Venezuela với vòng xoáy cuộc chiến từ bên ngoài

Thứ Ba, 09/04/2019, 12:08
Sau khi Quốc hội lập hiến Venezuela thông qua nghị quyết tước quyền miễn trừ đối với thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido theo đề nghị của Tòa án Công lý Tối cao (TSJ), tình hình chính trị xã hội Venezuela đang diễn biến theo chiều hướng căng thẳng hơn. Không chỉ bên trong mà bên ngoài Venezuela, một cuộc đấu ngầm giữa các nước tiếp tục gây ra những đợt sóng ngầm đe dọa phá hủy thành quả đất nước này xây dựng trong nhiều năm.

Lệnh phong tỏa "tổng thống lâm thời"

Tình hình chính trị xã hội Venezuela vốn đã diễn biến hết sức căng thẳng từ khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này ngày 23-1 vừa qua nay càng căng thẳng hơn khi tòa án kết tội ông Guaido đã vi phạm lệnh cấm xuất cảnh khi tới thăm Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Paraguay để vận động sự ủng hộ từ hồi cuối tháng 2 đến đầu tháng 3.

Trước đó, Tổng kiểm toán Elvis Amoroso ban hành lệnh cấm ông Guaido nắm giữ các vị trí của chính quyền trong vòng 15 năm do “phát hiện những điểm bất hợp lý” trong bản kê khai tài chính cá nhân của ông Guaido. Trong đó có các khoản tài trợ từ nhiều nguồn không hợp pháp và những đợt chi tiêu đáng ngờ khi công du nước ngoài từ năm 2015.

Các chuyên gia nhận định, Venezuela có thể rơi vào tình trạng bất ổn chính trị nếu căng thẳng leo thang và khi có sự can thiệp từ bên ngoài trong trường hợp ông Juan Guaido bị bắt. Theo giới quan sát, nếu thật sự “tổng thống lâm thời” tự xưng bị bắt, các nước bên ngoài gia tăng áp lực lên chính phủ của Tổng thống Maduro, thậm chí can thiệp. Trước đó, Mỹ dọa “sẽ phản ứng kịch liệt” nếu ông Guaido “gặp chuyện không hay”.

Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính. Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido, đã gửi "tối hậu thư" tới Tổng thống Maduro, yêu cầu tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn. Trong khi đó, nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro.

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido nhận được hậu thuẫn tích cực từ Mỹ, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia. Ảnh: NTN24.

Nga đã cảnh báo Mỹ ngừng can thiệp vào Venezuela. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Washington ngừng can thiệp vào tình hình nội bộ của Venezuela. Trong một tuyên bố, bà Zakharova nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị Mỹ ngừng đe dọa Venezuela, bóp nghẹt nền kinh tế và đẩy quốc gia này tới cuộc nội chiến. Đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn”.

Theo người phát ngôn trên, lời đe dọa mới đây của Mỹ về việc áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào các quốc gia “có liên quan” tới Chính phủ Venezuela, trong đó đề cập đích danh Moskva, là hoàn toàn "kệch cỡm". Bà Zakharova cho biết Moskva “hiểu được sự hoang mang của Mỹ” khi họ lên kế hoạch làm mọi thứ để thay đổi chế độ tại Venezuela nhưng kế hoạch này đã thất bại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, Mỹ còn khiến nhiều chính phủ giờ đây rơi vào tình thế khó xử khi vội vã theo Mỹ công nhận một nhân vật tiếm quyền không được dân bầu tại Venezuela.

Cuộc chiến từ bên ngoài?

Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" không có dấu hiệu hạ nhiệt, đã có rất nhiều người dân Venezuela tiếp tục chạy sang các nước giềng không phải vì những lo ngại chính trị mà vì nguyên nhân kinh tế. Các chuyên gia nhận định, đất nước này có thể chìm sâu vào một lỗ hổng kinh tế khủng khiếp có thể kéo dài đến giữa thập kỷ tới.

Lợi dụng sự hỗn loạn, nền kinh tế rơi vào khó khăn, Venezuela đang bị nhiều nước lớn "nhòm ngó" thiếu thiện chí hay thái độ thù địch. Trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc đã bác bỏ các báo cáo như trang tin AMN cho biết, một nhóm binh sĩ Trung Quốc đã đến Venezuela vào ngày 31-3 theo một chương trình hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Caracas.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với các phóng viên, quan điểm của Chính phủ Trung Quốc về vấn đề Venezuela là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Venezuela, chính phủ và phe đối lập cần phải tìm ra giải pháp chính trị thông qua đối thoại hòa bình.

Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại Venezuela khẳng định, việc đưa quân đội sang Venezuela vào thời điểm này chỉ nhằm đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hợp tác mà hai chính phủ đã ký kết trước đây, trong đó có việc bảo trì, sửa chữa những vũ khí mà Trung Quốc đã bán cho quốc gia Mỹ Latinh này.

Nga bày tỏ ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. The Bell.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Maduro tiếp tục cáo buộc Mỹ phá hoại nền kinh tế và cuộc sống của người dân Venezuela mà gần đây nhất là việc hệ thống lưới điện của Venezuela bị phá hoại có chủ đích, như cách buộc tội của ông Maduro đối với các âm mưu của Mỹ. Để đáp lại, phía Mỹ khẳng định sắp áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt "rất nặng" nhắm vào các cơ quan tài chính nước ngoài ủng hộ ông Maduro.

Theo AFP, Washington cũng sẽ nhắm đến khoảng 250 người ủng hộ ông Maduro bằng cách thu hồi thị thực của họ. Phía Mỹ còn cho biết họ sẽ ra nhiều "chiêu" độc để nhằm vào ngành dầu mỏ của Venezuela.

Venezuela đang thực sự trở thành tiêu điểm trong cuộc đọ sức của các nước lớn. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cuối tháng 2 vừa qua đã lần lượt tiến hành bỏ phiếu về 2 dự thảo nghị quyết liên quan đến vấn đề Venezuela do Mỹ và Nga soạn thảo, cả hai dự thảo đều không được thông qua.

Trong 2 lần biểu quyết, 3 nước BRICS là Nga, Trung Quốc và Nam Phi đều bày tỏ thái độ nhất trí phản đối dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo và ủng hộ dự thảo nghị quyết do Nga soạn thảo. Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đang ngày càng trở thành một vũ đài để các nước lớn đọ sức.

Trong dự thảo nghị quyết do Mỹ và Nga đề xuất tại HĐBA LHQ, một bên nhấn mạnh sự giám sát quốc tế, một bên nhấn mạnh việc duy trì độc lập và chủ quyền của Venezuela. Đây là 2 quan điểm đối lập nghiêm trọng. Venezuela rất gần với Mỹ nhưng Chính phủ Venezuela từ lâu đã đứng về phía lập trường chống Mỹ và có mối quan hệ rất chặt chẽ với Nga.

Dự thảo có quan điểm mâu thuẫn gay gắt mà Mỹ và Nga đưa ra tại LHQ trên thực tế đã cho thấy thái độ hoàn toàn trái ngược của 2 nước này đối với chính quyền của Tổng thống Maduro ở Venezuela. Mỹ ủng hộ phe đối lập do Guaido lãnh đạo, đồng thời có thái độ rất cấp tiến, mục đích là để thay thế Maduro.

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, Vasily Nebenzya, cho biết Nga buộc phải sử dụng quyền phủ quyết vì mục tiêu dự thảo của Mỹ không phải là để giải quyết vấn đề Venezuela. Nebenzya cho rằng Mỹ có ý đồ khác, mục đích thực sự là muốn thực hiện sự thay đổi chính quyền ở Venezuela, hỗ trợ người đại diện của mình nắm được chính quyền ở nước này.

Đồng thời, Nebenzya cũng phản đối Mỹ áp dụng biện pháp can thiệp vấn đề nội bộ các nước khác, mượn danh nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền để thực hiện lợi ích cho chính nước Mỹ. Cách làm của Mỹ trên thực tế là trái với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Dự thảo nghị quyết của Nga đề xuất hòa giải tình hình hiện nay thông qua "Cơ chế Montevideo".

Cơ chế này đã được Mexico, Uruguay và Cộng đồng Caribean cùng đề xuất và chủ trương giải quyết vấn đề Venezuela thông qua 4 bước: đối thoại ngay lập tức, tham vấn chung, đạt được thỏa thuận và phương án thực thi. Cơ chế Montevideo đã có được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc luật pháp quốc tế và hành vi can thiệp các vấn đề nội bộ của Mỹ đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của toàn cầu hóa và trật tự quốc tế. Mỹ đã áp dụng phương thức đấu tranh quyết liệt, dứt khoát và nhanh gọn này để ủng hộ Guaido - nhà lãnh đạo phe đối lập mà họ ủng hộ, mục đích là để nhanh chóng thực hiện trong thời gian ngắn sự thay đổi chính quyền ở Venezuela nhưng xem ra mục tiêu này đã không thể đạt được.

Tuy Mỹ có nhiều đồng minh nhưng trong trường hợp Mỹ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế, cách làm của họ cũng sẽ bị nhiều nước phản đối. Xét từ tình hình hiện nay cho thấy Mỹ đang ở thế “cưỡi trên lưng cọp”. Trước sức ép to lớn của quốc tế và trong nước, Mỹ muốn sử dụng vũ lực cũng rất khó, các nghị sĩ Mỹ đã công khai phản đối sử dụng vũ lực đối với Venezuela. Trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc, Nga và một số nước châu Âu phản đối việc Mỹ tùy tiện sử dụng vũ lực.

Chính phủ Venezuela đang tìm mọi cách hạn chế khó khăn trong cuộc sống của người dân. Ảnh: mozaik.org.ba.

Trong tình hình này, nếu Mỹ sử dụng vũ lực thì chắc chắn sẽ bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Nếu không sử dụng vũ lực thì đúng như mọi người thấy, sự kiểm soát của ông Maduro đối với tình hình trong nước vẫn tương đối ổn định. Như thế, Mỹ không thể đạt được mục đích thay đổi chính quyền ở Venezuela”.

Hiện Mỹ đang thổi phồng nguy cơ tại khu vực và "đổ vấy cho Nga đang định biến Venezuela thành Syria thứ hai với âm mưu muốn can thiệp sâu hơn vào vấn đề Venezuela. Nước Nga cũng đưa ra phản ứng quyết liệt. Ngoại trưởng Nga Lavrov đã bác bỏ mọi cáo buộc rằng Moscow đang cố gắng tạo ra một "Syria thứ hai" tại Venezuela.

"Có một thỏa thuận năm 2001 được ký bởi Tổng thống Hugo Chavez và được quốc hội quốc gia phê chuẩn. Chúng tôi đã chuyển thiết bị quân sự cho Venezuela theo thỏa thuận này. Những trang thiết bị này cần sửa chữa và bảo trì, đã đến lúc tiến hành bảo trì và các kỹ sư, chuyên viên quân đội của Nga có mặt ở Venezuela" - ông Lavrov cho biết.

Theo Ngoại trưởng Nga, tình hình Venezuela sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn vùng. "Tôi cũng tin tưởng rằng nếu có một sự can thiệp quân sự vào Venezuela, các nước Mỹ Latinh sẽ là người đầu tiên cản trở nó, bởi cuộc chiến ấy ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình của các bạn. Cách duy nhất và nhanh nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Venezuela là tiến hành đàm phán giữa hai bên Tổng thống Maduro và phe đối lập Guaido.

Việc Maduro đồng ý tổ chức đàm phán với Guaido cho thấy thiện chí của vị Tổng thống này. Tôi nghĩ rằng Mexico, Uruguay, Cộng đồng Caribe, nên có tác động để giải quyết mọi việc trong hòa bình" - Ngoại trưởng Nga cho biết.

"Quan điểm của Nga là không coi Venezuela như một Syria thứ hai. Và Nga cũng nhấn mạnh, Venezuela là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và không ai có thể can thiệp được vào chủ quyền đó. Và Ngoại trưởng Nga cũng đặt câu hỏi: "Mỹ đang làm gì? Hãy nhìn vào một bản đồ thế giới mà các căn cứ quân sự của Mỹ được đánh dấu đỏ. Bản đồ đó ngay lập tức chỉ ra cho chúng ta thấy một thế giới được bao phủ bởi "những chấm đỏ" đó. Mà tôi khẳng định rằng mỗi chấm đỏ này là một rủi ro ghê gớm" - ông Lavrov nhấn mạnh.

Những gì Ngoại trưởng Nga tuyên bố một lần nữa tái khẳng định quan điểm ủng hộ và hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Maduro. Và Nga coi Venezuela như một quốc gia đồng minh, lợi ích cốt lõi, như cách họ duy trì mối quan hệ với Syria. Có thể khẳng định Nga sẽ bằng mọi giá hỗ trợ sự an toàn cho Venezuela và không để cuộc nội chiến kiểu Syria có cơ hội được xuất hiện trên quốc gia Mỹ Latinh này.

Tuy nhiên, Nga sẽ thực hiện những mục tiêu ấy trên bình diện được pháp luật quốc tế công nhận. Nga đã đưa ra lời cam kết với toàn châu Mỹ Latinh rằng Moscow đảm bảo an toàn và hòa bình cho khu vực này.

Vậy điều gì có thể xảy ra khi các thế lực thù địch với Venezuela tiếp tục "thêm dầu" vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Nhìn vào quá khứ sẽ thấy, trong lịch sử đã từng xảy ra các cuộc đảo chính và can thiệp quân sự dưới tác động của Mỹ tại các quốc gia như Nicaragua và Cuba. Giờ đây với sự can thiệp của Mỹ, liệu hai bên ở Venezuela có thể tiến tới hòa bình mà không cần sự can thiệp bên ngoài hay không?

Có một số lý do chiến lược để Venezuela trở thành đích ngắm của Mỹ nhưng trên thực tế nỗ lực tái chinh phục Venezuela của Mỹ đang dần thất bại.

Hoa Huyền
.
.