AfD dậy sóng gió chính trường Đức

Thứ Hai, 17/02/2025, 10:39

Gần đến ngày bầu cử Hạ viện Đức, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã đạt mức cao mới. Tại đại hội của đảng này giữa tháng 1/2025, bà Alice Weidel được đề cử làm ứng viên tranh cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới. Với tư cách là nhà lãnh đạo và trụ cột cốt lõi của EU, triển vọng chính trường Đức đã trở thành mối quan tâm của toàn châu Âu.

Cương lĩnh tranh cử của AfD khi công bố, được cho là mang đậm màu sắc cực hữu, bao gồm trục xuất số lượng lớn người nhập cư, rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Thỏa thuận Paris, “tái cơ cấu” Liên minh châu Âu (EU), khởi động lại dự án đường ống “Dòng chảy phương Bắc” và từ chối lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

1.jpeg -0
Bà Alice Weidel sẽ là ứng cử viên của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức cho chức Thủ tướng nhiệm kỳ tới.

Không giống như 2 đảng lớn truyền thống là SPD và Liên minh CDU/CSU lần lượt tổ chức đại hội tại các thành phố lớn Berlin và Hamburg, đại hội của AfD được tổ chức tại Riesa, một thành phố nhỏ với dân số chưa đến 30.000 người. Sự lựa chọn này không quá khó hiểu: cơ sở quyền lực và cử tri của AfD nằm ở khu vực phía Đông nước Đức. Bang Sachsen nơi thành phố Riesa tọa lạc, đã chứng kiến thành công lịch sử của AfD trong cuộc bầu cử nghị viện bang tháng 9/2024.

Thực ra, trước đó, AfD đã tổ chức đại hội nội bộ ở Berlin để đề cử bà Weidel làm ứng cử viên thủ tướng cho cuộc bầu cử Nghị viện liên bang vào ngày 23/2 tới. AfD là đảng dân túy cực hữu có nguồn gốc từ Đông Đức cũ, có những đặc trưng riêng là phản đối nhập cư, theo chủ nghĩa dân tộc Đức và chủ nghĩa bảo thủ Thiên chúa giáo, nghi ngờ về vấn đề biến đổi khí hậu và kinh tế xanh, phản đối giới tinh hoa thân chính quyền. Tuy nhiên, bản thân bà Weidel lại sinh ra ở vùng Tây Đức cũ và là người đồng tính nữ sinh sống ở Thụy Sĩ (bạn gái đồng giới của bà là người gốc Sri Lanka), bà có nền tảng tinh hoa trong giới tài chính và quốc tế, là nhà nữ lãnh đạo thuộc phe ôn hòa trong đảng, có thể được coi là “đối lập trong phe đối lập”.

Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông trước đây, bà Weidel luôn nhấn mạnh rằng bà và AfD đi theo “chủ nghĩa tự do cá nhân” và chủ nghĩa bảo thủ của phe bảo thủ cánh hữu chính thống, không chấp nhận cái mác cực hữu do bên ngoài gán cho. Cộng với độ tuổi phù hợp (sinh 1979), bà nhanh chóng trở thành ứng cử viên sáng giá để lãnh đạo đảng này và tranh cử chức Thủ tướng Đức. Uy tín của AfD được cho là đang lên cao, tên tuổi của bà Weidel cũng đang nổi lên, thậm chí bà còn nhận được sự ủng hộ của Elon Musk trong cuộc điện thoại video gần đây. Đây chính là lý do tại sao sự quan tâm đối với AfD tại đại hội của đảng lần này đã vượt qua SPD (đảng Dân chủ xã hội Đức - đảng của Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz) và thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu.

Dữ liệu thăm dò mới nhất từ cơ quan truyền thông tin tức chính trị Mỹ Politico cho thấy xu hướng “thay nhau tăng giảm” trong tỷ lệ ủng hộ giữa AfD và các đảng lớn truyền thống từ đầu năm 2025 tới nay đã rõ hơn: tỷ lệ ủng hộ AfD đã tăng lên 21%, trụ vững ở vị trí thứ 2, đạt mức cao nhất trong một năm trở lại đây. Tỷ lệ ủng hộ SPD giảm xuống 15%, vẫn đứng thư 3 và khoảng cách này với AfD ngày càng trượt xa, thậm chí tiệm cận với đảng Xanh, mặc dù tỷ lệ ủng hộ của Liên minh CDU/CSU vẫn giữ vững vị trí số 1, nhưng đã giảm 1%, chưa kể bà Weidel và AfD đang cố gắng thu phục các cử tri cánh hữu chính thống, đe dọa trực tiếp đến số phiếu của Liên minh CDU/CSU.

Theo phân tích của Politico, dự đoán rằng nếu tỷ lệ ủng hộ hiện tại được chuyển thành tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử tới, trong số 630 ghế ở nghị viện liên bang, các đảng Liên minh CDU/CSU, AfD, SPD, đảng Xanh và Liên minh Wagenknecht sẽ vào nghị viện với số ghế giành được lần lượt là 226, 149, 116, 100 và 39, còn đảng Dân chủ tự do trung hữu (FDP) truyền thống và đảng Cánh tả không thể chen chân vào cánh cửa nghị viện.

Điều này có nghĩa là cục diện đảng phái chính trị ở Đức do Liên minh CDU/CSU và SPD đóng vai trò chủ đạo từ Thế chiến 2 lần đầu tiên đã bị phá vỡ về cơ bản, và các đảng dân túy ở cả cánh hữu, cánh tả trong “phổ chính trị” (hệ thống các lập trường chính trị khác nhau và độc lập với nhau) sẽ chiếm gần 30% số ghế nghị viện.

Người dân Đức đang gặp khó khăn trước những biến động của chuỗi cung ứng, rủi ro năng lượng, lạm phát và chi phí sinh hoạt cao. Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu lâu dài và tranh cãi về vấn đề nhập cư đôi khi đã kích thích phản ứng nhạy cảm của một số nhóm cử tri, vốn kỳ vọng vào sự thay đổi thực chất, nhưng “chính phủ liên minh lớn” khả năng cũng sẽ chỉ làm giảm sự kiên nhẫn và lòng tin ở họ.

Vấn đề sâu xa hơn nằm ở ảnh hưởng sâu rộng của nước Đức, nước đầu tàu EU này đối với nền chính trị châu Âu. Nếu AfD giành được tiếng nói quan trọng trong việc ra quyết định của Chính phủ Đức và thông qua các dự luật quan trọng, chắc chắn sẽ làm thay đổi các chính sách đối ngoại, an ninh, thương mại và môi trường hiện tại của Đức ở các mức độ khác nhau.

Ví dụ: Liệu viện trợ cho Ukraine sẽ giảm đi nhiều hay thậm chí chấm dứt hẳn? Nước Đức có thể đảm nhận trách nhiệm bảo vệ môi trường và nền kinh tế xanh hiện tại hay không? Thái độ đối với Eurozone, thị trường chung châu Âu và khu vực thuế quan thống nhất thế nào? Chính sách phòng thủ tập thể châu Âu có bị suy yếu đi hay không? Sự thành công của AfD liệu có thể khích lệ các lực lượng cực hữu ở các nước lớn châu Âu trong đó có Pháp tiến vào trung tâm chính trường hay không? Xu hướng bất định và phân cực trên chính trường Đức đã trở nên hiển hiện, với sự hỗ trợ của các gã khổng lồ về công nghệ và sự tái cơ cấu của chính các chủ thể. AfD sẽ thay đổi hệ sinh thái chính trị Đức và châu Âu như thế nào đang trở thành vấn đề được quan tâm thực sự trong tương lai.

Ngọc Lan
.
.