Vụ bắt giữ gây chia rẽ nước Mỹ

Thứ Năm, 13/08/2009, 08:10
Ngày 16/7/2009, Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng đã có những lời phát biểu khá bất ngờ về những mối quan hệ giữa các chủng tộc khác nhau tại nước Mỹ, ngay sau đó đã gây rắc rối cho chính ông.

Người tự cho là nạn nhân của hành vi phân biệt chủng tộc, chính là Giáo sư Henry Louis Gates. Tại Harvard, ông lãnh đạo Viện Nghiên cứu châu Phi và Mỹ Phi mang tên Du Bois. Gates (58 tuổi) được đánh giá đang là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất nước Mỹ thời hiện đại - là tác giả của 10 đầu sách nghiên cứu, điều hành hai chương trình truyền hình về người Mỹ da đen, và năm 1997 được tạp chí Time xếp vào danh sách 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất. Hơn thế, ông còn là bạn của đương kim Tổng thống Barack Obama.

Ngày 16/7 vừa qua, Gates quay trở về sau một chuyến đi nước ngoài và phát hiện khóa cửa vào nhà mình bị kẹt. Trong khi giáo sư và người lái xe taxi đưa ông về nhà đang cố gắng mở cửa, một nhân chứng tình cờ đi qua đã nhìn thấy và gọi điện cho cảnh sát, báo về hành động đáng ngờ của hai người đàn ông da đen. Trung sĩ cảnh sát James Crowley là người đầu tiên tới đã thấy Gates có mặt trong nhà của mình.

Khi anh ta yêu cầu Gates trình căn cước, vị giáo sư đã phản ứng rất dữ dội và hét lên: "Đây chính là điều đang chờ đợi một người da đen tại Mỹ!". Theo lời Crowley, người đứng đầu một viện nghiên cứu tại Harvard đã hành động không đúng với hình ảnh một giáo sư chút nào, thậm chí còn lăng mạ, chửi bới anh ta.

Hiểu lầm hay phân biệt chủng tộc?

Viên cảnh sát Crowley cho biết, sau khi những yêu cầu của mình không được chấp hành, anh ta đã buộc phải còng tay Gates và bắt giữ ông ta vì tội vi phạm trật tự xã hội. Vụ việc này chỉ được công luận biết rõ vào ngày 20/7, tức là một ngày sau khi vị giáo sư da đen được xóa bỏ tội danh trên.

Tuy nhiên, vị giáo sư cùng cộng đồng da đen trong khu vực vẫn hết sức tức giận. "Một trong những chiến sĩ đấu tranh nhằm xóa bỏ hằn thù chủng tộc trong nước, một nhà bác học có uy tín lại bị bắt - phát biểu của Eugene Rivers, một trong những thủ lĩnh của cộng đồng da đen tại Boston - Trên thực tế không hề có ý nghĩa bạn là người xuất sắc hay có công lao: nếu bạn là người da đen, bạn có thể bị bắt ngay tại nhà mình chỉ vì tội đang hít thở không khí tại đây".

Còn Gates cũng có phát biểu không kém phần quyết liệt: "Sự việc không phải là chuyện riêng của tôi, mà là vấn đề dễ bị tổn thương của những người đàn ông da đen tại Mỹ".

Đến ngày 22/7, Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng ủng hộ Giáo sư Gates. Khi được đề nghị bình luận về vụ việc trong một cuộc họp báo, ông đã nói rằng, bất cứ ai trong trường hợp của Gates cũng có thể hành động một cách thiếu kiềm chế như vậy, còn hành động của cảnh sát là "ngu ngốc" - khi biết Gates là chủ nhà thì không cần bắt giữ ông ta.

Cũng theo Tổng thống, trường hợp của Gates cho thấy, các cộng đồng thiểu số chủng tộc (người đa đen và người Mỹ Latinh) chưa thực sự được bảo vệ trước quan niệm phân biệt chủng tộc tại Mỹ và là đối tượng chú ý đặc biệt của cảnh sát.

Nước Mỹ bị chia rẽ

Phát biểu của Tổng thống ngay lập tức đã gặp phải những phản ứng gay gắt từ phía các quan chức cảnh sát, cũng như một số quan sát viên độc lập. Theo họ, sự giận dữ quá mức của Gates, cộng đồng người da đen và những người ủng hộ ông là không có cơ sở.

Hơn nữa theo chính họ, cảnh sát Crowley không những không là người có quan điểm phân biệt chủng tộc, mà là một chuyên gia về xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Trong suốt 5 năm, Crowley đã giảng dạy tại Học viện Cảnh sát Lowell về lĩnh vực xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong hoạt động của cảnh sát, huấn luyện các đồng nghiệp hành xử trong những trường hợp nhạy cảm như vậy.

Một trong những hồi ức đáng buồn của viên trung sĩ này có liên quan tới cái chết của cầu thủ da đen Reggie Lewis đang chơi cho giải bóng rổ NBA. Lewis chết trong khi đang luyện tập tại Trường đại học Bridens khi Crowley đang làm cảnh sát tại khu vực đó. Anh ta đã cố hết sức nhưng không thể cứu được mạng sống của cầu thủ bóng rổ da đen này.

"Tôi ủng hộ Tổng thống Mỹ 110% - Crowley tuyên bố sau khi biết được những phát biểu của Obama - Nhưng tôi nghĩ ông ấy đang sai lầm lớn khi đụng chạm đến một chủ đề cục bộ mà không biết rõ ràng tất cả". Còn quan chức cảnh sát Robert Haas tại Cambridge cũng khẳng định rằng, ông không thể tin Crowley là người có quan điểm phân biệt chủng tộc, còn lời nhận xét "hành động ngu ngốc" của Tổng thống đã gây tác động rất tệ hại đến lực lượng cảnh sát tại đây nói riêng và lực lượng cảnh sát nói chung.

Như theo Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các nhân viên cảnh sát David Holway, "Tổng thống bằng những bình luận của mình đã phá hỏng mối quan hệ với nhân viên các cơ quan hành pháp trên khắp đất nước".

Nhà Trắng đã phải tìm cách xoa dịu trước những bất bình của phía cảnh sát. Phát ngôn viên Robert Gibbs đã tuyên bố rằng, Tổng thống "không gọi nhân viên cảnh sát là ngu ngốc" mà đơn giản chỉ có ý nói "tình huống đã vượt tầm kiểm soát vào thời điểm đó". Trước mắt, người ta chưa thể biết ông Obama sẽ hành động như thế nào trong "thế kẹt" giữa phản ứng của cộng đồng da đen cũng như lực lượng cảnh sát Mỹ

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.