Bài II: Cầu nối của những thông điệp hòa bình
Trong suốt hội nghị Geneva, công tác báo chí, tuyên truyền đóng một vai trò quan trọng vào thành công của hội nghị, dẫn tới việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, tạo khung pháp lý cho Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương.
Một mặt, công tác báo chí, tuyên truyền giúp đồng bào, chiến sỹ thêm hiểu, tin tưởng vào đường lối kháng chiến và thắng lợi tất yếu của dân tộc Việt Nam. Về đối ngoại, nó là cầu nối, giúp Việt Nam truyền tải thông điệp về hòa bình và quyền dân tộc cơ bản là độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tới thế giới. Từ đó, tạo thêm thế và lực cho ta trong lần đầu tiên tham dự cuộc đàm phán quốc tế quan trọng của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Từ nỗ lực của báo chí trong nước
Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân năm 1953-1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở mặt trận ngoại giao, đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) chính thức dự Hội nghị Geneva với 8 bên, trong đó có 5 nước lớn gồm Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Anh. Thông tin về hoạt động của đoàn tại Geneva được báo chí trong nước, chủ yếu là các báo Nhân Dân và Cứu Quốc cập nhật thường xuyên. Với báo Nhân Dân, nếu các số ra trước mốc thời gian khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương 8/5/1954 là 5 ngày/kỳ thì từ mốc 9/5/1954 tăng lên 3 ngày/kỳ.
Trang nhất của tờ Nhân Dân số 183 từ ngày 9/5-11/5/1954 dành phần lớn để đưa tin về việc đoàn đại biểu nước Việt Nam DCCH tới Geneva và tuyên bố của trưởng đoàn Phạm Văn Đồng ngay khi tới Thụy Sỹ. Trong quá trình đàm phán, báo Nhân Dân và Cứu quốc lần lượt mở chuyên mục “Tin hội nghị Giơ-ne” và “Tin tức hội nghị Giơ-ne” nhằm cập nhật diễn biến các phiên thảo luận, trích dẫn các tuyên bố, lập trường, tham luận của ta và các đoàn khác. Thông tin cập nhật luôn hàm chứa những thông điệp hòa bình, được truyền tải một cách kiên trì, thuyết phục, giúp đồng bào đặt trọn niềm tin vào cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo chí trong nước cũng phản ánh rõ sự ủng hộ, giúp đỡ của kiều bào, bạn bè quốc tế và công cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu nhằm phá hoại hội nghị. Tờ Cứu quốc số 2309 ngày 29/5/1954 có bài: “42 đoàn đại biểu nhân dân Pháp đã đến Giơ-ne đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương”; số 2312 ngày 1/6/1954 có tin: “1.400 kiều bào ta ở Pháp gửi thư nhiệt liệt hoan nghênh phái đoàn Phạm Văn Đồng ở Hội nghị Giơ-ne”. Tờ Cứu Quốc số 2301 ngày 17/5/1954 còn có bài: “Đề cao cảnh giác đập tan âm mưu phá hoại Hội nghị Giơ-ne của đế quốc Mỹ”.
Bài viết phản ánh, việc Mỹ cử đại diện dự Hội nghị không phải là để giải quyết hai vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Khi bị cô lập tại hội nghị cũng như mâu thuẫn sâu sắc với Anh, đại diện Mỹ bí mật họp kín với đồng minh bàn về việc thành lập khối xâm lược ở Đông Nam Á, âm mưu trực tiếp đưa quân vào chiến tranh Đông Dương. Ngoài ra, cùng với việc tập trung vào những thông điệp lớn, báo chí còn đẩy mạnh tuyên truyền về những hành động nhân đạo của Việt Nam với các tù binh Pháp.
Báo Nhân Dân số 186 ngày 19/5/1954 có bài: “Nhân dân Pháp ngày càng thấm thía lòng nhân đạo của Hồ Chủ tịch”. Bài viết có đoạn: “Tiếng súng Điện Biên Phủ vừa dứt, những tù binh và thương binh địch đã được hưởng mọi sự chăm sóc ân cần chu đáo của ta. Ta đã tuyên bố cho địch nhận tù binh bị thương nặng của chúng về, và ta đã tùy điều kiện có thể mà tạo hoàn cảnh cho việc đó được tiến hành thuận tiện…
Tại Pháp, một lần nữa, nhân dân Pháp lại thấy rõ thêm tinh thần nhân đạo của Hồ Chủ tịch. Đoàn phụ nữ Pháp sang Giơ-ne đưa kiến nghị cho đại biểu các nước đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương, đã đến chào đoàn đại biểu ta để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch đối với thương binh địch ở Điện Biên Phủ”.
Đến góc nhìn của dư luận quốc tế
Quá trình đoàn ta đàm phán tại Hội nghị Geneva, nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Về phía báo chí Pháp, ngày 8/5/1954, khi hội nghị khai mạc, báo L’Humanité đăng trang trọng tuyên bố của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, trong đó nêu rõ dù ý định mở rộng chiến tranh của các nhà cầm quyền Mỹ và chính phủ Pháp nhằm can thiệp trực tiếp vào Đông Dương đã thất bại, nhưng nguy cơ vẫn còn. Bộ Chính trị yêu cầu tất cả các đảng viên cộng sản, tất cả các tổ chức của Đảng tham gia tích cực vào công cuộc vận động trực tiếp, đến gặp các nghị sĩ Quốc hội, chuyển tới họ những nguyện vọng của nhân dân, đồng thời ủng hộ các đoàn đại biểu của các chiến sĩ yêu nước đến Geneva.
Báo L’Humanité ở thời điểm đó số nào cũng có bài viết ủng hộ lập trường của ta. Nhà báo Madeleine Riffaud, thành viên của Đảng Cộng sản Pháp từng chia sẻ, có người Pháp đã nói rằng nếu muốn biết quan điểm của Việt Nam thì chỉ cần đọc tờ L’Humanité. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình lớn của những người ủng hộ phong trào phản chiến diễn ra ở Paris vào ngày 12 và ngày 13/6/1954 cũng như ngày 11/7/1954 đã gây sức ép rất lớn với phái đoàn đại biểu Pháp ở Hội nghị Geneva, góp phần làm sụp đổ chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel. Sau đó, nghị sĩ Mendès France thuộc phái chủ hòa lên làm thủ tướng và là trưởng đoàn đại biểu Pháp dự hội nghị.
Về phía nhân dân tiến bộ thế giới, họ biết và ủng hộ lập trường của ta thông qua báo chí với hàng ngàn tin bài tường thuật về hội nghị và các diễn biến liên quan. Theo nhà báo Guy Mettan, tác giả cuốn “Geneva thành phố hòa bình, từ Hội nghị 1954 về Đông Dương đến hợp tác quốc tế”, đã có tới hơn 2.000 phóng viên đến đưa tin về hội nghị trong khi dân số của bang này lúc bấy giờ chỉ hơn 200.000 người. Thụy Sỹ đã sửa lại một bách hóa cũ thành trung tâm báo chí với các khu vực làm việc khác nhau.
Ngoài các phòng telex, bưu chính, còn có hệ thống các đường điện thoại trực tiếp nối Geneva với Paris, New York, Moscow, Bắc Kinh... với hơn 40 điện thoại viên. Thành phố cũng mở các tuyến xe bus nối trung tâm báo chí với Cung điện các Dân tộc - nơi diễn ra hội nghị và nhà ga trung tâm… Đây được coi là thuận lợi lớn để công tác tuyên truyền của phái đoàn Việt Nam DCCH lan tỏa rộng rãi trong bối cảnh ta còn rất hạn chế về phương tiện. Ông Mettan cũng cho hay, báo chí cộng sản, tiến bộ thế giới còn tạo dư luận mạnh mẽ, đấu tranh, phản bác những tờ báo phản ánh sai lệch diễn biến hội nghị, lên án việc truy tố những người rải truyền đơn chống chiến tranh.
… và những câu chuyện hậu trường
Đằng sau công tác đưa tin ủng hộ Việt Nam của các tờ báo quốc tế hay sự hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình thế giới chính là việc áp dụng sách lược về tập hợp lực lượng bên ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn Đường kách mệnh, Bác phân tích công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức “chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình” và “muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp mình”. Quán triệt tư tưởng này, ngoài việc tham gia vào các phiên đàm phán, cán bộ trong đoàn ta rất chủ động gặp gỡ phóng viên báo chí quốc tế, tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, ra thông cáo, để họ có tư liệu viết, nhằm làm rõ lập trường chính nghĩa, thái độ thiện chí của ta, giải thích những điều họ chưa rõ về chủ trương, chính sách của ta.
Là một trong những thành viên phục vụ đoàn đàm phán, cố Thiếu tướng, GS.BS Nguyễn Sỹ Quốc kể lại trong tập hồi ký: Tháng 6 và tháng 7, thời điểm hội nghị tạm ngưng, cũng chính là lúc phái đoàn ta làm việc rất nhiều. Mỗi ngày có từ 20-25 đoàn tới thăm phái đoàn với nhiều loại hình và tầng lớp xã hội. Điều đặc biệt là, có nhiều đoàn Pháp ấn tượng với cách bố trí trong căn phòng tiếp khách của đoàn ta. Phòng khách có ảnh Hồ Chủ tịch, quốc kỳ Việt Nam và Pháp treo ngang nhau. Có người hỏi: “Các ông đánh nhau với chúng tôi, sao lại treo cờ chúng tôi”. Đáp lại, đoàn ta phân tích rằng Việt Nam không đánh nhau với nhân dân Pháp và nước Pháp, ta chỉ đánh đuổi quân hiếu chiến xâm lược, mong muốn hội nghị thành công trong công lý và bình đẳng, đồng thời cảm ơn nhân dân Pháp đã giúp đỡ về tinh thần. Câu trả lời chân thành và đầy chân lý ấy có lẽ đã làm xúc động trái tim nhiều người.
Như vậy, trong công tác báo chí, tuyên truyền khi đàm phán tại Hội nghị Geneva, phía ta dù còn khó khăn về nhiều mặt, nhưng đã xác định được chính xác từng thành phần để đưa ra những nội dung tuyên truyền phù hợp, quy tụ được sự ủng hộ lớn lao của đồng bào trong và ngoài nước cũng như dư luận thế giới, góp phần củng cố thêm lợi thế đàm phán cho ta, dẫn tới việc ký kết Hiệp định đình chiến.