Bầu cử ở Thái Lan: Sự trở lại của nhà Shinawatra?

Thứ Tư, 10/05/2023, 18:11

Cuộc bầu cử Quốc hội ở Thái Lan đang bước vào giai đoạn nước rút với sự tham gia của một thành viên thế hệ mới của dòng họ Shinawatra - bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử.

Nhưng, hệ thống chính trị Thái Lan cực kỳ khó khăn cho việc bà Paetongtarn lên nắm quyền ngay cả khi đảng của bà giành chiến thắng.

Bầu cử ở Thái Lan: Sự trở lại của nhà Shinawatra? -0
Bà Paetongtarn Shinawatra.

Khuôn mặt của bà Paetongtarn Shinawatra rạng rỡ khi phát biểu qua màn hình trước đám đông những người ủng hộ mình trong một sự kiện vận động tranh cử vào đầu tháng 4/2023. “Tôi rất vui khi có cơ hội nói chuyện với các bạn, người dân Chiang Mai”.

Tại sự kiện đó, bà Paetongtarn đã mang thai được 8 tháng rưỡi và không thể đi lại trong giai đoạn cuối của chiến dịch vận động bầu cử. Thay vào đó, từ một bệnh viện ở Bangkok bà nói chuyện qua video với người ủng hộ mình ở Chiang Mai. Đầu tháng 5/2023, bà Paetongtarn đã sinh hạ một bé trai. Ngay sau khi sinh con, bà đã hăm hở và sẵn sàng đi vận động tranh cử trong những ngày cuối cùng trước bầu cử.

Năm nay mới 36 tuổi, còn rất trẻ, bà Paetongtarn đang tranh cử để trở thành Thủ tướng Thái Lan. Bà là con út trong 3 người con của ông Thaksin và bà Potjaman Damapong, lớn lên ở Bangkok, theo học các trường tư thục ở trung tâm thành phố. Bà tiếp xúc với chính trị từ khi còn nhỏ và thường đi theo cha mình khi ông làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Bầu cử ở Thái Lan: Sự trở lại của nhà Shinawatra? -0
Người ủng hộ bà Paetongtarn Shinawatra tại một cuộc tập hợp cử tri.

Cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 14/5 sau khi Vua Maha Vajiralongkorn tán thành sắc lệnh giải tán Quốc hội, theo một thông báo trên Công báo Hoàng gia hôm 20/3 và một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong khoảng thời gian từ 45 đến 60 ngày sau khi giải tán Quốc hội.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính năm 2014, sẽ tái tranh cử trong thành phần một đảng mới, đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (United Thai Nation, UTN). Tuy nhiên, theo một phán quyết của Tòa án Hiến pháp, ông chỉ được phép tại nhiệm 2 năm nữa vì đã đủ giới hạn nhiệm kỳ 8 năm.

Cuộc bầu cử vào tháng 5 sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ của thanh niên vào năm 2020 làm rung chuyển Thái Lan, kêu gọi kiểm soát quyền lực của chế độ quân chủ và viết lại hiến pháp do quân đội hậu thuẫn. Cuộc biểu tình tạm dừng vào năm 2021, khi chính quyền bắt đầu đưa ra các cáo buộc pháp lý, bao gồm cả theo luật khi quân nghiêm khắc, có mức án lên đến 15 năm tù. Ít nhất 1.890 người, trong đó có 284 thanh niên dưới 18 tuổi, đã bị buộc tội.

Tại cuộc bầu cử lần này, bà Paetongtarn sẽ đối đầu với đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha và ông Prawit Wongsuwon. Nếu thành công, bà Paetongtarn sẽ là thành viên thứ tư của gia đình Shinawatra trở thành Thủ tướng. Em rể của ông Thaksin, Somchai Wongsawat, từng làm thủ tướng một thời gian ngắn trong năm 2008 và em gái ông là bà Yingluck Shinawatra làm thủ tướng từ năm 2011 đến năm 2014. Cả hai đều bị buộc thôi chức theo phán quyết của tòa án.

Bầu cử ở Thái Lan: Sự trở lại của nhà Shinawatra? -0
Ông Thaksin Shinawatra.

Tại cuộc vận động cử tri ở Chiang Mai, những người ủng hộ bà Paetongtarn ngồi thành hàng dài trước màn hình để nghe bà nói chuyện. Chiang Mai là quê hương của cha bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - chính trị gia nổi tiếng nhất và gây chia rẽ nhất của đất nước Thái Lan. Ông và em gái của mình bị quân đội bảo hoàng phản đối quyết liệt. Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006, còn bà Yingluck bị cách chức năm 2014. Cả hai đều sống lưu vong để tránh các vụ kiện pháp lý.

Tại một cuộc tập hợp cử tri hồi tháng 4/2023 ở Nonthaburi, phía Bắc Bangkok, Paetongtarn, được gọi là Ung Ing, đã chính thức được công bố là một trong 3 ứng cử viên thủ tướng cho đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử vào tháng 5. Pheu Thai là đảng có mối liên hệ với ông Thaksin. Bà nói với đám đông: “Chúng tôi sẽ giúp mang lại nền dân chủ, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân và mang lại sự giàu có cho đất nước”.

Khi cuộc khủng hoảng chính trị của ông Thaksin xảy ra, Paetongtarn đang là sinh viên đại học. Đối với các cử tri nông thôn ở phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan, ông Thaksin là một người hùng. Ông là chính trị gia đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của họ với tư cách là cử tri và đưa ra các chính sách như bảo hiểm y tế toàn phần đã tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của họ.

Attachak Sattayanurak thuộc khoa lịch sử của Đại học Chiang Mai cho biết: “Ngày xưa, chúng tôi có một câu nói phổ biến - mọi người sẽ nói rằng họ bán ruộng để lấy thuốc. Các chính sách của ông Thaksin cho phép người dân ở các vùng nông thôn có cơ hội thăng tiến và họ tham gia nhiều hơn vào chính trị. Ông ấy đã biến người Thái thành công dân Thái”. Nhưng, đối với những người bảo thủ theo chủ nghĩa bảo hoàng, Thaksin là một doanh nhân tham nhũng, kẻ đã khai thác đất nước phục vụ lợi ích của mình và sự nổi tiếng của ông là mối đe dọa đối với chế độ quân chủ của đất nước.

Bầu cử ở Thái Lan: Sự trở lại của nhà Shinawatra? -0
Bà Yingluck Shinawatra.

Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2006, Paetongtarn đang theo học Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, một trường đại học ưu tú, bảo thủ. Một trong những người bạn đại học cũ của bà cho biết trong nhóm khoảng 200 sinh viên khoa học chính trị cùng năm với Paetongtarn, chỉ có 10 người đồng cảm với ông Thaksin. Trong lớp, các giáo sư đã không giấu giếm sự ghét bỏ của họ đối với cha cô. Trong khuôn viên trường, sinh viên treo những tấm áp phích hình gương mặt ông Thaksin bị gạch chéo; bạn bè của Paetongtarn đã phải lái cô đi theo hướng khác để không phải đi ngang qua những tấm hình đó.

Ngày 19/9 năm đó, mẹ của Paetongtarn gọi điện thông báo rằng xe tăng đang ở trên đường phố. Cô không thể về nhà mà nên lái xe thẳng đến một ngôi nhà an toàn; cha cô, người đang ở nước ngoài tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã bị lật đổ. Paetongtarn đã rất sợ hãi. 8 năm sau, người cô Yingluck của bà bị cách chức theo phán quyết của tòa án và quân đội lại lên nắm quyền.

Napon Jatusripitak, một thành viên khách mời tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết những ký ức như vậy đã “nung nấu quyết tâm giành lấy quyền lực của bà ấy, cho dù đó là vì Pheu Thai, những người ủng hộ đảng này, cho chính bà ấy hay cho cha bà ấy”.

Sau khi tốt nghiệp, Paetongtarn học quản lý khách sạn tại Đại học Surrey ở Guildford, Anh và sau đó trở về Thái Lan để làm việc trong đế chế kinh doanh của gia đình. Năm 2021, bà được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng cho Pheu Thai và năm nay được chọn là một trong 3 ứng cử viên thủ tướng của đảng này.

Paetongtarn và đảng của bà đã thể hiện tốt trong các cuộc thăm dò cử tri và trong một cuộc họp báo được tổ chức vài ngày sau khi sinh con hồi đầu tháng 5, bà nói rằng bà tự tin về một chiến thắng áp đảo. Bà đã được thăng chức nhờ cái tên Shinawatra, cái tên đã tỏ ra bất khả chiến bại trong cuộc bỏ phiếu và đã đưa ra các chính sách như tăng mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, bà phải đối mặt với câu hỏi liệu bà có đủ kinh nghiệm chính trị để điều hành đất nước hay không.

Bà Paetongtarn phải đối mặt với những thách thức khác. Hệ thống chính trị Thái Lan được thiết lập sau cuộc đảo chính năm 2014 thiên về các ứng cử viên có quan hệ với quân đội như đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu tướng lãnh đạo cuộc đảo chính và ông Prawit Wongsuwan, một thành viên của chính quyền quân sự. 250 thượng nghị sĩ của Thái Lan do quân đội bổ nhiệm đều có tiếng nói trong việc lựa chọn thủ tướng tiếp theo. Điều đó có nghĩa là cuộc bầu cử tháng này là không thể đoán trước: ngay cả khi đảng của bà Paetongtarn giành được nhiều ghế nhất, bà có thể không được nắm quyền.

Bà Paetongtarn cũng phải vật lộn với yêu cầu của thế hệ trẻ. Vào năm 2020, những người trẻ đã xuống đường để yêu cầu cải cách chế độ quân chủ hùng mạnh của đất nước và luật về tội khi quân nghiêm khắc của quốc gia này - một chủ đề mà bà đã cẩn thận xem xét. Đảng đối lập Move Forward là đảng duy nhất đã giải quyết vấn đề này. Rồi nhiều người đã đổ xô đến ủng hộ đảng Move Forward. Đảng này đã thu hút một lượng lớn cử tri trẻ tuổi tham gia các cuộc mít-tinh, bao gồm một sự kiện gần đây ở Chiang Mai.

Panuwat Panduprasert, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chiang Mai, cho biết Pheu Thai đã nỗ lực thu hút các cử tri trẻ tuổi bằng cách nói về quyền bình đẳng của người đồng tính và hứa hẹn chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Khi được hỏi liệu bà có ủng hộ cải cách luật khi quân nghiêm khắc khét tiếng của Thái Lan hay không, bà Paetongtarn cho biết điều này nên được thảo luận tại Quốc hội. Hơn 230 người, bao gồm cả trẻ em, đã bị buộc tội theo luật này kể từ sau các cuộc biểu tình năm 2020.

Ngay cả khi đảng Pheu Thai có thể xoay xở để đảm bảo đủ sự ủng hộ để thành lập chính phủ, đảng này vẫn có thể phải đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài nghị viện, bao gồm cả từ các tòa án. Các khiếu nại chống lại đảng này đã được gửi đến Ủy ban Bầu cử quốc gia.

Rồi thì ông Thaksin đã lên tiếng bảo rằng ông muốn trở lại Thái Lan càng làm tăng thêm nguy cơ bất ổn. Ông bị kết án vắng mặt vì các vụ án liên quan đến tham nhũng và sẽ phải ngồi tù nếu quay trở lại Thái Lan. Panuwat Panduprasert, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chiang Mai, cho biết việc quay trở lại có thể dẫn đến các cuộc biểu tình, dẫn đến một cuộc đảo chính khác.

Thaksin, một cựu cảnh sát và ông chủ một tập đoàn viễn thông lớn, đã có được một lượng lớn người hâm mộ trung thành, đặc biệt là cử tri nông thôn ở miền Bắc Thái Lan, sau khi ông đưa ra các chính sách như chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền. Tuy nhiên, ông bị giới thượng lưu ở Bangkok phản đối kịch liệt, họ cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Các nhóm nhân quyền cũng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc đàn áp bạo lực chống ma túy của ông, khiến 2.500 người thiệt mạng. Napon Jatusripitak, một thành viên khách mời tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết Thai Rak Thai, đảng cũ của ông Thaksin, là “đảng duy nhất đề xuất các chính sách một cách đáng tin cậy và thực hiện những hứa hẹn về chính sách này theo cách cải thiện cụ thể phúc lợi của người dân trên quy mô lớn. Chính sách đó có tác động lâu dài đến sở thích chính trị của mọi người”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.