trang đời bi kịch của Tổng thống Roh Moo-hyun

Thứ Ba, 04/04/2017, 16:25
Roh Moo-hyun là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị quốc hội xứ Hàn tìm cách luận tội và bị phế truất trong hai tháng. Trở lại chiếc ghế tổng thống trong một thời gian ngắn rồi từ chức, ông đã chọn cho mình một đoạn kết đầy bi thảm.


Bài 1: “Hiệp sĩ bảo vệ các thành phần không được ưu đãi trong xã hội”

Bị phế truất chức tổng thống bởi phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm 10-3 vì bê bối tham nhũng liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sik, bị cáo buộc nhận hối lộ, làm rò rỉ thông tin mật và lạm quyền, Tổng thống Park Geun-hye bị tước mọi đặc quyền miễn trừ pháp lý.

Sự kiện này khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến trường hợp của Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, người lên cầm quyền với danh hiệu "Ngài trong sạch" nhưng sau đó lại bị nhiều tai tiếng của các vụ tố cáo hối lộ có liên quan đến những người thân cận với ông.

Ông là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị quốc hội xứ Hàn tìm cách luận tội và bị phế truất trong hai tháng. Trở lại chiếc ghế tổng thống trong một thời gian ngắn rồi từ chức, ông đã chọn cho mình một đoạn kết đầy bi thảm.

Tháng 9-1946, Roh Moo-hyun được sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Gimhae, Gyeongsangnam-do một tỉnh duyên hải phía đông nam Hàn Quốc.

Một bức ảnh của ông Roh Moo-hyun hồi nhỏ.

Cha ông Roh Moo-hyun là Roh Pan-sock - một nông dân nghèo và mẹ là Lee Soon-rae. Dù lớn lên trong một gia đình nghèo song bố mẹ Roh luôn dạy cho Roh biết trân trọng những giá trị truyền thống như trung thực, chăm chỉ và tự lực. Roh sống tại ngôi làng này cho tới khi tốt nghiệp trường phổ thông Jinyeong.

Cá tính mạnh mẽ của Roh được bộc lộ từ những năm học tiểu học. Có lần, nhà trường tổ chức cuộc thi viết chữ đẹp, cậu bé Roh xứng đáng đoạt giải nhất tuy nhiên giải quán quân lại được trao cho một học sinh có xuất thân từ gia đình giàu có. Ngay trong buổi lễ trao giải, Roh đã từ chối nhận giải nhì vì cho rằng mình bị đối xử không công bằng. Ý thức đối xử mọi việc một cách công bằng đã được hình thành ngay từ những năm tháng này và nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của vị tổng thống tương lai.

Với quyết tâm tiến thân bằng học vấn, cậu thiếu niên họ Roh đi làm ban ngày để có tiền đi học ban đêm. Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông Jinyeong, Roh được nhận vào trường trung học thương mại Busan với học bổng toàn phần.

Tốt nghiệp năm 1966, chàng trai Roh làm việc cho một công ty nhỏ trong thời gian ngắn song không hài lòng với các điều kiện làm việc nên đã nghỉ làm. Roh quyết định tự học và năm 1975, ông vượt qua kỳ thi sát hạch vốn chỉ dành cho những cử nhân luật để có chứng chỉ hành nghề luật sư - một điều hết sức đặc biệt trong xã hội trọng bằng cấp như Hàn Quốc.

Ông Kang Won-taek, chuyên gia chính trị Đại học Seoul, nhận xét: "Ông Roh luôn được xem là người đi tiên phong trong việc xây dựng những giá trị mới cho đất nước Hàn Quốc. Ông đã thách thức sự trói buộc và cổ hủ ở Hàn Quốc và sẵn sàng chiến đấu vì mục tiêu ấy".

Roh Moo-hyun sớm nhận ra rằng, con đường hiệu quả nhất để bênh vực kẻ yếu, chống lại bất công là phải làm chính trị đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự cai trị Hàn Quốc trong thập niên 70-80.

Năm 1977, Roh Moo-hyun trở thành thẩm phán địa phương tại Daejeon. Năm 1981, cuộc đời vị luật sư trẻ tuổi bước vào một ngã rẽ mới khi ông có cơ hội tiếp xúc và bảo vệ một nhóm sinh viên đối lập khi được đề nghị bảo vệ cho 12 trong số 24 sinh viên bị bắt vì tội tàng trữ văn hóa phẩm mang nội dung chống đối chế độ và kích động bạo loạn, và vì tội này, họ bị giam cầm và tra tấn tàn nhẫn trong gần hai tháng.

Ông Roh kể lại: "Khi tôi nhìn thấy những ánh mắt hoảng loạn, những ngón chân bị mất móng của họ, cuộc đời một luật sư an nhàn của tôi xem như chấm dứt". Từ đó, ông dấn thân vào con đường tranh đấu trực diện với Chính phủ của Tổng thống độc tài-tướng Chun Doo-hwan.

Năm 1987, ông bị bắt và bỏ tù 3 tháng, bị cấm hành nghề luật sư vì tham gia hậu thuẫn phong trào đình công của công nhân ngành đóng tàu, một trong những ngành công nghệ chiến lược của Hàn Quốc. Phong trào đòi dân chủ lan rộng, chính quyền Seoul chấp nhận cải cách chính trị, ông Roh Moo-hyun trở thành một nhà chính trị thực sự với chủ trương phản đối chế độ độc tài chuyên quyền thời đó tại Hàn Quốc.

Cũng trong năm 1987, Roh Moo-hyun trở thành một trong những lãnh đạo của nhóm “Đấu tranh Tháng 6” - một tổ chức ủng hộ dân chủ, chống lại Tổng thống Chun Doo-hwan. Năm 1988, ông đắc cử nghị sĩ qua cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên và bắt đầu nổi bật trên chính trường quốc gia với nỗ lực chống tham nhũng và truy tố những lãnh đạo cũ, trong đó có cựu Tổng thống Chun Doo-hwan.

Cũng trong năm 1988, đảng Dân chủ Thống nhất (RDP), đảng đối lập do ông Kim Young-sam lãnh đạo đã đề cử Roh Moo-hyun làm đại diện quận phía đông Busan tranh cử vào Quốc hội. Đánh bại một ứng viên đảng cầm quyền, ông Roh trở thành nghị sĩ của Quốc hội và đóng vai trò tích cực trong Ủy ban Lao động.

Thời gian đó, Roh Moo-hyun được xem là một trong "ba người  lính ngự lâm của Ủy ban Lao động" cùng với ông Lee Hae-chan và ông Lee Sang-soo. Trong phiên điều trần đặc biệt chống lại một số quan chức hàng đầu chính phủ về tội danh tham nhũng, tân nghị sĩ Roh Moo-hyun vụt sáng như một người hùng trên chính trường khi liên tiếp đưa ra các câu hỏi chất vấn hóc búa.

Thời điểm đó, rất ít nghị sĩ dám chọc giận những nhân vật cấp cao như người sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung, hay Chang Se-dong, Giám đốc cơ quan tình báo dưới thời cựu Tổng thống Chun Doo-hwan.

Vào năm 2001, ông Roh Moo-hyun được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải và ngư nghiệp. Ở cương vị này, ông Roh đã thu thập nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề quốc gia cũng như trong hoạch định chính sách đồng thời được công chúng chú ý vì phong cách lãnh đạo dân chủ và có nhiều quan điểm tiến bộ.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, lần đầu tiên đảng Dân chủ Thiên niên kỷ (MDP) đưa ra hệ thống bầu chọn người đại diện của đảng tranh cử chức Tổng thống. Roh Moo-hyun chính thức được công nhận là ứng viên Tổng thống của đảng MDP. Sau khi thành ứng viên Tổng thống MDP, ông Roh Moo-hyun đã nhận được 65% phiếu ủng hộ trong cuộc thăm dò dư luận, vượt xa ứng viên của đảng đối lập Lee Hoi-chang.

Ngày 25-12-2002, ông Roh trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo này đã bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống với một chương trình nghị sự đầy tham vọng: đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm của Đông Bắc Á, tiếp tục chính sách Ánh Dương do người tiền nhiệm Kim Dae-Jung đề xướng, xác định lại quan hệ an ninh với Mỹ, cải tổ đời sống chính trị thông qua thỏa hiệp, phân quyền chính phủ khi tự xưng mình là "hiệp sĩ bảo vệ các thành phần không được ưu đãi trong xã hội", tiếp tục gây sức ép với các chaebol (tập đoàn gồm nhiều công ty có vai trò lớn trong đời sống kinh tế của một trong các “con hổ châu Á” như Hàn Quốc), cải tổ hệ thống giáo dục và thuế, tăng cường quan hệ quản lý lao động.

Vợ chồng Tổng thống Roh Moo-Huyn trong trang phục truyền thống chụp ảnh tại Dinh Tổng thống Hàn Quốc năm 2003.

Về đối ngoại, ông chủ trương "quân bình quan hệ", thoát dần ảnh hưởng độc tôn của Mỹ. Điểm nổi bật trong các quyết sách của Tổng thống Roh Moo-hyun là cố gắng chặt đứt mối quan hệ mắt xích lắt léo được xem là "quan hệ truyền thống" giữa các thế lực tài chính - chính trị bằng cách giảm bớt thế lực của các tập đoàn công nghệ và truyền thông bảo thủ. Tuy nhiên, chính những hành động và lời lẽ thẳng thắn đôi khi "khiêu khích" của ông đã tạo ra nhiều kẻ thù.

Năm 2003, Tổng thống Roh Moo-hyun và những người ủng hộ ông rời bỏ đảng Dân chủ Thiên niên kỷ (MDP) và thành lập đảng mới Uri (có nghĩa “đảng của chúng ta”). Nhưng các chương trình cải cách của ông bị trì hoãn bởi những cuộc tranh luận hầu như không có điểm dừng trong chính phủ Hàn Quốc.

Hàng loạt quyết định của ông bắt đầu không được dân chúng ủng hộ, trong đó có quyết định gửi quân Hàn Quốc tới Iraq tham chiến cùng đồng minh Mỹ, hay nỗ lực bất thành của ông trong kế hoạch chuyển thủ đô Hàn Quốc khỏi Seoul và tiếp tục chính sách hòa hoãn với Triều Tiên đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Roh đi xuống.

Từ đó, chính phủ của Tổng thống Roh Moo-hyun bị cáo buộc không có năng lực trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và đối ngoại. Ngoài ra, đảng Uri của ông bị chao đảo bởi những bê bối và đấu đá nội bộ. Nhiều chính sách ông đưa ra bị phe đối lập phản đối kịch liệt. Đây là nguyên nhân dẫn đến những lời chỉ trích gay gắt từ cả những người ủng hộ lẫn phản đối Tổng thống.

Cũng trong thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun cũng đối mặt với cáo buộc tham nhũng khiến ông phải đề xướng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về vai trò lãnh đạo của bản thân.

Đề xuất của ông Roh vấp phải một số vấn đề liên quan tới hiến pháp, chính ông đưa ra đề nghị sẽ từ chức Tổng thống nếu cơ quan điều tra phát hiện thấy đội ngũ vận động tranh cử của ông nhận tiền đóng góp bất hợp pháp bằng 1/10 số 42 triệu USD mà đảng đối lập Đại Dân tộc (GNP) đã nhận. Hậu quả là ông trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị Quốc hội tìm cách truất phế.

Tháng 3-2004, Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Roh Moo-hyun với cáo buộc vi phạm luật bầu cử và thiếu năng lực lãnh đạo. Các thành viên đảng Uri - ủng hộ Tổng thống Roh Moo-hyun đã tổ chức cuộc biểu tình ngồi tại Quốc hội trong suốt 3 ngày trước khi bị các nghị sĩ đảng đối lập và nhân viên công lực dùng vũ lực giải tán.

Trưa ngày 12-3-2004, Quốc hội Hàn Quốc thông qua đạo luật luận tội Tổng thống Roh Moo-hyun với tỷ lệ phiếu là 193 thuận và 2 chống. Quyết định này đình chỉ chức vụ Tổng thống của ông Roh và buộc ông phải tạm chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Goh Kun. Quyền tổng thống Goh Kun nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước cho tới khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết vào 14-5-2004.

Kết quả tổng tuyển cử tháng 4-2004 cho thấy đại bộ phận công chúng vẫn ủng hộ Tổng thống Roh Moo-hyun. Ngày 14-5-2004, Tòa án Hiến pháp đảo ngược quyết định luận tội và phục chức cho ông Roh Moo-hyun. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đang ở mức 30% tăng lên 50%.

Được công luận ủng hộ, ông thoát nạn và chuyển bại thành thắng: đảng trung tả của ông giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử 2004. Nhưng kinh tế Hàn Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm sau nhiều năm luôn ở đỉnh cao, vật giá leo thang, uy tín của ông Roh từ từ đi xuống. Vào cuối nhiệm kỳ, điểm tín nhiệm của ông chỉ còn 29% so với tỉ lệ 70% khi vừa lên nhậm chức.

Thủ tục luận tội được quy định trong Hiến pháp Hàn Quốc. Theo Điều 65 khoản 1, nếu Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ, hoặc các thành viên khác của hội đồng nhà nước vi phạm Hiến pháp hoặc các luật có nghĩa vụ chính thức khác, Quốc hội có thể luận tội họ. Khoản 2 nói rằng tờ trình luận tội phải được đề nghị bởi một phần ba và được đa số các thành viên của Quốc hội thông qua.

Trong trường hợp của Tổng thống, đề nghị luận tội phải được đa số tán thành và được 2/3 tổng số thành viên của Quốc hội chấp thuận, nghĩa là 200 trong số 300 thành viên của quốc hội phải chấp thuận Tờ trình luận tội.

Điều khoản này cũng quy định rằng bất kỳ người nào bị mà có bản luận tội đã được thông qua sẽ bị đình chỉ việc thực hiện quyền hành của mình cho đến khi bị buộc tội và quyết định buộc tội sẽ không miễn trừ người bị buộc tội về trách nhiệm dân sự hoặc hình sự. Theo Đạo luật Tòa án Hiến pháp năm 1988, Tòa án Hiến pháp phải đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng 180 ngày kể từ ngày nhận được bất kỳ xét xử nào, kể cả trường hợp buộc tội. Nếu bị đơn đã rời khỏi chức vụ trước khi tuyên án, vụ án sẽ bị bãi bỏ.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.