Bầu cử Argentina: Ông Milei giành chiến thắng
Với kết quả tạm thời được công bố, “Người sói” Javier Milei đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Argentina bằng một chiến dịch được so sánh với chiến dịch của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cú lội ngược dòng của “Người sói”
Với 94% phiếu đã kiểm, ông Milei có hơn 55% phiếu bầu, trong khi đối thủ là ông Sergio Massa chỉ được hơn 44%. Đây chỉ là kết quả tạm thời, bởi vẫn còn vài phần trăm phiếu chưa kiểm và Cơ quan Bầu cử quốc gia Argentina vẫn chưa tuyên bố người chiến thắng chính thức.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả tạm thời đó, ông Massa đã thừa nhận mình thua cuộc trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 hôm 19/11 vừa qua. Trong một bài phát biểu ngắn gọn ngay cả trước khi kết quả được công bố, ông Massa đã thừa nhận “ông Milei là tổng thống được bầu cho 4 năm tới”. Sau đó ông đã gọi điện chúc mừng ông Milei.
Chiến thắng của ông Milei đánh dấu sự thăng tiến phi thường của cựu chuyên gia truyền hình, người tham gia cuộc đua chức tổng thống với tư cách là một “người ngoài cuộc” về chính trị với lời hứa “phá bỏ hiện trạng” - với ông Massa là một điển hình tiêu biểu để ông Milei nhắm vào.
Phản ứng của thế giới, trước tiên là thái độ ăn mừng rôm rả của cánh hữu toàn thế giới, biểu hiện rõ nét nhất là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Hai cựu tổng thống vui mừng nhất bởi vì tất cả những gì ông Milei thể hiện - từ lời nói, cử chỉ, hành động cho đến các câu khẩu hiệu, lời hứa - kể từ khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử đều phản chiếu hình bóng của “Trump” hoặc “Bolsonaro”. Dư luận đã không ngần ngại gọi ông Milei là “một Trump khác ở Argentina”.
Tại cuộc bỏ phiếu vòng 1, ông Massa đã giành chiến thắng với 36,6% phiếu, còn “Người sói” Milei được xem như thất bại khi về nhì với 29,9% phiếu. Tuy nhiên, giới bình luận khi đó đã nói rằng kết quả thắng lợi vòng 1 của ông Massa là không chắc chắn và ông có thể bị đánh bại ở vòng 2 bởi một số yếu tố ngoài tầm kiểm soát của ông. Bản thân ông Milei sau vòng 1 cũng tự tin vào chiến thắng của mình ở vòng 2. Dấu hiệu rõ nhất cho sự tự tin của ông Milei nằm ở nhân tố quyết định “ai sẽ là vua” - đó là ứng cử viên về thứ ba ở vòng 1, bà cựu Bộ trưởng An ninh Patricia Bullrich của đảng United for Change. Ngay sau khi kết quả vòng 1 được công bố chính thức, bà Bullrich đã tuyên bố sẽ mang toàn bộ cử tri ủng hộ mình “bàn giao” cho ông Milei, bởi bà đã thề không bao giờ trở thành “đồng minh” với những người theo chủ nghĩa dân túy Peronist.
Chính sách “đô la hóa” liệu có khả thi?
Lời hứa gây chấn động nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Milei chính là “đô la hóa” Argentina, tức là từ bỏ đồng nội tệ peso để chuyển sang sử dụng đồng USD như đồng tiền chính thức của quốc gia. Nếu được thực thi, chính sách này sẽ đẩy Argentina vào một địa vị hoàn toàn mới: Trước nay chưa từng có quốc gia nào có quy mô như Argentina chuyển giao quyền điều hành chính sách tiền tệ của mình cho những người ra quyết định ở Washington! Điều đó đồng nghĩa với việc “mất chủ quyền” về tài chính của quốc gia.
Thực ra, đây không phải lần đầu Argentina “đô la hóa” nền kinh tế đất nước. Một hình thức nhẹ nhàng hơn của chính sách này đã từng được thử nghiệm vào đầu những năm 1990. Khi đó, sau giai đoạn suy thoái và siêu lạm phát, Chính phủ Argentina đã cố định tỷ giá ở mức 1 peso ăn 1 USD. Chiến lược này, được gọi là khả năng chuyển đổi, đã bị hủy bỏ vào năm 2002 sau một cuộc suy thoái sâu sắc và các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố chống lại các hạn chế rút tiền ngân hàng khiến chính sách đó không thể đứng vững được.
Ông Milei, Tổng thống đắc cử của Argentina muốn tiến xa hơn. Theo đề xuất của ông, Ngân hàng Trung ương Argentina trên thực tế sẽ bị bãi bỏ và nền kinh tế sẽ bị “đô la hóa” hoàn toàn. Điều này có nghĩa là chính sách tiền tệ của Argentina sẽ được hoạch định ở Washington chứ không phải ở Buenos Aires.
Ông Milei cho rằng mục tiêu của ông trong việc áp dụng chính sách “đô la hóa” là vì muốn nền kinh tế ổn định và đi lên, thoát khỏi tình trạng lạm phát phi mã gây khó khăn cho đời sống người dân. Cũng không khó để hiểu tại sao 56% cử tri ủng hộ ông Milei. Nền kinh tế Argentina trong những năm gần đây xuống dốc nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế chung toàn cầu. Hiện nay, tỉ lệ lạm phát ở nước này đang ở mức 140% và hạn hán kéo dài 3 năm đã khiến sản xuất nông nghiệp sụt giảm mạnh. 2/5 người sống trong cảnh nghèo đói và đồng nội tệ peso đã mất 90% giá trị trong 4 năm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại đặt ra một số vấn đề cho chính sách “đô la hóa” của ông Milei. Đầu tiên, Argentina và Mỹ là những nền kinh tế rất khác nhau, do đó, chính sách tiền tệ phù hợp với Mỹ có thể không phù hợp với Argentina.
Vấn đề thứ hai thực tế hơn: Argentina lấy USD từ đâu? Hiện tại, Ngân hàng Trung ương hầu như không có dự trữ đồng USD và thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu để có được lượng dự trữ cần thiết để duy trì nền kinh tế. Về lý thuyết, ông Milei có thể nộp đơn xin vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhưng khả năng thành công sẽ không cao. Argentina là “con nợ” lớn nhất của IMF, hiện đang nợ tổ chức này 44 tỷ USD. IMF cũng nghi ngờ về việc liệu “đô la hóa” có khả thi trong ngắn hạn hay không. Đồng peso sẽ cần phải giảm giá đáng kể trước khi “đô la hóa” và đồng tiền yếu hơn sẽ đẩy giá cả lên cao khiến lạm phát cao hơn nữa.
Thứ ba, ngay cả khi có thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc từ bỏ đồng peso, cách xử lý của ông Milei có thể phản tác dụng. “Đô la hóa” là con đường một chiều - một canh bạc chính sách không có lối thoát có thể đẩy Argentina vào một lộ trình không bền vững và làm sụp đổ nền kinh tế.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng nếu không thận trọng, ông Milei sẽ đẩy đất nước vào thảm họa kinh tế thay vì vực dậy như mục tiêu đề ra.