Tranh cử Tổng thống Iran: Lựa chọn khó khăn cho tới phút cuối cùng

Thứ Năm, 18/05/2017, 14:50
Càng về cuối, cuộc đua tranh chức Tổng thống Iran ngày càng quyết liệt. Theo các cuộc thăm dò dư luận không chính thức, Tổng thống Rouhani đang dẫn đầu, song ông sẽ phải đối mặt với thách thức từ các đối thủ theo đường lối bảo thủ do kinh tế đình trệ kéo dài.

Tranh cử đúng đắn là cách duy nhất để đương đầu với kẻ thù

Truyền thông nhà nước Iran ngày 15-5 đưa tin, ứng cử viên sáng giá theo đường lối bảo thủ, Thị trưởng Tehran Mohammad BagherGhalibaf đã rút khỏi cuộc đua tranh chức tổng thống diễn ra vào ngày 19-5.

Với việc ông Ghalibaf tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua tranh chức tổng thống, sẽ chỉ còn 5 ứng cử viên gồm Tổng thống Hassan Rouhani; ông Ebrahim Raisi; Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri, đồng minh của Tổng thống Rouhani; ông Mostafa Mirsalim theo đường lối bảo thủ và cựu Phó Tổng thống Mostafa Hashemitaba ủng hộ cải cách.

Theo các cuộc thăm dò dư luận không chính thức, nổi bật vẫn là cuộc đấu tay đôi giữa Tổng thống Rouhani đang dẫn đầu và đối thủ theo đường lối bảo thủ - ông Raisi, người được cho là thân cận với Đại giáo chủ Khamenei, đã bác bỏ thành tựu kinh tế cũng như chính sách làm dịu căng thẳng với phương Tây mà Tổng thống Rouhani theo đuổi.

Trong khi đó, Tổng thống Rouhani cho rằng kinh tế Iran đã được cải thiện kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2013, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước như một biện pháp chính nhằm thúc đẩy kinh tế. Mặc dù sự ủng hộ của những nghị sĩ theo đường lối cải cách và ôn hòa đối với ông Rouhani vẫn mạnh mẽ, song sự thất vọng đối với chính quyền của chính trị gia 68 tuổi này là rất rõ ràng trong công chúng.

Tổng thống Rouhani phát biểu trước người dân ở Tehran. Ảnh: News18.com.

Sự thất vọng này xuất phát từ tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức 12%, lời hứa hẹn về nguồn đầu tư nước ngoài trị giá nhiều tỷ USD chưa thành hiện thực và việc ông Rouhani đã thất bại trong việc nới lỏng hạn chế hoặc phóng thích các tù nhân chính trị, trong đó có các nhân vật đối lập bị giam cầm vì tham gia cuộc biểu tình hồi năm 2009.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Rouhani đã đạt được nhiều thành công trong việc kiểm soát lạm phát và giành được thỏa thuận hạt nhân rất quan trọng với các cường quốc thế giới dẫn tới việc chấm dứt nhiều biện pháp trừng phạt áp đặt lên Iran.

Trước sự căng thẳng giữa các ứng cử viên, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei kêu gọi các ứng cử viên cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tham gia tranh cử trong hòa bình, đồng thời cảnh báo các thế lực thù địch đang âm mưu sử dụng chiến dịch tranh cử hiện nay nhằm gây bất ổn và rối loạn ở Iran.

Trang mạng chính thức của nhà lãnh đạo tối cao Iran cho biết: "Nếu mọi người vi phạm pháp luật và đạo đức, cuộc bầu cử sẽ kết thúc trong thất bại của chính chúng ta". Ông Khamenei cảnh báo các ứng cử viên trong cuộc đua tới không nên đưa ra tranh cử các vấn đề như "sự chia rẽ về sắc tộc, ngôn ngữ, và địa lý" bởi nếu làm như vậy sẽ chỉ "phục vụ các lợi ích của kẻ thù".

Ông kêu gọi các ứng cử viên nên ưu tiên hàng đầu cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đại giáo chủ cũng kêu gọi cử tri tham gia đông đảo trong cuộc bỏ phiếu sắp tới, khẳng định "đây là cách duy nhất để đương đầu với kẻ thù".

Ông Raisi được khá nhiều người dân Iran ủng hộ trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: Middle East Monitor.

Cuộc đấu tay đôi

Vài tháng trước, không nhiều người Iran biết tới cái tên Ebrahim Raisi. Năm ngoái, vị giáo sĩ 56 tuổi này đã bước vào cuộc chơi khi được chỉ định làm người đứng đầu quỹ từ thiện lớn nhất của Iran, Astan Quds Razavi, phụ trách quản lý lăng mộ linh thiêng của lãnh tụ Hồi giáo dòng Shiite thứ 8 Reza ở thành phố Mashhad phía đông bắc Iran.

Ông Raisi, cựu công tố viên và phó chánh án đã từng đứng đầu một ủy ban chống tham nhũng của Iran, đang muốn trở thành vị tổng thống thứ 12 của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Một trợ lý giấu tên cho al-Monitor biết, vốn được coi là một người theo phái bảo thủ, ông Raisi “muốn tách mình ra khỏi bất kỳ liên minh phe phái nào và tranh cử như một ứng viên độc lập”.

Nguồn tin này nói thêm rằng ông Raisi muốn trở thành tổng thống của toàn dân Iran chứ không phải là một tổng thống với các liên minh phe phái.

Những đối thủ của ông Raisi cho rằng ông không phù hợp với công việc này bởi kinh nghiệm chính trị còn hạn chế. Những người chỉ trích ông cho rằng vị trí tổng thống không phải là chỗ để học hỏi kinh nghiệm. Một nguồn tin chính trị thân cận với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Hassan Rouhani đề nghị giấu tên cho biết: “Iran sắp trải qua một giai đoạn rất quan trọng. Chúng tôi đang đối mặt với những thách thức nội bộ trong bối cảnh có sự đối đầu ở khu vực và quốc tế”, và không thể đoán trước được điều gì.

Nguồn tin này nói tiếp: “Trong bối cảnh như vậy, Iran cần một tổng thống có kinh nghiệm, một người biết cách xử lý các tình huống khó khăn”.

Trong cuộc tranh luận cuối của các ứng cử viên tổng thống vào ngày 5/5, ứng cử viên Eshaq Jahangiri đã gián tiếp chỉ trích việc ông Raisi ra tranh cử khi nói: “Một tổng thống cần phải có kinh nghiệm xử lý các vấn đề trong nước và quốc tế”, đồng thời nói thêm rằng bối cảnh chính trị ở Iran không phải nơi thích hợp cho một người mới.

Vậy có cơ hội nào cho ông Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống mới ở Iran? Cho dù tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani đang là ứng cứ viên có nhiều tiềm năng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống tại Iran ngày 19-5 tới, song chiến thắng của ông cũng không phải được đảm bảo hoàn toàn.

Ông Rouhani đã nỗ lực kéo Iran thoát khỏi sự cô lập ngày càng sâu sắc nhờ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mà theo đó quốc gia này phải áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc được quốc tế và phương Tây nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chậm chạp đã khiến nhiệt huyết của người dân dành cho chính quyền Rouhani bị nguội đi.

Alireza Nader, một chuyên gia phân tích về Iran hiện đang làm việc tại Tập đoàn Rand, phát biểu tại Viện Trung Đông, Washington: “Với những người dân thường, thỏa thuận hạt nhân là một sự thất vọng to lớn. Họ không nhận được nhiều lợi ích kinh tế từ đó. Sản lượng dầu mỏ đã trở về mức trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, song điều đó cũng không thực sự giúp tạo ra thêm việc làm”.

Đối thủ lớn nhất của ông Rouhani là Ebrahim Raisi, đã nắm bắt cơ hội từ làn sóng bất mãn ngày càng gia tăng vì kinh tế suy thoái. Ông Raisi đã tập trung cho chiến dịch tranh cử của mình với nền tảng là một kế hoạch mang tên “Đưa Iran vĩ đại trở lại”, nếu bạn có thể hứa hẹn sẽ tăng gấp 3 lần trợ cấp cho người nghèo và tạo ra thêm 1,5 triệu việc làm, đồng thời áp dụng một lập trường cứng rắn hơn với phương Tây.

Đối với Đại giáo chủ Khamenei, một lãnh tụ tối cao đã 78 tuổi, cuộc bầu cử này có thể tác động đáng kể tới những kế hoạch mà ông lập ra cho người kế nhiệm. Khi ông qua đời, tổng thống Iran lúc đó sẽ trở thành một trong ba thành viên của hội đồng gồm 3 người làm thay công việc của lãnh tụ tối cao cho đến khi một lãnh tụ khác lên thay thế. Có những đồn đoán rằng ứng cử viên Raisi đang có được sự ủng hộ của cả lãnh tụ Khamenei và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRG).

Cũng có những ý kiến cho rằng chiến dịch tranh cử của ông Raisi có thể là một phép thử cho cuộc chạy đua vào chính vị trí lãnh tụ tối cao, bởi nếu có một cuộc trình diễn xuất sắc trong cuộc bầu cử này, cơ hội của ông trong tương lai sẽ càng gia tăng.

Cơ hội của ông Raisi đang tăng lên khi nhận được sự ủng hộ của Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei với việc ông đã phê phán đương kim tổng thống Iran Hassan Rouhani vì những tuyên bố của ông này cho rằng chính chính sách làm dịu căng thẳng với phương Tây của ông đã giúp xóa mờ mối đe dọa chiến tranh, trong bối cảnh còn vài ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Người dân Iran ủng hộ Tổng thống Rouhani khi ông vận động tranh cử. Ảnh: Al Jazeera.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã phủ nhận mọi ý kiến cho rằng bóng ma chiến tranh ở Iran đã dần lu mờ kể từ khi ông cùng tổng thống Iran Hassan Rouhani nhậm chức. Thêm vào đó, Lãnh tụ tối cao Khamenei đã kêu gọi các ứng cử viên tổng thống nước này theo đuổi con đường tự chủ về kinh tế, trái ngược hoàn toàn với chính sách mở cửa với phương Tây và tìm kiếm đầu tư nước ngoài của tổng thống hiện tại Hassan Rouhani. 

Iran cần một tổng thống đủ mạnh để đối phó với D.Trump?

Tuy mất lòng Đại giáo chủ và nhiều người dân trong nước, song Tổng thống Iran Hassan Rouhani lại được các nước đánh giá cao, coi ông là nhân tố khiến Iran và các nước vùng Vịnh xích lại gần nhau. Giới phân tích cho rằng những mối lo ngại chung về các chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump đang kéo Iran và các quốc gia vùng Vịnh xích lại gần nhau hơn.

Việc tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch áp đặt một số lệnh trừng phạt mới nhằm vào nhiều thực thể và cá nhân người Iran, tìm cách gia tăng áp lực đối với Tehran, đồng thời cùng các phụ tá vạch ra một chiến lược quy mô hơn nhằm đối phó với điều mà ông cho là các hành vi gây bất ổn của nước cộng hòa Hồi giáo này.

Chính quyền Mỹ cho biết họ dự kiến công bố các biện pháp mới chống lại hơn 20 mục tiêu Iran. Các lệnh trừng phạt mới - được đưa ra dựa trên các lệnh hành pháp sẵn có nhằm chống lại hoạt động khủng bố và sản xuất, sở hữu và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, có thể đánh dấu một khía cạnh mới của chính sách cứng rắn hơn nhằm vào Iran.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp diễn ra và sự hiện diện của một chính quyền thù địch mới ở Nhà Trắng, giới phân tích cho rằng có vẻ như lực lượng cứng rắn của Iran đang tạm dừng các nỗ lực nhằm thay đổi lãnh đạo, ít nhất là vào lúc này. Thực tế là tính đến thời điểm này chưa có một ứng cử viên nào nổi lên là một đối thủ thuộc phe cứng rắn đủ sức thách thức ông Rouhani.

Thay vào đó, các quan chức thuộc nhiều hệ tư tưởng đối địch lại đang tỏ ý đoàn kết và ủng hộ ông Rouhani, cho rằng nhà lãnh đạo này là người phù hợp nhất để đối phó với một tổng thống Mỹ như ông Donald Trump.

Một quan chức cấp cao đề nghị giấu tên nói: “Để bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo chống lại các mối đe dọa ở nước ngoài, chúng ta cần phải gạt các bất đồng sang một bên và đoàn kết chống lại kẻ thù chung… Trong bối cảnh này, ông Rouhani có vẻ như là lựa chọn hợp lý nhất”.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Rouhani vẫn lo ngại rằng dù phe cứng rắn hiện không còn muốn tìm cách thay thế nhà lãnh đạo ôn hòa này, song họ có thể sẽ lợi dụng sự đối đầu với chính quyền Trump để làm suy yếu quyền lực của ông Rouhani trong các giai đoạn bước ngoặt.

Sự lựa chọn khó khăn của cử tri đã phản ánh chân thực những khó khăn và sự lựa chọn của Iran trước những thánh thức mới từ giải quyết các vấn đề trong nước cho tới khu vực và tầm toàn cầu.

Hoa Huyền (tổng hợp)
.
.