Tương lai nào cho Tunisia?
Kể từ khi ông Saied được bầu làm tổng thống năm 2019, ông bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu chính trị với Thủ tướng Hichem Mechichi và Chủ tịch Quốc hội Rached Ghannouchi, người đã cản trở các quyết định bổ nhiệm bộ trưởng cũng như ngăn chính phủ giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.
Bất ổn vẫn còn sau “ Mùa xuân Arab”
Từ cuối tháng 12-2010 đến đầu năm 2011, hàng loạt cuộc chính biến, “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông đã bùng nổ. Mở đầu là cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia đến “cách mạng hoa sen” ở Ai Cập.
Sau đó như một hiệu ứng domino, nó lan rộng ra hầu hết các nước Arab và gần đây là “phiên bản 2.0” ở nhiều khu vực khác. “Mùa xuân Arab” chẳng những không mang lại mùa xuân mà còn biến thành “mùa đông” của chiến tranh, đau thương, đói khổ, tình trạng khủng bố, cực đoan gia tăng...
Sau cuộc nổi dậy năm 2011, Tunisia đã thành công trong việc chuyển đổi thành một nền dân chủ. Nhưng đất nước này đã bị tàn phá bởi tham nhũng và khủng hoảng kinh tế.
Cuối tháng 1-2021, Thủ tướng Tunisia Hichem Mechichi đã thông báo về một cuộc cải tổ nội các lớn, liên quan đến 12 bộ, sau khi một loạt nhân vật cấp cao bị sa thải.
Việc cải tổ diễn ra tại các bộ: Nội vụ, Môi trường, Y tế, Tư pháp, Công nghiệp, Năng lượng và Nông nghiệp... Các bộ trưởng mới yêu cầu phải đảm bảo về sự liêm chính. Nội các mới sẽ không chấp nhận những người bị tố tụng, hoặc có biểu hiện nghi ngờ về lý lịch và hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây suy yếu nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các thể chế, cũng như tính hợp pháp trong các quyết định của họ.
Tổng thống Tunisia Kais Saied. |
Trong số những quan chức bị thay thế có cựu Bộ trưởng Môi trường Mustapha Aroui, người đã bị sa thải và bị bắt giữ tháng 12-2020 trong vụ bê bối liên quan đến hàng trăm container rác thải được nhập khẩu trái phép từ Italy. Ông Chiheb Ben Ahmed - Giám đốc Điều hành Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu Tunisia (CEPEX), được đề xuất thay thế vị trí của ông Aroui.
Ngoài ra, Chánh Văn phòng Nội các Walid Dhahbi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, thay cho ông Taoufik Charfeddine - cựu luật sư và là trụ cột trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Saied. Ông Taoufik bị sa thải hồi đầu tháng 1 do những bê bối liên quan việc thay đổi nhân sự cấp cao do ông thực hiện tại một số cơ quan an ninh.
Trong hơn 10 năm qua, quốc gia Bắc Phi này đã có 9 Chính phủ và hầu hết các lần chuyển giao quyền lực đều diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, các tầng lớp chính trị đã bị phân tán sâu sắc và bị tê liệt do mâu thuẫn nội bộ, làm gia tăng sự bất bình về tình trạng kinh tế - vốn ngày càng trở nên khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Tunisia có thể tăng trưởng trở lại đạt 3,8% vào năm 2021. Tuy nhiên, việc dự báo này còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và tiến độ tiêm vaccine. Những viễn cảnh trung hạn còn gắn với lộ trình thực hiện chính sách ngân sách cũng như các cuộc cải cách cơ cấu và sự điều hành của chính phủ. I
MF cũng kêu gọi Tunisia giảm số lượng công chức và giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước đang làm ăn kém hiệu quả như Hãng Hàng không quốc gia Tunisair, Công ty Phốt phát Gafsa (CPG) hay Công ty sản xuất đồ uống Tunisia (SFTB).
Chủ tịch Quốc hội Rached Ghannouchi. |
Ngày 9-3-2021, Thủ tướng Tunisia Hichem Mechichi tuyên bố các bộ ngành hữu quan đang soạn thảo Luật Tài chính sửa đổi trong đó đặc biệt chú ý đến giả thiết về giá dầu thô mà theo Luật Tài chính ban đầu ước tính bình quân là 45 USD/thùng năm 2021.
Tuy nhiên hiện nay, giá dầu Brent đã đạt mốc hơn 70 USD/thùng tương đương với mức trước khi áp dụng các biện pháp cách ly y tế. Nếu như năm 2020, do sụt giảm giá dầu, Tunisia đã giảm được các khoản chi trợ cấp nguyên liệu xuống 63% thì hiện nay, việc tăng giá dầu thô sẽ kéo theo tăng chi trợ cấp và thâm hụt ngân sách công sẽ lớn hơn dự báo.
Ông Hichem Mechichi cũng khẳng định đã gặp các đối tác kinh tế của Tunisia như Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế để thảo luận các biện pháp thoát khỏi khủng hoảng và chính phủ đã tiến hành đàm phán với các đối tác xã hội về việc cải cách các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Viện Thống kê quốc gia, tỷ lệ lạm phát vào tháng 2-2021 đã đạt 4,9% tháng thứ 4 liên tiếp sau khi đạt 5,4% vào tháng 10-2020. Số liệu của Ngân hàng Trung ương Tunisia cho biết thu từ du lịch đã sụt giảm 55% từ 215 triệu euro trong hai tháng đầu 2020 xuống còn 95 triệu euro trong hai tháng đầu năm 2021. Đến cuối tháng 1-2021, dự trữ ngoại tệ của Tunisia đạt 8,3 tỷ USD, tương đương 158 ngày nhập khẩu, tăng 47 ngày so với cuối năm 2019.
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo Cơ quan Xúc tiến đầu tư nước ngoài Tunisia, tổng số vốn FDI vào nước này (bao gồm đầu tư trực tiếp và gián tiếp) năm 2020 đã giảm 28,8% chỉ còn 576 triệu USD. Tỷ trọng đầu tư trực tiếp chiếm tới 97,3% tổng vốn FDI giảm 26% còn 560 triệu euro trong khi tỷ trọng đầu tư gián tiếp giảm 69,5% còn 15,8 triệu euro.
FDI trực tiếp đã giảm trong tất cả các lĩnh vực như công nghiệp (-17,8%), năng lượng (-31,8%), dịch vụ (-44%) và nông nghiệp (-3,6%). Pháp vẫn là nhà đầu tư số 1 vào Tunisia chiếm 38,1% tổng vốn FDI ngoài lĩnh vực năng lượng, tiếp đến là Italia, Luxembourg, Đức và Anh.
Theo kế hoạch, trong 2 ngày 20 và 21-11-2021, Tunisa sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 18 sau khi sự kiện đã bị hoãn lại từ năm 2020 do đại dịch COVID-19. Bên lề Hội nghị, sẽ diễn ra Diễn đàn kinh tế Pháp ngữ, tập hợp doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.
Biểu tình tại Tunisia diễn ra liên tục bất chấp dịch COVID-19. |
Chưa dễ tháo gỡ ngay
Bất đồng hiện tại giữa Tổng thống Saied và chính phủ Thủ tướng Mechichi được cho liên quan đến quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ quốc tế được nhìn nhận là cần thiết để Tunisia tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính khi mà quốc gia châu Phi đang phải tìm cách hạn chế thâm hụt ngân sách trong khi các khoản vay sắp đáo hạn. Những cải cách kinh tế mới nhằm đảm bảo khoản vay này có thể ảnh hưởng đến đa phần người dân Tunisia, khi chấm dứt trợ giá hoặc cắt giảm việc làm ở khu vực công.
Sau nhiều năm kinh tế tê liệt, tham nhũng, dịch vụ nhà nước suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, nhiều người Tunisia đã quan ngại về hệ thống chính trị của họ trước khi đại dịch toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế năm 2020 và tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng vọt vào mùa hè này.
Quyết định được Tổng thống Saied đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp tại Phủ Tổng thống. Trong tuyên bố được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Saied cho biết sẽ đảm đương quyền điều hành đất nước với sự hỗ trợ của một thủ tướng mới do ông chỉ định.
Tổng thống cũng khẳng định quyết định của ông là dựa trên Điều 80 của Hiến pháp, đồng thời trích dẫn một điều khoản tạm ngừng quyền miễn trừ đối với các nghị sĩ. Đông đảo người dân Tunisia đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Tunis để biểu thị sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Saied.
Lực lượng quân đội Tunisia triển khai tại thủ đô Tunis ngày 25-7-2021. |
Trước đó một ngày, hàng nghìn người dân Tunisia đã tuần hành tại nhiều thành phố trên khắp đất nước để phản đối đảng Ennahdha cầm quyền và Thủ tướng Mechichi, chỉ trích những điều mà họ cho là sự thất bại của chính phủ trong việc ứng phó đại dịch COVID-19. Nhiều người biểu tình sau đó đã bị bắt do đụng độ bạo lực với cảnh sát.
Trong khi đó, ông Rached Ghannouchi - lãnh đạo đảng Ennahda cầm quyền, người đồng thời cũng là Chủ tịch Quốc hội Tunisia, đã ngay lập tức gọi quyết định của Tổng thống Saied là “một cuộc đảo chính phản cách mạng và hiến pháp”, qua đó dấy lên khả năng xảy ra xung đột với những người ủng hộ quyết định của tổng thống.
Theo quy định, tranh cãi liên quan đến Hiến pháp Tunisia sẽ được một tòa án hiến pháp giải quyết. Tuy nhiên, 7 năm sau khi Hiến pháp được phê chuẩn, tòa án này đến nay vẫn chưa thể được thành lập do tranh cãi liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán. Bất đồng chính trị nhiều năm qua tại Tunisia đã khiến nước này không thể thành lập được các chính phủ lâu dài và hiệu quả.