Bầu cử Tổng thống Indonesia: Người cũ, bối cảnh mới

Thứ Năm, 22/02/2024, 10:18

Với 85% số phiếu đã kiểm, cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia diễn ra hôm 14/2 vừa qua đã cho kết quả đúng như dự báo của giới quan sát: Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto giành số phiếu áp đảo so với đối thủ. Tuy vẫn còn khả năng diễn ra vòng 2 nếu ông không giành được tỉ lệ quá bán, nhưng nhiều người đã mạnh dạn dự đoán chiến thắng đang nằm trong tầm tay ông Prabowo.

Chiến thắng nhờ cử tri trẻ

Các kết quả không chính thức cho thấy ông Prabowo Subianto giành được gần 60% số phiếu - đủ để tránh một cuộc bầu cử tổng thống vòng 2, theo hãng tin nhà nước Antara, CNN chi nhánh CNN Indonesia và Reuters. Số liệu ban đầu được thực hiện bởi một loạt các tổ chức tư vấn phi chính phủ.

Bầu cử Tổng thống Indonesia: Người cũ, bối cảnh mới -0
Ông Prabowo Subianto.

Ông Prabowo nói với những người ủng hộ mình ở Jakarta rằng ông và người đứng chung liên danh Gibran Rakabuming Raka, con trai cả của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo, sẽ lãnh đạo đất nước “vì tất cả người dân Indonesia”. Trong bài phát biểu hôm 14/2, ông nói: “Chúng ta phải biết ơn và không được kiêu ngạo, không được phấn khích, chúng ta phải khiêm tốn. Chiến thắng này phải là chiến thắng của toàn thể người dân Indonesia”, ông Prabowo tuyên bố. “Tôi sẽ cùng với Gibran nuôi dưỡng và bảo vệ tất cả người dân Indonesia, bất kể bộ tộc, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và thành phần xã hội, người dân Indonesia có trách nhiệm bảo vệ”. Ông kêu gọi những người ủng hộ “bình tĩnh chờ đợi” cuộc bỏ phiếu được Ủy ban Bầu cử quốc gia công bố chính thức vào tháng 3 tới.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, cựu thống đốc nổi tiếng Anies Beswadan đứng thứ hai với khoảng 25,1% số phiếu bầu, còn đối thủ Ganjar Pranowo đứng thứ ba, với 16%. Theo Reuters, cả hai ứng cử viên có tỉ lệ phiếu thấp hơn đều phản đối kết quả ban đầu và cho biết còn quá sớm để đưa ra kết luận về cuộc bầu cử.

Bầu cử Tổng thống Indonesia: Người cũ, bối cảnh mới -0
Ba ứng cử viên: Prabowo Subianto, Ganjar Pranowo và Anies Baswedan.

Cả hai ứng cử viên Anies và Ganjar kêu gọi công chúng chờ đợi kết quả chính thức. Nhóm vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên này cho biết họ đang điều tra các báo cáo về vi phạm bầu cử, gọi đó là “gian lận có hệ thống, có hệ thống và quy mô lớn”, nhưng không đưa ra bằng chứng. Để giành chiến thắng ở vòng đầu tiên, ông Prabowo phải giành được hơn một nửa số phiếu.

Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư và là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Hơn 200 triệu người thuộc 38 tỉnh, thành đủ điều kiện bỏ phiếu cuộc bầu cử trong một ngày lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc tổ chức bầu cử ở quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này là một nỗ lực rất lớn. Đất nước vạn đảo trải dài trên 3 múi giờ, được tạo thành từ hơn 18.000 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 6.000 hòn đảo có người sinh sống và hơn 150 ngôn ngữ được sử dụng trên khắp lãnh thổ.

Các chuyên gia lưu ý rằng uy tín và sự nổi tiếng của ông Prabowo đã tăng lên kể từ cuộc bầu cử năm 2019, phần lớn nhờ vào sự ủng hộ ngầm của ông Jokowi. Năm nay, ông hợp tác với con trai cả của ông Jokowi là Gibran Rakabuming Raka và chọn ông này đứng chung liên danh, tranh cử chức phó tổng thống - một quyết định gây tranh cãi cũng làm dấy lên những chỉ trích gay gắt đối với ông Jokowi về cáo buộc can thiệp khi ông chuẩn bị rời nhiệm kỳ tổng thống.

Việc hợp tác với con trai ông Jokowi được đánh giá là nước cờ khôn ngoan của ông Prabowo, bởi nó phản ánh mối quan hệ chính trị giữa ông với Tổng thống Jokowi được tiếp nối một cách hoàn hảo. Đồng thời, mối quan hệ đó cũng mang lại lợi ích chính trị to lớn cho ông trong bối cảnh hiện tại uy tín của đương kim Tổng thống Jokowi còn cao do các thành quả lãnh đạo của ông tại đất nước Indonesia. Mặt khác, các chuyên gia lưu ý rằng, cử tri trẻ là yếu tố then chốt của cuộc bầu cử năm nay, với khoảng một nửa số cử tri đã đăng ký dưới 40 tuổi, theo Ủy ban Bầu cử quốc gia. Một người trẻ như Gibran đứng chung liên danh là một bảo đảm cho ông thu hút lực lượng cử tri trẻ nhiều hơn so với các ứng cử viên khác.

Bầu cử Tổng thống Indonesia: Người cũ, bối cảnh mới -0
Liên danh giữa hai ông Prabowo Subianto và Gibran Rakabuming Raka.

Quá khứ trong quân ngũ

Ông Prabowo Subianto Joyohadikusumo sinh năm 1951 (72 tuổi), xuất thân từ một gia đình chính trị ưu tú. Cha của ông là ông Sumitro Djojohadadikusumo, từng là Bộ trưởng Tài chính và Thương mại và ông nội là Margono đã thành lập Ngân hàng Nhà nước Negara Indonesia và lãnh đạo Hội đồng Cố vấn của Tổng thống Indonesia.

Ông đăng ký vào Học viện Quân sự Indonesia năm 1970 và chủ yếu phục vụ trong Lực lượng Đặc biệt (Kopassus) cho đến khi được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Tư lệnh dự bị chiến lược (Kostrad) vào năm 1998, dưới thời nhà độc tài quá cố Suharto. Ông được mô tả là một người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu.

Năm 1976, ông phục vụ trong Lực lượng Đặc biệt Kopassus của Quân đội Quốc gia Indonesia và được bổ nhiệm làm chỉ huy Nhóm 1 Komando Pasukan Sandhi Yudha (Kopassandha), một trong những đơn vị biệt kích Nanggala của quân đội Indonesia ở Đông Timor. Tại đó, ông đã chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ chống lại các nhóm ủng hộ độc lập trong thời gian Indonesia chiếm đóng quân sự kéo dài 24 năm ở Đông Timor, bao gồm cả vụ thảm sát năm 1983 khiến hàng trăm người, hầu hết là nam giới, bị giết ở làng Kraras. Trong số 22 nhà hoạt động bị bắt cóc năm 1998, 13 người hiện vẫn còn mất tích. Ông Prabowo luôn phủ nhận hành vi sai trái và chưa bao giờ bị buộc tội liên quan đến các cáo buộc. Một số người của ông đã bị xét xử và kết án.

Những cáo buộc liên quan các vụ bất tích trong thời gian ông còn trong quân ngũ đã đeo bám trong suốt sự nghiệp chính trị của ông. Ông bị cáo buộc đã ra lệnh bắt cóc các nhà hoạt động dân chủ trong những tháng cuối cùng của chế độ độc tài Suharto và bị loại ra khỏi quân ngũ khi chế độ Suharto sụp đổ. Sau đó, ông đã bị cấm đến Mỹ. Lệnh cấm này đã được bãi bỏ khi ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019.

Sau giai đoạn lịch sử đó, ông Prabowo đã từng bước thay đổi theo một chiều hướng tích cực hơn. Ông đã biến mình thành một người ủng hộ nền dân chủ sôi động của Indonesia, đồng thời bắt đầu xây dựng hình ảnh như một nhân vật “ông nội thân thiện”, đáng tin cậy và là một nhân vật chính trong chính trường trong suốt thập kỷ qua.

Đầu năm 2008, nhóm thân cận của ông Prabowo đã thành lập đảng Gerindra. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2009, ông tranh cử chức phó tổng thống đứng chung liên danh với bà Megawati Sukarnoputri, nhưng không thành công. Ông tranh cử tổng thống năm 2014 và bị Thống đốc Jakarta Joko Widodo đánh bại. Ông tiếp tục thực hiện một cuộc tranh cử tổng thống không thành công khác vào năm 2019 với Sandiaga Uno là người đứng chung liên danh và với sự hỗ trợ của đảng Gerindra, đảng Công lý Thịnh vượng (PKS), đảng Ủy nhiệm Quốc gia (PAN), đảng Dân chủ và đảng Berkarya. Việc ông từ chối chấp nhận kết quả đã khiến những người ủng hộ ông tổ chức các cuộc biểu tình gây ra bạo loạn chết người ở Jakarta. Tuy nhiên, sau một cuộc tranh cãi nảy lửa, hai cựu đối thủ đã gác lại những khác biệt khi Tổng thống Jokowi đưa ông Prabowo vào nội các với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, nhiệm kỳ 2019-2024.

Ngày 10/10/2021, đảng Gerindra công bố ông Prabowo Subianto là ứng cử viên của họ trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia năm 2024. Ngày 12/8/2022, ông Prabowo tuyên bố chấp nhận đề cử của đảng Gerindra.

Bầu cử Tổng thống Indonesia: Người cũ, bối cảnh mới -0
Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Prabowo sẽ có ý nghĩa gì?

Leena Rikkila Tamang, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hãng International IDEA cho biết: “Nhiều người cho rằng chiến thắng của ông Prabowo được coi là “sự tiếp nối các chính sách của ông Jokowi”. Zachary Abuza, giáo sư về các vấn đề an ninh và chính trị Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, DC, nói rằng ông Prabowo “đã làm việc rất chăm chỉ để đổi mới bản thân và minh oan cho quá khứ của mình”.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm rằng, việc có một cựu quân nhân nắm quyền có thể báo hiệu sự quay trở lại những ngày đen tối của chế độ độc tài. “Jokowi vây quanh mình với nhiều tướng lĩnh quân đội và có xu hướng “cổ phần hóa” nhiều vấn đề như đại dịch (COVID-19) nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn với ông Prabowo”, ông Abuza nói.

Chuyên gia này cho rằng ông Prabowo sẽ tìm đến các quân nhân đã nghỉ hưu để mời ra làm cố vấn và thậm chí bổ nhiệm làm quan chức nội các của mình. Nhưng, mối lo ngại lớn hơn là ông ấy sẽ đẩy nhanh sự trở lại của quân đội. Cử tri ở Jakarta nói với Kênh truyền hình CNN rằng kết quả năm nay cũng có thể báo hiệu sự trở lại của “nền chính trị triều đại”.

Laura Schwartz, chuyên gia phân tích cấp cao về Đông Nam Á tại Công ty phân tích rủi ro Verisk Maplecroft, cho biết: “Những lo ngại về nhiệm kỳ tổng thống của ông Prabowo sẽ tập trung vào khả năng gia tăng các hành động phi tự do vì trước đó ông đã chủ trương xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, chấm dứt bầu cử tổng thống trực tiếp và cắt giảm các biện pháp bảo vệ nhân quyền. Những diễn biến như vậy sẽ làm tổn hại đến danh tiếng và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Indonesia”.

Trong 2 nhiệm kỳ của ông Jokowi, kinh tế Indonesia đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và ông sẽ rời nhiệm trong tư thế của một người thành công. Indonesia hiện là nền kinh tế đứng thứ 16 trên thế giới, với quy mô GDP khoảng 1,54 nghìn tỉ USD, còn tính theo PPP thì đứng thứ 7, với 4,72 nghìn tỉ USD.

Xác định rõ mình là người kế thừa di sản của ông Jokowi, ông Prabowo đang có những kế hoạch hành động sẵn sàng cho việc tiếp nối những chính sách kinh tế, xã hội mà ông Jokowi đang triển khai dở dang, một trong số đó là dự án “dời đô” từ Jakarta đến Nusantara dự kiến hoàn tất vào năm 2045. Dự kiến ngày 17/8 tới đây, nhằm ngày Quốc khánh Indonesia, một bộ phận công chức của bộ máy hành chính thủ đô sẽ chuyển đến Nusantara làm việc trước. Việc “dời đô” từ Jakarta đến Nusantara là một dự án lớn của đương kim Tổng thống Jokowi nhưng đã vấp phải sự phản đối từ phía các đảng chính trị đối lập và đây cũng là một trong những đề tài tranh luận gay gắt trong cuộc bầu cử.

An Châu (Tổng hợp)
.
.