Ván bài kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Quả thực vấn đề tăng trưởng kinh tế yếu kém thời gian gần đây đang "gặm nhấm" chỉ số uy tín và sự ủng hộ của cử tri dành cho ông Abe. Khi lên nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012, ông Shinzo Abe đã đưa ra những hứa hẹn sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ và thay đổi quyết liệt, theo đuổi một chương trình chấn hưng kinh tế bằng liệu pháp nâng cao tinh thần dân tộc để kéo nền kinh tế Nhật Bản ra khỏi tình trạng trì trệ, ách tắc kéo dài nhiều thập niên. Và ông đã tích cực thực hiện lời hứa của mình. Những chỉ số kinh tế tích cực trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đã giúp cho uy tín của ông Abe tăng cao. Khi đó, ông Abe đã hào hứng tuyên bố trong chuyến thăm Mỹ cách đây hơn một năm rằng "Nhật Bản đã trở lại". Vâng, thời điểm đó, ông Abe hoàn toàn có cơ sở để tuyên bố như thế. Nhưng tình hình hiện nay hầu như diễn ra trái ngược. Những báo cáo thống kê các chỉ số kinh tế đã cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang có nguy cơ quay trở lại tình trạng trì trệ cố hữu. Điều này đang khiến cho chương trình khôi phục kinh tế nổi tiếng của ông được mệnh danh là "Abenomics" giảm hẳn sức sống cần thiết, đồng thời kéo theo nó cả sinh mệnh chính trị của cha đẻ nó - ông Abe.
Thủ tướng Shinzo Abe và canh bạc bầu cử tháng 12/2014. |
Nhưng, sự hưng phấn do được kích thích đó không thể ngăn được đà sụt giảm thu nhập bình quân của người dân Nhật, nhất là những người không hề được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường chứng khoán. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi Ngân hàng Trung ương quyết liệt tung ra các biện pháp mạnh để chấm dứt gần hai thập kỷ giảm phát làm xói mòn sức sống của nền kinh tế. Các biện pháp "chống giảm phát" này đang làm cho giá cả tiêu dùng tăng, đẩy một bộ phận dân lao động Nhật rơi vào trạng thái bị "nghèo" đi, mắc kẹt trong chiếc bẫy "lạm phát tăng, lương giảm".
Cú đấm được cho là mạnh nhất giáng vào Abenomics việc tăng thuế tiêu dùng quốc gia từ 5% lên 10% vào đầu năm 2014. Chính sách thuế này vốn đã được các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) ghi vào một dự luật từ trước khi ông Abe lên nắm quyền, và nó đã được các diều hâu ngân sách trong đảng LDP ủng hộ mạnh mẽ như một cách hiệu quả để kiểm soát khối lượng thâm hụt ngân sách khổng lồ. Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhiều nhà kinh tế hàng đầu, khi mang ra áp dụng, chính sách thuế đó dường như đã tạo ra hiệu ứng kìm hãm nền kinh tế do nó làm giảm sức mua của người tiêu dùng, từ đó tác động xấu đến sự hồi phục còn quá mong manh của nền kinh tế.
Phản tác dụng của quyết sách kinh tế nêu trên dẫn đến sự công kích kịch liệt từ đảng đối lập là nguyên do khiến ông Abe tuyên bố bầu cử sớm.
Người dân Nhật phản đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. |
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, động thái bầu cử cũng là nước cờ củng cố nội bộ đảng LDP của Thủ tướng Abe vốn đang chia rẽ thành nhiều phe phái, đồng thời loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng trước cuộc bầu chọn lại vào tháng 9/2015.
Cho đến giờ phút này, tình hình vẫn tương đối khả quan đối với Thủ tướng Abe. Thăm dò cử tri của các tổ chức thăm dò dư luận tiến hành vào cuối tuần trước cho biết đảng LDP của ông Abe vẫn được cử tri tín nhiệm khá cao, tới 35%, trong khi đảng đối lập chính Dân chủ Nhật Bản (DPJ) chỉ được 9%. Thái độ cử tri đối với học thuyết kinh tế của ông Abe (Abenomics) vẫn còn tương đối cao, nhưng bên cạnh đó cũng ngày càng có nhiều người mất niềm tin vào học thuyết đó vì chính bản thân họ không được hưởng lợi từ các chính sách được ông Abe tiến hành trong thời gian qua.