Câu lạc bộ các chính khách thất sủng

Thứ Bảy, 21/02/2015, 14:50
Họ đã từng là chọn lựa số một của các Tổng thống Mỹ cho từng vị trí họ đã nắm giữ, nhưng rồi lại bị buộc phải ra đi vì không còn nhận được sự tin tưởng của “ông chủ” nữa. Mỗi người một lý do, một câu chuyện bê bối, để lại sau lưng mình lời bàn tán về công việc không hoàn thành, về mối quan hệ đổ vỡ với các ông chủ. Đó là những kẻ “ngã ngựa cao cấp” tạo nên cái mà báo chí Mỹ gọi nôm na là Câu lạc bộ các chính khách thất sủng ở Washington.

Hai vụ “ngã ngựa” của năm 2014

Năm 2014 có 2 vụ “ngã ngựa” đình đám nhất, đó là cuộc ra đi của bà Julia Pierson sau vụ bê bối ở Cục Mật vụ Mỹ, và vụ từ chức (bắt buộc) của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Ông Hagel đã nộp đơn xin từ chức từ ngày 20/11 và đã được Tổng thống Mỹ chấp thuận và thông báo chính thức vào ngày 24/11/2014.

Julia Pierson (trái) và Chuck Hagel.

Tuy rằng Hagel nộp đơn xin từ chức, nhưng dư luận ở Washington cho rằng ông Hagel bị sa thải vì lỗi “lạc nhịp” với Nhà Trắng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và một số vấn đề an ninh quốc gia khác ở Trung Đông, như cuộc nội chiến ở Syria. Cho dù trong thông báo của mình ông Obama ra sức ca ngợi sự cống hiến và những thành tựu mà ông Hagel đạt được trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, và sau đó chính ông Hagel lên tiếng cải chính dư luận về việc mình “ra đi”, nhưng vẫn không thể khiến người ta tin đó là toàn bộ sự thật.

Hagel không đi đúng chiến lược mà Nhà Trắng vạch ra, tự ý hối thúc Nhà Trắng nêu rõ lập trường quan điểm trong vấn đề đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời khỏi quyền lực, và sau đó là “thổi phồng quá mức” mối đe dọa của IS, đã gọi IS là mối đe dọa lớn nhất cho tất cả mọi lợi ích của nước Mỹ. Không những thế, Hagel cũng đánh giá sai trọng tâm trong cuộc chiến chống IS, tập trung vào địa bàn Iraq thay vì Syria.

Khác với Chuck Hagel, sự ra đi của bà Julia Pierson thuộc về một khía cạnh khác: bê bối trong công tác của cơ quan do mình phụ trách hơn là do bê bối của cá nhân bà. Pierson nộp đơn từ chức được giải thích là để cất đi gánh nặng búa rìu dư luận đang bủa vây Cục Mật vụ Mỹ sau khi đã để xảy ra một số sơ suất tai hại trong công tác bảo đảm an ninh cho Nhà Trắng và cho cá nhân Tổng thống Obama.

Gần nhất là vụ một cựu binh từng tham chiến tại Iraq tên là Omar Gonzalez mang theo dao đã lọt qua được hàng rào an ninh nhiều lớp của Nhà Trắng, vào tận Phòng phía Đông, sau đó bị một đặc vụ khống chế, xảy ra vào cuối tháng 9/2014. Trước Gonzalez, đã có tới 6 trường hợp vượt rào Nhà Trắng chỉ trong năm 2014 này.

Trước đó nữa, báo chí Mỹ cũng đã phanh phui vụ một nhân viên hợp đồng đã không tuân lệnh an ninh, mang theo súng đi vào khu vực sát cạnh Tổng thống Obama và liên tục quay phim, chụp hình Tổng thống. Rồi hàng loạt vụ bê bối khác, như vụ Nhà Trắng bị xả súng vào năm 2011, vụ các nhân viên mật vụ ăn chơi trác táng khi đang làm nhiệm vụ tại Colombia năm 2012, và một vụ ăn chơi xả láng khác tại châu Âu không lâu sau đó. Tất cả những vụ việc bê bối này dù xảy ra trước hoặc sau khi bà Pierson nhậm chức đều khiến cho các nghị sĩ chất vấn bà không hài lòng và yêu cầu bà từ chức. Pierson không còn cách nào khác là phải “khăn gói ra đi”.

Martha Johnson – Kẻ chịu hàm oan

Theo dõi buổi giải trình của Pierson tại Quốc hội, Martha Johnson vừa thông cảm cho Pierson, vừa hồi tưởng lại câu chuyện của chính mình cách đây 2 năm. Khi đó, Johnson cũng ngồi vào chiếc ghế “bị cáo” phải giải trình những câu chất vấn dồn dập và đanh thép của các ông nghị, bà nghị về những bê bối của Tổng cục Phục vụ Quốc gia (General Services Administration) mà Johnson là lãnh đạo.

Martha Johnson.

Vụ việc xảy ra vào tháng 10/2010, cơ quan này đã tổ chức một cuộc hội nghị xa hoa, lãng phí, gây nên một vụ bê bối lớn, bị báo chí bêu riếu rùm beng. Đành rằng mọi chuyện đã được lên kế hoạch từ trước khi Johnson tiếp quản chức trách nhiệm vụ, nhưng hội nghị lại diễn ra trong thời gian bà lãnh đạo vì thế khó tránh khỏi trách nhiệm.

Rốt cuộc, Johnson đã phải từ chức trong sự ấm ức vì lỗi không phải do mình gây ra, chỉ là do bà không thể kiểm soát được cái đã định sẵn. Sau khi từ chức, Johnson buồn bực, không màng đến công việc trong chính phủ nữa, vùi đầu vào viết tiểu thuyết để giải khuây, và chính không gian hư cấu đã giúp bà phần nào lấy lại được sự cân bằng trong tâm hồn. Bà bắt đầu rút tỉa những bài học từ sự thất bại của mình để viết sách và viết trên trang nhật ký Internet hy vọng có thể giúp người khác những điều bổ ích về công tác lãnh đạo.

Alberto Gonzalez – Thất nghiệp và tự thân vận động

“Sau khi suy nghĩ đắn đo nhiều, tôi tin đây là lúc để tôi và gia đình tôi bắt đầu một chương mới trong cuộc sống” – Bộ trưởng Tư pháp Alberto Gonzalez viết thư cho Tổng thống George W. Bush khi ông nộp đơn xin từ chức vào tháng 8/2007. Việc ông Gonzalez xin từ chức được cho là bắt nguồn từ việc cách chức liên tiếp 9 vị thẩm phán liên bang mà dư luận quy cho là vì mục đích chính trị.

Alberto Gonzalez.

Cũng như những người cùng chung “Câu lạc bộ thất sủng”, Gonzalez đã trải qua một cuộc “tra tấn” tàn bạo trước các nghị sĩ Quốc hội về những lý do chi tiết của việc ông sa thải các thẩm phán liên bang. Và những gì báo chí đăng sau đó đã thật sự đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.

Việc báo chí đưa tên tuổi ông vào trung tâm của một vụ bê bối chính trị, qua ngòi bút của các phóng viên lão luyện đã khiến cho dư luận hiểu theo một chiều hướng hoàn toàn bất lợi cho Gonzalez. Nó khiến cho triển vọng làm việc của ông ở những nơi khác tan biến. Một bằng chứng là, trước khi xảy ra vụ lùm xùm, đã có một số công ty lớn của Mỹ ngỏ ý mời ông làm việc cho họ, nhưng khi vụ việc đổ bể ra, những lời mời đó tự nhiên biến mất. Nó khiến cho ông và cả vợ ông suy sụp tinh thần một thời gian.

Sau khi từ chức, Gonzalez đã dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, không quan tâm đến chính trị nữa, chuyển sang làm hòa giải viên, cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý để giải quyết các vụ vi phạm bản quyền sáng chế, phát minh và các tranh chấp thương mại khác.

Việc lui về cuộc sống với gia đình xem ra tốt cho Gonzalez hơn làm chính trị. Con trai ông nối nghiệp cha, theo học Trường Luật của Đại học Belmont, bang Tennessee, sau đó làm giảng viên của trường này, và hiện nay đã trở thành Hiệu trưởng của trường. Đó chẳng phải là niềm an ủi lớn cho ông sao?

Linda Chavez – Từ bỏ chính trị đi làm nhà văn

Năm 2001, bà Linda Chavez suýt trở thành Bộ trưởng Lao động của Tổng thống George W. Bush. Bà rút lui khỏi đề cử với lý do bị sức ép của chính sách “tìm và diệt” của nền chính trị Mỹ. Căn nguyên của sự việc theo lời kể của Chavez là lúc trước bà có tạo điều kiện sinh sống an toàn cho một lao động nữ nhập cư từ Guatemala. Khi bà được đề cử chức Bộ trưởng Lao động, một số “chuyên gia vắt vỏ chanh” đã bới móc chuyện này ra để chỉ trích bà sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp.

Linda Chavez.

Chavez từ một thành viên đảng Dân chủ đã chuyển sang đảng Cộng hòa, từ một cô gái miền Tây di cư đến miền Đông nước Mỹ sinh sống, rồi từ chính trị bỏ sang làm bình luận viên và sau đó quay trở lại. Xuyên suốt quá trình chuyển đổi liên tục đó, Chavez nói bà luôn luôn đấu tranh cho quyền lợi công nhân và cải cách chính sách nhập cư.

Hiện tại, Chavez đang lao vào một công việc khác hoàn toàn không dính líu gì đến chính trị: viết tiểu thuyết. Bà từng thử viết tiểu thuyết khi trở về quê nhà ở Boulder, bang Colorado. Tính đến nay, Chavez đã viết được 2 quyển tiểu thuyết và 5 truyện ngắn. Bà hiện cũng đang thực hiện một quyển tiếu thuyết về dòng họ mình. Năm 2012, Chavez sáng lập tổ chức Equal Opportunity (Cơ hội bình đẳng) chuyên nghiên cứu các vấn đề về chủng tộc. Chavez vẫn đang không ngừng đấu tranh để làm thay đổi lối tư duy bảo thủ về vấn đề nhập cư ở Mỹ. Đối với Chavez, làm việc tư nhân có khi lại hay hơn làm Bộ trưởng, vì không phải bị “ép xác” bởi các “chuyên gia vắt vỏ chanh” ở Washington, khỏi phải chịu đựng các màn “tra tấn” ở Quốc hội sau khi lỡ xảy ra sai sót nào đó.

Danh sách những người thất sủng trong “Câu lạc bộ Chính khách thất sủng” do báo chí Mỹ đặt ra còn dài lắm, với những cái tên và những câu chuyện nhiều người không biết. Họ là những người từng được ân sủng ở Washington, và trong quá trình công tác đều đã phạm phải những sai lầm mà họ không mong muốn, hoặc họ không nghĩ mình làm sai, hoặc thậm chí người khác làm, họ gánh hậu quả. Điều cốt yếu là, khi có một sai sót hay một bê bối nào xảy ra, phải có một ai đó chịu trách nhiệm. Đây chính là chân lý ở Washington, là điều mà bà Chavez gọi là “cỗ máy vắt vỏ chanh”.

An Châu (tổng hợp)
.
.