Bầu cử quốc hội Pháp: Vòng hai gay cấn
Vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào ngày 12-6 vừa qua với kết quả gần ngang bằng giữa hai liên minh chính trị lớn nhất. Trong đó, liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron nhỉnh hơn liên minh cánh tả với tỉ lệ rất mong manh, hứa hẹn cuộc đua ở vòng 2 sẽ hết sức gay cấn.
Tổng thống Macron vừa tái đắc cử vào tháng 4 sau khi vượt qua bà Marine Le Pen của đảng cực hữu National Rally (Tập hợp quốc gia), cần đa số ủng hộ trong quốc hội để thuận lợi cho cho việc thông qua các đề xuất cắt giảm thuế và thực hiện thay đổi đối với hệ thống phúc lợi. Kết quả bầu cử quốc hội sẽ thiết lập cán cân quyền lực cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron, xác định năng lực của ông trong việc đưa ra các chính sách trong nước như tăng tuổi nghỉ hưu và cải tổ mạnh mẽ hệ thống phúc lợi.
Trên thực tế, kết quả sơ bộ vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội được Bộ Nội vụ Pháp công bố hôm 13-6 như sau: Liên minh trung dung do đảng Ensemble (Tập hợp cùng nhau) của Tổng thống Macron được 25,75% phiếu, còn liên minh cánh tả do đảng France Unbowed (Nước Pháp bất khuất) của chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon dẫn đầu, bao gồm cả đảng Xã hội và đảng Xanh, cũng giành được 25,66%, chênh lệch chưa đến 0,1 điểm phần trăm.
Trước khi bước vào cuộc bầu cử vòng 1, liên minh của Tổng thống Macron đã hy vọng sẽ tiếp tục giành được thế đa số trong quốc hội để thuận lợi hơn cho tổng thống trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Thế nhưng, thực tế cho thấy thái độ của cử tri đã không được tốt. Tỉ lệ đi bầu ở vòng 1 được đánh giá là thấp nhất trong lịch sử bầu cử Quốc hội Pháp, chỉ 47% cử tri đi bỏ phiếu. Các ứng cử viên tham gia vòng bầu cử này đều cho rằng cử tri Pháp đang tỏ ra giận dữ và thất vọng đối với tầng lớp chính trị bởi những gì diễn ra trong thực tế đã không đáp ứng được mong mỏi của cử tri.
Tình hình đáng thất vọng ở vòng 1 sẽ dồn sức ép lên vòng 2, sẽ diễn ra vào ngày 19-6 tới. Thời gian dành cho vòng 2 chỉ có đúng 1 tuần để các liên minh chính trị vận động cử tri.
Liên minh của Mélenchon - được gọi là Nupes, hay Liên minh xã hội và sinh thái bình dân mới - đang nỗ lực gia tăng số ghế trong quốc hội và giảm số lượng thành viên thuộc liên minh trung dung của Tổng thống Macron. Nền tảng tranh cử của liên minh Nupes bao gồm tăng lương tối thiểu đáng kể, hạ tuổi nghỉ hưu xuống 60, đóng băng giá thực phẩm và năng lượng cơ bản để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đối với hệ thống bầu cử trước sau như một dựa trên khu vực bầu cử của Pháp, số lượng ghế chính xác cho mỗi liên minh chính trị vẫn khó dự đoán. Thành phần các đảng phái chính trị trong quốc hội mới sẽ trở nên rõ ràng chỉ sau khi cuộc bỏ phiếu vòng 2 kết thúc.
Ngay sau khi kết quả sơ bộ vòng 1 được công bố, ông Mélenchon đã kêu gọi cử tri ủng hộ đảng France Unbowed đi bỏ phiếu nhiều hơn ở vòng 2 nhằm tạo tỉ lệ phiếu bầu cao hơn liên minh trung dung của Tổng thống Macron. Ông Mélenchon hô hào cử tri đi bỏ phiếu để “bác bỏ dứt khoát các chính sách tai hại của Tổng thống”. Ngược lại, Tổng thống Macron và các bộ trưởng cũng tăng cường vận động cử tri, cảnh báo ông Mélenchon là “kẻ nguy hiểm” và là “một kẻ cực đoan sẽ giết chết Liên minh châu Âu” và “liên minh với Nga”, sẽ “càng làm cho thế giới rối loạn hơn”.
Trong khi đó, đảng cực hữu National Rally của bà Le Pen, từng giành được 8 ghế vào năm 2017, hy vọng lần này sẽ có được ít nhất 15 ghế, cho phép đảng này thành lập một nhóm nghị viện và có được tầm nhìn rộng rãi hơn tại quốc hội. Mặc dù bà Le Pen về thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ cao trong lịch sử là 41%, hệ thống bỏ phiếu trước sau như một của nước Pháp luôn gây khó khăn cho đảng của bà trong các cuộc bầu cử quốc hội. Từ thành trì tranh cử Hénin-Beaumont, miền Bắc nước Pháp, bà Le Pen kêu gọi cử tri ủng hộ đảng của mình chống lại cái mà bà gọi là “phong cách chính trị tàn bạo của Macron”. Bà nói Pháp đang phải chịu đựng những vấn đề tệ hại làm tổn hại hình ảnh của Pháp.
Hãng thăm dò cử tri Ipsos dự báo liên minh trung dung của Tổng thống Macron có thể giành chiến thắng với khoảng 255 ghế (trên tổng số 577 ghế quốc hội), nhưng không đủ đa số (289 ghế) theo quy định. Trong khi đó, liên minh Nupes thiên tả cũng sẽ chiếm khoảng 190 ghế và đảng National Rally của bà Marine Le Pen có thể gia tăng số ghế rất mạnh, lên đến 45 ghế.
Chính phủ mới của ông Macron đã trải qua những tuần lễ đầu tiên đầy căng thẳng trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội, với các cuộc đình công tại bệnh viện và phản đối chi phí sinh hoạt.
Sau vòng 1, một số vị trí bộ trưởng trong nội các chính phủ cũng như một số chính khách được chờ đợi đã không giành được ghế, bị cử tri từ chối và mất ghế. Những người mất ghế, theo quy định, sẽ phải rời khỏi nội các. Sự mất người sẽ khiến cho việc đề xuất các chính sách của ông Macron càng thêm khó. Nếu đảng của ông Macron và các đồng minh không đảm bảo được thế đa số thì đó sẽ là một bước lùi cho Tổng thống Macron và có thể thúc đẩy các giao dịch rối rắm với các đảng cực hữu cho từng dự luật hoặc ông Macron sẽ phải làm một cuộc cải tổ nội các không mong muốn.