Trưởng nữ nhà Tổng thống Uzbekistan: “Ngôi sao rơi” trong cơn bão bê bối

Thứ Tư, 20/11/2013, 16:40

Với những gì đã làm được, Gulnara Karimova - trưởng nữ nhà Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, sở hữu khối tài sản khổng lồ tới mức chính người cha tổng thống của bà cũng không thể ước tính nổi. Theo đồn đoán, bà đang cất giữ tài sản ở châu Âu, đặc biệt là Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, cùng những khối bất động sản khác ở ngay tại quê nhà Uzbekistan...

Gulnara Karimova, trưởng nữ nhà Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, được dư luận ví như "ngôi sao đang lên" ở khu vực Trung Á với tư cách một nhà hoạt động chính trị và xã hội. Hiện tại, bà còn đảm nhiệm vai trò nhà thiết kế thời trang cùng các sản phẩm kim hoàn cho một số nhãn hiệu, giám đốc các quỹ từ thiện và đặc biệt hơn cả, là một ca sĩ theo đuổi dòng nhạc pop đang bắt đầu gây dựng chút tiếng tăm ở quê nhà.

Thế nhưng, phía sau một cuộc sống hào nhoáng và danh tiếng, Gulnara Karimova cũng để lộ bản chất nổi loạn khi liên tiếp phải đối mặt với những vụ bê bối tài chính bị phát hiện cả trong lẫn ngoài nước Uzbekistan.

Sự kiện mới đây nhất diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, khi Viện Công tố Thụy Sĩ phối hợp với Cảnh sát Pháp thi hành lệnh lục soát nhiều nhà riêng của các công dân Uzbekistan tại thủ đô Paris. Theo cáo buộc, Gulnara Karimova đang đứng tên các căn nhà này, và xây dựng những mạng lưới liên hệ rất chặt chẽ với "đồng hương" để tiến hành rửa tiền bí mật.

Một ngôi sao đang lên…

Gulnara Karimova nổi tiếng không kém cha cô, Tổng thống Karimov ở quê hương cũng như trên trường quốc tế, thậm chí với tầm tri thức vượt trội. Ngay từ năm 16 tuổi, Gulnara đã tốt nghiệp Học viện Toán học lừng danh tại thủ đô Tashkent. Năm 1989, Gulnara thi đậu vào Trường đại học Tổng hợp Tashkent, theo học Khoa Kinh tế quốc tế và tốt nghiệp vào năm 1994.

Cô gái trẻ tỏ ra rất năng động và hiếu thắng khi quyết định làm thêm công tác phiên dịch tiếng Anh ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Uzbekistan, song song với việc hoàn thành một khóa thiết kế thời trang tại Học viện Công nghệ thời trang New York (Mỹ).

Gulnara không bao giờ cam chịu với vốn tri thức sẵn có, luôn tìm mọi cách để "hiểu biết càng nhiều càng tốt". Cô nhanh chóng đăng ký một suất thực tập ở Khoa Chính trị của Viện Kinh tế thế giới ở Đại học Tashkent, rồi thi và tốt nghiệp cao học, lấy bằng thạc sĩ tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1998, Gulnara ghi danh vào Trường đại học Harvard, để rồi 2 năm sau được trao tấm bằng thạc sĩ với luận án nghiên cứu về nền địa chính trị ở Trung Á. Sau khi trở về nước, cô tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và nhận bằng tiến sĩ khoa học vào năm 2001. Chưa đầy 30 tuổi nhưng Gulnara đã được phong chức danh giáo sư bộ môn khoa học chính trị, được mời về giảng dạy thường xuyên tại Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan.

"Ngôi sao đang lên" Gulnara Karimova tỏ ra vô cùng đa tài khi quyết định lấn sang lĩnh vực ca hát và thiết kế. Nữ nghệ sĩ rất bận rộn với việc ra mắt đĩa đơn nhạc pop mới cũng như nhãn hiệu thời trang riêng mang tên Guli. Trên sân khấu, Karimova lấy nghệ danh là GooGoosha - theo biệt danh Tổng thống Islam Karimov đặt cho con gái. Tiểu sử đăng trên trang mạng của Gulnara mô tả "ngôi sao" nhạc Pop GooGoosha như một "nhà thơ và một giọng ca mezzo-soprano hiếm có".

"Ngôi sao đang lên" Gulnara Karimova (giữa) rất nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị, hoạt động xã hội, thiết kế thời trang và âm nhạc.

Trên trang Twitter cá nhân, Gulnara Karimova cho biết, những bài hát trong album âm nhạc đều dựa trên kinh nghiệm sống của chính bà. Các album đơn ca do bà sáng tác và trực tiếp biểu diễn đều bán rất chạy. Gulnara cũng thường xuyên biểu diễn song ca với những nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới mỗi khi họ được mời tới Uzbekistan. Gulnara từng mạnh tay mua hẳn trang bìa quảng cáo trên tạp chí âm nhạc hàng đầu của Mỹ để quảng bá cho đĩa đơn nhạc gần đầy của cô có tên "Round Run".

Trong lĩnh vực thời trang, Gulnara là gương mặt quen thuộc với giới thời trang phương Tây, từng được mô tả là "vẻ đẹp thuần khiết Uzbekistan" trên các bảng quảng cáo trưng khắp các thành phố Mỹ. Nhà tạo mẫu danh tiếng Gulnara Karimova là người Trung Á đầu tiên tổ chức tuần lễ thời trang ở New York và gặt hái được thành công vang dội, bởi bà đã giới thiệu được những nét đặc trưng cách điệu từ những kiểu trang phục dân tộc cổ truyền ra thế giới, cùng nhãn hiệu Guli độc đáo đã được nhiều hãng đa quốc gia về quần áo may sẵn ký hợp đồng sang nhượng bản quyền.

Tuy nhiên, một buổi trình diễn các tác phẩm thời trang của Gulnara trong khuôn khổ tuần lễ thời trang New York đã bị hủy bỏ hồi năm ngoái vì làn sóng phản ứng từ các nhóm nhân quyền, với lý do Gulnara là con gái của "nhà độc tài Uzbekistan". Ngoài ra cũng xuất hiện những điều tiếng không hay về các thiết kế của Gulnara.

Phản ứng trước thắc mắc về việc mặc áo vai trần trong một sô trình diễn thời trang gần đây không phù hợp với truyền thống kín đáo của người phụ nữ Hồi giáo, Gulnara cho rằng hình ảnh một chính khách kiêm người mẫu không có gì khác thường. Bà lập luận rằng nếu cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi từng lên diễn đàn trong trang phục ngắn để khuyến khích tiết kiệm năng lượng thì Đại sứ Uzbekistan tại Liên Hiệp Quốc cũng có thể hành động như vậy!?

Với những gì đã làm được, Gulnara sở hữu khối tài sản khổng lồ tới mức chính người cha tổng thống của bà cũng không thể ước tính nổi. Theo đồn đoán, bà đang cất giữ tài sản ở châu Âu, đặc biệt là Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, cùng những khối bất động sản khác ở ngay tại quê nhà Uzbekistan.

Và rắc rối cũng bắt đầu từ đây, khi "giấy chẳng thể nào gói kín được lửa" trước hàng loạt nghi ngờ của truyền thông về sự giàu có "nhanh quá mức bình thường" của một giáo sư nổi tiếng học rộng.--PageBreak--

… sắp "rơi" vì bê bối

Hiện tại, các nhà điều tra Thụy Sĩ và Thụy Điển đang tích cực lần theo mối liên hệ giữa một công ty viễn thông hàng đầu tại châu Âu và bê bối tham nhũng, gian lận hàng trăm triệu USD tại Uzbekistan liên quan tới Gulnara đã manh nha từ vài năm về trước.

Mọi dấu vết dường như đều dẫn tới Gulnara khi tên của bà xuất hiện trong hai vụ điều tra tham nhũng được công khai trên toàn châu Âu. Đó là nghi án "rửa tiền'' tại Thụy Sĩ, bao gồm các công dân Uzbekistan là cộng sự của Gulnara, và một cuộc điều tra của Thụy Điển về việc Công ty Viễn thông TeliaSonera đã che đậy khoản hoa hồng 300 triệu USD cho chính Gulnara.

Thực tế, Gulnara được cho là người có quyền lợi thương mại lớn tại Uzbekistan, bao gồm ngành viễn thông. Nhưng cho đến nay, có rất ít bằng chứng về sự liên hệ của con gái Tổng thống với bất cứ ngành kinh doanh cụ thể nào, cũng như chưa có tố cáo gian lận nào dám nhằm vào bà. Tuy nhiên, câu chuyện TeliaSonera có thể làm thay đổi điều đó.

Vụ việc chống lại TeliaSonera tập trung vào đầu mối từ một công ty nhỏ có tên Takilant, đăng ký hoạt động tại Gibraltar và do Gayane Avakyan sở hữu. Câu hỏi mà các nhà điều tra đặt ra là vì sao một phụ nữ trẻ có thể điều hành một công ty đàm phán về giấy phép điện thoại di động thay mặt cho Chính phủ Uzbekistan.

Một bức ảnh bằng chứng ghi lại cảnh Avakyan ngồi ngay cạnh Gulnara. Chính sự liên hệ này đã khiến những lời tố cáo TeliaSonera hối lộ có sức mạnh hơn, và gợi ý rằng Gulnara đang chi phối mọi hoạt động trong bí mật, thông qua "bù nhìn" Avakyan.

Điều tra tiếp tục cáo buộc Gulnara cho phép Công ty Viễn thông TeliaSonera do thám người dùng di động. Vụ việc được đẩy lên cao trào mới sau khi một khách hàng của họ - nhà tài phiệt viễn thông Uzbekistan Bekzod Ahmedov - có tên trong danh sách bị truy nã của Interpol vì gian lận. Ông Ahmedov từng là tổng giám đốc một công ty điện thoại di động mang tên Uzdunrobita. Điều bất ngờ là, theo những tư liệu mà các nhà điều tra có được đầu năm 2013, Công ty Uzdunrobita lại thuộc quyền sở hữu của Gulnara Karimova.

Mở rộng điều tra, Gulnara được cho là đã sử dụng các cộng sự và giấy tờ giả mạo để rửa tiền tại một số quốc gia ở châu Âu. Cuối tháng 10 vừa qua, hai người đàn ông Uzbekistan bị bắt tại Geneva (Thụy Sĩ) sau khi cố gắng tiếp cận tài khoản của Công ty Takilant (vốn sử dụng giấy tờ giả mạo).

Ngay sau đó, các công tố viên Thụy Sĩ đã tiến hành cuộc điều tra lớn về "rửa tiền" và phong tỏa các tài khoản của Takilant. Và không có gì ngạc nhiên khi chữ ký của Gulnara được tìm thấy trên tài liệu của một số công ty bất động sản hoạt động "chui" ở Thụy Sĩ.

Sơ đồ điều tra nghi án rửa tiền và tham nhũng của Gulnara ở châu Âu thông qua các cộng sự là người Uzbekistan.

Thậm chí, tại Pháp, cảnh sát còn phát hiện Gulnara Karimova là cổ đông lớn, đang hợp tác làm ăn với một người đồng hương thông qua hai công ty kinh doanh địa ốc "không có thực".

Đầu tháng 5/2013, một hãng truyền hình Thụy Điển đã phát đi một chương trình đặc biệt tố cáo những việc làm bất hợp pháp của một doanh nhân có liên quan trực tiếp với bà Gulnara. Có lẽ vì thế mà theo tiết lộ của WikiLeaks, giới ngoại giao Mỹ mệnh danh bà Gulnara là "Nữ giáo sư, kiêm công chúa, thích… phạm tội".

Chưa có đủ bằng chứng nên hồi cuối tháng 10, phía Thụy Sĩ phối hợp với Cảnh sát Pháp (quốc gia được cho là vẫn còn chứa đựng nhiều bí mật của Gulnara) tiến hành lục soát nhiều nhà riêng của các công dân Uzbekistan tại Paris. Theo dư luận, những ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của chính Gulnara. Sở dĩ cảnh sát tiến hành lục soát là do nghi ngờ đã xảy ra chuyện rửa tiền của một số công dân Uzbekistan có liên hệ chặt chẽ với bà Gulnara.

Họ nghi ngờ trong tài khoản của những người này có nhiều khoản tiền được Gulnara chuyển từ Công ty TeliaSonera đang hoạt động trên thị trường Uzbekistan để "nhờ giữ hộ". Kết quả bà Gulnara bị chính quyền Uzbekistan tước quyền miễn trừ ngoại giao.

Những vụ lục soát nói trên chỉ là một phần trong chuỗi dài những vụ bê bối theo đuổi Gulnara Karimova suốt vài năm qua. Chẳng hạn, hồi tháng 10/2012, một căn hộ sang trọng của bà ở thủ đô Moskva (Nga) bị niêm phong bởi nguyên nhân sâu xa là do công ty viễn thông của bà đã dùng những thủ đoạn "bẩn thỉu" chèn ép  giới viễn thông nước này.

Và ngay đầu tháng 11 vừa qua, Hãng Thông tấn Nga Interfax bất ngờ đưa tin một căn hộ khác của Gulnara, được định giá khoảng 10 triệu USD, bị thu giữ. Đây là một phần trong vụ chống độc quyền do Công ty viễn thông Nga MTS khởi xướng để trả đũa cho việc công việc kinh doanh của hãng này tại Uzbekistan bị chính quyền địa phương đình chỉ vào mùa hè vừa qua, gây thiệt hại 1 tỉ USD.

Việc Gulnara Karimova bị tước quyền miễn trừ ngoại giao sau vụ nghi vấn rửa tiền chứng tỏ Tổng thống Karimov đã bắt đầu mất lòng tin vào con gái. Cuối tháng 10 vừa qua, Cơ quan An ninh Uzbekistan trình lên Tổng thống Karimov một tập hồ sơ dày liệt kê tỉ mỉ những thủ đoạn và mánh lới tài chính bất hợp pháp của cô con gái ông ngay tại Uzbekistan.

Theo tập hồ sơ nói trên, một loạt hãng và công ty trong lĩnh vực dầu mỏ và dệt may tuy thuộc quyền sở hữu của những người họ hàng với Tổng thống nhưng hàng tháng vẫn phải nộp cho bà Gulnara những khoản tiền từ 50 đến 70 triệu USD dưới danh nghĩa "phần" của bà.

Ngoài ra, mỗi năm, bằng các thủ đoạn mua chuộc và đe dọa, bà còn moi được từ ngân sách nhà nước hơn 16 triệu USD dưới danh nghĩa chi cho các hoạt động văn hóa. Bà còn bắt nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tài trợ cho hoạt động của các quỹ từ thiện mà bà làm giám đốc.

Tập hồ sơ còn tố cáo bà Gulnara bắt buộc các lái xe chỉ được dùng trong xe các ca khúc của bà hoặc truyền tin tức phát di từ các kênh truyền thanh do bà làm chủ. Sau khi đọc tập hồ sơ của Cơ quan An ninh, Tổng thống Karimov vô cùng phẫn nộ. Nghe đồn ông đã không kìm nổi cơn giận dữ và đã tát tai trưởng nữ của ông, và ra lệnh mở cuộc điều tra riêng về Gulnara Karimova…

Trần Quân (tổng hợp)
.
.