70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam: Góc nhìn từ mặt trận báo chí, tuyên truyền

Bài cuối: Thành tựu lịch sử và những bài học

Chủ Nhật, 23/06/2024, 15:59

Rạng sáng ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết, sau 75 ngày thương lượng căng thẳng với 31 phiên họp. Đây là văn kiện ngoại giao quan trọng yêu cầu các quốc gia tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Dương.

Quá trình đàm phán tại hội nghị và các hoạt động bên lề đã để lại nhiều bài học quý báu về công tác báo chí tuyên truyền, vận động dư luận quốc tế, nhằm hỗ trợ các cuộc đấu tranh ngoại giao của ta sau này…

Dùng ngòi bút thay giáp binh

“Dùng ngòi bút thay giáp binh” là tư tưởng hòa hiếu hình thành cùng lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, được ông cha ta đúc kết và vẫn vẹn nguyên giá trị. Ngược dòng lịch sử, vào năm 1281, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải từng làm thơ tống tiễn Sài Thung - một viên sứ thần ngạo mạn, hống hách của phương Bắc về nước bằng những lời rất nhã nhặn: “Biết đến khi nào cùng gặp lại/ Cầm tay bày tỏ nỗi niềm tây!”. Hay như Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi từng thảo nhiều bức thư gửi quân Minh, làm cho giặc hoang mang, tự biết con đường duy nhất là phải chịu hòa mà rút về. Và sau này, ngay cả khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng và phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) bước vào đàm phán tại Hội nghị Geneva về Đông Dương, phương thức ấy vẫn được vận dụng linh hoạt.

Kỳ cuối: Thành tựu lịch sử và những bài học -0
Các nhà báo quốc tế tại Sân bay Geneva chờ đợi ghi hình những đoàn đại biểu tới dự Hội nghị ngày 26/4/1954. Ảnh: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga.

Như đã đề cập ở kỳ I, đầu những năm 1950, Việt Nam DCCH mới chỉ được một số nước công nhận như Trung Quốc, Liên Xô, nên báo chí là một trong những công cụ đắc lực để truyền đi những thông tin về nước Việt Nam DCCH và Chính phủ hợp pháp, đại diện của nhân dân Việt Nam. Báo chí trong nước đã thực hiện hiệu quả sứ mệnh quan trọng trong việc đấu tranh, vạch trần và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của hiếu chiến Pháp và can thiệp Mỹ. “Vạch mặt bọn phá hoại Hội nghị Giơ-ne”, “Mỹ bị cô lập ở Hội nghị Giơ-ne”, hay “Những lời nói hèn hạ của bọn bù nhìn ở Hội nghị Giơ-ne” là những tít bài gây ấn tượng trên mặt Báo Nhân dân và Báo Cứu quốc. Bài viết “Bè lũ bù nhìn, đầy tớ của hiếu chiến Pháp - Mỹ" đăng trên tờ Nhân Dân số 190 (từ ngày 01-03/6/1954) nêu rõ, thực dân hiếu chiến Pháp, can thiệp Mỹ và bọn bù nhìn phản nước hại dân đang cấu kết với nhau, mưu mô kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương. Bài viết phân tích: “Gần đây, Ai-xen-hao (Eisenhower), Tổng thống Mỹ, để hợp pháp hóa âm mưu xâm lược Đông Dương, đã đánh tiếng sẽ can thiệp trực tiếp nếu bè lũ bù nhìn yêu cầu. Tức thì bè lũ Bảo Đại, Xi-xa-vang Vông (Lào gian) nhao nhao gửi cho quan thầy những bức thư đầy giọng hàm ơn và mong đợi sự can thiệp…”.

Không chỉ thường xuyên và liên tục tuyên truyền trong nước để đồng bào nắm rõ tình hình, qua nhiều hoạt động tiếp xúc bên lề ở Geneva, Việt Nam cũng làm cho dư luận quốc tế hiểu rõ thiện chí của mình, vạch mặt các thủ đoạn của địch, ép ta phải chấp nhận những giải pháp bất lợi. Các hoạt động này đã biến tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu của nhân dân ta thành sức mạnh, hỗ trợ tích cực cho phái đoàn đàm phán.

Kỳ cuối: Thành tựu lịch sử và những bài học -0
Toàn cảnh Hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tuyên truyền song hành cùng đàm phán

Thắng lợi của Việt Nam trên mặt trận báo chí, tuyên truyền tại Hội nghị Geneva bắt nguồn từ đường lối đúng đắn, tầm nhìn và chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua báo chí trong nước và quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đi những thông điệp về lập trường của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh “vừa đánh, vừa đàm” để kết thúc chiến tranh. Ngay từ tháng 11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Expressen (Thụy Điển) về tình hình chiến tranh Đông Dương và cuộc thảo luận Quốc hội Pháp muốn dàn xếp hòa bình với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Nếu chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề theo lối hòa bình thì nhân dân và chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp nhận ý kiến đó… Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”.

Trả lời Hãng Thông tấn Nam Dương Antara, Indonesia ngày 14/5/1954, Người một lần nữa nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi để thương thuyết với Pháp đặng ngừng bắn, đình chiến và lập lại hòa bình ở Đông Dương là: Thật sự độc lập, thống nhất và dân chủ tự do”. Tuyên bố của Chủ tịch nước Việt Nam DCCH đã thu hút sự chú ý của quốc tế, đặc biệt là ở Pháp - nơi mà dư luận đang sục sôi hối thúc chính phủ nhanh chóng đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh.

Vào thời điểm Hội nghị Geneva đang diễn ra, trong bài phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam ngày 6/7/1954 về diễn biến hội nghị, Người tiếp tục khẳng định: “Với những vấn đề được thảo luận, hội nghị đã mở đường cho việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trên cơ sở đó, nếu đối phương thành thật muốn đàm phán như chúng ta mà cũng cố gắng để lập lại hòa bình ở Đông Dương, thì hòa bình Đông Dương có thể thực hiện. Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam DCCH sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”.

Trong khi đó, trên bàn đàm phán và trong tất cả các cuộc gặp gỡ với báo chí tại Hội nghị Geneva, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam DCCH cũng kiên định với lập trường: “Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương”. Quan điểm nhất quán và lập trường không thay đổi được phản ánh trước và trong hội nghị đã giúp cộng đồng quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới thêm hiểu và ủng hộ Việt Nam.

Kỳ cuối: Thành tựu lịch sử và những bài học -0
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (hàng ngồi thứ hai từ trái sang) thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Geneva ngày 20/7/1954. Ảnh Tư liệu TTXVN.

Gắn đại đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ngay từ ngày Hội nghị Geneva bắt đầu, đoàn Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế. Một mặt, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện đoàn đại biểu Việt Nam DCCH kiên quyết đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở các bên tham gia phải công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, làm cho nhân dân Pháp thấy chính phủ Pháp của Thủ tướng Laniel lúc bấy giờ hiểu là cần phải thay đổi thì Hội nghị Geneva mới thu được kết quả.

Mặt khác, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng triệt để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi cả trong và ngoài hội nghị, nhất là sự ủng hộ của trưởng đoàn Liên Xô và trưởng đoàn Trung Quốc, kịch liệt lên án thái độ hiếu chiến của đoàn Pháp và Mỹ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiên định trình bày lập trường 8 điểm của Việt Nam tại hội nghị. Đây là những quan điểm có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân các nước thuộc địa và các nước thực dân, nhất là đối với nhân dân và Chính phủ Pháp. Những đề nghị hợp tình, hợp lý do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra đã được dư luận tiến bộ Pháp và thế giới đồng tình ủng hộ.

Trong quá trình đấu tranh của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh, ngoại giao là công việc của toàn dân, thuyết phục lòng người là để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa. Năm 1949, Việt Nam DCCH là một trong những nước tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới khi cử 11 đại biểu tham gia Đại hội thành lập hội đồng. Năm 1950, dù trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, ta vẫn có gần 6 triệu chữ ký để hưởng ứng “Lời kêu gọi Stockholm về cấm vũ khí hạt nhân”.

Kỳ cuối: Thành tựu lịch sử và những bài học -0
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, ngày 8/5/1954. Ảnh Tư liệu TTXVN.

Hiện nay, Việt Nam tham gia ngày càng chủ động và có những đóng góp thực chất, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu chung của Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế. Nổi bật là việc ta tham gia tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình. Trong vòng 10 năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam đã liên tục có sự trưởng thành. Tính đến nay, Việt Nam đã cử gần 800 lượt cán bộ, nhân viên của lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ tại các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei. Việt Nam hiện đứng 45/120 nước thường xuyên triển khai quân số tại các phái bộ thực địa và đang có 4 sĩ quan quân đội, cảnh sát thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở LHQ, trực tiếp tham gia vào các cơ quan chỉ đạo phái bộ, xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách về gìn giữ hòa bình LHQ.

Tổng Thư ký LHQ, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và Cố vấn quân sự LHQ nhiều lần biểu dương và gửi thư cảm ơn sự đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Qua đó, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của LHQ và cộng đồng quốc tế, góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, từ đó thúc đẩy hợp tác và phát triển, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Linh Chi - Khánh Linh
.
.