Abdourahamane Tiani: Một tiểu sử, một biên bản đổi thay

Thứ Tư, 09/08/2023, 10:29

Từ ngày 6/8, chính quyền quân sự lâm thời Niger tuyên bố: Không phận quốc gia này đã bị đóng, cho đến khi có thông báo mới. Và, ngoài kia, theo nhiều nguồn tin, đã có những toan tính can thiệp quân sự vào đất nước Tây Phi này được lên kế hoạch.

Trong bối cảnh đó, giữa vòng vây đang từ từ siết lại đó, Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính vẫn kiên quyết tuyên bố: “Chúng tôi từ chối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Niger”.

Thay đổi vì những bất an

“Tốc độ thay đổi ở Niger thể hiện rõ trong tiểu sử của Tiani” - đó là nhận xét từ hãng tin Reuters, dưới bản “sơ yếu lý lịch” ngắn gọn của ông mà họ đăng tải. Và, Reuters làm rõ hơn quan điểm của mình, ngay ở tiêu đề của bài báo ấy: “Vị tướng Niger đã lật đổ một tổng thống mà ông ta có nhiệm vụ bảo vệ”.

Abdourahamane Tiani: Một tiểu sử, một biên bản đổi thay -0
Abdourahamane Tiani dường như đã sẵn sàng đối diện với mọi diễn biến.

Nói như vậy, bởi vì, vào năm 2011, sau 2 thập kỷ thăng tiến trong quân đội Niger, Abdourahamane Tiani đã được trao một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của quân đội: Người đứng đầu một đơn vị tinh nhuệ được thành lập để bảo vệ tổng thống.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2023, Tiani đã làm điều ngược lại, khi giam cầm đương kim Tổng thống Mohamed Bazoum và xuất hiện trên truyền hình để tuyên bố mình là nguyên thủ quốc gia, xác nhận cuộc đảo chính quân sự lần thứ 7 tại vùng Sahel, khu vực Tây và Trung Phi, trong vòng 3 năm.

Tiani, 59 tuổi, nói rằng quân đội phải nắm quyền vì tình trạng mất an ninh dai dẳng do do xung đột với những nhóm đối lập Hồi giáo kéo dài hàng thập kỷ đã giết chết hàng nghìn binh sĩ và dân thường trên khắp Sahel. Đây là sự lặp lại lời biện minh của các nhà lãnh đạo quân sự ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso, những người cũng đã đảo chính kể từ năm 2020. Những tiền lệ này, như chúng ta sẽ thấy, đang sẵn sàng tạo thêm khá nhiều đường nét phức tạp và rối rắm trên bức tranh tổng thể.

“Chúng ta không thể tiếp tục với những cách tiếp cận cũ, đã được đề xuất cho đến hiện tại, bởi nguy cơ dẫn tới sự biến mất dần dần và không thể tránh khỏi của đất nước này” - Tiani khẳng định. Ông, người sinh năm 1964 tại một ngôi làng nhỏ ở vùng Filingué, phía Tây Nam Niger, nơi đã chứng kiến một số cuộc giao tranh ác liệt, bao gồm cả cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự vào năm 2021 khiến 89 binh sĩ thiệt mạng, có vẻ rất mẫn cảm với những nỗi bất an.

Abdourahamane Tiani theo học ở các trường địa phương trước khi gia nhập quân đội năm 1985. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ trên khắp đất nước, bao gồm cả thị trấn Agadez ở phía Bắc trong cuộc nổi dậy của người Tuareg vào những năm 1990, theo tiểu sử do hội đồng quân sự cầm quyền mới công bố. Tài liệu này cũng nói rằng, Tiani đã được đào tạo ở Pháp, Morocco, Senegal và Mỹ, nơi ông theo học một khóa an ninh quốc tế tại trường Fort McNair, Washington, DC.

Ông cũng từng là chỉ huy và quan sát viên ở nước ngoài, khi tham gia phục vụ các lực lượng của Liên hợp quốc và khu vực, trong các cuộc xung đột ở Bờ Biển Ngà, Cộng hòa dân chủ Congo hay Sudan và đã được trao tặng một số danh hiệu quân sự cao nhất của đất nước.

Abdourahamane Tiani: Một tiểu sử, một biên bản đổi thay -0
Người biểu tình mang biểu ngữ “Niger muôn năm. Nước Nga muôn năm”.
Abdourahamane Tiani: Một tiểu sử, một biên bản đổi thay -1
Và biểu ngữ “Người Pháp phải rời đi”.

Hiện tại, Tiani đã trở thành nhân vật có “quyền sinh sát” số phận của một khu vực, nơi mà ảnh hưởng của nước Nga đang gia tăng, bên cạnh việc chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso đã và đang cương quyết rũ bỏ những ảnh hưởng của một cường quốc thuộc địa truyền thống là nước Pháp.

Đánh giá về Tiani, hãng tin France 24 dẫn lời  Ibrahim Yahaya Ibrahim - một chuyên gia về khủng hoảng quốc tế: “Ông ấy không nổi tiếng bên ngoài giới quân sự. Song, ông ta là một người có nền tảng và giàu quyền lực".

France 24 hé lộ thêm: Tiani là một đồng minh trung thành của cựu Tổng thống Mahamadou Issoufou, chính là người đã bổ nhiệm ông làm chỉ huy lực lượng bảo vệ tổng thống vào năm 2011.

Đương kim Tổng thống Mohamed Bazoum - một đồng minh chủ chốt của phương Tây trong cuộc chiến chống quân phiệt ở châu Phi cận Sahara - đã giữ Tiani lại nhiệm sở, sau khi tiếp quản quyền lực. Vấn đề là, quan hệ giữa họ xấu đi trong những tháng qua, theo các nguồn tin thân cận với Bazoum, đến độ theo hãng tin AFP, Bazoum đã lên kế hoạch thay thế Tiani. Trong khi đó, Tiani bắt đầu trốn tránh "các nghi lễ và hoạt động chính thức" của tổng thống và cử đại tá Ibroh Amadou Bacharou, cũng là thành viên của chính quyền mới, đại diện cho mình.

Những người chỉ trích Tiani nói rằng đó là một nhân vật gây tranh cãi nhưng những người thân cận lại mô tả ông là người "dũng cảm" và "nổi tiếng". “Làm sao ông ấy có thể cầm đầu cuộc đảo chính nếu không được thuộc hạ tin tưởng?" - Issa Abdou, một nhân vật trong xã hội dân sự, phản bác những ý kiến hạ thấp Tiani từ phía đối lập cũng như từ dư luận bên ngoài.

Không chỉ vậy, một quan chức chính phủ cho biết, theo lệnh của cựu Tổng thống Issoufou, Tiani đã "biến lực lượng bảo vệ tổng thống thành một cỗ máy hùng mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại". Dưới tay ông, chính cỗ máy ấy từng nghiền nát một số mưu đồ đảo chính, trong năm 2021-2022.

Thời thế tạo anh hùng?

“Đó là một sĩ quan đã chứng tỏ được năng lực bản thân trên thực địa”, cựu quân nhân Amadou Bounty Diallo đánh giá. Và, năng lực ấy, một cách chính xác, được trui rèn từ những ngọn lửa thời cuộc của Niger nói riêng, hay vùng Sahel nói chung. Do đó, là một chuyên gia chống đảo chính, Tiani biết rõ hơn ai hết việc: Làm thế nào để một cuộc đảo chính thành công?

Tuy vậy, tiến chiếm đỉnh cao là một chuyện, trụ vững trên đỉnh cao lại là một việc hoàn toàn khác. Lúc số báo này lên khuôn, bao quanh “cơ đồ mới dựng” của Tiani ở Niger vẫn là muôn trùng sóng gió.

Abdourahamane Tiani: Một tiểu sử, một biên bản đổi thay -0
Tổng thống Mohamed Bazoum, người đang bị giam cầm, có mối quan hệ gắn bó với nước Pháp và phương Tây.

Ngày 3/8, tờ The Washington Post đăng tải một bức thư ngỏ “cầu cứu” của vị tổng thống đang bị giam lỏng Mohamed Bazoum. Ngôn từ trong bức thư đó, đương nhiên, ăn khớp với quyền lợi cũng như chính sách của phương Tây ở Niger cũng như vùng Sahel, hay rộng ra là phần lớn châu Phi: "Vụ đảo chính này, do một phe phái trong quân đội phát động chống lại chính phủ của tôi vào ngày 26/7, không có bất cứ lý do gì để biện minh" - ông viết.

 Và ông Bazoum cảnh báo: "Toàn bộ khu vực trung tâm Sahel có thể chịu ảnh hưởng của Nga, thông qua nhóm Wagner", bên cạnh việc đề cập đến hiểm họa:  Boko Haram và các phong trào khủng bố khác "chắc chắn sẽ lợi dụng sự bất ổn của Niger, sử dụng đất nước chúng tôi làm bàn đạp để tấn công các nước láng giềng và phá hoại hòa bình, an toàn và tự do trên toàn thế giới".

Trên phương diện địa chính trị, dĩ nhiên, điều này khiến bất cứ nhà lãnh đạo phương Tây nào cũng phải lo lắng. Bởi vì, quả thật, đã có hàng nghìn người ủng hộ cuộc đảo chính đổ ra đường, với những lá cờ Nga và những tấm biểu ngữ ghi dòng chữ: “Nước Nga muôn năm”.

Một yếu tố khác, tưởng chừng không liên quan nhưng lại không thể không nhắc tới: Niger, quốc gia nghèo ấy, lại sở hữu một trữ lượng uranium - nguyên liệu mang tính chiến lược đối với mọi đại cường - khổng lồ. Đó là một trong những lý do quan trọng (bên cạnh các nhu cầu chống khủng bố, hay là bảo vệ các mỏ dầu) để cả quân đội Mỹ lẫn quân đội Pháp đều duy trì một số lượng binh sĩ (tổng cộng khoảng 2.000 người) trên mảnh đất ấy.

Bởi vậy, như một lẽ tất yếu, những chuỗi phản ứng dây chuyền nối nhau xuất hiện. Nước Mỹ tuyên bố dừng một số chương trình viện trợ cho Niger (tuy nhiên vẫn tiếp tục viện nhân đạo và thực phẩm cho người dân quốc gia Tây Phi này), đồng thời Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken kêu gọi “khôi phục ngay chính phủ hợp hiến dân cử”, ngày 4/8. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tuyên bố ngừng giải ngân cho Niger.

Abdourahamane Tiani: Một tiểu sử, một biên bản đổi thay -0
Cuộc đảo chính làm chấn động bàn cờ địa chính trị quốc tế.

Cùng ngày, theo Reuters và AFP, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) Abdel-Fatau Musah cho biết các chỉ huy quân đội của những nước Tây Phi đã lên kế hoạch can thiệp quân sự, sau khi quá trình đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình đi vào bế tắc. Tuy nhiên, các chính quyền quân sự ở những nước láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso đã cảnh báo rằng một sự can thiệp vào Niger sẽ tương đương với một lời tuyên chiến chống lại chính họ.

Trong khi đó, ngày 5/8,  Bộ Ngoại giao Pháp ngày 5/8 tuyên bố Paris "kiên quyết và dứt khoát" ủng hộ nỗ lực của ECOWAS. Ngày 6/8, đến lượt Lybia tuyên bố không công nhận thiết chế quân sự của Tiani.

Và, ngày 6/8 cũng chính là “thời hạn chót” mà ECOWAS đặt ra cho Tiani, để khôi phục chính phủ của Tổng thống Bazoum. Câu trả lời được đưa ra một cách bình thản: Đóng cửa không phận. Xem như, kể từ thời điểm đó, Tiani đã chấp nhận dấn thân đến cùng vào cuộc chơi quyền lực đầy bất trắc và khốc liệt này.

Sao Linh
.
.