Anh: Khi các ông nghị “chân trong, chân ngoài”

Thứ Ba, 16/11/2021, 19:43

Việc các nghị sĩ trong Quốc hội Anh, chủ yếu là Hạ viện, làm thêm một hoặc vài công việc bên cạnh nhiệm vụ nghị sĩ đã có từ lâu và là một việc phổ biến. Chiếm đa số là các nghị sĩ đảng Bảo thủ, với thu nhập lên đến hàng triệu USD/năm. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đang xây dựng quy định siết chặt kiểm soát việc làm thêm này khiến cho nhiều người có khả năng mất đi nguồn thu nhập đáng kể đó.

Theo cơ quan đăng ký việc làm, có đến 1/3 nghị sĩ đảng Bảo thủ làm thêm một công việc cố vấn cho các công ty thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, bên cạnh công việc chuyên trách ở Quốc hội. Công đàng có 3 người. Hầu hết là các nam nghị sĩ (86%). Tổng thu nhập làm thêm của những ông nghị này lên đến 5 triệu bảng Anh môt năm. Những người có thu nhập cao nhất đều là các cựu bộ trưởng trong nội các.

Người có thu nhập cao nhất là Andrew Mitchell, nghị sĩ đại diện thị trấn Sutton Coldfield, kiếm được 182.600 bảng cho 34,5 ngày làm việc trong vai trò tư vấn tài chính cho các công ty Investec và EY.

Anh: Khi các ông nghị “chân trong, chân ngoài” -0
Từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ: Các nghị sĩ John Redwood, Laurence Robertson, Liam Fox và Chris Grayling.

Geoffrey Cox, cựu Bộ trưởng Tư pháp, kiếm được 1,6 triệu bảng Anh mỗi năm với tư cách luật sư, trong khi Chris Grayling, cựu Bộ trưởng Giao thông kiếm được 100.000 bảng mỗi năm từ công việc tư vấn cho Công ty Hutchison Ports Europe.

John Redwood, cựu Bộ trưởng phụ trách Xứ Wales, kiếm được hơn 230.000 bảng khi làm việc cho công ty tư vấn đầu tư Charles Stanley và một công ty cổ phần tư nhân, trong khi Alun Cairns, cũng là cựu Bộ trưởng phụ trách Xứ Wales, làm cố vấn cho công ty chẩn đoán toàn cầu BBI có trụ sở tại Xứ Wales, tổng thu nhập là 60.000 bảng một năm.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Liam Fox có hợp đồng trị giá 10.000 bảng với WorldPR, một công ty PR có trụ sở tại Panama, để tư vấn về kinh doanh và chính trị quốc tế, trong khi Julian Smith, cựu trưởng nhóm nghị sĩ, kiếm được khoảng 144.000 bảng mỗi năm từ vai trò cố vấn cho các công ty hàng hải, năng lượng tái tạo và khí hydro.

Trong số các nghị sĩ “chân trong, chân ngoài”, có 2 người làm công việc liên quan đến ngành cờ bạc: đó là Laurence Robertson, nghị sĩ đảng Bảo thủ đại diện thị trấn Tewkesbury, nhận 24.000 bảng mỗi năm để làm cố vấn Quốc hội cho Hội đồng Cá cược và trò chơi, trong khi Philip Davies, nghị sĩ thị trấn Shipley, được GVC Holdings - chủ sở hữu Coral và Ladbrokes - trả 16.660 bảng cộng với 12.000 bảng một năm của Hiệp hội Môi giới cầm đồ quốc gia.

Theo tờ The Guardian, trong số các nghị sĩ “chân trong, chân ngoài” có hơn 30 nghị sĩ làm công việc nhạy cảm, có thể bị xem là cố vấn chính trị trực tiếp và có thể bị cơ quan chức năng chế tài. Bên cạnh đó, các nghị sĩ khác ngồi vào vị trí có mức thu nhập béo bở trong hội đồng quản trị hay hội đồng tư vấn có thể phát sinh công việc cố vấn về chính trị. Ngoài ra, một số người mở công ty dịch vụ riêng và trực tiếp điều hành, từ đó có thể giảm được số tiền nộp thuế thu nhập hằng năm.

Trái ngược số đông nghị sĩ đảng Bảo thủ, rất ít nghị sĩ đảng đối lập tỏ ra thích thú với việc này. Trong số các nghị sĩ Công đảng, Rosena Allin-Khan kiếm thêm thu nhập khi làm bác sĩ, Margaret Hodge có thu nhập 20.000 bảng một năm khi làm thêm tại Đại học Royal Holloway và Khalid Mahmood làm công việc cố vấn tại tổ chức nghiên cứu Policy Exchange với thu nhập 25.000 bảng/năm.

Bên cạnh những ông nghị thu nhập cao ngất ngưởng, có những ông nghị làm thêm nhưng không có thu nhập. Như nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, lãnh đạo của Hạ viện, vẫn là một đối tác không được trả lương cho công ty quản lý đầu tư Somerset Capital Management LLP. Nghị sĩ Alister Jack hiện là giám đốc không lương của Atlantic Solway Holdings, một công ty đầu tư vào lĩnh vực câu cá thể thao.

Tuy nhiên, thời kỳ kiếm thêm thu nhập đang dần khép lại. Trong nghiên cứu dư luận mới nhất của Công ty Savanta ComRes, có đến một nửa người dân Anh phản đối việc các nghị sĩ làm thêm công việc thứ hai, chỉ 20% ủng hộ việc này. Công chúng Anh muốn các vị đại biểu do họ bầu ra phải chuyên tâm làm nhiệm vụ được người dân giao phó chứ không thể phân tâm để lo kiếm thêm.

Công đảng từng đưa ra đề xuất cấm nghị sĩ làm thêm công việc thứ hai tại cuộc bầu cử vừa qua. Còn hiện tại, Richard Burgon, cựu Bộ trưởng Tư pháp bóng tối (một hình thức nội các ảo của đảng đối lập trong Quốc hội) đang trình Quốc hội dự luật mới trong đó cấm tất cả các công việc thứ hai, ngoại trừ một số ngành nghề như y tá và bác sĩ. Ông Burgon cho rằng, các nghị sĩ không thể làm đầy túi riêng bằng việc lén lút đi làm thêm bên ngoài, nhất là giữa lúc đang diễn ra đại dịch COVID-19 như hiện nay. “Công việc của một nghị sĩ không chỉ là một đặc ân lớn mà còn được trả lương cao và đó là tâm điểm chú ý của bất kỳ ai may mắn được bầu làm nghị sĩ. Nếu mọi người muốn tìm kiếm những vai trò sinh lợi ở nơi khác thì không ai ngăn cản họ nhưng họ nên từ chức nghị sĩ để làm như vậy”, ông Burgon nói.

Vấn đề nghị sĩ “chân trong, chân ngoài” đang gây nên cuộc tranh luận gay gắt trong Hạ viện Anh sau khi xảy ra vụ bê bối của nghị sĩ Owen Paterson. Ông Paterson bị cáo buộc đã vi phạm quy định cấm nghị sĩ vận động hành lang trực tiếp cho các công ty. Các nghị sĩ chỉ được làm cố vấn cho công ty. Hạ viện Anh đã tổ chức bỏ phiếu “đình chỉ chức vụ nghị sĩ 30 ngày” đối với ông Paterson. Vấn đề khiến dư luận quan tâm là Thủ tướng Anh Boris Johnson đã can thiệp nhằm ngăn cản tiến trình bỏ phiếu nhưng cuối cùng lại thay đổi ý định. Ông Paterson đã từ chức nghị sĩ ngay sau khi bị đình chỉ.

An Châu (tổng hợp)
.
.