AUKUS hay cái cớ cho một cuộc chạy đua vũ trang

Thứ Ba, 05/10/2021, 10:29

Thỏa thuận an ninh 3 bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) còn chưa hết gây xáo trộn trong các mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương thì nó lại tiếp tục khiến dư luận chú ý đến khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trên biển.

Nhưng, đối với khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, vấn đề lại lớn hơn nhiều, khi nó xảy ra trên không, sau vụ việc các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến vào không phận Malaysia hồi tháng 5 vừa qua.

Quan ngại

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã lưu ý đến tình trạng bất ổn ở Biển Đông khi đưa ra những phản ứng ban đầu về quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Anh - Australia vừa được công bố. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Australia Scott Morrison, ông Ismail Sabri phát biểu rằng thỏa thuận 3 bên này có khả năng kích động các cường quốc khác thực hiện những hành vi hung hăng hơn trong khu vực. Trong một tuyên bố cứng rắn, ông Ismail Sabri cũng cảnh báo về nguy cơ tái diễn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vì AUKUS.

t10 (1).jpg -0
Máy bay vận tải Xian Y-20 là một trong những loại được xác định tham gia phi vụ xâm phạm vùng trời Malaysia hồi tháng 5-2021.

Indonesia, một trong những nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, cũng lên tiếng bày tỏ mối quan ngại tương tự và cho rằng nỗi ám ảnh về những hành động gây hấn công khai ở vùng biển này đã trở thành hiện thực trong những tháng gần đây. Và cuộc tuần tra của 16 máy bay vận tải quân sự Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi bang Sarawak trên đảo Borneo hôm 31-5 vừa qua được cho là một lời cảnh tỉnh.

Malaysia đã phản ứng lại bằng cách triệu tập Đại sứ Trung Quốc và gọi vụ việc này là một cuộc xâm nhập, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia cho dù các máy bay của Trung Quốc chỉ lướt qua không phận Malaysia. Phía Trung Quốc sau đó đã lên tiếng rằng đây chỉ là một hoạt động huấn luyện thường lệ và cả hai nước đều tìm cách nhấn mạnh rằng vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương nói chung.

Trong khi phần lớn sự chú ý của dư luận sau thỏa thuận AUKUS đổ dồn vào khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trên biển trong khu vực, thì theo tờ South China Morning Post, một cuộc chạy đua vũ trang trên không cũng có thể xảy ra.

Theo chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Wu Shangsu của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Singapore,  có lẽ đây không phải là sự kiện chỉ diễn ra một lần, mà là dấu hiệu của một hoạt động sẽ được lực lượng không quân Trung Quốc thực hiện thường xuyên, liên tục trong khu vực. Cũng theo ông và các chuyên gia hàng đầu khác, vụ việc ngày 31-5 làm dấy lên câu hỏi về mức độ sẵn sàng của Không quân Hoàng gia Malaysia - cũng như lực lượng không quân của các nước khác trong khu vực - trong việc đối phó với những tình huống như vậy.

Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei đều là các bên có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Indonesia cũng vừa gia nhập nhóm quốc gia này khi ranh giới trên biển phi lý của Trung Quốc - "đường 9 đoạn" - được kéo dài đến tận phía Bắc quần đảo Natuna.  Chester Cabalza, Chủ tịch và là người sáng lập Tổ chức Hợp tác an ninh và phát triển quốc tế, nói: "Điều đáng báo động là sự cố hôm 31-5 cũng có thể xảy ra với Philippines. Cần khẩn trương xây dựng các bức tường trên không để ngăn chặn sự xâm nhập của lực lượng quân sự nước ngoài và tuân thủ quy tắc dựa trên luật lệ quốc tế".

Năng lực

Ben Ho, cũng là một chuyên gia nghiên cứu của RSIS, cho biết việc sở hữu một hệ thống phòng không tích hợp - gồm các thiết bị cảm biến, thiết bị phóng và nhiều thiết bị khác - là chìa khóa mang lại cho một nước khả năng bảo vệ không phận của mình. Các thiết bị cảm biến bao gồm radar, công cụ giám sát trên không và các khinh khí cầu (bóng thám không) - vốn được xem là đôi mắt của một hệ thống tích hợp. Những thiết bị này có nhiệm vụ phát hiện, xác định và theo dõi một vật thể trên không, chẳng hạn như máy bay nước ngoài khi nó vừa xâm phạm.

Còn Wu Shangsu cho biết radar là thiết bị quan trọng nhất vì giám sát là điều kiện tiên quyết cho mọi hình thức phản ứng quân sự. Theo ông, lực lượng không quân Malaysia hẳn sẽ không thể xuất kích máy bay phản lực để đánh chặn các máy bay Trung Quốc trong sự cố hồi tháng 5 nếu không có hệ thống radar ở Sabah.

Một cách tổng quát, sau khi các hệ thống giám sát của một nước phát hiện có vật thể trên không và xác định đó là của kẻ thù, hệ thống kiểm soát giao tranh sẽ được kích hoạt. Hệ thống này sẽ đánh giá mối đe dọa trước khi quyết định và lựa chọn vũ khí cần thiết để hạ gục mục tiêu. Sau đó, hệ thống phòng không cũng sẽ đươc kích hoạt. "Các thiết bị phóng có lẽ là thành phần đáng chú ý nhất của hệ thống kiểm soát giao tranh vì chúng có khả năng hạ gục máy bay địch", Ben Ho giải thích. Máy bay chiến đấu và các hệ thống trên mặt đất, như hệ thống tên lửa đất đối không, nằm trong số đó.

Và việc quyết định sử dụng vũ khí nào phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình huống. Ví dụ, tên lửa đất đối không là lựa chọn kinh tế hơn để ngăn chặn các mối đe dọa trên không và được sử dụng trong các tình huống hết sức nghiêm trọng. Nhưng, chúng không linh hoạt như các vũ khí khác, nhất là khi đối phó với một máy bay không xác định. Các nước thường sử dụng kết hợp radar và máy bay chiến đấu hạng nhẹ hoặc máy bay chiến đấu đa nhiệm để ngăn chặn và đối phó với các mối đe dọa trên không. Nhưng tóm lại, lựa chọn cách thức nào, cũng hết sức tốn kém.

Định hình cán cân chiến lược

Theo một viễn cảnh được vẽ ra, trong những năm 2030, có thể sẽ có những tàu mới hoạt động trên các tuyến đường cũ vận chuyển gỗ đàn hương từ Perth (Australia) về phía Bắc (đi vào Thái Bình Dương): Một hạm đội gồm ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân của Australia được chế tạo dựa trên thiết kế tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ hoặc lớp Astute của Anh và sự kết hợp công nghệ của một số nhà thầu quốc phòng của hai nước này. Các tàu ngầm đó là thành phần quan trọng nhất của thỏa thuận giữa Mỹ, Australia và Anh đang gây tranh cãi - AUKUS.

t10 (3).jpg -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden quay sang Thủ tướng Australia Scott Morison tại buổi đối thoại trực tuyến 3 bên liên minh AUKUS.

Được đàm phán rất bí mật trong nhiều tháng, thỏa thuận này mở đường cho quan hệ hợp tác giữa 3 nước trong một loạt lĩnh vực, từ ngoại giao đến công nghệ, từ an ninh mạng đến trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng, do Anh, Mỹ và Australia đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực - cùng với Canada và New Zealand trong hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo “Ngũ nhãn” - nên chính những chiếc tàu ngầm hạt nhân này mới là yếu tố được chú ý nhiều nhất của AUKUS.

Nếu coi đây là một thỏa thuận mua bán vũ khí thì đó là một thỏa thuận lớn - ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân được đóng mới, chứng tỏ giá trị hợp đồng có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Nhưng, nếu coi đây là một thay đổi chiến lược thì thỏa thuận này còn có ý nghĩa hơn nhiều. Nó được xem là bước đi kịch tính và quyết liệt nhất của Mỹ cho đến nay đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà đối trọng chính là Trung Quốc.

Tuy nhiên, phản ứng tức thì và dữ dội nhất không đến từ Trung Quốc mà đến từ châu Âu. Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng AUKUS là thỏa thuận đầu tư vào nguồn sức mạnh lớn nhất của 3 nước - cũng như các liên minh của họ - nhưng với tư cách đồng minh lâu đời nhất của Mỹ và là quốc gia gần gũi nhất với Anh về mặt địa lý, Pháp lại vô cùng giận dữ vì như lời Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, thì Pháp "bị đâm sau lưng".

Năm 2016, Australia đã ký hợp đồng đóng 12 tàu ngầm diesel - điện Shortfin Barracuda với Naval Group, một công ty của Pháp mà nhà nước nắm phần lớn cổ phần. Theo Bộ Quốc phòng Pháp, vào ngày AUKUS được công bố (15-9), Australia vẫn thông báo với Pháp rằng họ hài lòng về tiến độ thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó, Australia tuyên bố hủy hợp đồng. Ngày 17-9, Tổng thống Emmanuel Macron đã có phản ứng gay gắt khi triệu hồi các đại sứ của Pháp tại Washington và Canberra nhưng lại không triệu hồi đại sứ tại London, như một động thái nhằm truyền tải thông điệp của Pháp rằng họ biết Anh không có vị trí quan trọng trong bộ ba này.

Cánh cửa khác sẽ mở ra

Pháp, cường quốc quân sự hàng đầu của Liên minh châu Âu, sẽ thấy mình đã đúng khi nghi ngờ uy tín của các đồng minh nói tiếng Anh. Chính vì sự nghi ngờ đó mà Pháp sẽ lại đưa ra các lập luận về quyền tự chủ chiến lược đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Pháp có nhiều vùng lãnh thổ, gần 2 triệu công dân và 7.000 quân và cả các nơi khác. Việc xoa dịu người Pháp sẽ đòi hỏi các bên phải chấp nhận phần nào những lập luận đó.

Trong cuộc điện đàm xoa dịu sau đó ít ngày giữa 2 Tổng thống Joe Biden và Emmanuel Macron, Mỹ đã công nhận tầm quan trọng của việc củng cố nền quốc phòng châu Âu trong việc đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, cũng như trong việc tăng cường Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đại sứ Pháp sẽ trở lại Washington nhưng những bài học rút ra sẽ được khắc cốt ghi tâm.

t10 (2).jpg -0
Đồ họa mô tả hoạt động của tàu ngầm diesel - điện Shortfin Barracuda.

Và có vẻ như cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Từ sau khi cuộc tập trận chung kéo dài 3 ngày Pháp - Ấn Độ hồi đầu năm 2021, Tổng thống Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có những cuộc hội đàm qua điện thoại. Ấn Độ vui mừng khi nhận được sự chú ý của một nhà cung cấp vũ khí lớn, vốn đồng cảm với quan điểm không liên kết của họ, cũng như mong muốn nhận được sự hỗ trợ về tàu ngầm hạt nhân, cho dù là từ Pháp hay các nước AUKUS.

Tầm quan trọng của tàu ngầm hạt nhân nằm ở khả năng triển khai lực lượng. Các tàu ngầm diesel - điện như Shortfin Barracuda không gây tiếng ồn khi hoạt động ở chế độ chạy điện. Xét trên vài yếu tố, loại tàu này còn tốt hơn các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, vốn không thể loại bỏ hoàn toàn tiếng ồn từ hệ thống bơm làm mát lò phản ứng và do đó phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển ven bờ của Australia. Tuy nhiên, tàu ngầm hạt nhân có thể ẩn mình giữa vùng nước ấm và vùng nước lạnh ở những khu vực biển sâu để giảm bớt tiếng ồn và tỏ ra hữu dụng hơn nhờ phạm vi hoạt động lớn hơn và tốc độ ổn định hơn.

Theo tính toán của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách của Mỹ, một tàu ngầm thông thường được điều động để tuần tra các vùng biển có tranh chấp (chẳng hạn ở Biển Đông) từ căn cứ hải quân HMAS Stirling ở Perth, nơi đóng quân của hạm đội tàu ngầm của Australia, chỉ có thể lưu lại 2 tuần là phải quay về tiếp nhiên liện và bảo trì. Trong khi đó, một tàu ngầm hạt nhân có thể lưu lại bao lâu tùy ý miễn là có đủ nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn. Các tàu này có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, triển khai các lực lượng đặc biệt, cũng như đặt các tàu nổi và tàu ngầm của đối phương vào tình thế nguy hiểm.

Do đó, việc chuyển từ một hạm đội tàu diesel - điện sang một hạm đội tàu hạt nhân không chỉ là sự thay đổi về động cơ đẩy mà còn là sự thay đổi mang tính chiến lược, tạo thuận lợi cho việc triển khai sức mạnh của Australia - và cũng là của cả liên minh -  từ các tuyến vận chuyển qua eo biển Malacca đến vùng biển ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc).

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.