Venezuela khủng hoảng chồng chất

Thứ Năm, 06/04/2017, 15:40
Cuộc khủng hoảng ở Venezuela về kinh tế và xã hội kéo dài gần hai năm qua đang có dấu hiệu trầm trọng thêm bởi một cuộc khủng hoảng khác - khủng hoảng thể chế - chính trị. Đáng sợ hơn là sự bộc phát của cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ đang khiến Venezuela rơi vào cuộc đấu khẩu gay go với các nước trong chính khu vực châu Mỹ Latinh.

Dầu mất giá khiến nền kinh tế Venezuela, chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, rơi vào khủng hoảng. Là một xã hội gần như bao cấp toàn phần, Venezuela lúc này rơi vào khủng hoảng xã hội do mọi thứ đều bị cắt giảm. Đây là cơ hội để phe đối lập “vùng lên” chống lại chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Tháng 1-2016, lần đầu tiên trong 17 năm qua phe đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội Venezuela. Từ đó, cuộc khủng hoảng chính trị vẫn cháy âm ỉ bên cạnh các cuộc khủng hoảng lộ rõ là kinh tế và xã hội.

Nhưng đám cháy kia đã bùng lên khi Tòa án Tối cao Venezuela ngày 30-3-2017 đã tự giành quyền lập pháp, sau khi ra phán quyết khẳng định quốc hội nước này có hành động coi thường tòa án trong nỗ lực chống lại Tổng thống Nicolas Maduro.

Tổng thống Nicolas Maduro kêu gọi phe đối lập đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Trong phán quyết của mình, Tòa án Tối cao Venezuela nêu rõ: "Khi Quốc hội có hành động coi thường tòa án, các quyền hạn của Quốc hội sẽ trực tiếp do Tòa Hiến pháp thuộc Tòa án Tối cao thực thi... nhằm bảo vệ pháp quyền".

Phán quyết cũng viện dẫn việc phe đối lập chiếm đa số tại quốc hội hồi năm 2016 đã cho tuyên thệ 3 nghị sĩ đối lập bị treo tư cách và đang bị điều tra về gian lận phiếu bầu đã đi ngược lại các phán quyết trước đó của tòa án.

Trước đó hai ngày, Tòa án Tối cao cũng đã vô hiệu hóa quyết định của Quốc hội nước này ủng hộ việc Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) áp dụng Hiến chương Dân chủ chống lại Chính phủ Venezuela, cho rằng văn bản này “vi hiến”. Tòa án Tối cao đồng thời yêu cầu Tổng thống Maduro “có hành động để bảo vệ trật tự hiến pháp” và “tránh trạng thái hỗn loạn bằng những biện pháp được cho phép trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp hiện hành”.

Cơ quan tư pháp tối cao của Venezuela cũng phản đối hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của OAS, đồng thời yêu cầu Tổng thống Maduro xem xét lại quan hệ với tổ chức quốc tế này cũng như các diễn đàn đa phương có hành động can thiệp tương tự.

Hành động tư pháp tiếm quyền của lập pháp như giọt nước làm tràn ly khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ vốn đang chịu sẵn hai cuộc khủng hoảng khác. Ngay sau tuyên bố của Tòa án Tối cao, ngày 30-3, Quốc hội Venezuela, do phe đối lập chiếm đa số, đã tố cáo Tổng thống Nicolas Maduro tiến hành đảo chính.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Julio Borges, người của liên minh Bàn đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập, khẳng định việc Tòa án Tối cao Venezuela tuyên bố giành quyền lập pháp là một cuộc đảo chính, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và các phương tiện truyền thông giúp đỡ nước này.

Ông Borges cũng bác bỏ tuyên bố của Tòa án Tối cao Venezuela về việc vô hiệu hóa cơ quan lập pháp, cũng như không thừa nhận các thành viên của Tòa án Tối cao Venezuela bởi những người này không được bầu theo quy định của Hiến pháp. Ông Borges cũng kêu gọi lực lượng quân đội “phá vỡ sự im lặng” và khẳng định ông Maduro đã vi phạm hiến pháp.

Quyết định chiếm quyền lập pháp của Tòa án Tối cao Venezuela cũng gây ra những phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước láng giềng của Venezuela phản đối quyết định, xem đó là con đường dẫn tới “độc tài”. Ngày 1-4, trong cuộc họp tại Argentina, Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã lên tiếng cảnh báo.

Ngoại trưởng các nước Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay cho rằng có sự đoạn tuyệt với nền dân chủ tại Venezuela, và căn cứ vào những quy định của hiệp ước thành lập Mercosur, đã yêu cầu chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro có những biện pháp giải quyết ngay tức thì.

Tuyên bố chung của các ngoại trưởng, do bà Susana Malcorra, lãnh đạo ngành ngoại giao của Argentina đọc, yêu cầu phục hồi chế độ tam quyền phân lập và Nhà nước pháp quyền, tái lập các quyền tự do công dân và tái thực hiện lịch trình bầu cử theo một quy trình phải được bắt đầu từ các cuộc bầu cử cấp vùng, vốn đã không được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái, và kết thúc bằng cuộc bầu cử tổng thống.

Bà Susana Malcorra tuyên bố: “Các công cụ dân chủ, trong đó các tiến trình bầu cử là nền tảng, phải được kích hoạt đúng lúc và đúng giờ để đạt được mục tiêu là người dân Venezuela được bày tỏ nguyện vọng của mình qua các lá phiếu và quyết định ai sẽ nắm giữ vận mệnh họ”.

Đây là bước khởi đầu cho việc thực hiện điều khoản dân chủ của Mercosur. Nếu như Tổng thống Maduro không tuân thủ, Venezuela, hiện đang bị Khối thị trường chung Nam Mỹ tạm đình chỉ quy chế thành viên do không tuân thủ các nghĩa vụ thương mại, rất có thể sẽ bị gạt ra khỏi tổ chức này.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, ngày 1-4, sau cuộc họp với các quan chức an ninh của chính phủ, Tổng thống Maduro đã xuất hiện trên truyền hình và yêu cầu tòa án xem xét lại quyết định trước đó, nhân danh sự “ổn định thể chế” và đề nghị mở lại đàm phán với liên minh đối lập, bị đình chỉ từ tháng 12-2016, nhưng các nhà lãnh đạo đối lập không chấp nhận đối thoại cho đến khi chính phủ đáp ứng một số yêu cầu của họ, chẳng hạn như tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2018.

Ngoại trưởng các nước Khối thị trường chung Nam Mỹ lên tiếng về tình hình bất ổn chính trị tại quốc gia thành viên Venezuela.

Ngày 2-4, Tổng thống Maduro tố cáo phe cánh hữu trong nước đã phá vỡ mọi quy định hiến pháp, chính trị; không muốn đối thoại, hòa bình; không muốn độc lập và tôn trọng thể chế. Theo nhà lãnh đạo Venezuela, phe đối lập đã tiến hành đối thoại kín với chính phủ trong suốt tháng 3 vừa qua.

Sự nhượng bộ của Tổng thống Maduro được đánh giá là khá kịp thời khi tránh cho cuộc khủng hoảng bị đẩy xa hơn nữa, nhất là trong bối cảnh các lực lượng đối lập ở trong và ngoài nước vẫn chưa chấp nhận việc chính quyền nước này ngăn chặn họ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm tổng thống, cũng như trì hoãn các cuộc bầu cử địa phương hồi năm 2016.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Julio Borges đánh giá quyết định của Tòa án Tối cao vô hiệu hóa quyền hạn của cơ quan lập pháp là không thể sửa chữa được kể cả khi sau đó chính cơ quan này lại đưa ra phán quyết hủy bỏ bản án đó.

Ông Borges tố cáo Tổng thống Nicolas Maduro đã thông đồng với Tòa án Tối cao để đưa ra quyết định trên và sau đó lại rút lại. Nghị sĩ phe đối lập Juan Miguel Matheus cho biết Quốc hội sẽ bắt đầu tiến trình bãi nhiệm 7 thẩm phán trên của Tòa án Tối cao vào ngày 4-4 theo Điều 165 của Hiến pháp.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro bác bỏ cáo buộc có đảo chính và khẳng định vụ việc diễn ra vừa qua là sự bất đồng giữa Tòa án Tối cao và Tổng chưởng lý Luisa Ortega - người đã tuyên bố các phán quyết trên của Tòa án Tối cao vi phạm Hiến pháp.

Cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ Venezuela hiện nay phần nào do tác động từ bên ngoài. Ngày 23-3, Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ kêu gọi Venezuela trả tự do cho các tù nhân chính trị và định ra lịch trình bầu cử. Cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela dự kiến được tổ chức vào tháng 12-2018. Còn cuộc bầu cử các thống đốc và thị trưởng lẽ ra vào tháng 12 năm ngoái đã bị hoãn lại đến năm 2017 và thời điểm cụ thể vẫn chưa được ấn định.

Chính sự ủng hộ của Quốc hội Venezuela với lời kêu gọi của AOS đã khiến Tòa án Tối cao nước này vào cuộc. Ngày 30-3, báo Granma của Cuba đưa tin, Trung tâm Những người lao động Cuba (CTC) đã lên tiếng phản đối việc Tổ chức OAS "gây sức ép" đối với Venezuela, đồng thời bày tỏ ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Trong một thông cáo, CTC bày tỏ "sự ủng hộ vô điều kiện và tình đoàn kết cách mạng" với nhân dân Venezuela và chính phủ hợp hiến của Tổng thống Maduro. CTC lên án sự can thiệp của Tổng Thư ký OAS Luis Almagro vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.

Sự căng thẳng giữa OAS và Cacaras không phải là điều gì mới. Hồi tháng 5-2016, ông Tổng Thư ký Almagro cũng đã nêu ra hiến chương dân chủ để yêu cầu “họp khẩn” về tình hình Venezuela, nhưng rốt cuộc hội nghị đã không có được quyết định nào.

Trong lúc này, tình hình kinh tế - xã hội Venezuela vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt. Các mặt hàng thiết yếu bị khan hiếm đến 68%, và lạm phát không thể kiểm soát nổi (Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến lên đến 1.660% vào cuối năm 2017). Dòng người xếp hàng thường xuyên thấy trước các siêu thị hay nhà thuốc tây, nay kéo dài ra trước các tiệm bánh mì. Ngày 27-3, Tổng thống Nicolas Maduro mở cuộc chiến chống lại âm mưu của các chủ lò bánh nhằm tạo ra tình trạng khan hiếm loại thực phẩm căn bản này.

Trước đó,  ông Maduro đe dọa các chủ tiệm bánh “giấu bánh mì không bán cho nhân dân”, và ra lệnh cho lực lượng an ninh, quân đội và dân quân đi thanh tra. Không chỉ thiếu thực phẩm, ngày 25-3, Venezuela gọi Liên Hiệp Quốc giúp thuốc chữa bệnh. Theo một số chuyên gia, quốc gia Nam Mỹ hiện thiếu đến 85% lượng dược phẩm cần thiết, để phục vụ cho các nhu cầu hiện tại.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.