Bầu cử Australia: Điều gì làm nên thắng lợi vang dội của Thủ tướng Albanese?
Đảng Lao động của Thủ tướng Anthony Albanese đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử liên bang Australia diễn ra ngày 3/5, giành số ghế áp đảo tại Quốc hội. Một kết quả đồng nghĩa việc ông Albanese sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của Australia tái đắc cử sau 2 thập kỷ.
Chiến thắng ngoạn mục
Hơn 18 triệu cử tri Australia đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang lần thứ 48 diễn ra ngày 3/5 vừa qua, một trong những tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất trong lịch sử quốc gia này. Và, bức tranh chính trị tích cực đó càng làm nổi bật hơn thắng lợi lịch sử mà đảng Lao động của Thủ tướng Anthony Albanese giành được trong cuộc bầu cử năm nay.

Việc kiểm phiếu chính thức sẽ cần nhiều ngày nữa để hoàn tất, nhưng theo Đài Truyền hình quốc gia Australia (ABC), đảng Lao động đang trên đà giành tới 86 hoặc 87 trên tổng số 150 ghế tại Quốc hội. Cụ thể, đến tối 4/5, đảng này nhận được 34,83% phiếu bầu sơ bộ, khoảng 4,58 triệu phiếu và giành được 85 ghế. Từ nay đến khi có kết quả kiểm phiếu cuối cùng, đảng Lao động nhiều khả năng sẽ nhận thêm ít nhất 1 ghế nữa do liên minh bảo thủ giữa đảng Tự do và đảng Quốc gia đã nhận thất bại nặng nề trên toàn quốc. Liên minh này chỉ giành được khoảng 40 ghế sau khi mất ít nhất 13 ghế tại các địa bàn chiến lược vào tay đảng Lao động, tính theo số liệu tối 4/5.
Lãnh đạo liên minh, ông Peter Dutton, người cũng đã mất ghế tại Quốc hội sau 24 năm do thua bà Ali France của đảng Lao động ở khu vực bầu cử Dickson (bang Queensland), cho biết ông nhận “hoàn toàn trách nhiệm” về thất bại của đảng mình tại cuộc bầu cử liên bang năm nay.
Chiến thắng của đảng Lao động giúp ông Albanese trở thành Thủ tướng Australia đầu tiên tái đắc cử kể từ sau cựu Thủ tướng John Howard năm 2004. Đây là bước ngoặt đáng chú ý so với đầu năm, khi các cuộc thăm dò dư luận tại Australia cho thấy mức độ ủng hộ đối với chính phủ của ông Albanese rơi xuống mức thấp kỷ lục sau 3 năm kinh tế suy thoái.
Với tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh, ông Albanese bị xem là ứng cử viên yếu thế khi bước vào cuộc bầu cử và được dự báo có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của “lời nguyền đương nhiệm” - một thuật ngữ đang phổ biến rộng rãi để giải thích xu hướng toàn cầu khi các cử tri đang gặp khó khăn sẽ loại bỏ chính phủ sau một nhiệm kỳ. Nhưng, cuối cùng, chính trị gia 62 tuổi này đã lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục.
Bây giờ, đảng Lao động đã giành được thắng lợi vượt xa con số 76 phiếu cần thiết để thành lập chính phủ đa số và ông Albanese sẽ có nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình. Chỉ ít giờ sau khi kết thúc cuộc bầu cử, vào lúc 22 giờ ngày 3/4 (giờ địa phương), Thủ tướng Albanese đã bước lên sân khấu tại Sydney để chia vui với những người ủng hộ. “Hôm nay, người dân Australia đã bỏ phiếu cho các giá trị của Australia: sự công bằng, khát vọng và cơ hội cho tất cả mọi người”, ông Albanese xúc động phát biểu.
Khi người Australia chọn sự ổn định
Thắng lợi của đảng Lao động báo hiệu sự kết thúc của tình trạng thay đổi lãnh đạo đã định hình nền chính trị Australia suốt từ đầu thiên niên kỷ. Đất nước này đã có 6 thủ tướng khác nhau trong 18 năm qua, hầu hết trong số họ chỉ tại vị khoảng 3 năm, phù hợp với tần suất bầu cử Quốc hội 3 năm một lần. Bây giờ, một chiến thắng áp đảo và đa số ghế trong Quốc hội sẽ giúp ông Albanese có thêm 3 năm tại vị hoặc lâu hơn nữa. Điều đó mang lại cho vị thủ tướng 62 tuổi cơ hội định hình nền chính trị của đất nước theo đường lối của ông và đảng Lao động theo cách mà không một nhà lãnh đạo nào từng làm được suốt 2 thập kỷ qua.

Kết quả bầu cử cũng cho thấy người dân Australia muốn tìm kiếm sự ổn định trong bối cảnh thế giới chao đảo vì những biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu và căng thẳng thương mại do các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thậm chí, nhiều nhà phân tích còn cho rằng, “hiệu ứng Donald Trump” đóng vai trò then chốt trong thắng lợi của đảng Lao động cũng như trong thất bại của Liên minh Tự do - Quốc gia ở cuộc bầu cử Australia năm nay.
Lãnh đạo đảng Tự do Peter Dutton có quan điểm chính trị khá tương đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chương trình nghị sự của mình, ông cũng có xu hướng “sao chép” các chính sách của Tổng thống Trump, từ kế hoạch thành lập một cơ quan tương tự Bộ Hiệu quả chính phủ mà tỷ phú Elon Musk từng phụ trách bên kia đại dương cho đến khẩu hiệu “đưa nước Úc trở lại đúng hướng” gợi nhớ tới “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và cả quan điểm xử lý nghiêm khắc vấn đề di cư, giống như ông Trump.
Ông Dutton cũng có những phát biểu nhằm hạ thấp tính chính danh của một số cơ quan truyền thông - đặc biệt là khi gọi Guardian Australia và Đài Truyền hình quốc gia ABC là những “phương tiện truyền thông thù địch”. Trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông còn thổi bùng thêm cuộc chiến văn hóa bằng cách nói rằng các nghi lễ chào mừng đến đất nước của những người yêu mến truyền thống bản địa đã “quá đà”. Bình luận của ông được đưa ra sau khi một kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít la ó một người lớn tuổi trong các buổi lễ vào Ngày Anzac, khi Australia tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh.
Trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ những căng thẳng thương mại từ những chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chương trình nghị sự theo “phong cách Donald Trump” mà ông Dutton theo đuổi đã chịu tác dụng ngược. “Cử tri muốn ổn định thay vì thay đổi. Trong thời điểm toàn cầu bất ổn này, người dân Australia đã chọn sự lạc quan và quyết tâm”, Thủ tướng Albanese giải thích khi cảm ơn cử tri Australia đã bầu cho đảng Lao động. “Chúng ta không cần phải cầu xin, vay mượn hay sao chép từ bất kỳ nơi nào khác. Chúng ta không tìm kiếm nguồn cảm hứng ở nước ngoài. Chúng ta tìm thấy nó ngay tại đây, trong các giá trị và con người của chúng ta”.
Kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ 2 của ông Albanese?
Trong bài phát biểu chiến thắng vào tối 3/5, Thủ tướng Albanese đã đề cập đến một số vấn đề quan trọng của cuộc bầu cử. Ông nhắc lại lời hứa sẽ làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe - quan trọng nhất là các cuộc hẹn với bác sĩ gia đình - trở nên hợp túi tiền hơn, cũng như lời hứa giúp nhiều người Australia có thể mua nhà hơn và hành động nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Theo Báo Sydney Morning Herald, ông Albanese nhiều khả năng sẽ công bố các khoản cắt giảm thuế nhằm giảm chi phí sinh hoạt cho hơn 12 triệu người lao động. Bên cạnh đó, đảng Lao động cũng cần thực hiện lời hứa chi 10 tỷ đô-la Australia để xây dựng 100.000 ngôi nhà dành riêng cho người mua nhà lần đầu.
Chính phủ của ông Albanese đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và loại bỏ dần than. Trong chiến dịch tranh cử, Liên minh Tự do - Quốc gia đe dọa sẽ hủy bỏ các biện pháp khí hậu này của đảng Lao động và bám sát vào một kế hoạch bị chỉ trích nhiều là khởi động ngành công nghiệp điện hạt nhân từ con số 0. Nhưng, giờ, khi đảng Lao động thành lập được chính phủ đa số, họ có thể đảm bảo rằng những mục tiêu khí hậu của mình tiếp tục đi đúng lộ trình.
Đáng chú ý, ông Albanese cũng cam kết thúc đẩy hòa giải cho người dân bản địa: “Chúng ta sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn khi thu hẹp khoảng cách giữa người Australia bản địa và người Australia không phải bản địa”. Đây là lời ám chỉ ngầm đến khoảnh khắc quan trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Albanese: Cuộc trưng cầu dân ý không thành công vào tháng 10/2023 nhằm mục đích công nhận thổ dân Australia và dân đảo Torres Strait trong hiến pháp, đồng thời thành lập một cơ quan cố vấn quốc hội cho họ. Đến nay, Australia vẫn là quốc gia duy nhất trong Khối thịnh vượng chung chưa bao giờ ký hiệp ước với người bản địa.
Trong chính sách đối ngoại, chính phủ đảng Lao động của Thủ tướng Anthony Albanese cũng sẽ theo đuổi chính sách cân bằng và đa dạng hóa các mối quan hệ chiến lược. Australia sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ bất chấp những đe dọa áp thuế quan với Australia của Tổng thống Donald Trump. Và, trong khi từ chối tham gia cùng Bắc Kinh phản ứng cứng rắn trước các mức thuế quan của Mỹ, Canberra cũng cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Theo Báo The Australian, Thủ tướng Albanese đã lên kế hoạch thực hiện các chuyến thăm sớm tới Mỹ, Indonesia và có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Malaysia nhằm củng cố quan hệ khu vực cũng như các đối tác quốc tế. Đánh giá về nhiệm kỳ thứ hai của ông Albanese, bà Amy Remeikis - chuyên gia phân tích chính trị trưởng tại Viện nghiên cứu Australia, cho rằng đảng Lao động đã đi theo “con đường trung dung” với nền tảng chính sách của mình, nhưng giờ là lúc họ cần quyết đoán hơn.
“Thông điệp dành cho đảng Lao động lần này không phải là tiếp tục cung cấp cho mọi người những gì giống như lần trước và gọi đó là “ổn định”, mà hãy tận dụng cơ hội được trao để thay đổi mọi thứ”, bà Remeikis cho biết.